Tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước

Trần Quốc Cường Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
22:16, ngày 27-06-2017

TCCSĐT - Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”(1). Đây là định hướng quan trọng của Đảng để Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cấp Hội thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển phụ nữ Việt Nam nói chung và chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ nói riêng.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017 - 2012 (từ ngày 07 đến 09-3-2017) diễn ra trong thời điểm phụ nữ cả nước đang cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua 30 năm đổi mới, quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững, phồn vinh và hạnh phúc. Trong Văn kiện Nghị quyết đã nêu rõ, phấn đấu hỗ trợ thành lập 300 hợp tác xã do phụ nữ quản lý và tăng thêm 1 triệu hội viên trên toàn quốc; bảo đảm không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia hoạt động Hội; 100% cán bộ Hội cấp Trung ương, tỉnh, huyện; 90% trở lên Chủ tịch hội cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội ít nhất 03 lần/nhiệm kỳ; 100% chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ ít nhất 01 lần/nhiệm kỳ. Đây là những chỉ tiêu rất cụ thể mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đặt ra để tiếp tục phát huy sức mạnh, năng lực, vai trò, sự quyết tâm vươn lên tự khẳng định mình của phụ nữ trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Thực tế đã cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thời gian qua có chiều hướng ngày càng tăng. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động nữ tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới; trong khoa học, công nghệ tỷ lệ phụ nữ tham gia chiếm gần 40% và tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Đặc biệt, trong giáo dục, đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ lớn, nhiều người có trình độ cao. Sự trưởng thành của phong trào phụ nữ, những đóng góp xứng đáng của các cấp hội phụ nữ đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Nhiều tập thể, cá nhân nữ được tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng; hàng nghìn chị em được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú; nhà giáo, thầy thuốc nhân dân; nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ đại biểu nữ trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV là 133/496 người đạt 26,8%; Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở nhiều địa phương tỷ lệ phụ nữ trúng cử vượt dự kiến như: Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt 43%; Đại biểu Hội đồng nhân dân quận Cầu Giấy - thành phố Hà Nội, tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt gần 45%.

Trong điều kiện mới của đất nước, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Lực lượng lao động và cán bộ nữ đang được tập hợp, tổ chức, động viên thông qua việc tham gia phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 - CT/TW ngày 15-5-2016 và các cuộc vận động do các cấp, các ngành, các địa phương phát động. Trong các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tài năng, điển hình tiên tiến trong thời kỳ phát triển mới.

Tuy nhiên, trong thời gian một vài năm gần đây, công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng vẫn gặp phải nhiều rào cản, bất cập, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các hoạt động lãnh đạo, quản lý trong nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương như:

Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa đầy đủ, thậm chí quan niệm hoàn toàn sai lệch về bình đẳng giới và công tác phụ nữ; nhiều địa phương, các cấp, các ngành chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ nữ; hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, chưa có một số chính sách đặc thù cho một số đối tượng, nhất là chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ trẻ; công tác cán bộ nữ còn nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, để tăng tỷ lệ phụ nữ trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị. Với vai trò và thiên chức của mình, phụ nữ vẫn luôn đứng trước những đòi hỏi cao và chịu nhiều áp lực.

Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới (Đây là Nghị quyết Đại hội phụ nữ). Tiếp tục thực hiện phương châm: Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%, các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Để tăng tỷ lệ nữ trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ lần thứ XII đã đề ra, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới

Nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thực hiện đề án đào tạo, phát triển cán bộ, công chức nữ hiện nay. Thực tế cho thấy, chất lượng và số lượng của đội ngũ cán bộ, công chức nữ trong các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào trình độ nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Hiện nay, không ít tổ chức, cá nhân có những quan điểm sai lệch, lạc hậu về công tác phát triển cán bộ, công chức nữ trong đơn vị, địa phương mình. Những quan điểm đó tồn tại trong thời gian dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi đường lối, chính sách của Đảng về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nữ. Vì vậy, thay đổi quan điểm và nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân mà trọng tâm là những người đứng đầu các cơ quan đơn vị là đặc biệt cần thiết.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra trong thực hiện công tác cán bộ nữ

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đến sự thành công của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ trong tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội. Vì thế, Đảng phải có chủ trương, chính sách lãnh đạo đúng, phù hợp với đặc điểm của từng thành phần, tầng lớp phụ nữ trong xã hội. Cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, các sở, ban ngành cần có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ bảo đảm số lượng, chất lượng, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng. Để thực hiện được biện pháp này đòi hỏi Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, đổi mới, cán bộ đảng viên phải gương mẫu, nhất là đối với những người trực tiếp tiến hành và phụ trách công tác phụ nữ.

Ba là, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ nữ

Thực tế đã chỉ ra, các khâu trong công tác cán bộ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng, một mặt vừa thể hiện tính dân chủ, mặt khác thể hiện sự lãnh đạo tập trung cao nhất trong Đảng. Đánh giá cán bộ nữ, cần chú ý đánh giá về triển vọng phát triển, khả năng đảm đương nhiệm vụ của cán bộ nữ. Tránh bố trí chỉ vì để bảo đảm cơ cấu mà không quan tâm đến chuyên môn, sở trường làm ảnh hưởng đến chất lượng, khả năng của cán bộ nữ.

Về quy hoạch, cấp ủy không phê duyệt quy hoạch đối với các địa phương, đơn vị chưa bảo đảm tỷ lệ nữ và những nơi đưa cán bộ nữ vào quy hoạch hình thức, không có tính khả thi. Việc đánh giá, rà soát quy hoạch hằng năm cần phải chú ý tỷ lệ cán bộ nữ, kịp thời bổ sung cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cần được đẩy mạnh, trong chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần quan tâm đến cán bộ nữ. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ nữ sau này.

Luân chuyển cán bộ nữ cần được chú trọng. Tạo điều kiện cho cán bộ nữ có trong quy hoạch, được rèn luyện trong thực tiễn, sát cơ sở, bộc lộ tài năng, khắc phục tình trạng khép kín, tạo sự đồng đều về chất lượng cán bộ từng cấp.

Quan tâm đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quan tâm đến cán bộ nữ cần phải có bước chuẩn bị lâu dài từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng.

Xây dựng cơ chế, chính sách đối với cán bộ nữ, bảo đảm cho người phụ nữ có cơ hội ngang bằng với nam giới trong tham chính ở các cấp. Vì vậy, các cấp ủy và chính quyền cần có cơ chế, chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ nữ.

Bốn là, phát huy vai trò của Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ

Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, xây dựng mạng lưới cán bộ nữ từ Trung ương đến địa phương. Chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng Đề án đào tạo dành riêng cho cán bộ nữ. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp cần nghiên cứu, đề xuất về phương hướng, biện pháp để giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan đến phụ nữ; các vấn đề về công tác cán bộ nữ, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ có chất lượng cho Đảng; tham gia có hiệu quả vào công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ ở các cấp.

Năm là, phát huy vai trò của chính chị em phụ nữ

Tự bản thân mỗi cá nhân chị em phụ nữ là động lực lớn để tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội. Nếu bản thân mỗi cá nhân phụ nữ không vượt qua khỏi tự ti, mặc cảm về giới, không chịu khó học tập vươn lên, không dám khẳng định tài năng và sức lực của mình trong lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội thì công tác cán bộ nữ chắc chắn sẽ không thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”(2). Bản thân mỗi phụ nữ cần thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, nghiên cứu chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để bổ sung vào công tác cán bộ nữ cho cấp ủy các cấp. Mạnh dạn ứng cử, đề cử theo luật định để đội ngũ cán bộ nữ luôn được tạo nguồn và bảo đảm tỷ lệ nhất định trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương. Đó là chìa khóa để tăng tỷ lệ nữ trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý theo đúng chủ trương của Đại hội XII của Đảng.

Hội nhập quốc tế càng sâu rộng thì phụ nữ Việt Nam càng chiếm lĩnh được nhiều thuận lợi để phát huy và khẳng định vai trò cũng như năng lực của mình trong lãnh đạo, quản lý đất nước. Mỗi chị em, dù ở cương vị công tác hay làm công việc nào đều cần có sự nỗ lực, phấn đấu học hỏi, nâng cao kiến thức để hoàn thiện mình, biết khắc phục khó khăn để vươn lên khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và ngoài xã hội, phấn đấu đạt được các chuẩn mực của người Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới, đó là: Yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu./.

-------------------------------------

(1) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn khiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 163

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, Tập 11, tr. 493