TCCS - Dù muốn hay không, chưa bao giờ như hiện nay, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, xét về cả về quy mô, tính chất và chiều sâu của nó, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, phát triển rút ngắn, mang tính lịch sử ngắn hạn, với xung lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong một “thế giới phẳng” và không “phẳng”, v.v., lại đặt ra trước Đảng và dân tộc ta những trọng sự to lớn, nặng nề đầy khó khăn mới mẻ, những thách thức phát triển hay tụt hậu khắc nghiệt chưa từng thấy! Tất cả rất tự nhiên mang tính chỉnh thể, không thể lảng tránh hay từ nan.



Trong rất nhiều công việc lớn của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ mà chúng ta phải giải quyết, nổi bật ba vấn đề rường cột vừa mang tầm chiến lược vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt. Một là, Chiến lược phát triển đất nước. Hai là, Cơ chế vận hành xã hội Việt Nam mang tầm chiến lược. Ba là, Chiến lược kiến tạo và phát triển Con người làm căn bản, trong đó cấp bách là vấn đề Cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược, cấp chiến lược và Chiến lược cán bộ.

Vì vậy, hai vấn đề: đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và chiến lược cán bộ bảo đảm ngang tầm chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược quản trị quốc gia giữ vị trí then chốt của then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đó chính là yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, tối thiểu trong tầm nhìn 2030.

Ở đây, trình bày một khía cạnh của vấn đề thứ nhất: Kiến tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược.

I- Yêu cầu từ công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ

Chúng ta đang sống và hành động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ chuyển hóa khôn lường, đặt ra thách thức hoặc là tụt hậu tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt lên để làm chủ thời cuộc, làm chủ vận mệnh của chính mình, mà một khi dừng lại hoặc đứng im cũng chính là tụt hậu. Và, tụt hậu, nhất là về kinh tế, đó là nguy cơ mà tròn 24 năm trước, tháng 1-1994, Đảng đã tiên lượng và cả dân tộc đang nỗ lực không ngừng suốt gần hai thập kỷ qua.

1- Tầm nhìn chiến lược và định vị chiến lược phát triển Việt Nam

Hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng đắn là, chúng ta phải tự mình hùng mạnh, nếu không tất thất bại; chỉ có tiến lên và phát triển bền vững, khi nhân loại không chờ đợi sự do dự hay chập chờn của bất cứ ai, cuộc cạnh tranh toàn cầu tiềm ẩn “mất còn” càng không chấp nhận bất cứ quốc gia, dân tộc nào làm ngoại lệ. Vì, tụt hậu là đứng ngoài “sân chơi” toàn cầu hóa, nếu không nói là vô hình trung rơi vào lệ thuộc, là rơi vào âm mưu “sân sau” của người khác! Không như thế, chúng ta không định vị được dân tộc mình, đất nước mình, càng khó tìm được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, và càng khó có cơ hội góp phần mình cùng nhân loại xây dựng thế giới. Đó là sứ mệnh quốc gia, là danh dự và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam! Chúng ta đứng trong thế giới, chúng ta phải vì thế giới và cho thế giới!

Vì thế, trong những thập kỷ tới, Việt Nam sẽ và phải trở thành điểm đến nhân văn trong thế giới chỉnh thể, với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, sáng tạo, nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng tin cậy, thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế, phát triển bằng phương thức rút ngắn, với bản lĩnh Việt Nam. Chúng ta phải trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa - một quốc gia kinh tế biển, thương mại, dịch vụ và du lịch thương hiệu Việt, với tấm “căn cước” văn hóa Việt Nam bản sắc, độc đáo và nhân văn. Đó là sự lựa chọn mang tầm chiến lược. Đó cũng là sự định vị chiến lược phát triển của Việt Nam trong thế giới hiện nay.

Nếu không, chúng ta sẽ rất khó vượt lên, rất khó hùng cường, nếu không nói là tụt hậu và bạc nhược.

Đó là Quốc sách phát triển chiến lược Việt Nam!

2- Bảo vệ lợi ích chiến lược đất nước là mục tiêu tối thượng

Trải đã mấy ngàn năm, ông cha ta, qua trăm lần sinh tử, bao giờ cũng quyết lấy lợi ích quốc gia làm mục tiêu tối thượng chiến lược có ý nghĩa bất biến trong mọi hành xử của mình, trước bất cứ ai, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Lịch sử từng cho thấy, làm trái đi là tự rước lấy họa sát thân, nô lệ, nguy cơ bị diệt vong.

Trong thời đại ngày nay, giữa cuộc cạnh tranh mang tầm vóc toàn cầu có ý nghĩa sinh tử, chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập tự do”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của người Việt Nam, hợp với lẽ tự nhiên toàn cầu, là bản lĩnh sống chết như máu thịt của mình. Giang sơn, xã tắc nghìn năm mà ông cha ta giao lại, quyết không để mất một tấc, quyết không để rơi vào tay ngoại bang. Vị thế dân tộc Việt Nam ta mấy ngàn năm nối đời gây dựng, dù phải hiến tới giọt máu cuối cùng vì nền độc lập tự do vô giá Tổ quốc... cũng không thể để bị chà đạp, không thể bị cướp mất. Không còn độc lập tự do, thì quốc gia - dân tộc Việt Nam ta sẽ không còn gì cả, và mỗi người Việt Nam ta sẽ không có gì cả, trở nên vô nghĩa! Một dân tộc đã đi qua hàng trăm cuộc chiến tranh chống xâm lăng, ở mọi quy mô, đến từ các châu lục..., thì điều tối thiểu đó đã đủ nói lên cái giá máu xương của nền độc lập tự do Tổ quốc mà dân tộc ta nối đời nghìn thế hệ giành lại và giữ gìn! Không thể bị xúc phạm và xâm phạm.

Vì nền độc lập tự do và lợi ích vô giá của dân tộc, trong cuộc hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, thời cơ phát triển rất nhiều nhưng nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc cũng càng không ít, chúng ta càng quyết không ảo tưởng về mình và về bất cứ ai; không lóa mắt trước những lợi ích nhất thời, nhỏ hẹp, cục bộ vô hình xâm hại lợi ích quốc gia; càng không thể mất cảnh giác trước giặc ngoại xâm và nội xâm! Bởi, chưa bao giờ như bây giờ, lịch sử dân tộc càng cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền tự quyết dân tộc xã hội chủ nghĩa vô giá! Lợi ích đó không thể bị diệt vong bởi nạn ngoại xâm và càng không thể bị tiêu vong bởi nạn nội xâm.

Làm trái thế, là vong thân, là hại quốc, là phụ lại lòng tin và sự ủy thác của đồng bào!

Đó là Quốc thể Việt Nam!

3- Hội nhập quốc tế trên nền móng giữ gìn và nâng niu hòa hiếu bốn bể làm phương lược hành xử chân thành, vì hòa bình thế giới

Trong lịch sử mấy ngàn năm, dân tộc ta đã đối mặt và chiến thắng trong hàng trăm cuộc chiến tranh vệ quốc. Có lẽ hiếm có quốc gia dân tộc nào trên hoàn cầu lại gánh chịu thương đau chất chồng và nặng nề như thế! Vì thế, suốt lịch sử của mình, toàn thể dân tộc chúng ta hiểu cái giá của hòa bình, của độc lập tự do, và nối đời xây đắp mối hữu nghị lân bang hay bảo vệ bằng mọi giá tình hòa hiếu với các dân tộc khắp bốn bể năm châu, nhưng quyết không mơ hồ hay càng không ảo tưởng về thứ ảo giác nào đó mà buông lơi quyền bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng vô giá, càng không run sợ trước bất cứ sức ép hay sự đe dọa nào của bất cứ ai, từ bất cứ phía nào.

Giặc xâm lăng bại trận, ông cha ta cấp lương cho ăn, cấp ngựa cho cưỡi, cấp thuyền cho mà về nước! Hài cốt những xâm lăng vùi trong đất Việt, chúng ta cùng tìm kiếm kỳ công suốt mấy chục năm nay, để gửi từng nắm tro, trao trả mỗi thân xác về nơi cắt rốn chôn nhau của họ! Hỏi ở nơi đâu và đã mấy ai làm như thế bao giờ? Vì, chiến tranh chống xâm lăng kết thúc, không gì cao quý hơn, khi “ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức”, như Nguyễn Trãi từng đau đáu! Vì, “Còn non, còn nước, còn người”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khát khao, tin tưởng! Tất cả tấm lòng trước sau hòa hiếu đều vì nền độc lập, tự do của đất nước, vì “non sông ngàn thuở vững âu vàng”; vì hạnh phúc của Nhân dân, vì nền hòa bình thế giới, chứ không bởi lý do nào khác vu vơ!

Chúng ta yêu hoa hồng nhưng dân tộc Việt Nam không ngần ngại buộc phải tự vệ để bảo vệ hòa bình đất nước và sự toàn vẹn lãnh thổ của chính mình, vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam, vì khát vọng bốn bể bình yên của thế giới loài người! Vì đó là quyền tự quyết và tự vệ chính đáng Việt Nam, của bất cứ quốc gia, dân tộc nào khát khao độc lập tự do và yêu mến hòa bình! Vì chúng ta là Con Lạc cháu Hồng, một phần hữu cơ của nhân loại tiến bộ! Vì, đó là những quyền cơ bản thiêng liêng của đất nước, của con người dù ở nơi đâu trên mặt địa cầu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc! Chúng ta tựa lưng vào sức mạnh lịch sử mấy ngàn năm, trên nền tảng Lòng dân, quyết bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, gìn giữ nền độc lập và hòa bình vô giá và nâng niu vô điều kiện khát vọng thiêng liêng “tắt muôn đời chiến tranh” của ông cha ta! Và, đó là khát vọng, là lẽ sống của toàn thể đồng bào nước Việt! Đó là bản lĩnh Việt Nam!

Trên lộ trình, trong từng bước đi hội nhập quốc tế hôm nay, với tâm thế và hoài bão ấy, Việt Nam đến với bạn bè bốn phương mà tất thảy ai đều thấy, và mong bạn bè bốn phương đã, đang và sẽ tới Việt Nam đều trân trọng điều giản dị ấy! Thành quả đó là sự nỗ lực của đồng bào ta dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dưới ngọn cờ của Đảng, và sự ủng hộ của toàn thể bạn bè quốc tế khắp bốn bể năm châu! Hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh đặt mối quan hệ ngoại giao với chúng ta!

Đó là Quốc tín Việt Nam

4- Phát triển xã hội chủ nghĩa - cương lĩnh phát triển bất biến

Đó là mục tiêu chiến lược phát triển của Việt Nam. Nó khác với với mục tiêu của chiến lược.

Hơn 31 năm đổi mới, dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, đất nước đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, dân tộc ta tiến những bước dài quan trọng trong lịch sử nước nhà. Và, khi nhìn nhận công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam, bạn bè quốc tế cũng chia sẻ: “Các đồng chí cộng sản Việt Nam kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã đạt được những thành tích to lớn về mọi mặt”(1), “Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Việt Nam đã khiến quốc gia này thành nước có sức ảnh hưởng lớn nhất tại bán đảo Đông Dương”(2). Dưới nhan đề bài “Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của cả loài người”, dư luận quốc tế xác tín: “Việt Nam đang thực hiện một quá trình đổi mới đầy sáng tạo nhằm đưa chủ nghĩa xã hội thích ứng với hoàn cảnh mới, với điều kiện lịch sử và bối cảnh quốc tế mới. Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới nhưng vẫn giữ được những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”(3). Và, “Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội đang trở nên sinh động ở Việt Nam hôm nay”(4).

Đó là mục tiêu chiến lược hiện thực.

Mục tiêu của chiến lược phát triển là: Xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiến tạo một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát triển một nền văn hóa và con người Việt Nam ngang tầm thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa vì một thế giới hòa bình và thịnh vượng,... dưới ngọn cờ của Đảng là quy luật phát triển, là nhu cầu tất yếu của đất nước ta trong thời đại ngày nay, mà dân tộc ta đã, đang và nỗ lực thực hiện không thể lay chuyển, dù thời thế có vần xoay bất định thế nào!

Hơn bất cứ một ai khác, một lực lượng nào, Đảng đang đi tiền phong thực hiện sứ mệnh lịch sử, mục tiêu cao cả đó một cách kiên định như tròn 88 năm trước, khi Đảng vừa ra đời, đã gánh lấy trọng trách lãnh đạo dân tộc Việt Nam phá bỏ gông xiềng nô lệ, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Vì, sứ mệnh lịch sử dân tộc ấy đã trao cho Đảng gánh vác, “đứng mũi chịu sào” trước dân tộc; và đồng bào đã tin cậy Đảng, trước sau ủng hộ “đứa con nòi” của mình! Để đáp lại sự gửi gắm tin cậy đó, Đảng không ngừng chủ động nỗ lực sửa mình, để tiếp tục hoàn thành trọng trách to lớn và thiêng liêng ấy! Và, Nhà nước ta, khi mới sinh ra đã tự nhiên là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; cuống nhau, dòng máu Nhà nước thuộc về Nhân dân! Đảng và Nhà nước đều là “đày tớ”, là “công bộc” của Nhân dân!

Đó là Quốc chính xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

II- Để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược ngang tầm trọng trách của công cuộc đổi mới

Toàn bộ những yêu cầu đó đòi hỏi phải kiến tạo cho kỳ được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trực tiếp là cấp chiến lược ngang tầm sứ mệnh dẫn dắt quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa ngày càng vận động đa dạng, phức tạp khôn lường hiện nay và tương lai. Nói cách khác, việc kiến tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, ở đây, là cấp chiến lược, cần được xây dựng về chất lượng và số lượng đáp ứng những trọng trách đó.

1- Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược: Nhận diện, vị thế, vai trò, tố chất

Đối với mọi quốc gia và nước ta, người đứng đầu quốc gia và các cấp có vị thế có vai trò hết sức quan trọng, thậm chí quyết định sự phát triển hay suy vong của cả quốc gia, tổ chức. “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”(5). V. I. Lê-nin viết như vậy. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo”(6). Đảng ta viết: “... Đòi hỏi cao đối với cán bộ lãnh đạo, nhất là các đồng chí giữ cương vị trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bộ trưởng, người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị và các cán bộ lãnh đạo khác phải tự giác rèn luyện, nêu gương cho cấp dưới về sự giác ngộ chính trị, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, sự hy sinh phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân”(7). “Quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu...”(8).

Rõ ràng, lịch sử nhân loại như thế, và dân tộc ta mấy ngàn năm cũng vậy. Do đó, hiện nay, việc kiến tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung, cấp chiến lược nói riêng,... là một trong những việc căn bản của Đảng ta. Đây là mục tiêu của chiến lược cán bộ.

1.1- Về vấn đề chiến lược và công tác lãnh đạo, quản lý tầm chiến lược

- Vấn đề chiến lược: Thuật ngữ chiến lược có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với hai từ “stratos” (quân đội, đoàn) và “agos” (lãnh đạo, điều khiển). Thông thường, chiến lược là khoa học và nghệ thuật chỉ huy quân sự được ứng dụng để lập kế hoạch tổng thể và tiến hành những phương diện, lĩnh vực có quy mô lớn. Theo nghĩa đó, có thể nói, chiến lược là một bản phác thảo tương lai bao gồm các mục tiêu phải đạt được cũng như các phương tiện cần thiết để thực hiện các mục tiêu được hoạch định.

Có thể nói khái quát về sứ mệnh của chiến lược: rằng, đó là một ý tưởng lớn để đạt được một mục tiêu lớn; rằng, một ý tưởng lớn đi lên và là sự tổng hòa từ hàng nghìn ý tưởng nhỏ; và, rằng, một mục tiêu lớn khó đạt nếu không tích lũy từng bước một từ các mục tiêu nhỏ. Tuy nhiên, nếu xem từng ý tưởng nhỏ, từng mục tiêu nhỏ đều là chiến lược lại là một nhầm lẫn không nên. Vì, nếu hành động chỉ vì từng hoạt động đơn lẻ thì khó có cách nhìn và hành động toàn cục. Không nhìn được mục tiêu chiến lược thì cho dù thành công ở một thời gian, lĩnh vực có ý nghĩa sách lược, chiến thuật cũng rất khó bảo đảm sự thành công mang tầm chiến lược, càng không thể nói tới việc kết thúc thành công chiến lược. Thực thi chiến lược thế nào lại tùy thuộc vào xác định mục tiêu của chiến lược, ở từng thời đoạn, từng không gian cụ thể.

Do đó, một cách tự nhiên, liên quan tới vấn đề chiến lược là vấn đề chiến thuật. Nói một cách hình ảnh, chiến lược mà thiếu chiến thuật chẳng khác nào một con tàu có thuyền trưởng giỏi, nhưng lại không có đội thủy thủ giỏi. Ngược lại, một con tàu có nhiều thủy thủ thiện chiến, nhưng thiếu người chỉ huy dẫn dắt và kết quả là gây ra sự hỗn loạn. Thua một trận đấu nhưng thắng cả một cuộc chiến, đó chính là chiến lược. Nghĩa là cần hướng tới kết quả toàn cục. Thắng bằng được một trận đấu, nhưng để thua các trận tiếp theo và thua cả cuộc chiến thì chỉ là tư duy mang tính chiến thuật, kết quả giành được chỉ là trước mắt. Đó chính là mối quan hệ giữa chiến lược và chiến thuật. Rộng hơn là vấn đề mục tiêu chiến lược và mục tiêu của chiến lược.

Từ quan niệm đó, mục tiêu của sự nhận diện cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là phân định và khu biệt về cấp độ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tổng thể đội ngũ cán bộ; là sự định vị khác biệt về vị thế, quy mô, tầm ảnh hưởng của đội ngũ; là sự định lượng về độ dài thời gian; và là sự định tính về công việc riêng trong định chế các quyết sách (decision), xét từ mục tiêu chiến lược phát triển tổng thể quốc gia, của đội ngũ này so với các loại cán bộ khác (cấp sách lược, chiến thuật và cụ thể), để điều hành tổng thể bộ máy và tổ chức của mình đi đến thành công cuối cùng mang tầm chiến lược. Nói cụ thể, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là đội ngũ được quản lý, đo lường và định lượng theo nhiệm kỳ (về thời gian) trong thực thi chiến lược tổng thể.

Đội ngũ này thống nhất chứ không đồng nhất với đội ngũ cán bộ chiến lược (hay chiến lược gia), tôi sẽ bàn ở phần cuối.

- Công tác lãnh đạo, quản lý mang tầm chiến lược: Xét một cách tổng thể, toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với xã hội, tôi nhấn mạnh ở đây chỉ riêng đối với xã hội, có thể hình dung gồm ba nhóm công việc chính yếu: 1- Hoạch định đường lối chính trị (đối với Đảng) và chính sách, pháp luật đúng đắn (đối với Nhà nước) nhằm phát triển đất nước không ngừng, 2- Tổ chức thực tiễn hiệu quả đường lối chính trị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, 3- Kiểm tra, thanh tra toàn bộ việc thực hiện đường lối chính trị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đó cũng chính là những lĩnh vực, là môi trường, là thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Về bản chất, sự lãnh đạo là một khái niệm rộng hơn sự quản lý. Sự lãnh đạo xuất hiện bất kỳ khi nào một người hoặc tổ chức cố gắng để tác động hoặc chi phối hành vi của một cá nhân, một nhóm người hay rộng hơn là đất nước, bất kể điều kiện, hoàn cảnh nào. Sự quản lý, đó là quá trình làm việc cùng với và thông qua các cá nhân, các nhóm xã hội và những nguồn lực khác (như thiết bị, vốn, công nghệ...) để đạt được những mục đích của tổ chức. Về sự lãnh đạo, cũng có thể vì mục tiêu của chính người lãnh đạo hoặc những mục tiêu của ban lãnh đạo hoặc những mục tiêu của đối tượng hoặc nhóm đối tượng, và những mục tiêu này cũng có thể “đồng dạng” hoặc không “đồng dạng” với mục tiêu của tổ chức. Còn sự quản lý? Nó được áp dụng cho các tổ chức (dù đó là doanh nghiệp, cơ quan giáo dục hay tổ chức chính trị, quân đội,...); và để thành công, các tổ chức này đòi hỏi những nhà quản lý phải có những kỹ năng giữa cá nhân con người với nhau. Do đó, sự khác nhau quan trọng giữa hai khái niệm lãnh đạo và quản lý là ở chỗ nằm ở mục tiêu của tổ chức. Song, xét theo một ý nghĩa nào đó, sự quản lý là một loại hình lãnh đạo chuyên biệt, trong đó việc đạt được những mục tiêu của tổ chức có ý nghĩa quan trọng nhất. Nói cách khác, việc đạt được các mục tiêu của tổ chức thể hiện và thông qua sự lãnh đạo chính là sự quản lý. Theo đó, mỗi người trong tổ chức đều là một nhà quản lý trong một số hoạt động nhất định.

Diễn đạt một cách khái quát có tính hình tượng, nếu những nhà lãnh đạo chế ngự hoàn cảnh - những ngoại vi không ổn định, bất thường, mơ hồ và đôi khi có vẻ chúng chống lại, thậm chí hạ gục chúng ta, nếu chúng ta lơ là - thì những nhà quản lý lại phục tùng hoàn cảnh. Nếu nhà quản lý trông nom thì một nhà lãnh đạo đổi mới. Nếu nhà quản lý là một bản phô-tô-cóp-pi thì nhà lãnh đạo là bản gốc. Nếu nhà quản lý làm nhiệm vụ duy trì thì nhà lãnh đạo có trọng trách phát triển. Nếu nhà quản lý tập trung vào hệ thống và cấu trúc thì nhà lãnh đạo tập trung vào con người. Nếu nhà lãnh đạo xây dựng lòng tin thì nhà quản lý nặng về kiểm soát. Nếu nhà quản lý có tầm nhìn ngắn hạn thì nhà lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn. Nếu nhà quản lý đòi hỏi như thế nào và khi nào thì nhà lãnh đạo đòi hỏi cái gì và tại sao. Nhà quản lý nhìn tới dòng cuối cùng thì nhà lãnh đạo nhìn tới tận chân trời. Nếu nhà quản lý cần sự noi gương và làm theo thì nhà lãnh đạo phải cần sự bắt đầu và sáng tạo. Nếu nhà quản lý chấp nhận nguyên trạng thì nhà lãnh đạo thách thức nó. Nếu nhà quản lý làm mọi điều theo cách đúng thì những nhà lãnh đạo cần làm những điều đúng...

Xuất phát từ đây, tiếp tục lựa chọn, xây dựng từng loại cán bộ để thực thi chức năng và nhiệm vụ đó một cách phù hợp trong tổng thể thực thi mục tiêu phát triển chiến lược quốc gia. Đó chính là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

1.2- Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược: Nhận diện, những tố chất cần và đủ

Theo đó, có thể hình dung và phân loại, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược gồm những người lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng... theo mỗi nhiệm kỳ.

Với quan niệm đó, đội ngũ này, hiện nay, có khoảng 600 người. Đây là đội ngũ nắm giữ trọng trách trong toàn bộ bộ máy của hệ thống chính trị, trên tất cả các phương diện của đời sống kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của quốc gia. Nói một cách hình ảnh, đây là những “người gác đền” của “ngôi đền thiêng liêng” của Đảng, của quốc gia. Xin được nhắc lại, đội ngũ này khác với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược. Vấn đề này cũng như vấn đề mục tiêu chiến lược khác với mục tiêu của chiến lược, như đã nói ở trên.

Vì vậy, dù làm công tác lãnh đạo hay quản lý, người cán bộ cấp chiến lược phải thể hiện mình trước hết tối thiểu là: 1- Người có tầm nhìn chiến lược quốc gia; 2- Người có khả năng định chế tư tưởng, kế sách và quyết định vấn đề chiến lược quốc gia; 3- Người có hành động mang tầm quốc gia; “khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn. Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”(9). 4- Một nhà chính trị, một nhà văn hóa trọn vẹn mang tầm vóc quốc gia, theo mục tiêu của chiến lược; và 5- Người trở thành biểu tượng quốc gia.

Với vị thế và chức năng như vậy, người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược, cần có những tố chất chuyên biệt phù hợp với yêu cầu và tương dung với đòi hỏi của tiến trình lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Xuất phát từ yêu cầu và trọng trách phát triển quốc gia trên lộ trình công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, có thể hình dung hệ tố chất của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược có mấy nhân tố chung nhất sau:

1.2.1- Những tố chất cần:

- Về phẩm chất chính trị và đạo đức: Trước hết là, sự trung thành, mẫn cán và sáng tạo. Thứ hai là, sự trong sáng và không vụ lợi. Thứ ba là, dám chịu trách nhiệm và biết hy sinh. Thứ tư là, trung thực, thành tín và không xu thời. Thứ năm là, tự biết xấu hổ với chính mình, vì nói như người xưa: Không biết xấu hổ thì không thành người được. Thứ sáu là, tự biết giấu mình, tức không ba hoa, khoe khoang, hợm hĩnh. Thứ bảy, có tinh thần kỷ luật và giữ nghiêm kỷ luật.

- Về năng lực trí tuệ: Trước hết, cần có sự nhạy cảm, có tầm nhìn chính trị chiến lược, khả năng tiên lượng hợp quy luật và hợp lòng dân. Thứ hai, cùng với và trên cơ sở tầm nhìn xa trông rộng đồng thời có khả năng định chế thiết thực và tính khả thi cao. Thứ ba, có óc thực tếtính quyền biến, mềm dẻo. Thứ tư, phải vừa bao quát vừa sâu sát, cụ thể hay nói cách khác vừa có óc tổng kết chiến lược vừa có khả năng ứng phó sách lược an toàn và hiệu quả. Thứ năm, kiến thức phải vừa rộng lại phải vừa sâu ngang tầm với lĩnh vực mình đảm trách. Thứ sáu, vừa đột phá vừa thận trọng vừa quyết đoán trên nền một sức bật chuyên môn hùng hậu, một nền tảng văn hóa chính trị phong phú và dày dạn. Thứ bảy, năng lực ra quyết địnhkiểm tra thực thi quyết định.

- Về phương pháp và phong cách công tác: Thứ nhất, về phương pháp: Phải có phương pháp vừa khái quát vừa cụ thể. Phải có gan nghĩ việc, có gan quyết đoán, có gan làm việccó gan chịu trách nhiệm trước tập thể, trước cấp trên và trước toàn xã hội. Thứ hai về phong cách: Mềm dẻo về hành xử nhưng cứng cỏi trong biện luận, thuyết phục. Nghe tất cả, nhìn tất cả nhưng quyết sách phải độc lập, trên cơ sở ý kiến tập thể và Nhân dân. Phải chủ động trước mọi sức ép để thực hiện kỳ được điều khó nhất: mục tiêu có một nhưng phương án thực thi phải linh hoạt và sáng tạo. Bao quát nhưng không hời hợt.

Nói gọn lại, phải hội đủ bốn nhân tố cơ bản: Bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp lãnh đạo, quản lý, bản lĩnh hành động và và bản lĩnh sống mang tầm vóc quốc gia. V. I. Lê-nin chỉ rõ: “Lý do tồn tại của tổ chức đảng, và các lãnh tụ xứng đáng với danh hiệu đó là, ngoài nhiều điểm khác, đảng và lãnh tụ còn phải thông qua một công tác lâu dài, kiên cường, thiên hình vạn trạng nhiều mặt của tất cả các đại biểu giác ngộ của giai cấp mình mà thu hoạch được những kiến thức cần thiết, - ngoài kiến thức và kinh nghiệm là tính nhạy bén chính trị cần thiết để giải quyết một cách chính xác và mau lẹ những vấn đề chính trị phức tạp”(6).

Đó là những nhân tố cần, có tính chất chung nhất đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược nói chung, cấp chiến lược nói riêng. Bởi lẽ, họ chính là người đại diện cho Đảng, cho Nhà nước bảo đảm cho chủ trương, đường lối của Đảng được thực hiện thông qua bộ máy của Nhà nước và hệ thống chính trị; là người thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực của Nhà nước trên thực tế; và là một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển của đất nước.

Vì vậy, phẩm chất và rèn luyện để có phẩm chất là riêng là vấn đề có tầm quan trọng hết sức đặc biệt. Nó là một nhân tố cơ bản nhất để tạo nên người cán bộ, quyết định sự thành hay bại, uy tín cao hay thấp của người cán bộ trong công tác và trong cuộc sống hằng ngày của họ. Phẩm chất của họ đạt tới mức độ nào thì việc bảo đảm sự thực hiện đường lối của Đảng, phát huy sức mạnh của Nhà nước và việc thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, khả năng làm việc và uy tín đạo đức của người đứng đầu ở mức độ đó.

1.2.2- Những tố chất đủ

Nhìn chung, tiêu chuẩn của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, như đã trình bày, bao gồm nhiều mặt: tiêu chuẩn chính trị, tiêu chuẩn chuyên môn và khả năng lãnh đạo, quản lý... Sự tuyệt đối trung thành với cách mạng, sự nhất trí với đường lối của Đảng là đòi hỏi hàng đầu đối với mọi cán bộ của Đảng và Nhà nước, nhất là người đứng đầu. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ngoài nội dung đó, tiêu chuẩn chính trị còn phải thể hiện ở trình độ chính trị và mẫu mực về đạo đức. Điều cần nhấn mạnh ở đây là đức tính liêm khiết, sự thẳng thắn đấu tranh chống tiêu cực: không được đặt lợi ích của cá nhân, của gia đình và bè bạn lên trên lợi ích của tập thể, của toàn xã hội; không đặt lợi ích cục bộ của địa phương, đơn vị lên trên lợi ích của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội. Cán bộ lãnh đạo của Đảng, cán bộ quản lý của Nhà nước, thì đều phải có hiểu biết chuyên môn, trình độ quản lý kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ ở mức độ cần thiết tùy theo tính chất và cương vị công tác của mỗi người. Họ phải có khả năng điều hành bộ máy, tập hợp được cán bộ và nhân viên dưới quyền, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ...

