Nga đảm nhận cương vị Chủ tịch Nhóm G20

Hoàng Mai
14:48, ngày 05-12-2012
TCCSĐT - Từ ngày 1-12 vừa qua, Nga chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch Nhóm G20 từ Mê-hi-cô cho thời gian một năm và sẽ trao cương vị này cho Ô-xtrây-li-a vào cuối năm tới. 
Sau nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Mê-hi-cô không được thành công cho lắm, Nga đã đề ra chương trình nghị sự rất đồ sộ về nội dung và sáng kiến để tận dụng cơ hội tăng cường ảnh hưởng quốc tế cũng như góp phần thực hiện những mục tiêu phát triển ở trong nước.

Nhóm G20 được thành lập năm 2008, bao gồm 19 nền kinh tế được coi là phát triển nhất trên thế giới và EU, với mục đích thống nhất quan điểm và phối hợp hành động đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên thế giới. Sau thời kỳ đầy hào khí ban đầu, G20 trong hai năm gần đây đã mờ nhạt dần ảnh hưởng và giảm sút vai trò mà nguyên nhân chính là “bàn nhiều nhưng quyết ít” hoặc có quyết nhưng lại không được thực hiện triệt để, nhanh chóng. Tham vọng lớn nên sự nhất trí vẫn chỉ chung chung mà chưa thật cụ thể nên khó khả thi. Vì thế cơ hội và thách thức là như nhau đối với Nga khi đảm nhận trọng trách này.


Trong bài phát biểu trên truyền hình nhân dịp tiếp nhận cương vị chủ tịch của Nhóm, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã nhấn mạnh mục tiêu của Nga là đưa ra một "chương trình nghị sự tích cực và giàu nội dung nhằm giải quyết những vấn đề chung mà tất cả các nước đều quan tâm" cũng như "tận dụng hiệu quả cương vị này để thực hiện những nhiệm vụ quốc gia dài hạn và tăng cường vị thế của Nga trên lĩnh vực điều khiển kinh tế toàn cầu".

Theo ông V.Pu-tin, để thực hiện mục tiêu đó, Nga sẽ tập trung hàng đầu vào việc tạo ra động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, cụ thể là thúc đẩy đầu tư, tăng cường lòng tin vào thị trường và tính minh bạch trên thị trường cũng như điều tiết thật hiệu quả các thị trường. Trên chương trình nghị sự của Nga đương nhiên không thể thiếu các chủ đề nội dung đã được bàn thảo nhiều lần từ lâu nay như bảo đảm cho kinh tế thế giới tăng trưởng bền vững và cân đối, tạo công ăn việc làm, cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ thế giới, điều tiết và kiểm soát thị trường tài chính, an ninh năng lượng trên bình diện toàn cầu, thúc đẩy hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, tăng cường trao đổi mậu dịch đa phương, chống tham nhũng....

Nhìn vào chương trình nghị sự này có thể thấy biểu hiện cách tiếp cận mới của Nga cho hoạt động thực tiễn và định hướng chính sách của G20 là xác định ưu tiên cụ thể và gắn kết việc xử lý những vấn đề kinh tế và tài chính với việc giải quyết các vấn đề xã hội trong khuôn khổ G20. Theo đó, đối phó với khủng hoảng tài chính vẫn là một trong những chuyện được ưu tiên, nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu và duy nhất mà phải dùng thúc đẩy đầu tư, tăng cường trao đổi thương mại và gây dựng tăng trưởng kinh tế bền vững làm nền tảng, môi trường và động lực mới cho việc vượt qua khủng hoảng tài chính.

Nga là thành viên của Nhóm G8 và Nhóm BRICS mà tất cả các thành viên của hai nhóm này đều là thành viên của Nhóm G20. Nga sẽ tận dụng vị thế đặc biệt này để kết hợp và phát huy vai trò của cả G8 lẫn BRICS cho G20. Hiện tại, G20 bao gồm Anh, Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Đức, Ấn Độ, I-ta-li-a, In-đô-nê-xi-a, Ca-na-đa, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mê-xi-cô, Nga, A-rập Xê-út, Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và EU. Tất cả những thành viên này chiếm 90% GDP và 80% khối lượng thương mại của cả thế giới.

Có thể thấy, chương trình nghị sự của Nga cho nhiệm kỳ một năm Chủ tịch G20 đầy tham vọng. Tuy không hẳn không khả thi nhưng cũng sẽ không phải dễ dàng. Nếu thực hiện thành công Nga sẽ tạo dựng được dấu ấn riêng trong G20 và đề cao được vị thế trong G8, BRICS cũng như trên thế giới./.