APEC 20 tạo thêm đà cho sự phát triển bền vững và ổn định kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương
TCCSĐT- Sau “Tuần lễ APEC 20” lần đầu tiên được tổ chức ở Liên bang Nga sôi động với nhiều nội dung hoạt động thiết thực và có hiệu quả, thực hiện phương châm “Liên kết để phát triển, đổi mới vì sự thịnh vượng”, ngày 9-9-2012, lãnh đạo các nền kinh tế châu Á-Thái Bình đã thông qua Tuyên về kết quả Hội nghị khẳng định quyết tâm củng cố và nâng cao sự bền vững và ổn định của các nền kinh tế trong khu vực, bảo đảm an ninh lương thực, áp dụng các biện pháp để giảm bớt sự mất cân đối về tài chính và chống tham nhũng.
Nguyên thủ các nền kinh tế thành viên APEC quyết tâm hợp tác tạo điều kiện để phát triển kinh tế, công nghệ và kỹ thuật trong khu vực. Theo hướng đó, Tuyên bố của APEC nhấn mạnh: "Các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt với nguy cơ đe dọa sự tăng trưởng trong điều kiện sự bất ổn tài chính toàn cầu và khu vực vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Do đó, lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng, nâng cao mức độ ổn định của các nền kinh tế thành viên và đạt được đỉnh cao mới trong sự phát triển khu vực".
|
Lãnh đạo các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Diễn đàn APEC 20 ở Vla-đi-vô-xtôc (Nga) |
Khẳng định danh mục "hàng hóa xanh"
Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định, một thành công lớn của Diễn đàn APEC 20 là xác định được danh mục "hàng hóa xanh". Tuyên bố kết quả Hội nghị nêu rõ: "Quá trình tự do hóa thương mại các hàng hóa và công nghệ thân thiện với môi trường và đầu tư trong sản xuất sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân các nền kinh tế APEC tiếp cận các công nghệ bảo vệ môi trường, góp phần sử dụng các công nghệ đó trong thực tế để cải thiện môi trường; tạo điều kiện xây dựng hệ thống thương mại - đầu tư tự do và mở trong khu vực như đã được khẳng định trong các mục tiêu Bô-go".
Theo hướng đó, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã thống nhất danh mục các hàng hóa và sản phẩm thân thiện với môi trường để đến cuối năm 2015 giảm mức thuế đối với những hàng hóa này xuống còn 5% hoặc thấp hơn, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của các thành viên APEC nhưng không đi ngược lại những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Điều này sẽ góp phần trực tiếp và tích cực nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong danh mục này có tới 56 hạng mục như: sử dụng vật liệu xây dựng làm từ tre; động cơ hơi nước hoạt động từ hơi tái sử dụng; động cơ phản lực tuốc-bin và cánh quạt tuốc-bin, một số bộ phận của động cơ tuốc-bin khí; lò đốt rác thải; lò tuy-nen để nung các vật liệu gốm; máy nghiền nhỏ v.v..
An ninh lương thực
Về chủ đề an ninh lương thực, Tuyên bố kết quả APEC 20 nêu rõ: "Các nền kinh tế APEC có trách nhiệm phát triển sản xuất bền vững và nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp có tính đến các điều kiện thiên nhiên khác nhau trên thế giới; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển thị trường lương thực; nâng cao độ an toàn sản thực phẩm; mở rộng khả năng tiếp cận của các tầng lớp dân cư dễ bị tổn thương đối với lương thực thực phẩm; nâng cao thu nhập của các nông trại. Các thành viên APEC sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm sử dụng hợp lý các hệ thống sinh thái biển, chống mọi hoạt động săn bắt và kinh doanh hải sản bất hợp pháp.
Theo lãnh đạo các nền kinh tế APEC, sự phát triển ổn định trong nông nghiệp là ưu tiên của tất cả các nền kinh tế thành viên. Do đó, cần phải xây dựng các cơ chế thị trường mở để bảo đảm an ninh lương thực, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường sự đầu tư của nhà nước và tư nhân cho nông nghiệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa nhà nước và tư nhân trong hoạt động đầu tư. Lãnh đạo các nền kinh tế APEC thống nhất thỏa thuận hỗ trợ hoạt động có hiệu quả của Diễn đàn hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; tạo điều kiện tiếp tục hợp tác và đối thoại giữa các nền kinh tế nhằm hoàn thiện các hệ thống an toàn thực phẩm trong từng nước và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm cho các tầng lớp dân cư dễ bị tổn thương.
Hỗ trợ phát triển đổi mới các nền kinh tế APEC
Ngày nay, hoạt động đổi mới đang thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Để khuyến khích đầu tư và đổi mới, cần tạo động lực mới đồng thời sử dụng những động lực đó cho các giải pháp công nghệ, tổ chức và các giải pháp khác nhằm liên kết có hiệu quả tiềm năng của tất cả các nền kinh tế thành viên APEC.
Để tiếp tục hoạt động và thúc đẩy sự hợp tác khu vực trong lĩnh vực đổi mới, các thành viên APEC thỏa thuận củng cố và tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở đổi mới trong các nền kinh tế thành viên nhằm tăng cường tiềm năng sáng tạo trong khu vực APEC, tiếp tục hợp tác giữa đại diện của chính phủ với các viện nghiên cứu cũng như giới doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình đổi mới; tổ chức các cuộc gặp và tiếp xúc giữa các nhà tư vấn khoa học hàng đầu của các nền kinh tế APEC nhằm tăng cường mối quan hệ trong lĩnh vực khoa học, đổi mới của các nền kinh tế thành viên.
Cần hỗ trợ phát triển đổi mới bằng cách tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư trên cơ sở sử dụng rộng rãi hơn công nghệ truyền thông - thông tin; tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm khuyến khích chính sách đổi mới định hướng thị trường có hiệu quả; tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư; khuyến khích các hoạt động tạo ra nhiều việc làm và tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, coi đó là nguồn tạo ra sáng kiến đổi mới; ủng hộ các hãng và các doanh nghiệp mới thông qua các cơ chế khác nhau; tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo vào các nền kinh tế đổi mới.
Cùng cố và nâng cao mức độ an ninh năng lượng
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC thỏa thuận sẽ tiến hành phân tích tình trạng hiện nay và triển vọng phát triển thị trường năng lượng trong khu vực nhằm nâng cao tỷ lệ khí thiên nhiên trong cơ cấu nền năng lượng như là một trong những nguồn nhiên liệu phổ biến nhất và sạch trong khu vực; tiến hành đánh giá tiềm năng sản xuất và thương mại cũng như tác động của việc sử dụng các loại khí thiên nhiên khác nhau tới môi trường. Cần tạo điều kiện để đầu tư bền vững vào kết cấu hạ tầng năng lượng, kể cả sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng và coi đó là phương tiện để nâng cao mức độ an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế trong khu vực APEC.
Các nền kinh tế APEC sẽ vẫn tiếp tục sử dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm sử dụng tin cậy và an toàn năng lượng nguyên tử như là một nguồn năng lượng sạch thông qua hoạt động trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và thực tiễn tiên tiến, nâng cao tiêu chuẩn an toàn hạt nhân, cải thiện sự phối hợp cơ chế sẵn sàng và ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Các nước APEC sẽ hợp tác để phát triển công nghệ và xây dựng các hệ thống bảo đảm năng lượng có lượng khí thải thấp, phát triển các nguồn năng lượng tái sinh và năng lượng sinh học. Các nền kinh tế APEC cho rằng tổng mức sử dụng năng lượng của khu vực này đến năm 2035 sẽ giảm xuống 45% so với mức 2005.
Chống tham nhũng
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC khẳng định quyết tâm điều tra các vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng. Kiên quyết truy cứu trách nhiệm những kẻ có hành vi tham nhũng căn cứ vào pháp luật của các quốc gia; không để các quan chức nhà nước đã từng có hành vi tham nhũng tiếp cận các hoạt động dễ mưu lợi trong khuôn khổ các hệ thống tài chính của APEC.
Hiện nay tham nhũng đang phát triển thành một kiểu “môi trường đen”. Do đó, lãnh đạo các nền kinh tế APEC xác định, cần nâng cao tính công khai và minh bạch trong hệ thống quản lý nhà nước đối với nền kinh tế quốc dân; áp dụng các biện pháp hữu hiệu để thu về các khoản tiền thất thóat do tham nhũng phù hợp với hệ thống pháp lý của từng nước.
Các thành viên APEC thỏa thuận, sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các thành viên tham gia thị trường tài chính quốc tế và quốc gia để loại bỏ “các bến đỗ an toàn” cho các khoản tiền thu bất chính do tham nhũng; kiên quyết loại bỏ các quan chức tham nhũng hoặc những người bị dính líu vào hoạt động tham nhũng; tạo điều kiện và hợp tác để trừng phạt những kẻ tham nhũng đã làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài; từ chối những kẻ tham nhũng đến cư trú trong lãnh thổ các nước APEC.
Các thành viên APEC thống nhất hỗ trợ nỗ lực hợp tác, xây dựng các cơ chế chống tham nhũng; duy trì quyền tối cao của pháp luật; tạo sự minh bạch của các hệ thống thuế; tái cơ cấu các hệ thống mua sắm công; phát triển và thúc đẩy các cơ chế có hiệu quả nhằm thu lại vốn của nhà nước bị thất thóat do tham nhũng.
Sự ổn định của Khu vực đồng tiền chung châu Âu
Trong Tuyên bố về kết quả Hội nghị APEC 20, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đi tới kết luận, cuộc khủng hoảng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang kìm hãm tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong những điều kiện như vậy, lãnh đạo các nền kinh tế APEC tuyên bố quyết tâm cùng hợp tác để ổn định tài chính và khôi phục niềm tin.
Hội nghị thượng đỉnh APEC hoan nghênh quyết định mà các lãnh đạo châu Âu đã thông qua, cam kết thi hành mọi biện pháp cần thiết để bảo tồn sự toàn vẹn và ổn định của Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuyên bố nhận định rằng, những biến thiên quá mức của dòng chảy tài chính và chuyển động thiếu trật tự trong tỷ giá hối đoái có tác động tiêu cực đối với sự ổn định kinh tế và tài chính.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga V. Pu-tin tham dự phiên họp kín thứ nhất tại APEC 20 về liên kết kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. |
Tham gia của Việt Nam tại Diễn đàn APEC 20
Theo Bộ trưởng Bộ ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh, Đoàn đại biểu Cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham gia rất tích cực tại các hoạt động, phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Liên bang Nga và các nền kinh tế thành viên, đóng góp vào thành công tốt đẹp của Hội nghị.
Nét nổi bật là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Thủ tướng Nhật Bản được mời phát biểu dẫn đề tại Phiên thảo luận quan trọng của Hội nghị về “An ninh lương thực và tăng trưởng sáng tạo”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Chi-lê cũng được mời phát biểu chính và chủ trì trao đổi với các tập đoàn hàng đầu khu vực về “Nước - nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới” tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 20.
Là quốc gia gắn liền với nền văn minh lúa nước và hiện là một trong những quốc gia cung cấp lương thực chủ yếu trên thế giới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các thách thức toàn cầu liên quan an ninh lương thực và bảo vệ nguồn nước; coi phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực là một nội hàm quan trọng của công cuộc đổi mới và chiến lược phát triển quốc gia.
Hội nghị chuyên đề về “An ninh lương thực và tăng trưởng sáng tạo” của APEC 20 chia sẻ đề xuất của Việt Nam về sự cần thiết phải có cách tiếp cận đa ngành, tổng thể gắn kết chặt chẽ an ninh lương thực với nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn nước, đại dương và các tài nguyên biển. Các thành viên APEC 20 đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường bảo đảm an ninh lương thực và nguồn tài nguyên nước trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.
Một đóng góp nổi bật nữa của Việt Nam là đề xuất nhiều biện pháp tăng cường liên kết kinh tế khu vực, chuỗi cung ứng đáng tin cậy và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, trong đó coi trọng hợp tác ứng phó với thiên tai, an toàn và an ninh hàng hải, và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Việt Nam đề nghị APEC đẩy mạnh hơn phối hợp với các cơ chế liên kết khác ở khu vực, hỗ trợ hợp tác tiểu vùng và kết nối của ASEAN.
Các thành viên Diễn đàn APEC Vla-đi-vô-xtốc đánh giá cao và ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2017, hướng tới kỷ niệm 20 năm chúng ta tham gia Diễn đàn và đánh dấu kỳ Hội nghị cấp cao lần thứ 25 của APEC. Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc đăng cai Hội nghị Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực năm 2014, là một trong các ưu tiên hợp tác của APEC hiện nay. Những đóng góp đó thể hiện sinh động vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết khu vực kinh tế châu Á-Thái Bình Dương./.
Trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa  (11/09/2012)
ASEAN hướng tới kết nối năng lượng xanh nội khối  (11/09/2012)
Hội thảo khu vực châu Á - Thái Bình Dương: “Phát triển chiến lược và chính sách quốc gia về quyền tác giả”  (11/09/2012)
"Thủy điện Sông Tranh 2 đủ điều kiện để vận hành"  (10/09/2012)
“Đảng và Nhà nước luôn chăm lo phát triển khoa học công nghệ”  (10/09/2012)
“Giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật quốc tế”  (10/09/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên