Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 07 đến ngày 13-11-2016
Hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ trong tình hình mới
Ngày 12-11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị khu vực phía Nam góp ý kiến vào dự thảo Đề án xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, quy trình về công tác cán bộ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, trong xây dựng Đảng thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt, trong đó công tác đánh giá cán bộ là tiền đề, là khâu hết sức quan trọng, làm cơ sở để làm tốt các khâu tiếp theo. Vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình hiện nay.
Đối với sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định về công tác cán bộ, đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết, Ban Tổ chức Trung ương đã nghiên cứu các quy chế, quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ cũng như sơ bộ đánh giá tình hình thực hiện của các địa phương, đơn vị trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Trung ương đã dự thảo theo hướng đổi mới quy trình nhân sự đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ, tiếp tục mở rộng dân chủ trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong từng khâu của công tác cán bộ.
Phương pháp và quy trình đánh giá cán bộ trong dự thảo lần này cơ bản kế thừa nội dung của Quyết định số 286-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế đánh giá cán bộ, công chức. Điểm mới trong Đề án này là đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trước tiên phải đề xuất đánh giá cán bộ cấp dưới trước; cấp dưới đánh giá cấp trên; xin ý kiến các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp và cấp ủy nơi cư trú nhận xét, đánh giá trước khi tập thể cấp ủy, cơ quan đơn vị đánh giá, gửi cấp có thẩm quyền thẩm định và quyết định.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất dự thảo Đề án đưa ra, đồng thời tập trung thảo luận các nội dung về sửa đổi quy trình bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử; xem xét rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; quy trình thẩm định, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ.
Các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề về mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; thực trạng xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chính đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong thời gian qua; quan điểm, nguyên tắc, đề xuất khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ và khung tiêu chí đánh giá cán bộ...
Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 150/2016/NĐ-CP ngày 11-11-2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước; công tác truyền thông về cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu, đề xuất hoặc chủ động nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và quy định có liên quan; nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong cải cách thủ tục hành chính trình cấp có thẩm quyền quyết định; đánh giá và xử lý kết quả rà soát về thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Chính phủ xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ thường trực Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Cũng theo Nghị định 150/2016/NĐ-CP, Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc thực hiện và tổng hợp tình hình, kết quả xây dựng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện hàng năm.
Quản lý, vận hành hệ thống công nghệ thông tin (hệ thống thông tin) phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ trì kết nối liên thông, điều phối, tích hợp, chia sẻ thông tin giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bảo đảm thi nâng ngạch công chức ngày càng thực chất
Kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp tại Học viện Hành chính quốc gia, sáng 12-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thi nâng ngạch công chức, nhất là lên ngạch chuyên viên cao cấp, là một khâu rất quan trọng trong đổi mới công tác cán bộ, công tác công vụ.
Chuyên viên cao cấp là chức danh không chỉ để đãi ngộ, tôn vinh mà còn gắn liền với công tác bố trí cán bộ. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới kỳ thi để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tế cũng như sự quan tâm của xã hội. “Vấn đề xã hội quan tâm kỳ thi có thực chất không hay chỉ là như một bước mang tính hình thức, thủ tục để lên chức, lên lương. Điều này thể hiện ở điều kiện, tiêu chuẩn thi, quá trình ra đề, chấm thi”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh ngay những thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn để có kỳ thi thực chất. Đơn cử việc xét điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học phải quy định cụ thể thi ngoại ngữ, tin học ở cấp nào để bảo đảm thực chất, trung thực, “tránh tình trạng có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng nói không được, đọc không được; có chứng chỉ tin học nhưng lúc nào cũng viết tay”.
Về công tác ra đề, chấm thi, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng thi nâng ngạch công chức tiếp tục đổi mới theo hướng đánh giá cả quá trình trau dồi kiến thức, cống hiến của chuyên viên chứ không chỉ giới hạn những kiến thức ôn theo đề cương, theo sách vở.
“Chúng ta đổi mới để đánh giá sát với quá trình trau dồi kiến thức trong công tác chuyên môn hằng ngày của từng chuyên viên ở những vị trí, công việc khác nhau, không để tình trạng có những người thi rất giỏi nhưng vào vị trí công tác thật thì không phát huy được”, Phó Thủ tướng nói.
Đề cập đến mối quan tâm của xã hội đối với kỷ cương hành chính, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức, Phó Thủ tướng cho rằng cần đặt ra “thước đo”, cách đánh giá cụ thể trong quá trình phấn đấu của mỗi công chức nhằm khắc phục “căn bệnh” thiếu trách nhiệm, vô cảm. Hội đồng thi nâng ngạch công chức cần tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được bởi đây là một khâu rất quan trọng trong đổi mới công tác cán bộ, công tác công vụ.
Đồng Tháp xây dựng chính quyền thân thiện, giải quyết nhanh thủ tục hành chính
Tỉnh Đồng Tháp đã tập trung xây dựng chính quyền thân thiện với 5 mô hình: Mô hình chính quyền tiếp xúc, đối thoại với người dân (còn gọi là mô hình Ngày thứ sáu nghe dân nói ); mô hình cà phê doanh nhân-doanh nghiệp; mô hình gửi thư chúc mừng, chia buồn, thư xin lỗi trong giải quyết thủ tục hành chính; mô hình “ Nụ cười công sở” trong giao tiếp ứng xử của cán bộ, công chức với người dân, tổ chức; mô hình thiết lập và vận dụng những tính năng hữu ích của mạng xã hội vào công tác quản lý hành chính nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhờ cải cách hành chính và xây dựng được chính quyền thân thiện qua đó các quy trình được liên thông, cải cách thủ tục hành chánh rút ngắn thời gian giải quyết cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân; triển khai dịch vụ chuyển phát hồ sơ thủ tục hành chính qua đường bưu chính đến tận nhà dân. Bộ máy được tinh gọn, khắc phục tình trạng bỏ trống hoặc chồng chéo chức năng; công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong cơ quan nhà nước, qua đó UBND tỉnh Đồng Tháp giảm được 30% số cuộc họp. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đến nay tại Đồng Tháp đã có 12 huyện, thị, thành phố và 18 sở ngành tỉnh đã ứng dụng phần mềm một cửa điện tử; điển hình là thành phố Cao Lãnh đã triển khai một cửa điện tử cho 100% xã , phường và năm 2016 tỉnh tiếp tục triển khai phần mềm 1 cửa điện tử cho 30 xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đầu tháng 10-2016 Trung tâm hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động, người dân và doanh nghiệp chỉ cần đến liên hệ, nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết tại 1 đầu mối là Trung tâm Hành chính công của tỉnh thay cho việc nộp hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận "một cửa" của 16 sở thuộc UBND tỉnh như trước đây. Trung tâm còn làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện để phát hiện và đề xuất khắc phục kịp thời các ách tắc, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân. Đây là bước đột phá về cải cách hành chính; góp phần nâng cao nâng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Sau hơn 2 tuần đi vào hoạt động đã nhận trên 2.000 hồ sơ, thủ tục của các tổ chức, cá nhân, trong đó giải quyết đúng hạn và trước hạn gần 100% hồ sơ. Ngoài ra, Trung tâm còn công bố số điện thoại đường dây nóng để tư vấn, hỗ trợ thông tin về các thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết tại đây.
Kết quả năm 2015 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Đồng Tháp xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số cải cách hành chính (PARI) xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Lào Cai hướng đến một nền hành chính phục vụ nhân dân
Thời gian qua, chương trình cải cách hành chính luôn được tỉnh Lào Cai xác định là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015 về xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông... Lào Cai đang nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế hướng đến một nền hành chính phục vụ nhân dân trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, kể từ ngày 17-10-2016, Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai chính thức thực hiện triển khai gửi tin nhắn, thư điện tử về tiến độ thực hiện các công việc UBND tỉnh giao cho cơ quan, đơn vị, địa phương; gửi thông báo về các cuộc họp hỏa tốc, hoãn họp, các nội dung cần triển khai ngay lập tức và công việc khác qua số điện thoại di động của giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và hòm thư điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đây là tính năng mới được tích hợp trong phần mềm theo dõi chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và phần mềm lịch công tác đã được Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai triển khai chính thức tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố từ đầu năm 2016. Theo đó, các cơ quan, địa phương đều được cấp tài khoản để khai thác, sử dụng phần mềm nhắc việc. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao hiển thị trên phần mềm nhắc việc, người trả lời “nhắc việc” (cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, địa phương) thực hiện triển khai các nhiệm vụ được giao. Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, người trả lời “nhắc việc” thực hiện cập nhật nội dung thông tin về tình trạng, kết quả thực hiện nhiệm vụ vào phần mềm nhắc việc.
Phần mềm nhắc việc cho phép Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các công việc UBND tỉnh giao cho các sở, ban, ngành, địa phương một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ; thể hiện tính hiệu lực chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, phần mềm tạo điều kiện cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương theo dõi được quá trình xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị mình, nhất là những việc chưa trả lời, trễ hạn để đôn đốc thực hiện. Hàng tháng Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp những đơn vị địa phương thực hiện chậm tiến độ xử lý ý kiến chỉ đạo từ 2 công việc trở lên để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản phê bình.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách hành chính như Giám đốc các sở, ban, ngành là thành viên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố được phép thực hiện ngay việc đình chỉ công tác đối với cán bộ công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, nhận hối lộ, tham nhũng... sau đó mới tiến hành các trình tự, thủ tục xử lý theo quy định. Người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cải cách hành chính; có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả của các thủ tục hành chính. Ngoài việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm phải thực hiện việc xin lỗi cá nhân, tổ chức theo quy định./.
Chủ tịch Quốc hội dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Bến Tre  (13/11/2016)
Động đất mạnh 7,4 độ Richter làm rung chuyển New Zealand  (13/11/2016)
Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu  (13/11/2016)
Những ý kiến góp ý của kiều bào là nguồn lực quan trọng, là “ngân hàng ý tưởng” quý giá cho Thành phố Hồ Chí Minh  (13/11/2016)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia dọn rác tại hồ Linh Đàm  (13/11/2016)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên