Hà Nội ứng dụng khoa học - công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh hướng tới phát triển bền vững
TCCS - Để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng thành phố thông minh. Đây cũng là xu hướng phát triển tương lai của nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Tiềm năng và lợi thế
Ngoài vị trí là trung tâm về chính trị, văn hóa, kinh tế, ngoại giao, Thủ đô Hà Nội còn là một trung tâm lớn về khoa học - công nghệ. Thực tế cho thấy, thành phố Hà Nội có tiềm năng, lợi thế rất lớn về khoa học - công nghệ, có trụ sở của hầu hết các tổ chức khoa học - công nghệ, với 65% các nhà khoa học sinh sống tại Thủ đô. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều cách làm hay khi “ươm tạo” thành công các doanh nghiệp khoa học - công nghệ; tận dụng tốt nguồn lực từ các trường đại học, viện nghiên cứu; ban hành nhiều văn bản, chính sách cụ thể để khuyến khích khoa học - công nghệ phát triển... Đội ngũ cán bộ khoa học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khẳng định được vị trí, vai trò hết sức quan trọng, nhiều sản phẩm có giá trị từ việc ứng dụng công nghệ mới ra đời, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo Báo cáo về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, năm 2020 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập. Có được kết quả đó không thể không kể đến những đóng góp to lớn của thành phố Hà Nội. Khoa học - công nghệ đã, đang và sẽ tiếp tục được thành phố Hà Nội đầu tư và phát triển. Mục tiêu của thành phố là lập một mạng lưới, khai thác nguồn lực về trí thức trong và ngoài nước, biến khoa học - công nghệ thành lĩnh vực đột phá chiến lược trong phát triển bền vững của Thủ đô; đồng thời phát triển thị trường khoa học - công nghệ, hệ sinh thái đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và hợp tác phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Những thành tựu nổi bật
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu lớn và toàn diện. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng thành phố thông minh là cơ sở để xây dựng chính quyền điện tử. Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ luôn được chú trọng triển khai, đạt chất lượng và hiệu quả cao. Đến nay, các chương trình khoa học - công nghệ cấp thành phố đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm. Hiệu quả ứng dụng các đề tài, dự án vào thực tiễn ngày càng tăng đã thúc đẩy đổi mới công nghệ và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách về khoa học - công nghệ của thành phố.
Một trong những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô Hà Nội, đó là việc “khớp nối” các nút giao thông, xây dựng và quy hoạch của Hà Nội với các vùng lân cận; quy hoạch và cải tạo các khu chung cư cũ, phát triển tính đa dạng trong không gian kiến trúc Hà Nội xưa và nay; nghiên cứu các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng Thủ đô. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô; các giải pháp để hạn chế các phương tiện giao thông vận tải cá nhân, phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội, xây dựng quy trình đánh giá tác động giao thông đô thị của các dự án phát triển đô thị điển hình trên địa bàn thành phố…
Xây dựng thành phố thông minh là ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị.
Để xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội bắt đầu bằng giao thông thông minh. Hà Nội đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) tại một số tuyến phố, như Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (thuộc quận Hoàn Kiếm) và một số tuyến thuộc quận Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng. Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, Hà Nội có nhiều nghiên cứu đưa ra các giải pháp giúp kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường, áp dụng các công nghệ thích hợp xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, ô nhiễm sông, hồ, ô nhiễm tại các làng nghề và rác thải y tế tại các bệnh viện.
Năm 2007, thành phố Hà Nội mới có 50% cán bộ, công chức có máy tính, trên 60% cơ quan nhà nước kết nối mạng LAN, internet; 84% cơ quan có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, 85% cán bộ, công chức biết sử dụng máy tính, 80% sử dụng thư điện tử; 30/43 sở, ngành, quận, huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản; mạng diện rộng của thành phố kết nối chưa tới 60% sở, ngành, quận, huyện, xã, phường... Đặc biệt, tỉnh Hà Tây (cũ) có nhiều huyện gần như “trắng” về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Trong bối cảnh đó, ngay sau hợp nhất, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, xây dựng và triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn địa bàn. Nhờ cố gắng không ngừng, đến nay, mạng diện rộng thành phố đã kết nối tới 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; 100% sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện có máy chủ quản trị mạng. 100% sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, xã có mạng LAN, internet kết nối tới mọi phòng, ban và đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử; thiết lập hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% cán bộ, công chức để trao đổi công việc…
Việc giải quyết hồ sơ hành chính nhiều lĩnh vực, như xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh luôn được quan tâm cải tiến… Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc của cơ quan, một kết quả nổi bật của thành phố trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính là đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến tới cấp xã để đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Trong xây dựng Chính quyền điện tử, Hà Nội phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin từ thành phố đến cấp huyện và cấp xã phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân và doanh nghiệp. Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.501/1659 thủ tục, đạt 91%; Hà Nội đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ số tại 27 quận, huyện, quét cơ sở dữ liệu nguồn gốc đất đai được 82%...
Hiện, Hà Nội là điểm sáng trong đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin. Hằng năm, thành phố triển khai các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin đúng lộ trình, chuẩn hóa, với nhiều chỉ tiêu cao hơn Chính phủ giao; thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ với những chỉ tiêu chưa đạt. Nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chính quyền điện tử tại thành phố đã cơ bản hình thành, làm cơ sở nền tảng xây dựng thành phố thông minh.
Cần những giải pháp đồng bộ
Một là, giải pháp đầu tiên cần thực hiện chính là con người. Trước hết, người đứng đầu các cơ quan chuyên ngành phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, có sự năng động, sáng tạo và biết tiếp thu ứng dụng công nghệ mới. Xây dựng lực lượng trí thức khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố hiện nay và trong các giai đoạn kế tiếp. Trong đó, có những giải pháp để đầu tư về cơ sở vật chất và con người theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đẩy mạnh đặt hàng nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao chất lượng sống của người dân… Chú trọng cơ chế, môi trường hoạt động khoa học - công nghệ cho trí thức thể hiện và phát huy. Ngoài ra, không thể xem nhẹ vai trò của quản lý, tạo điều kiện để các nhà khoa học chủ động trong nghiên cứu, nhất là về thủ tục tài chính.
Hai là, bằng việc ứng dụng giao thông thông minh, Hà Nội tiếp tục hoàn thành và phát triển các hạng mục, như hệ thống thông tin giao thông tích hợp. Trong đó, hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh cần được cải thiện hơn nữa; tiếp tục triển khai hệ thống phần mềm trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội. Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ triển khai thí điểm các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực thu thập, phân tích dữ liệu giao thông; nhận diện phương tiện vi phạm tự động, tối ưu mạng lưới giao thông thông qua điều khiển đèn; kiểm soát hành khách sử dụng xe buýt; thu phí đường bộ không dừng; vé điện tử dành cho xe buýt hay thu phí dừng, đỗ xe ôtô tự động bằng ứng dụng... Để giải được bài toán ùn tắc giao thông, trước hết cần xử lý được vấn đề quy hoạch nội đô và vấn đề ngập úng. Do đó, cần phải xác định trách nhiệm cụ thể cho từng ngành.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực, có giải pháp khoa học đồng bộ cho các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án trọng điểm của thành phố. Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ công nghệ của các ngành kinh tế, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong một số ngành kinh tế trọng điểm của Thủ đô. Gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ với sản xuất, đời sống và nhu cầu xã hội; góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Bốn là, ứng dụng công nghệ trong giám sát bảo mật, an toàn thông tin của thành phố cần sớm được triển khai. Từ đó hỗ trợ cán bộ, công chức sử dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và xử lý công việc; phòng, chống tội phạm nơi công cộng thông qua phân tích dữ liệu, hỏi - đáp ý kiến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Năm là, nghiên cứu, triển khai, phát triển các ứng dụng cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh. Phần mềm này có thể tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố về trung tâm để xử lý. Việc ứng dụng công nghệ trong xử lý ngập úng rất quan trọng, điều này giúp giải quyết phần nào vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay ở Hà Nội.
Sáu là, để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thành phố Hà Nội cần tiếp tục triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể, như hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.../.
Thành phố Hà Nội tăng cường năng lực xử lý chất thải rắn  (15/10/2021)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá điểm đến du lịch  (10/10/2021)
Báo chí Thủ đô trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19  (09/10/2021)
Nỗ lực vượt khó trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội  (08/10/2021)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên