Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 15 đến ngày 21-4-2013)
TCCSĐT - Ngày 21-4-2013, Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại In-đô-nê-xi-a đã bế mạc với cam kết hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng cường kết nối khu vực và dành ưu tiên thúc đẩy thực hiện và hoàn thành các mục tiêu “Bô-go”.
1. Chi tiêu quân sự thế giới lần đầu giảm kể từ năm 1998 Việt Nam - EU khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực
Ngày 15-4-2013, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốc-hôm (Stockholm) (SIPRI) cho biết chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2012 đã lần đầu tiên giảm trong hơn 10 năm qua do các biện pháp cắt giảm mạnh ở Mỹ và châu Âu dù các nước như Trung Quốc và Nga vẫn tăng chi tiêu quân sự. Theo SIPRI, tổ chức chuyên nghiên cứu về an ninh quốc tế, vũ trang và giải trừ quân bị, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2012 là 1.750 tỷ USD, giảm 0,5% so với năm 2011. Đây là lần giảm thực tế đầu tiên kể từ năm 1998. Chi tiêu quân sự ở Mỹ, nước chi lớn nhất với ngân sách lớn gấp khoảng 5 lần so với Trung Quốc, giảm 6% và lần đầu tiên ở dưới mức 40% chi tiêu quân sự toàn cầu kể từ khi Liên Xô sụp đổ hơn 20 năm trước. Tại châu Âu, các biện pháp khắc khổ do cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008 đã buộc các thành viên NATO cắt giảm chi tiêu thực tế 10%. Cũng theo SIPRI, chi tiêu quân sự ở Trung Đông và Bắc Phi tăng khoảng 8%. Các đồng minh của phương Tây như A-rập Xê-út và Ô-man chiếm phần lớn mức tăng này trong nỗ lực nhằm chống lại thách thức chiến lược từ I-ran. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Nga tăng 16% trong năm 2012.
2. Tham vấn chính trị cấp cao lần thứ hai giữa Việt Nam và EU
Ngày 15-4-2013, tại Brúc-xen, Bỉ, đã diễn ra Tham vấn chính trị giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Giám đốc điều hành Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) Đa-vít Âu Xu-li-van (David O’Sullivan). Đây là cuộc tham vấn cấp thứ trưởng lần thứ hai theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Tại cuộc Tham vấn, hai bên đã thông báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi bên, kiểm điểm hợp tác Việt Nam - EU trong thời gian qua và trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác Việt Nam - EU trong các lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, di trú, xác định danh mục các nội dung ưu tiên triển khai sớm Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam - EU trong năm 2013. Hai bên cũng trao đổi quan điểm về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, hợp tác ASEAN - EU, hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công, vấn đề biển Đông, nhân quyền, hoạt động gìn giữ hoà bình,... Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
3. Tân Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la công bố các biện pháp kinh tế mới
Ngày 15-4-2013, tân Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolas Maduros) đã công bố quyết định triển khai một loạt các biện pháp và kế hoạch kinh tế nhằm thúc đẩy một cách hiệu quả và rõ rệt những tiến bộ trong các dự án phát triển sản xuất trong nước và thành lập các đặc khu kinh tế đối với nguồn đầu tư công và tư nhân. Nhà lãnh đạo Vê-nê-xu-ê-la cũng đề cập tới việc củng cố các chương trình để tiếp tục giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 6%, tăng cường sản xuất trong nước, đặc biệt là lương thực, đồng thời công bố quyết định tăng lương tối thiểu cho người lao động 20% vào tháng 5 và 10% vào tháng 9 năm nay để tiếp tục củng cố sức tiêu thụ của người dân. Tân tổng thống N. Ma-đu-rô cho biết Chính phủ cũng đã lên kế hoạch để hoàn thiện hệ thống quản lý ngoại tệ, trong đó khoảng 95% nguồn ngoại tệ của nền kinh tế sẽ do Ủy ban Quản lý Ngoại tệ (Cadivi) đóng góp và 5% còn lại sẽ do Hệ thống Quản lý Ngoại tệ Bổ sung (SICAD) hỗ trợ. Ông N. Ma-đu-rô, 51 tuổi, vừa đắc cử chức Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la trong cuộc bầu cử ngày 14-4 vừa qua với 50,66% số phiếu ủng hộ so với 49,07% số cử tri hậu thuẫn ứng cử viên của liên minh đối lập Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) Ên-ri-kê Ca-pri-lết (Henrique Capriles).
4. Tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước Đông Á
Ngày 16-4-2013, tại thủ đô Xơ-un, Hàn Quốc đã diễn ra cuộc họp lãnh đạo các Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản và ASEAN - Trung Quốc nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước khu vực Đông Á. Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã thảo luận các lĩnh vực có thể phối hợp nhằm tiếp tục hỗ trợ hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và ba đối tác đối thoại ở khu vực Đông Á; trao đổi các cách thức và biện pháp tăng cường kết nối ASEAN+ 3. Các bên cũng thảo luận việc xúc tiến các chương trình làm việc chung, trao đổi nhân sự, chia sẻ thông tin, trong đó có vấn đề thể chế hóa hợp tác giữa ba tổ chức được thành lập để thúc đẩy hợp tác với ASEAN, góp phần thực hiện tầm nhìn dài hạn của các nhà lãnh đạo ASEAN+ 3 trong một Cộng đồng Đông Á. Ba trung tâm nói trên là các tổ chức liên chính phủ được thành lập giữa chính phủ các nước thành viên ASEAN với Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc, đồng thời là loại hình hợp tác duy nhất ở dạng này với các đối tác đối thoại của ASEAN.
5. IEA: Nhu cầu sử dụng than đá lấn át nỗ lực phát triển năng lượng xanh
Ngày 17-4-2013, tại Hội nghị các bộ trưởng năng lượng toàn cầu diễn ra ở Ấn Độ, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố Báo cáo đánh giá về tiến trình liên quan năng lượng và biến đổi khí hậu, theo đó thậm chí khi Bắc Mỹ bắt đầu giảm tiêu thụ than đá, nhu cầu nhiệt điện của toàn cầu vẫn tăng 45% trong giai đoạn 2000 - 2010 và sẽ tăng thêm 17% vào năm 2017. Theo IEA, các nhà sản xuất than đá ở Mỹ và Ca-na-đa đang thu lợi từ xu hướng này bằng cách tăng giá xuất khẩu than đến châu Á để bù lại việc kinh doanh trong nước, dẫn đến bùng nổ các cơ sở xuất khẩu than đá ở bờ Tây hai quốc gia Bắc Mỹ này. Riêng khả năng nhiệt điện của Trung Quốc năm 2011 đã tăng thêm 55 GW và nước này hiện chiếm 46% nhu cầu than đá toàn cầu. IEA cảnh báo việc tăng sử dụng than đá để sản xuất điện tại các thị trường tăng trưởng với tốc độ nhanh đang làm xói mòn các nỗ lực kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2oC. IEA cho rằng để lượng khí thải trong tương lai có mức các-bon thấp, thế giới không thể xem than đá là nguồn năng lượng chủ chốt. Bên cạnh đó, các chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa cũng như thông qua các công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải các-bon.
6. ASEAN kiên quyết đấu tranh chống mọi hình thức bạo hành phụ nữ
Ngày 17-4-2013, tại trụ sở chính ở Niu Oóc, Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh”, nhằm xem xét báo cáo thường niên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang. Trong phát biểu đại diện cho 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nêu bật việc các nước ASEAN luôn nỗ lực thiết lập các khung pháp lý, triển khai những chính sách phù hợp với các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm nâng cao hơn nữa địa vị xã hội và phúc lợi đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhằm loại bỏ tất cả các hình thức bạo hành phụ nữ, trong đó có bạo hành tình dục. Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh ba điểm trong lập trường của ASEAN đối với chủ đề được đưa ra thảo luận, đó là loại bỏ tận gốc nguyên nhân của nạn bạo hành tình dục trong xung đột vũ trang thông qua việc thiết lập cơ chế ngăn chặn giải quyết các nguyên nhân gốc rễ; ngăn chặn, loại trừ bạo hành tình dục với phụ nữ cần gắn chặt với bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; và các quốc gia phải có trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn và loại trừ bạo hành tình dục trong xung đột vũ trang, trong khi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc gia thực hiện đầy đủ những trách nhiệm này. Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng APEC tại In-đô-nê-xi-a
7. Nhật Bản: Thâm hụt thương mại kỷ lục trong năm tài khóa 2012
Ngày 18-4-2013, Chính phủ Nhật Bản cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong năm tài khóa 2012 (kết thúc vào tháng 3-2013) ở mức kỷ lục là 8.170 tỷ yên (tương đương hơn 80 tỷ USD). Đây là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1980, thâm hụt thương mại của Nhật Bản ở mức báo động đỏ. Nguyên nhân được cho là do các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc cũng như khủng hoảng nợ công châu Âu đã cản trở hoạt động xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản tăng đáng kể nhằm duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Theo báo cáo sơ do Bộ Tài chính Nhật Bản vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm tài khóa 2012 giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 63.940 tỷ yên. Đây là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do đơn hàng về các loại phương tiện giao thông và máy móc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như thiết bị bán dẫn và các linh kiện điện tử khác xuất khẩu sang châu Âu sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, kim ngạcḥ nhập khẩu tăng 3,4%, lên mức 72.110 tỷ yên trong bối cảnh giá khí hóa lỏng tự nhiên tăng 14,9% và dầu thô tăng 5,3%. Ngoài ra, nhu cầu về nguồn tài nguyên thiên nhiên ở trong nước cũng liên tục gia tăng nhằm bù đắp sự thiếu hụt năng lượng do ảnh hưởng của thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng 3-2011.
8. G-20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm
Ngày 19-4-2013, trong tuyên bố đưa ra sau các cuộc thảo luận bên lề Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), G-20 tái khẳng định cam kết tiếp tục thực hiện các cải cách cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu, vốn đang phục hồi ì ạch sau khủng hoảng, trở lại đúng hướng. Theo tuyên bố của G-20, có nhiều yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó chủ yếu do các chính sách không bền vững của nhiều nước, các khoản nợ công và tư nhân khổng lồ cũng như tình trạng “tái cân bằng không đầy đủ” của nhu cầu toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G-20 cho rằng một trong những biện pháp cần được ưu tiên đó là củng cố hệ thống tài chính và tiền tệ tại Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), qua đó thúc đẩy sự cân bằng tài chính của các hệ thống ngân hàng. G-20 cũng kêu gọi hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Nhật Bản thực hiện những bước đi mạnh mẽ nhằm mở rộng nhu cầu nội địa và nhanh chóng đưa ra các kế hoạch trong trung hạn “đáng tin cậy” để giải quyết vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách. G-20 đồng thời cam kết không cạnh tranh trong lĩnh vực tiền tệ. Tuyên bố nêu rõ G-20 sẽ cố gắng không định giá thấp đồng nội tệ của các nước này nhằm tăng tính cạnh tranh, đồng thời mở cửa thị trường và kiên quyết chống lại các hình thức bảo hộ mậu dịch. G-20 kêu gọi các nước trên thế giới thông qua các tiêu chuẩn về chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng nhằm đối phó với tình trạng gian lận thuế và đánh cắp các bí mật ngân hàng.
9. WB, IMF kêu gọi chấm dứt tình trạng bần cùng vào năm 2030
Ngày 20-4-2013, trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp chung tại Oa-sinh-tơn, Mỹ, Ủy ban Phát triển chung của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bày tỏ tin tưởng rằng thế giới sẽ có cơ hội lịch sử để chấm dứt tình trạng nghèo khổ cùng cực trong một thế hệ nữa. Tuy nhiên, tuyên bố nêu rõ để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, khu vực các nước đang phát triển cần có sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng như nâng tỷ lệ xóa đói giảm nghèo lên mức cao mới ở nhiều nước có thu nhập thấp. Ngoài ra, mục tiêu này cũng đòi hỏi phải vượt qua các thách thức về thể chế, quản lý và đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng suất nông nghiệp. Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch WB Gim Châng Kim (Jim Yong Kim) cho rằng để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ người sống trong cảnh bần cùng (có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày) từ mức 21% của năm 2010 xuống mức 3% vào năm 2030, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cần mạnh hơn nữa, nhất là là tăng trưởng nhanh và bền vững ở khu vực Nam Á và khu vực Nam sa mạc Xa-ha-ra ở châu Phi. Ông Kim nhấn mạnh để đạt được mục tiêu nói trên, các nước cũng phải nâng mức thu nhập của 40% những người nghèo nhất ở mỗi quốc gia, đồng thời kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực xóa đói nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung.
10. Hội nghị Bộ trưởng APEC tại In-đô-nê-xi-a
Ngày 21-4-2013, Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại In-đô-nê-xi-a, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào cuối năm nay, đã bế mạc với cam kết hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng cường kết nối khu vực và dành ưu tiên thúc đẩy thực hiện và hoàn thành các mục tiêu “Bô-go”, đã được các nhà lãnh đạo APEC nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 1994 tại Bô-go. Theo đó, APEC sẽ trở thành một khu vực mở và tự do về thương mại và đầu tư với tất cả các nền kinh tế thành viên vào năm 2020. Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Thương mại In-đô-nê-xi-a Gi-ta Vi-gia-oan (Gita Wirjiwan) cho biết tiếp tục những nỗ lực trong năm 2012, các bộ trưởng APEC đã khẳng định lại tầm quan trọng của thương mại quốc tế để phục hồi kinh tế, tạo việc làm và phát triển. Hội nghị đã nhất trí với các phương thức mà APEC có thể hỗ trợ nhằm bảo đảm thành công cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9, sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm nay tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a; ghi nhận một số sự phát triển hướng tới các cấu trúc thương mại mới như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện khu vực (RCEP) của ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các cuộc đàm phán thương mại ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, cũng như nhiều sáng kiến tiểu khu vực và song phương mới./.
Thủ tướng dự khánh thành Nhà máy sữa hiện đại nhất châu Á  (22/04/2013)
Ngân hàng Nhà nước bác bỏ tin đồn về việc sẽ lưu hành đồng tiền mới  (22/04/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại thành phố Cam Ranh  (22/04/2013)
Nghị quyết Trung ương 4 - Một năm nhìn lại  (22/04/2013)
Ban Nội chính Trung ương làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao  (22/04/2013)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên