Đồng chí Nguyễn Văn Linh với sự khởi đầu công cuộc đổi mới đất nước
TCCSĐT - Từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước... khởi đầu cho công cuộc đổi mới đất nước ta.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí NguyễnVăn Linh được Trung ương Đảng cử giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1976), đồng chí được bầu lại là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đầu năm 1977, đồng chí được giao một số công tác mới: Trưởng Ban cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương; Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương; Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam;... đến năm 1980. Sau đó, đồng chí được phân công theo dõi thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ ở các tỉnh miền Nam. Và từ tháng 12-1981 đến tháng 6-1986 đồng chí trở về làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Là Bí thư Thành ủy sâu sát cơ sở, thường xuyên khảo nghiệm thực tế, tổng kết, đúc rút những cái mới...; đồng chí Nguyễn Văn Linh - Anh Mười Cúc rất trăn trở trong việc tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao cơ sở, tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh lớn như vậy mà không phát huy được?, thậm chí không “tự nuôi” được mình? Tại sao nông dân miền Bắc đã trải qua 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng không gắn bó với Hợp tác xã - nơi sở hữu tới 95% đất ruộng và các tư liệu sản xuất chủ yếu...
Nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra lối thoát và phát triển, đó là phương châm hành động của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Phải tìm động lực mới, phát huy hết động lực để phát triển. Trước hết là phát triển lực lượng sản xuất, tạo động lực đẩy mạnh đổi mới kinh tế từng bước. Đó là sự nhạy bén của tư duy, là sự khẳng định quan trọng về phương pháp. Đồng chí đã cùng tập thể Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nhiều đợt công tác củng cố tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính quyền các cấp, lấy hiệu quả làm trọng tâm và là thước đo trong quản lý, lãnh đạo. “Hãy trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó!”. Điều đó được đồng chí coi là biện pháp hữu hiệu để tạo ra những chuyển biến tích cực của các cơ sở sản xuất và cả nền kinh tế.
Bởi thế, từ năm 1979, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số mô hình sản xuất mới. Nhờ “tự cởi trói” để “bung ra” nên một số nhà máy, công ty, xí nghiệp đã bước đầu làm ăn có hiệu quả, như các nhà máy: Dệt Thành công, Phong Phú, Phước Long, Thắng Lợi, Bia Sài Gòn, Thuốc lá Sài Gòn… Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa IV và Chỉ thị 100 CT/TW, ngày 13-01-1981, của Ban Bí thư, việc “tự cởi trói” và “tự bung ra” trong các cơ sở sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra mạnh mẽ hơn.
Mở rộng và phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân lao động, đồng thời phải nắm chắc các nguyên tắc và mục tiêu kinh tế của chủ nghĩa xã hội là vấn đề mà đồng chí Bí thư Thành ủy luôn quán triệt. Những mô hình mới, “tự cởi trói” cũng không tránh khỏi những vấp váp; nhưng phải từ thực tiễn mới có thể đi tới nhận thức một cách cụ thể, sâu sắc và khoa học. Đồng chí Nguyễn Văn Linh và Thành ủy đã thảo luận và sớm phát hiện ra sự bất cập, lỗi thời của cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa bao cấp. Yêu cầu cấp thiết là phải tìm ra cơ chế phù hợp để kích thích sản xuất phát triển. Đồng chí đã chỉ đạo thành lập và cũng nhiều lần trực tiếp tham dự sinh hoạt Câu lạc bộ Giám đốc, trao đổi với nhiều nhân sĩ, trí thức. Với thái độ cởi mở, chân tình, đồng chí đã gợi ý để các nhà quản lý, sản xuất - kinh doanh, trí thức trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề bức xúc, tháo gỡ những khó khăn trở ngại trong sản xuất, kinh doanh; kể cả việc tạo điều kiện để gặp gỡ, báo cáo trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Tháng 7-1983, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Bí thư Trung ương Đảng Võ Chí Công vào công tác các tỉnh phía Nam; lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình và những kiến nghị của Thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đề xuất ý kiến cho một số cơ sở sản xuất điển hình, một số chuyên gia được báo cáo trực tiếp về mô hình sản xuất mới, có hiệu quả. Tại các buổi làm việc, đồng chí Bí thư Thành ủy và một số chuyên gia đã trình bày nhiều vấn đề về đổi mới cơ chế quản lý điều hành sản xuất - kinh doanh; trong đó, có cả những vấn đề mà các đồng chí còn đang nung nấu, khảo nghiệm…
Tranh luận, thử nghiệm, kiểm chứng qua thực tiễn, đồng thời biết chờ đợi những kết luận chính thức; dần dần cái mới, khoa học đúng đắn, có hiệu quả được khẳng định; cái lỗi thời, lệch lạc, vấp váp đã được đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ ra để tìm giải pháp khắc phục.
Tháng 8-1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được điều về Trung ương đảm nhận trọng trách Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, khẩn trương chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí tiếp tục nghiên cứu, khảo sát tình hình ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Tháng 10-1986, đồng chí đã cùng Tổng Bí thư Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tham dự Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ X. Tại Đại hội, các đồng chí Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh đã phát biểu và khẳng định một vấn đề chiến lược, có ý nghĩa như một tuyên ngôn: Đổi mới là một tất yếu khách quan. Cũng thời điểm ấy, có thể nói: Đổi mới được coi là vấn đề có ý nghĩa sống còn, đánh dấu sự mở đầu thời kỳ mới trong lịch sử Đảng và cách mạng Việt Nam - Thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư của Đảng và đồng chí trở thành người đứng đầu bộ tham mưu lãnh đạo sự nghiệp đổi mới.
Với trọng trách Tổng Bí thư của Đảng thời kỳ đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng từng bước cụ thể hóa đường lối cách mạng Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng vạch ra theo quan điểm chỉ đạo: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đường lối kinh tế với Ba chương trình lớn là: Lương thực, thực phẩm; Hàng tiêu dùng; Hàng xuất khẩu được gắn với vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm thời đại, năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; đổi mới và phát triển bền vững. Đồng chí nêu rõ: “Chuyển biến toàn bộ sự nghiệp cách mạng theo hướng đổi mới là một quá trình lâu dài. Chúng ta còn phải tiếp tục kiên trì suy nghĩ, tìm tòi, thử nghiệm, từng bước hình thành cái mới một cách tích cực và vững chắc”(1). Tại các Hội nghị Trung ương lần thứ Sáu và lần thứ Bảy (Khóa VI), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: Phải đổi mới toàn diện, nhưng trước hết phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; phải đổi mới từng bước cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới cơ cấu kinh tế với những cách làm, bước đi thích hợp; đồng thời phải đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị. Phải lấy dân làm gốc; thực hiện: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; phải phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa một cách rộng rãi nhưng phải bảo đảm nguyên tắc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Đảng dứt khoát không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; không chấp nhận dân chủ, công khai vô giới hạn, vô chính phủ và coi đây là điều kiện bảo đảm sự ổn định về chính trị, định hướng chính trị và hành động cho cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước trong công cuộc đổi mới.
Tháng 8-1987, trong bài viết “Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bước đổi mới quan trọng” đăng trên Tạp chí “Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội”, đồng chí Nguyễn Văn Linh tiếp tục khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng ta về sự nghiệp đổi mới. Khi công cuộc cải tổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và một số Đảng Cộng sản, Đảng công nhân… Đông Âu đang manh nha những dấu hiệu sai lầm, chệch hướng; ca ngợi nền dân chủ phương Tây, phê phán những yếu kém, khuyết điểm của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực thái quá, mà thực chất là ve vãn các nước phương Tây vì những ý đồ và mục đích khác nhau, vi phạm những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về Đảng cầm quyền,..., những điều này ít nhiều tác động tới tư tưởng, tình cảm một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng; đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thẳng thắn nêu lên những tư tưởng chủ quan, duy ý chí, những sai lầm trong quan điểm, chính sách quản lý kinh tế, vừa giản đơn vừa nóng vội buông lỏng quản lý; không chấp hành các nguyên tắc của Đảng cầm quyền; không nắm vững và điều hành kinh tế đúng các quy luật khách quan… Khẳng định đó là những biểu hiện của tư tưởng tiểu tư sản, vừa tả khuynh vừa hữu khuynh,… đồng chí cho rằng: “Nguyên nhân của mọi nguyên nhân” là ở những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác cán bộ. Vì vậy, đổi mới kinh tế và quản lý kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và chăm lo công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền là nhiệm vụ then chốt.
Trong nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều cuộc họp, trao đổi với các nhà khoa học, các cán bộ lãnh đạo về quản lý kinh tế, và nói rõ: Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta là kiên quyết đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội nhằm phát huy mọi tiềm năng của đất nước, của các tầng lớp nhân dân; phát triển sản xuất đi đôi với củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp; thực hiện phân cấp quản lý nhưng phải có trật tự, có kỷ cương; chính sách kinh tế phải gắn liền, đồng bộ với chính sách xã hội; kích thích các đòn bẩy kinh tế, phát huy cao độ vai trò của khoa học - kỹ thuật và công nghệ.
Thực tiễn cách mạng luôn là bài học thôi thúc Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đồng chí đã ý thức rất cao về cuộc đấu tranh chống những thói hư, tật xấu, tệ quan liêu, trì trệ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng chí quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cách mạng là một cuộc đổi mới nhằm xóa bỏ những cái gì cũ kỹ, lạc hậu, xấu xa; là xây dựng cái mới, tốt đẹp. Từ bài viết đầu tiên ngày 25-5-1987, nhằm định hướng việc phê phán những biểu hiện và việc làm tiêu cực, biểu dương những việc tốt trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, những bài viết với bút danh “NVL” - Nói và Làm - Nói đi đôi với Làm đã nhanh chóng được cả xã hội đồng tình, hưởng ứng.
Từ cuối năm 1990 đến đầu năm 1991, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tập trung công tác chỉ đạo chuẩn bị nội dung Đại hội VII của Đảng. Là Trưởng tiểu ban Dự thảo các văn kiện của Đảng, đồng chí đã có nhiều cuộc thảo luận với các Ủy viên Bộ Chính trị, các chuyên gia về: Dự thảo Báo cáo Chính trị, Báo cáo về Công tác Xây dựng Đảng và Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng; Báo cáo về Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 1991-1995, và đặc biệt là Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và những văn kiện thể hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tầm trí tuệ và những việc làm của người lãnh đạo cao nhất trong Đảng lúc này đã để lại nhiều “ấn tượng sâu đậm” về sự phát huy dân chủ rộng rãi gắn với tập trung và tinh thần trách nhiệm cao trước vận mệnh của Đảng, của đất nước và nhân dân. Chính vì vậy, nội dung các văn kiện đã kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; là kết quả của quá trình nghiên cứu và vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và quan điểm Hồ Chí Minh, là sự tổng kết những bài học qua 5 năm đầu tiên của công cuộc đổi mới, bước đầu chỉ ra những giải pháp, bước đi và những hình thức phù hợp.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các Đảng Cộng sản các nước Đông Âu mất vai trò đảng cầm quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa ở đó tan rã, Liên bang Xô-viết đã đứng bên bờ vực của sự sụp đổ… Việc Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định kiên trì quan điểm đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thể hiện rõ sự vững vàng của Đảng ta. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991), thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: Nhân dân ta, dưới ngọn cờ của Đảng, phát huy cao độ truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, đã chiến đấu hy sinh ròng rã mấy chục năm trời hoàn thành về cơ bản những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đã chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không có lý do gì nay lại rẽ sang con đường khác ngược lại với mục tiêu đã lựa chọn. Đồng chí nhấn mạnh: Nếu có những việc của giai đoạn trước chưa làm xong hoặc chưa làm tốt thì chúng ta tiếp tục giải quyết tốt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy nhân dân ta quyết không chấp nhận con đường nào khác ngoài con đường xã hội chủ nghĩa. Lập trường và sự kiên định đó của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật rõ ràng. Đồng chí nói: Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân. Việc Đảng ta kiên định con đường đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa và trân trọng ghi vào Cương lĩnh, Điều lệ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng” có ý nghĩa hết sức to lớn.
Những quan điểm của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã in đậm công lao và đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Với tư cách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, trong thời gian chuẩn bị tiến tới Đại hội và trước ngày Đại hội khai mạc, biết có nhiều đại biểu đề nghị giới thiệu tiếp tục tham gia lãnh đạo nhiệm kỳ mới, đồng chí đã viết thư đề nghị gửi Trung ương và nói rõ: “Tôi làm cách mạng từ năm 15 tuổi, nay tôi đã 76 tuổi rồi, sức khỏe yếu, huyết áp dao động lớn. Tôi xin rút. Nếu Đại hội quyết định lập Hội đồng Cố vấn, nếu được tín nhiệm, thì tôi xin nhận, nhưng phải nói rõ Hội đồng cố vấn sinh hoạt ra sao. Nếu lại thành Bộ Chính trị cũ chồng chéo lên Bộ Chính trị mới thì tôi sẽ xin không tham gia…”. Khi được Đại hội tín nhiệm cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cùng với các nhà lãnh đạo cách mạng lão thành Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách mà Ban Chấp hành Trung ương đã tín nhiệm và giao phó.
* * *
Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong gần 10 năm làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, là Tổng Bí thư - Cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ VI - 5 năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới; và những năm sau đó, với cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng,... cho thấy những cống hiến và công lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh có ý nghĩa như những viên đá tảng đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới… Công lao và cống hiến ấy, Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận: “Từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước… Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo khôn khéo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”(2)./.
-------------------------------
1. Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, H, 1988, t. 1, tr. 5
2. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Lê Khả Phiêu đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày 29-4-1998
Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2015  (29/06/2015)
Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2015  (29/06/2015)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh  (29/06/2015)
Tìm giải pháp liên kết phát triển du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long  (29/06/2015)
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng  (29/06/2015)
Việt Nam - Israel kỳ vọng nâng kim ngạch thương mại lên 2 tỷ USD  (29/06/2015)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên