Ứng phó và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh - tiếp cận từ quản trị an ninh phi truyền thống
TCCS - Ngay từ khi mới xuất hiện và suốt bốn đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên cả nước, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều nguy cơ, do có cả đường biên giới trên bộ, trên biển, cảng hàng không quốc tế và có du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tính cơ động xã hội cao, số lượng người xuất - nhập cảnh lớn. Để bảo đảm an toàn địa bàn, giữ đà tăng trưởng trong “trạng thái bình thường mới”, Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp của Trung ương, của tỉnh theo phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ”.
Nhận diện đại dịch COVID-19 từ mối thách thức an ninh phi truyền thống
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống”(1) và “sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống”(2).
Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống (ANPTT) đã, đang và sẽ trở thành thách thức lớn đối với an ninh và phát triển của cá nhân con người, cộng đồng xã hội, quốc gia - dân tộc và toàn nhân loại. Nếu xem ANPTT là thách thức có nguồn gốc phi quân sự, phi nhà nước, có khả năng lây lan nhanh mang tính xuyên quốc gia, đe dọa đến an ninh con người, sự tồn vong và thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc(3) thì có thể thấy, đại dịch COVID-19 có đầy đủ các đặc trưng, thuộc tính của an ninh phi truyền thống.
Ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố gọi “COVID-19” là “đại dịch toàn cầu”. Tính đến tháng 8-2021, thế giới đã có hơn 220 triệu người mắc COVID-19 và hơn 4 triệu người mắc COVID-19 đã tử vong. Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội trên toàn thế giới, làm cho các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong đó lĩnh vực dịch vụ và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để phòng, chống dịch bệnh, chính phủ tại nhiều quốc gia phải đóng cửa trường học, tạm dừng các hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất,... khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao, phá sản, người lao động mất việc làm và các ngân hàng đối mặt với các món nợ xấu tăng lên. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá đại dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại 22.000 tỷ USD cho GDP thế giới từ năm 2020 đến năm 2025. Ở Việt Nam, từ khi dịch bắt đầu xuất hiện cho đến ngày 21-9-2021, có 695.744 ca nhiễm COVID-19. Dịch bệnh khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều nơi bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch và vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm mạnh, buộc phải cắt giảm lao động hoặc tạm thời ngừng hoạt động. Đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam có đầy đủ các dấu hiệu điển hình của thách thức ANPTT. Đó là:
Về đối tượng: Vi-rút gây bệnh COVID-19 là tác nhân vô hình, phi bạo lực, tự tiến hóa thêm nhiều biến chủng khác nguy hiểm và có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn trên toàn cầu.
Về tính chất, mức độ, mối đe dọa: COVID-19 tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia, dân tộc; đến sức khỏe, sinh mạng, đời sống và sinh hoạt mọi người trên thế giới; vượt ra khỏi biên giới từng quốc gia - dân tộc, trở thành vấn đề toàn cầu, tác động trực tiếp và gián tiếp, để lại những hậu quả nặng nề trước mắt và lâu dài.
Về phạm vi ảnh hưởng: Đại dịch COVID-19 lây lan ra toàn cầu ở hầu hết những nơi có con người cư trú, sinh sống, giao lưu; diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy, buộc các quốc gia phải đóng cửa biên giới để hạn chế sự xâm nhập của dịch bệnh. Mức độ uy hiếp, hủy hoại kinh tế - xã hội càng gia tăng đối với các quốc gia không đủ năng lực ngăn chặn, phòng ngừa.
Về ứng phó đại dịch: Dịch bệnh tấn công tất cả các quốc gia trên thế giới, vì thế cần nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế và trách nhiệm của từng quốc gia để chung tay, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là chia sẻ các thiết bị y tế và vắc-xin phòng ngừa.
Từ góc độ mối đe dọa ANPTT, có thể thấy, trong những năm 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 đã để lại cho thế giới và Việt Nam nhiều hậu quả:
Đối với thế giới: Đại dịch COVID-19 là cú sốc y tế lớn, tác động đến mọi mặt kinh tế thế giới. Tăng trưởng của toàn cầu và của nhiều quốc gia ở mức âm; đầu tư và thương mại toàn cầu suy giảm; sự kỳ thị và phân biệt đối với người gốc Á tăng lên tại một số quốc gia; sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin giữa các nước giàu và nước nghèo khiến dịch bệnh tiếp tục có nguy cơ bùng phát; trẻ em và người yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, gồm cả tác động thể chất và tinh thần.
Đối với Việt Nam: Đại dịch bệnh COVID-19 đã bào mòn thành quả phát triển kinh tế của đất nước và tích lũy tài sản của người dân trong thời gian giãn cách xã hội, đất nước đã phải huy động nhiều nguồn lực để tập trung cho việc phòng, chống dịch trong một thời gian dài. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngắn hạn và dự báo khó hồi phục ngay trong trung hạn. Các trường học phải đóng cửa thời gian dài ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh về tâm lý và kiến thức. Trong dài hạn, thị trường lao động bị mất cân đối, có thể tạo ra một “thế hệ mất mát” đối với những người đến tuổi gia nhập thị trường lao động nhưng không có đủ việc làm. Kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các thách thức của đại dịch COVID-19 từ góc độ ANPTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của quản trị quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
Phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT cần sự tham gia của nhiều chủ thể, huy động các lực lượng, nguồn lực và sử dụng phương thức hoàn toàn khác với ứng phó thách thức an ninh truyền thống. Để bảo đảm phòng ngừa, ứng phó và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, cần phân tích đúng thực trạng, có cách tiếp cận đa ngành, trong đó có tiếp cận quản trị an ninh phi truyền thống và đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa ANPTT bao gồm một loạt các hoạt động can thiệp có thể được tiến hành trước, trong, sau những nguy cơ, mối đe dọa hoặc tác động cụ thể nhằm giảm thiểu những mất mát về người và tài sản, đồng thời thúc đẩy nhanh chóng quá trình hồi phục và phát triển. Đa số các quốc gia trên thế giới quản trị thảm họa ANPTT qua 5 bước: prevention (phòng ngừa), mitigation - adaption (giảm nhẹ - thích ứng), preparedness (sẵn sàng: chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất), response (đối phó), recovery (phục hồi). Thực tiễn phòng, chống COVID-19 của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua có thể rút ra nhiều bài học bổ ích bổ sung vào lý thuyết trên đây.
Thực tiễn và bài học kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19 - một thách thức an ninh phi truyền thống hiểm nguy, mang tính toàn cầu
Ngay khi nhận được các văn bản, chỉ thị, lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trực tiếp là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh Quảng Ninh đã phân tích và đánh giá tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với đặc thù là tỉnh có giao thương biên mậu với Trung Quốc, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp tập trung số lượng lớn người lao động đến từ nhiều địa phương khác nhau, có ngành du lịch phát triển... Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh luôn coi việc không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan và bùng phát trên địa bàn tỉnh là mệnh lệnh sống còn, là nhiệm vụ cấp bách. Mặc dù là địa bàn biên giới, có cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đồng thời là trọng điểm du lịch của đất nước, mức độ giao thương lớn, song tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các ca nhiễm COVID-19 trong đợt dịch đầu tiên và thứ hai được tỉnh phát hiện kịp thời, được điều trị tích cực khỏi bệnh. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ ba từ tháng 1-2021, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 42 ca dương tính trong cộng đồng vào ngày 3-2-2021. Đây là những trường hợp lây nhiễm cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương, có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, xuất hiện nguy cơ cao F1 trong cộng đồng chuyển thành F0 và hình thành ổ dịch mới.
Nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và xuất phát từ thực tiễn, ngay từ đầu năm 2020, để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giữ vững môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, trong điều kiện chưa có vắc-xin đặc trị COVID-19, cùng với việc ban hành nhiều văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh tiếp cận từ quản trị ANPTT, đó là:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Từ kinh nghiệm được tổng kết trong phòng, chống bão lũ, thiên tai qua các năm, Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận thấy cần áp dụng mô hình “3 trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh(4).
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các ngành trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan và phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”.
Huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm kiểm soát không để lây lan dịch bệnh.
Kiên định thực hiện nguyên tắc, phương châm: “Lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “Khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, ngăn chặn, tầm soát, chủ động phát hiện kịp thời, cách ly, khoanh vùng khoa học, dập dịch, xét nghiệm nhanh, không để dịch lây lan ra diện rộng. Nếu không khoanh vùng dập dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở (phạm vi nhỏ nhất có thể) công tác phòng, chống dịch sẽ gặp khó khăn do không đủ nguồn lực để ứng phó khi dịch lan ra trên phạm vi rộng.
Trong huy động và tổ chức lực lượng, phân bổ nguồn lực phòng, chống dịch: Đã huy động, sử dụng các lực lượng quân đội, công an để ứng phó với các thách thức ANPTT, kết hợp với chính quyền cơ sở và người dân tham gia để phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, như: 1- Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp cơ sở chủ trì, phối hợp với tổ tự quản COVID-19 cộng đồng“đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, hỗ trợ các đơn vị chức năng trong kiểm tra, rà soát, truy vết các trường hợp đi về từ vùng dịch không khai báo trung thực, người trốn cách ly, người nhập cảnh và tổ chức nhập cảnh trái phép, người cư trú bất hợp pháp trên địa bàn, các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch; 2- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kết hợp Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Các đơn vị quân đội sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cách ly từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Bộ Y tế và làm nòng cốt quản lý các khu cách ly tập trung; 3- Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể, tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức toàn xã hội để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mình và cộng đồng. Thực hiện tốt “3 trước”,“4 tại chỗ”.
Trong phương pháp tổ chức và bố trí thế trận phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh: Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch gắn với bố trí nhiều tầng, nhiều lớp lực lượng, từ lực lượng nòng cốt đến lực lượng phối hợp và toàn dân, cụ thể: 1- Xây dựng, hoàn thiện kịch bản ứng phó có hiệu quả với từng tình huống cụ thể (xuất hiện ca bệnh, xuất hiện ổ dịch, bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt là trường hợp phát hiện ra nhiều trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh tại khu vực cửa khẩu, trong cộng đồng dân cư thì phải tổ chức khoanh vùng, dập dịch, cách ly triệt để, ngay tại địa bàn); 2- Lấy người dân làm trung tâm, cộng đồng dân cư là pháo đài chống dịch, xây dựng thế trận lòng dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch COVID-19, phát hiện và tố giác người nhập cảnh trái phép, người trốn và người không chấp hành nghiêm cách ly” để bảo đảm giữ vững địa bàn an toàn. Điều tra, truy vết, phân loại, cách ly các F1 tại các khu cách ly tập trung và khi quá tải thì cách ly F1, F2 tại gia đình do cộng đồng dân cư và tổ COVID-19 tự quản giám sát, giúp chia sẻ, giảm tải áp lực cho chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh; 3- Các lực lượng công an phối hợp với các đơn vị chức năng tại từng khu vực có F0 quyết liệt đẩy nhanh tối đa tốc độ truy vết trên diện rộng, lấy mẫu, xét nghiệm không bỏ sót; 4- Củng cố, nâng cao năng lực cách ly tập trung các trường hợp F1, nhất là bên ngoài các cơ sở y tế (cách ly tại chỗ); tổ chức cho lực lượng quân sự, công an, y tế và chính quyền cơ sở tạo thành “binh chủng nòng cốt” trực tiếp tham gia kiểm soát hỗ trợ, giám sát chặt, quản lý nghiêm, tuân thủ đúng quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở cách ly, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo, hình thành ổ dịch, lây lan bên ngoài cộng đồng; 5- Tăng cường năng lực điều trị đối với các tuyến y tế cấp tỉnh, cấp huyện. Thắt chặt các quy định phòng, chống dịch ở các bệnh viện, cơ sở y tế, những nơi điều trị, đặc biệt là cơ sở y tế tư nhân. Nơi nào để xảy ra lây nhiễm chéo, hình thành ổ dịch thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền và xử lý theo quy định của pháp luật; 6- Ban tuyên giáo các cấp, Sở Thông tin - Truyền thông, Trung tâm truyền thông tỉnh chủ động và tích cực tuyên truyền thường xuyên, mạnh mẽ, bài bản về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch, để người dân đề cao cảnh giác, nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch bệnh COVID-19. Mỗi người dân, mỗi gia đình là một chiến sĩ, mỗi cộng đồng dân cư là một pháo đài, có vai trò, vị trí rất quan trọng trong công tác phòng, chống và dập dịch.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, dù đã xuất hiện hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng và ca bệnh xâm nhập, nhưng nhờ chiến lược thần tốc xét nghiệm, truy vết, sử dụng tối đa công nghệ thông tin hỗ trợ, tỉnh Quảng Ninh đã chặn đứng mọi nguồn lây, “khóa chặt ca bệnh”, nhanh chóng “làm sạch địa bàn’’, tuyệt đối không để ca bệnh chuyển hóa thành ổ dịch. Đến nay đã qua trên 80 ngày, tỉnh Quảng Ninh không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, tỉnh cũng đã thần tốc hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 mũi 1 cho 100% người dân trên 18 tuổi có chỉ định tiêm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt mức hai con số trong năm 2021, ổn định đời sống nhân dân.
Từ kết quả phòng, chống dịch bệnh trong đợt bùng phát lần 2, lần 3 và lần 4 ở địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở tiếp cận quản trị an ninh phi truyền thống, có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phải dựa trên cách tiếp cận đa ngành, lấy tiếp cận an ninh phi truyền thống làm chủ đạo - để xác định mục tiêu, đối tượng, tổ chức lực lượng, bố trí nguồn lực, định hình phương pháp ứng phó, kiểm soát dịch phù hợp. Xác định dịch bệnh COVID-19 từ mối đe dọa an ninh phi truyền thống để thấy nó không giống với các dịch bệnh thông thường chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, một nhóm người, một địa bàn, một địa phương hoặc một vùng, mà uy hiếp cả xã hội, cả quốc gia, dân tộc và toàn nhân loại; đe dọa cả y tế, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc gia. Đối tượng phòng, chống ở đây là kẻ thù vô hình, biến thể khôn lường, mà trong lịch sử nhân loại chưa có dịch bệnh nào như thế xét cả về tốc độ lây lan, sức tàn phá, độ hiểm nguy. Vì tốc độ lây lan nhanh, nên phòng, chống dịch chỉ hiệu quả khi cô lập các đối tượng, không để nguy cơ biến thành mối đe dọa, không để ca bệnh biến thành ổ dịch, không để ổ dịch lây lan trong cộng đồng. Thực hiện “mục tiêu kép”, vừa duy trì và phát triển sản xuất, vừa phòng, chống dịch là thách thức lớn đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nhờ nắm vững điều đó và cách tiếp cận từ phương diện quản trị an ninh phi truyền thống đã giúp tỉnh Quảng Ninh vừa ứng phó có hiệu quả dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, giao thương, duy trì đà tăng trưởng.
Hai là, chủ động, lường trước, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ gốc khi dịch bệnh chưa xuất hiện tại địa phương; tích cực chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, tinh thần khẩn trương khi nguy cơ dịch mới chớm xuất hiện. Khẩn trương, kịp thời chuyển đổi trạng thái từ phòng ngừa, ngăn chặn sang tiến công dập dịch khi chỉ mới xuất hiện ca bệnh, không để ca bệnh biến thành ổ dịch, với tinh thần “xét nghiệm phải nhanh nhất, truy vết phải thần tốc và triệt để, không bỏ sót F1, không bỏ sót các mốc dịch tễ F0”, kiên quyết dập tắt dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng, không để biến thành khủng hoảng y tế, đình trệ kinh tế. Phương châm “3 trước” chính là để ngăn chặn dịch bệnh từ xa, từ sớm, chuẩn bị điều kiện và thế trận sẵn sàng chống dịch khi tỉnh Quảng Ninh vẫn là địa bàn an toàn, “vùng xanh”. Điều đó giúp cho mỗi tổ chức và cá nhân luôn nêu cao ý thức cảnh giác; chủ động, sẵn sàng cho mọi khả năng có thể xảy ra trong tương lai, không để bị động, bất ngờ; sẵn sàng chuyển đổi trạng thái ứng phó từ ngăn chặn, phòng ngừa sang tiến công dập dịch khi chỉ mới xuất hiện nguy cơ nhỏ nhất.
Ba là, xây dựng thế trận phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm tính thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo với phát huy tính độc lập tác chiến, xử lý hiệu quả từng nội dung, từng tình huống ở mỗi nơi, mỗi lúc, lấy cộng đồng dân cư làm “pháo đài”. Cộng đồng dân cư được xem là “pháo đài”, bởi khác với các loại an ninh phi truyền thống khác, dịch bệnh COVID-19 xâm nhập qua chính bản thân con người, chỉ có tại địa bàn dân cư mới nắm chắc được số người xuất cư - nhập cư, người quen - người lạ, người từ vùng dịch trở về. Càng cộng đồng nhỏ (gia đình, cụm gia đình, làng xóm) giám sát nhau càng có hiệu quả để phát hiện các trường hợp có khả năng lây nhiễm dịch bệnh, giúp cơ quan chức năng nắm chắc tình hình và sớm đưa đi cách ly đối tượng F0, F1. Phương châm “4 tại chỗ” cũng là cách thức bảo đảm phát huy vai trò của cấp cơ sở, của cộng đồng dân cư trong chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh, thậm chí mang tính quyết định phòng ngừa, ngăn chặn khi dịch còn ở dạng nguy cơ hoặc mới xuất hiện. Điều đó giúp cho từng cộng đồng dân cư, làng xã không trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại, mà luôn chủ động chuẩn bị và trực tiếp xử lý các tình huống phát sinh. Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập được hơn 1.000 tổ tự quản phòng, chống COVID-19 cộng đồng, đây là nền tảng cho an ninh lâu dài tại cơ sở trong ứng phó với ANPTT.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp, lấy người dân làm trung tâm, lấy lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, bao gồm sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của các lực lượng nòng cốt trong phòng, chống đại dịch. Đảng bộ và chính quyền phải chịu trách nhiệm cao trước Trung ương, trước nhân dân, luôn nhạy bén với biến chuyển tình hình để có quyết sách đúng đắn, sáng suốt. Vai trò trung tâm của nhân dân thể hiện trên tất cả mọi mặt hoạt động phòng, chống dịch, từ ý thức phòng ngừa, ngăn chặn, tự giãn cách, tự cách ly, tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, giám sát lẫn nhau, đến đóng góp nguồn lực, tương trợ xã hội, tham gia các tổ tự quản phòng, chống COVID-19, giúp giảm áp lực cho các lực lượng nòng cốt, hình thành nên “thế trận lòng dân” ứng phó với đại dịch. Các lực lượng nòng cốt, gồm cán bộ y tế, quân đội, công an, hệ thống chính trị cơ sở, có vai trò trực tiếp quản lý dân cư tuân thủ đúng quy định phòng ngừa dịch bệnh, truy vết, quản lý người nhập cư, tổ chức cách ly y tế không để lây nhiễm chéo, hình thành ổ dịch, lây lan bên ngoài. Điều cần nhấn mạnh là nhân lực, vật lực thực hiện chức năng bảo đảm an ninh truyền thống như quân đội, công an đã được huy động để kịp thời phục vụ cao độ cho phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống. Lực lượng nòng cốt được phát huy đầy đủ trách nhiệm là cơ sở để huy động sức mạnh toàn xã hội vào phòng, chống dịch, không phân biệt khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân.
Năm là, phương pháp quản trị an ninh phi truyền thống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 phải bảo đảm tính đa dạng, linh hoạt, sáng tạo gắn với lựa chọn chu trình phù hợp. Tính đa dạng của phương pháp thể hiện trong từng trường hợp cụ thể giữa phòng và chống dịch; giữa chuẩn bị, ngăn chặn và dập dịch; giữa sử dụng nguồn lực tại chỗ và nguồn lực hỗ trợ tăng cường; giữa phòng, chống dịch bệnh và duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữa ứng phó dịch bệnh khi chưa có vắc-xin và khi đã tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ nhất định. Tính linh hoạt phản ánh ở các khả năng chuyển đổi trạng thái từ chủ động phòng ngừa sang chủ động dập dịch, sự can thiệp chính sách trước các tình huống ngoài dự báo, gắn với quản trị địa phương trong bối cảnh khủng hoảng y tế... Chu trình quản trị an ninh phi truyền thống, kiểm soát dịch bệnh ở tỉnh Quảng Ninh là: phòng ngừa, ngăn chặn - giảm nhẹ, cứu trợ, phục hồi, thích ứng, tái thiết phát triển. Khi tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ cao trong dân cư, phải chuyển sang giai đoạn thích ứng, mà ở đó bao gồm cả thích nghi và sẵn sàng ứng phó, giảm nhẹ tùy từng trường hợp cụ thể.
Kiên trì thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo cách tiếp cận đa ngành, lấy tiếp cận quản trị an ninh phi truyền thống làm trụ cột
Quản trị quốc gia nói chung, quản trị ANPTT nói riêng có hiệu quả là làm thế nào để các mối đe dọa ANPTT gây tác hại thấp nhất cho con người, cho xã hội và cho quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, thích ứng trước một số mối đe dọa ANPTT là một nội dung, một khâu quan trọng trong quản trị ANPTT. Các vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, bão lũ thất thường, dịch bệnh... cần phải được xây dựng thành kịch bản, phương án của quốc gia và các địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp. Thích ứng ở đây cần được hiểu là chúng ta phải chấp nhận sống, làm việc, sản xuất, kinh doanh trong điều kiện luôn có các mối đe dọa ANPTT và luôn trù liệu các biện pháp để hạn chế thấp nhất sự xâm hại của các mối đe dọa ANPTT. Nói cách khác, đây là “trạng thái bình thường mới” của xã hội, con người trước các mối đe dọa ANPTT.
Từ thực tiễn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, các mối đe dọa ANPTT rất khó dự báo diễn biến và khả năng tác động. Trong dài hạn, để thực hiện được “mục tiêu kép” trong điều kiện dịch bệnh, cần phải bảo đảm:
Thứ nhất, các ban đảng của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, ban thường vụ cấp ủy các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các quy trình phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của vi-rút cô-rô-na với các yêu cầu cao hơn về tốc độ ứng phó và sự quyết liệt, triệt để theo phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ”.
Thứ hai, củng cố cơ chế ứng phó với mọi diễn biến của dịch bệnh theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; phát huy tối đa vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong truy vết nhanh, chính xác, hiệu quả; của lực lượng quân sự trong cách ly tập trung; của lực lượng y tế trong lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị. Siết chặt quản lý toàn tuyến biên giới trên bộ, trên biển; không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép; đồng thời, quản lý xuất cư - nhập cư chặt chẽ, phù hợp với các cấp độ diễn biến dịch bệnh của các khu vực giáp ranh tỉnh bạn, đặc biệt là khu vực có F0, F1; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, phát hiện xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm pháp luật.
Thứ ba, thông qua các hoạt động truyền thông để tăng cường sự đồng thuận của xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch theo phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, khoanh vùng khoa học hợp lý, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Tiếp tục củng cố mô hình cộng đồng tự quản phòng, chống dịch ở từng tổ dân, khu phố nhằm bảo đảm an ninh, an toàn dịch bệnh, gắn với nhân rộng mô hình “Thôn, bản, khu phố không có người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng”. Làm cho mọi người, mọi nhà luôn đề cao cảnh giác, phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, ý thức tự giác, trách nhiệm tự quản, tinh thần cộng đồng của nhân dân, huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, 5T của Bộ Y tế.
Thứ tư, yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương, đơn vị phải luôn nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn bốn nguồn lây nhiễm vào địa bàn, thực hiện phương châm “phòng” hơn “chống”, gồm: đối tượng nhập cảnh trái phép; đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng, nhất là từ các địa phương đang có ca F0, F1 chưa được truy vết thâm nhập vào địa bàn tỉnh; một số hàng hóa được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước, các vùng dịch bệnh.
Thứ năm, căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện các giải pháp “thắt chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong một cách có kiểm soát” phù hợp với các mức độ nguy cơ dịch bệnh cho từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để giữ địa bàn an toàn, ổn định, thực hiện “mục tiêu kép” duy trì sự ổn định của sản xuất, kinh doanh; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt là tại các cửa khẩu, cảng khẩu, cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, chợ, siêu thị, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi trường hợp vi phạm./.
-------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 156, 279
(3) Xem: Tạ Ngọc Tấn, Phạm Thành Dung, Đoàn Minh Huấn (đồng chủ biên): An ninh phi truyền thống - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015, tr. 45 – 49
(4) Xem: Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 30-01-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na (nCoV) gây ra”; Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 28-04-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 29-7-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới”; Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 30-12-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Sửu”; Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 3-2-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay”; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 3-5-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc rất lớn vào kết quả phòng, chống dịch COVID-19  (02/10/2021)
Bảo đảm an toàn giao thông khi nới lỏng giãn cách xã hội  (01/10/2021)
Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong phòng, chống đại dịch COVID-19  (29/09/2021)
Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trong phòng, chống đại dịch COVID-19  (29/09/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên