TCCS - Trong mọi giai đoạn của hành trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh luôn kiên trì với đích đến là giảm nghèo bền vững, cuộc sống khá giả, người dân giàu có. Vì vậy, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ để thôi thúc người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Làm thế nào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy của người dân để có thể thoát nghèo bền vững luôn là vấn đề được bàn thảo nhiều nhất trong các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương. Từ thực tế này, Quảng Ninh nhận ra nếu không có nguồn lực đủ mạnh thì vòng luẩn quẩn giữa thoát nghèo và tái nghèo sẽ còn tiếp diễn. Theo đó, từ kinh nghiệm của phong trào OVOP của Nhật Bản, năm 2013, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2013 - 2016 với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh các sản phẩm truyền thống, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội nông thôn. Chương trình được thiết kế để các chủ thể sản xuất (cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ; Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.

Bằng các giải pháp quyết liệt, cụ thể, sáng tạo, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 560 sản phẩm OCOP, trong đó 336 sản phẩm được cấp sao do 219 đơn vị kinh tế sản xuất. Người dân chủ động, tích cực tham gia khai thác, xây dựng, phát triển, quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương, từng bước hình thành hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.

Miến dong Bình Liêu bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023_Nguồn: quangninh.gov.vn

Lấy Quảng Ninh làm hình mẫu, tháng 5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020” (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước. Nhằm thôi thúc ý chí vươn lên của người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND, về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Ngày 16-1-2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 (Đề án 196). Quan điểm xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án 196 là cấp tỉnh chỉ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn; cấp huyện chỉ đạo; cấp xã thực hiện; thôn, bản đồng lòng; người dân là chủ thể, tích cực sản xuất, chủ động vươn lên. Đề án cũng dành mức đầu tư vượt trội với trên 2.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2020, cao hơn 7 lần so với mức bình quân của Trung ương. Nhờ đó, đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu tất cả các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Ngày 17-5-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết được ban hành có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển... Nghị quyết xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn. Đến hết năm 2022 không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới; có trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số có bảo hiểm y tế;  100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình, nghe đài phát thanh quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; trên 95% số người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (trong đó phấn đấu hết năm 2021, xóa vùng lõm sóng điện thoại di động ở các khu vực có dân cư sinh sống thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo. Đến hết năm 2022, có 100% số xã thuộc phạm vi Đề án đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2025, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới… Đến năm 2030, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tối thiểu bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của tỉnh; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1,5%/năm.

Nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND, phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện phương châm chuyển từ “cho không” sang cho vay, từ năm 2021 đến nay, tỉnh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay tại 67 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Qua đó, toàn tỉnh có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 54,4 triệu đồng.

Căn cứ vào thực tiễn địa phương, sau 1 năm triển khai, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 08/2022/NQ-HĐND, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21. Trong đó, nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo không có khả năng lao động ở khu vực nông thôn tối thiểu là 1,5 triệu đồng/người, khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người; nâng mức chuẩn trợ cấp trong cơ sở trợ giúp xã hội từ 500.000 đồng lên 650.000 đồng/người/tháng; bổ sung đối tượng người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động vào đối tượng hưởng trợ giúp xã hội... Ngày 4-11-2022, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý từ ngân sách địa phương dưới hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng. Đây là chính sách quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật cho người dân khu vực này, góp phần bảo đảm an ninh trật tự khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi của tỉnh mang tính bao trùm, hỗ trợ mọi mặt, giải quyết kịp thời nhu cầu của cuộc sống từ bảo hiểm xã hội, tiền ăn cho học sinh tiểu học, dự án phát triển sản xuất… Từ đó, tạo động lực quan trọng giúp người dân thoát nghèo bền vững, nỗ lực vươn lên, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hỗ trợ kịp thời cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục đồng hành cùng hộ mới thoát nghèo.

Để có được thành quả của ngày hôm nay, bên cạnh sự chủ động, cần cù, chịu khó, thì sự hỗ trợ kịp thời bằng những cách làm sáng tạo, chính sách cụ thể, vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo đòn bẩy quan trọng để mỗi người dân thực sự làm chủ trên chính mảnh đất quê hương mình, chung tay xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, kiến tạo những vùng quê đáng sống./.