TCCS - Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã diễn ra từ ngày 11 đến 13-9-2018 tại Hà Nội. Đây là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018 nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Sự thành công của Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 không chỉ khẳng định uy tín bao trùm toàn cầu của nó, mà còn góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua vai trò chủ động và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với ASEAN.

Diễn đàn kinh tế thế giới và sự tham gia, hợp tác của Việt Nam

Được thành lập vào năm 1971 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) là một tổ chức trung lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Đến nay, WEF đã trở thành diễn đàn kinh tế uy tín nhất thế giới, là kênh đối thoại quan trọng của lãnh đạo các chính phủ, các tập đoàn hàng đầu thế giới, mang lại cho các quốc gia cơ hội đầu tư và phát triển, đồng thời tạo ra những cơ hội để các đại biểu trao đổi về những vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.

Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn ở cấp độ toàn cầu và khu vực với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo chính phủ, các doanh nghiệp lớn, các tổ chức xã hội và đông đảo học giả trên khắp thế giới để thảo luận về các vấn đề kinh tế - phát triển và các vấn đề thời sự toàn cầu. Trong số các sự kiện mà WEF tổ chức, hội nghị thường niên WEF được tổ chức vào cuối tháng 1 hằng năm tại thành phố Đa-vốt (Thụy Sĩ) là sự kiện quan trọng nhất. Tại đây, các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia cùng nhau thảo luận về những vấn đề lớn, mang tầm toàn cầu, như xu thế vận động của nền kinh tế thế giới, mô hình tăng trưởng, quản trị nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp... và cùng đưa ra những cam kết tăng cường hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Bên cạnh hội nghị thường niên tại Đa-vốt, hằng năm WEF còn tổ chức một loạt diễn đàn tại các khu vực, như ở Đông Á, Trung Đông, Mỹ La-tinh, châu Phi. Cũng như các hội nghị WEF ở khu vực khác, WEF Đông Á là nơi trao đổi, phân tích và đánh giá về những vấn đề phát triển của khu vực, tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực và giữa các quốc gia Đông Á với các khu vực khác trên thế giới.

Việc WEF quyết định đổi tên WEF Đông Á thành WEF ASEAN (năm 2016) sau khi Cộng đồng ASEAN (AC) được thành lập cho thấy sự coi trọng của Diễn đàn đối với tầm quan trọng của các nước ASEAN. Hội nghị WEF ASEAN là diễn đàn uy tín tại khu vực, là kênh tiếp xúc quan trọng để các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài ASEAN cùng nhìn nhận, đánh giá về những vấn đề kinh tế - phát triển, những vấn đề khu vực và toàn cầu, cùng chia sẻ những ý tưởng, tầm nhìn, các hướng đi và chính sách phù hợp nhằm nâng cao năng lực tự cường và sự phát triển năng động của các nền kinh tế ASEAN, hướng tới sự phát triển đồng đều và bao trùm trong ASEAN.

Những hoạt động hợp tác của Việt Nam với WEF được bắt đầu từ năm 1989, và cho đến nay, WEF vẫn là một diễn đàn quan trọng, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam coi trọng hợp tác với WEF, coi đây là một cơ chế đối thoại quan trọng để quảng bá hình ảnh quốc gia, thúc đẩy các ý tưởng về cải cách và phát triển kinh tế, mở ra các cơ hội lớn trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển đất nước. Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia các hội nghị của WEF, đồng thời có nhiều đóng góp thiết thực, nhiều sáng kiến nổi bật tại Diễn đàn trong suốt gần 30 năm tham gia. Qua các thời kỳ, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF được tổ chức tại Đa-vốt, tích cực tham gia và phối hợp hiệu quả với các nước ASEAN trong việc tổ chức các hội nghị của Diễn đàn tại khu vực. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF ngày càng được tăng cường thực chất và hiệu quả hơn, nội dung hợp tác ngày càng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin... Việc Việt Nam tích cực tham gia và tăng cường hợp tác với WEF góp phần hiện thực hóa, cụ thể hóa chủ trương nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước.

WEF ASEAN giữ một vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại, là một trong những kênh tiếp xúc quan trọng và hiệu quả giúp lãnh đạo và các doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội gặp gỡ các lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực để trao đổi, bàn thảo về những vấn đề kinh tế - phát triển của Việt Nam và khu vực, đưa ra những giải pháp hữu hiệu vượt qua khó khăn, thách thức và gợi mở những định hướng lớn cho quá trình tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam và Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, WEF ASEAN còn góp phần quan trọng giúp Việt Nam mở rộng và tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, đưa các mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất và hiệu quả hơn.

Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng WEF tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á với chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”. Dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Việt Nam, Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã diễn ra 20 phiên họp chính thức với bốn nội dung cơ bản là: vai trò đang lên của châu Á; những rủi ro toàn cầu; lộ trình tăng trưởng xanh của châu Á; năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế châu Á chịu những tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu (2008 - 2009), Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến tại Hội nghị nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới, khôi phục đà tăng trưởng tại châu Á. Những đề xuất, đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước tham gia và sự đánh giá cao của ban lãnh đạo WEF.

Tiếp đó, theo sáng kiến do Việt Nam đề xuất, Hội nghị WEF về khu vực sông Mê Công lần thứ nhất đã được tổ chức tại Hà Nội (năm 2016) và thành công tốt đẹp. Hội nghị này là kênh tiếp xúc quan trọng góp phần tăng cường kết nối, quảng bá khu vực Mê Công với các tập đoàn hàng đầu của thế giới, qua đó mở ra những cơ hội hợp tác mới và tranh thủ nguồn vốn đầu tư bên ngoài khu vực để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển tại khu vực sông Mê Công. Với chủ đề “Phát triển khu vực Mê Công: Đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối”, Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về phát triển và hội nhập của khu vực Mê Công, như tầm nhìn và định hướng phát triển khu vực, huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng khu vực, tạo thuận lợi về thương mại, đầu tư và du lịch, thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển bền vững tại khu vực trong giai đoạn mới.

Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất tại khu vực Đông Nam Á đã ký kết Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công - tư với WEF, hai bên tiếp tục đẩy mạnh triển khai thỏa thuận hợp tác trên sáu lĩnh vực chính, bao gồm kinh tế và xã hội hóa, thương mại và đầu tư qua biên giới, kết cấu hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực, giáo dục và bình đẳng giới. Theo nội dung thỏa thuận hợp tác, WEF sẽ hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0), tận dụng tốt thời cơ và đối phó hiệu quả với các thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp này đặt ra. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia và có những đóng góp thiết thực trong sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của WEF. Việt Nam cũng đã tham gia Ban điều phối Dự án “Tương lai hệ thống sản xuất” của WEF năm 2016 và Nhóm chiến lược khu vực ASEAN năm 2017.

Có thể nói, sau gần ba thập niên tham gia WEF, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên năng động, tích cực và có trách nhiệm, đồng thời là một đối tác tin cậy của Diễn đàn ở khu vực với những đóng góp tích cực, góp phần quan trọng vào thành công và sự phát triển chung của WEF.

Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018: “Hội nghị khu vực thành công nhất”

Hội nghị WEF ASEAN 2018 quy tụ nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia (trong đó có nhiều tập đoàn thuộc tốp 500 tập đoàn hàng đầu thế giới với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và kỹ năng quản lý), các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự.

Trong ba ngày Hội nghị, đã diễn ra khoảng 60 phiên họp, thảo luận chuyên đề được tổ chức tập trung vào năm nhóm nội dung chính, bao gồm: xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; cách tiếp cận mới của doanh nghiệp đối với quản trị toàn cầu và khu vực; những nội dung cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chủ đề của các phiên thảo luận phong phú, thiết thực, đáp ứng yêu cầu của mọi thành phần đại biểu, như triển vọng kinh tế châu Á, an ninh mạng, định hướng năng lực tự cường của khu vực, công sở 4.0,...

Trong phiên khai mạc toàn thể của Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những cơ hội và thách thức của ASEAN trước Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đề xuất những ưu tiên để ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực, nổi bật như xây dựng các quy tắc của ASEAN trong hợp tác chia sẻ dữ liệu, thành lập khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia với mạng lưới vườn ươm của toàn khu vực... Những đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu dự Hội nghị.

Giáo sư C. Sơ-oáp - người sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF đánh giá rằng, WEF ASEAN 2018 là hội nghị khu vực thành công nhất của WEF. Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam có những đóng góp to lớn cho sự thành công chung đó của Diễn đàn. Có thể nêu một số điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, sự chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị WEF ASEAN 2018. Giáo sư C. Sơ-oáp đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa WEF và Việt Nam trong tổ chức sự kiện này. Việt Nam đã chủ động đề xuất ý tưởng, tập trung thảo luận, định hướng chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng AC vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng.

Về nội dung, trên tinh thần xây dựng và hợp tác cùng có lợi, thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018, ngay từ khâu xây dựng nội dung, Việt Nam đã tham khảo ý kiến của các thành viên ASEAN về các nội dung khác nhau và bàn với WEF để đưa vào nội dung thảo luận các chủ đề hay tiểu chủ đề sát với ASEAN, như xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị thông minh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo việc làm trong bối cảnh các nước ASEAN dư thừa lao động... Việc xác định trúng các nội dung mang lại cơ hội để các nước ASEAN chia sẻ với cộng đồng quốc tế và ngược lại cùng tranh thủ ý kiến của cộng đồng quốc tế đánh giá về ASEAN để xây dựng chính sách cho phù hợp. Đồng thời, củng cố, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, nâng cao năng lực tự cường, thích ứng trước những biến động nhanh chóng của thế giới và khu vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Về tổ chức, với tinh thần phát huy hình ảnh không chỉ của Việt Nam nói riêng mà còn của ASEAN nói chung, Việt Nam đã lấy ý kiến chung của các nước ASEAN để tổ chức Hội nghị. Do đó, WEF ASEAN 2018 còn là một ngày hội của các nước ASEAN. Với nỗ lực điều phối của Việt Nam, Hội nghị đã dành không gian riêng để quảng bá các nước ASEAN với nội dung phong phú, hình thức sinh động, thể hiện thông điệp về “ngôi nhà chung AC” đa văn hóa, đa dân tộc, thắm tình đoàn kết, cùng chung tầm nhìn, cùng chung bản sắc. Đây là điểm độc đáo và chưa từng có ở các hội nghị khu vực của WEF trước đây.

Thứ hai, có sự gắn kết chặt chẽ giữa chủ đề chung của ASEAN “tự cường, sáng tạo” với tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp ứng phó, tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam kiến nghị WEF xác định chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Sự thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã nâng tầm, vị thế, sự gắn kết của các nước ASEAN và các nền kinh tế của ASEAN với nhau, tạo nên hình ảnh ASEAN đoàn kết, năng động, tự cường, nâng vị thế ASEAN trong hội nhập quốc tế cũng như tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho sự phát triển của khu vực.

Với Việt Nam, Hội nghị WEF ASEAN 2018 là cơ hội thuận lợi để truyền tải đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng quốc tế thông điệp về chủ trương, chính sách, quyết tâm đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta và hình ảnh về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, chính trị - xã hội ổn định, nền kinh tế Việt Nam năng động, cởi mở, đang phát triển nhanh, một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thông qua Hội nghị WEF ASEAN 2018, các đại biểu nước ngoài tham dự trực tiếp được chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không khí kinh doanh sôi động và hình ảnh về con người Việt Nam hiền hòa, mến khách, cởi mở, năng động, sáng tạo với khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ, sẽ thúc đẩy hợp tác kết nối, kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam với các chương trình hành động, dự án phong phú, đa dạng triển khai các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia sẽ là cơ hội và động lực để các doanh nghiệp Việt Nam dám nghĩ, dám làm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thế giới.

Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã góp phần mở rộng, đưa quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả. Trong thời gian Hội nghị đã diễn ra các cuộc gặp, chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước trong khu vực đến Việt Nam nhằm làm sâu sắc hơn các cặp quan hệ song phương trong ASEAN cũng như tăng cường phối hợp trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.

Việc tổ chức nhiều hoạt động, như Diễn đàn mở về khởi nghiệp sáng tạo, Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Dạ hội Văn hóa Việt Nam, quảng bá quốc gia và quảng bá của một số tỉnh, thành, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh... mang đến những cơ hội để các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tăng cường giao lưu, hợp tác, liên kết với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trong khu vực cũng như trên thế giới để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, công nghệ, du lịch... và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển.

Hội nghị WEF ASEAN 2018 cũng là dịp để Việt Nam làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác, trong đó có các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, quan trọng; qua đó củng cố quan hệ đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Có thể nói, sự thành công của WEF ASEAN 2018 một lần nữa khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới ngày càng được nâng cao, tiếp nối sự thành công của Năm APEC 2017; thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam; đồng thời khẳng định thế và lực mới của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới; thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu. WEF ASEAN 2018 tạo dấu ấn quan trọng của Việt Nam, góp phần đẩy mạnh tiến trình hội nhập của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. /.