Nói cụ thể, những tố chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược bao hàm những tố chất sau:

Yêu cầu trước hết là phẩm chất chính trị - tư tưởng. Đây là phẩm chất hàng đầu, cơ bản nhất. Bởi, thiếu nó thì không thể nói tới việc định hướng về lý tưởng, về khả năng nhận thức đúng đắn và phấn đấu có hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, càng không thể nói đến việc nghiên cứu, xem xét những đường lối, chủ trương và chính sách đó với tính cách là điểm xuất phát, bao trùm và quán xuyến toàn bộ những hoạt động của mình. Vì thế, phẩm chất chính trị - tư tưởng của người lãnh đạo chính là niềm tin vững chắc lý tưởng xã hội chủ nghĩa, là khả năng nhận thức và phấn đấu thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước một cách kiên quyết và triệt để nhất. Đây là tiền đề kích thích người lãnh đạo, quản lý nhận thức và dự đoán trước những khuynh hướng mới nhất trong các phạm vi hoạt động tương ứng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội... của đất nước. Đồng thời, nó cũng là tiền đề giáo dục và kích thích tinh thần cách mạng. Phẩm chất này hoàn toàn phải được bảo đảm và giữ vững bởi tính nguyên tắc của Đảng, bởi tính không khoan nhượng với bất kỳ một khuyết điểm nào, dù là nhỏ nhất trong công tác; bởi tính đối lập triệt để với tất cả những gì trái với nó là sự mơ hồ về quan điểm giai cấp, lập trường cách mạng, quan điểm quần chúng, sự sa sút ý chí chiến đấu, sự suy thoái tư tưởng chính trị và suy giảm về nhiệt tình cách mạng. Và cuối cùng, phẩm chất đó phải được thể hiện bằng hành động thực tế và được đánh giá bằng kết quả cụ thể của những hành động đó.

Nhân tố không thể đứng hàng thứ hainhân cách. Nó thể hiện trước hết trên phương diện tiềm năng trí lực và văn hóa. Đó là những hiểu biết đầy đủ về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là trình độ giác ngộ chính trị - tư tưởng cao, là niềm tin vững bền vào sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng.

Đó là trình độ văn hóa tổng hợp rộng lớn đủ để nắm vững và làm chủ sự phát triển phức tạp, đa dạng của xã hội. Đó cũng là trình độ chuyên môn của công tác lãnh đạo, của khoa học quản lý, trong đó tiêu chuẩn hàng đầu là năng lực khám phá, hiểu biết về con người và tâm lý con người, về các phương pháp làm việc phù hợp với mọi người, từ đó, xây dựng một tập thể hoạt động có mục tiêu rõ ràng và tiềm lực sáng tạo cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Phải biết đoàn kết với những người ngoài Đảng, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng lao động.

Thứ ba là, phong cách công tác. Nó bao hàm: tính nguyên tắc sự tinh tế nhạy bén; sự chú ý đến mọi người, quan tâm tới những yêu cầu cần thiết hằng ngày của tập thể và từng cán bộ, bảo đảm sức khỏe và khả năng làm việc của họ; tính khiêm tốn và thái độ nghiêm khắc đối với tất cả những thiếu sót của bản thân mình, song cũng phải rất độ lượng với những khuyết điểm của cấp dưới và quần chúng. v.v..

Hiển nhiên, trong phẩm chất của người lãnh đạo, quản lý không phải chỉ có tiêu chuẩn về chính trị - tư tưởng, về nhân cách, mà cần phải có phẩm chất công tác. Phẩm chất này được biểu hiện sinh động ở khả năng tiếp cận một cách phù hợp các hoàn cảnh, tình huống xuất hiện, tìm ra con đường ngắn nhất để đạt tới mục tiêu với hiệu suất cao. Dù dưới hình thức này hay hình thức khác, thông qua các phong cách lãnh đạo, quản lý, phẩm chất công tác của người đứng đầu phải đạt tới và phải được thể hiện cụ thể, sinh động bằng uy tínnăng lực tổ chức của họ.

Uy tín là một trong những điều kiện có tính chất quyết định. Bởi vì, không có uy tín thì người lãnh đạo, quản lý không thể lãnh đạo được tốt, nếu không nói là không thể lãnh đạo, quản lý được gì. Tất cả những điều kiện về mặt kinh tế - xã hội là điều kiện khách quan để bảo đảm uy tín thật sự của người lãnh đạo, quản lý. Nhưng uy tín cao hay thấp, ngoài điều kiện khách quan nói trên, rõ ràng còn hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng phấn đấu, tu dưỡng của chủ quan của mỗi người lãnh đạo. Có người lầm tưởng người lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ càng cao, quyền hành càng lớn thì uy tín cũng lớn. Theo ý nghĩa nào đó, có thể hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín thực chất là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung. Thực tế cho thấy, uy tín của người lãnh đạo, quản lý phải được hình thành trên cơ sở của chính phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và phẩm chất trí tuệ của người đó. Đương nhiên, để có được uy tín cao, người lãnh đạo phải trải qua quá trình phấn đấu, tu dưỡng bền bỉ, thường xuyên trên nhiều mặt. Có thể nói gọn lại là, uy tín của người đứng đầu là kết quả tổng hợp của mấy mặt sau đây: trước hết, sự gương mẫu toàn diện, có lối sống trong sạch, tận tụy hy sinh vì tập thể; có tầm hiểu biết rộng lớn, bao gồm nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống; có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức, thể hiện ở chỗ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; liên hệ chặt chẽ với đồng nghiệp, quần chúng và cấp dưới...

Đồng thời là năng lực lãnh đạo, quản lý giữ vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không nói là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định. V.I. Lê-nin nói, ngoài những điểm cần phải có như niềm tin, lòng trung thành, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm..., cần phải có trình độ nghiệp vụ nữa. Điểm sau cùng này là hết sức quan trọng, vì không có khả năng am hiểu công việc, không thành thạo chuyên môn thì “không thể lãnh đạo được”.

Họ là tấm gương thống nhất giữa lời nói và việc làm, linh hoạt và mềm dẻo, tháo vát, chủ động, đặc biệt là cần phải có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước tập thể trên cơ sở nắm bắt trúng thực tế; tập hợp và xử lý kịp thời thông tin, ra quyết định đúng, trúngphù hợp. Cùng với những tố chất phải có trên, để có được một năng lực tốt thì họ cần có những “đặc điểm chuyên biệt”, đó là “sự trực giác về tổ chức” hay sự nhạy bén về tâm lý của người lãnh đạo, quản lý. Tức là phải biết chọn được con đường ngắn nhất, phù hợp nhất để đi vào tâm lý mọi người một cách hiệu quả nhất, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Muốn có được năng lực tổ chức, phải: hiểu biết tâm lý, có óc tâm lý thực tiễn, có năng lực hoạt động độc lập, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ về mình, có tài chỉ đạo, đúng đắn trong quan hệ giữa mình với những người thuộc quyền, tranh thủ được lòng tin và thiện cảm của họ, xây dựng trong tập thể tinh thần phấn khởi làm việc, làm việc có năng suất cao...

Thứ tư là phẩm chất tâm lý - đạo đức. V.I. Lê-nin từng nói, đối với người đứng đầu và người lãnh đạo, quản lý nói chung, sự kiên tâm, tính bền bỉ, nhã nhặn, tránh bực tức và nóng nảy là những đặc tính hết sức cần thiết. Hơn lúc nào hết, lúc này, cần nhấn mạnh thêm tính chín chắn và thận trọng, tự chủ và bình tĩnh, giản dị và khiêm tốn, tận tụy với công vụ... dù trong bất cứ tình huống nào. Họ phải có trách nhiệm gương mẫu tự phê bình và phê bình đúng lúc và đúng mức, lắng nghe ý kiến người khác với thái độ trân trọng, theo dõi và quan tâm tới mọi người; phải dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và nhược điểm của mình; luôn luôn tập hợp xung quanh mình những người cùng làm việc giỏi, luôn luôn niềm nở và lịch thiệp đối với họ, tự hào về họ, và dĩ nhiên không tự đề cao mình. Họ là trung tâm đoàn kết và tấm gương mẫu mực.

2- Cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược

Ngay từ xưa, việc tuyển chọn nhân tài nói chung, người đứng đầu các bộ nói riêng, luôn được ông cha ta đặt lên hàng đầu trong những quốc sách lớn, có liên quan đến vận hệ tồn vong, mạnh yếu của nước nhà. Thông qua nhiều hình thức mở các khoa thi, xuống chiếu, dâng lên tấu khải và cả việc nhà vua “vi hành” tìm đến muôn dân để cầu và tìm người hiền tài cho đất nước là nét đẹp của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Do thế, thời nào ông cha ta cũng tuyển lựa không ít người văn, võ song toàn, kinh bang tế thế được nhân dân truyền tụng, lịch sử ghi công.

Kế thừa truyền thống đó, ngay sau khi đất nước Việt Nam mới khai sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân tìm đến người hiền tài, mời họ ra làm việc cho cách mạng; gửi thư tới tận các làng xã mong được sự tiến cử người tài đức để gánh vác việc nước nhà. 73 năm cầm quyền, với mọi biện pháp thu hút từ mọi ngả, Đảng ta đã tập hợp và xây dựng được một đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương sứ mệnh ở mỗi thời kỳ lịch sử.

Như vậy, trải suốt xưa và nay, việc tuyển chọn nhân tài trở thành việc cơ bản của mọi thời, được xem là công việc nền móng, rường cột của quốc gia. Hiện nay, công cuộc đổi mới đang cấp bách đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ tương xứng; do đó, phải xác lập một cơ chế tuyển chọn phù hợp.

2.1- Về nguyên tắc kiến tạo và phương châm

Tổng thể công việc kiến tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược dù ở lĩnh vực nào, là gì trong bộ máy hệ thống chính trị, phương thức đa dạng và phong phú bao nhiêu, cũng phải tuân theo các nguyên tắc của Đảng và phương châm kiến tạo dưới đây.

2.1.1- Về 5 nguyên tắc chỉ đạo công việc kiến tạo:

- Xuất phát từ nhiệm vụ của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, đội ngũ này đủ về số lượng, chất lượng bảo đảm phù hợp và ngang tầm trọng trách nắm giữ tổng thể bộ máy hệ thống chính trị, toàn bộ các phương diện then chốt và chủ yếu của đất nước.

- Bảo đảm tính liên tục, tính liên thông, tính phù hợp, tính hiệu quả trong vận hành bộ máy theo hướng tinh gọn, nhất thể hóa, về cơ cấu, độ tuổi, giới tính..., không cục bộ, không khép kín, không hụt hẫng, không đứt gãy,... xét trong tổng thể đội ngũ phù hợp với các nhiệm vụ và phương diện.

- Bảo đảm hài hòa giữa đáp ứng nhu cầu trước mắt và phát triển lâu dài mang tính chiến lược của đội ngũ.

- Đổi mới theo hướng phân cấp, phân quyền gắn chặt với chế độ trách nhiệm và kiểm soát trách nhiệm theo quyền hạn của những bộ phận thực thi công việc tổ chức và kiến tạo; khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

- Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, tập trung và thống nhất của Đảng trong công việc kiến tạo.

2.1.2- Về phương châm năm chữ “hóa” trong tuyển chọn

Một là: Tiêu chuẩn hóa: Mỗi lĩnh vực đòi hỏi một loại cán bộ tương xứng và phù hợp với nó. Do đó, cần phải tiêu chuẩn hóa rất cụ thể và tỉ mỉ trên cơ sở khoa học đối với mỗi loại cán bộ, trên mỗi phương diện, dù thi tuyển hay tranh tuyển... đều phải tuân theo những phương châm sau, bảo đảm chất lượng trong công việc tuyển chọn.

Hai là: Dân chủ hóa: Cốt lõi của vấn đề dân chủ tuyển chọn là thực hiện công khai hóa từ tiêu chuẩn, yêu cầu đến quy chế chọn tuyển, bao quát tất cả các hình thức tuyển chọn. Phải bảo đảm quyền bình đẳng của người dự tuyển và quyền dân chủ của các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn. Chỉ có như vậy, người dự tuyển và Hội đồng tuyển chọn mới có thể làm tốt chức trách và chủ kiến của mình.

Ba là: Trách nhiệm hóa: Đây chính là vấn đề kiểm soát quyền lực. Tất cả các bên từ người dự tuyển, người tiến cử, người bầu, người ra quyết định cuối cùng tuyển chọn đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước kỷ luật và pháp luật một cách bình đẳng. Chỉ có như vậy mới có thể khắc phục tình trạng “rũ trách nhiệm”, “cánh hẩu”, kéo bè kéo cánh, lợi ích nhóm... trong tuyển chọn. Riêng đối với việc bầu tuyển, người có quyền bầu thì đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc bầu và có quyền bãi miễn những người không còn tín nhiệm. Quyền thực thi tới đâu phải được kiểm soát tới đó, bằng thể chế, chứ không đơn thuần bằng lòng tốt và đạo lý.

Bốn là: Cấp độ hóa: Tùy theo yêu cầu của từng loại cán bộ, từng vị trí, mỗi loại công việc và cán bộ để quyết định tuyển chọn linh hoạt: một vòng hay nhiều vòng. Cần định rõ yêu cầu và thời gian mỗi cấp độ tuyển chọn. Cũng có thể vượt cấp trong quá trình tuyển chọn, trong những trường hợp cụ thể.

Năm là: Kiểm nghiệm hóa: Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu không nói là quyết định. Trong quá trình tuyển chọn và sau khi tuyển chọn theo cấp độ rất cần kiểm nghiệm lại người được tuyển chọn một cách linh hoạt, khéo léo. Hơn 700 năm trước, Trần Quốc Tuấn cho chúng ta một bài học lớn về phương diện chọn người làm tướng, gồm 8 điểm: 1- Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không; 2- Gạn hỏi bằng lời lẽ xem có biến hóa không; 3- Cho gián điệp thử xem có trung thành không; 4- Hỏi rõ ràng, tường tận để xem đức hạnh thế nào; 5- Lấy của mà thử xem có thanh liêm không; 6- Lấy sắc đẹp mà thử để xem có đứng đắn không; 7- Lấy việc khó khăn mà thử để xem có dũng cảm không; 8- Cho uống rượu say để xem có giữ được thái độ không. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng để lại không ít kinh nghiệm và bài học lớn trong công việc khéo chọn và khéo dùng cán bộ. Người dạy: Những người có thể phụ trách và giải quyết các vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn. Nghĩa là, chúng ta phải nắm chắc: Công việc sẽ trực tiếp kiểm nghiệm và đây là thước đo quyết định.

Thiết nghĩ, đó là kinh nghiệm quý báu trong việc kiểm nghiệm, sàng lọc, lựa chọn; cần được vận dụng và làm thường xuyên, theo định kỳ, ngay cả đối với người đã được tuyển chọn.

2.2- Bảy “cách tuyển” xây dựng đội ngũ

Tất nhiên, sự khu biệt này cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi giữa chúng lúc này, lúc khác có sự đan xen với nhau, nên đòi hỏi có sự linh hoạt trong khi vận dụng.

- Thi tuyển: Đây là biện pháp truyền thống, cổ điển nhất nhưng đem lại hiệu quả cao, được nhiều thời, nhiều quốc gia áp dụng. Với chúng ta, qua thi tuyển để chọn nhân tài làm chuyên gia hoặc cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cần đặc biệt chú ý tới khả năng về tầm nhìn, óc tổ chức, năng lực xử lý tình huống. Đặc biệt, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải rất coi trọng về đức hạnh, về năng lực nắm bắt tâm lý con người, bởi công tác đó, đòi hỏi trước hết nghệ thuật nắm bắt tâm lý tổ chức con người hành động.

- Bầu tuyển: Chúng ta đã rất quen với việc bầu cử để tuyển chọn cán bộ vào cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể. Mấy năm gần đây, chúng ta tích lũy không ít kinh nghiệm bầu tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nếu thực hiện tốt quy trình của việc bầu một cách dân chủ, hiệu quả đạt khá cao. Điều đáng lưu ý là, rất có thể người được bầu, khi tranh cử họ dễ đưa ra những lời hứa rất kêu để “mị dân”, nhằm dành được nhiều phiếu bầu. Nên sau bầu, cần có cơ chế để người bầu giám sát chặt chẽ, kiểm nghiệm giữa lời nói và việc làm theo hạn định thời gian, và xử lý theo quy chế người được bầu (hoặc miễn nhiệm, huyền chức...).

- Tiến tuyển: Đây là việc tuyển chọn thông qua sự tiến cử từ dưới lên. Từ xưa, ông cha ta đã làm và nhờ cách làm này mà thu nạp nhiều nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi thư tới các làng xã để mong nhận định sự tiến cử người hiền tài cho cách mạng. Ngày xưa trong tiến cử, người tiến cử thậm chí còn mang cả tính mạng và tài sản của mình ra để bảo lĩnh người được tiến cử. Nay, nếu tiến cử sai người, người tiến cử bị trừng phạt, tùy theo mức độ.

Hiện nay, chúng ta rất cần dùng biện pháp này, để mở thêm những “cánh cửa” cầu người đức tài cho đội ngũ cán bộ của chúng ta.

- Ứng tuyển: Chúng ta thường gọi là ứng cử để thông qua bầu cử chọn người vào bộ máy. Nhưng sự ứng cử này, thường được tập thể giới thiệu là chính. Ở đây nói đến ứng tuyển, muốn nói cá nhân ra ứng tuyển một cách tự giác, được tập thể có trách nhiệm đồng ý. Việc này chưa thành phổ biến do mặc cảm về tâm lý, và chúng ta chưa quen cách làm này. Cần được phổ biến rộng rãi và có chế tài cổ vũ những người có đức tài tự ra ứng tuyển. Mặc khác, phải có quy chế rõ ràng để ngăn chặn sự lạm dụng việc tự ứng tuyển dễ gây rối nội bộ, làm phức tạp tình hình của những người có động cơ không đúng đắn.

- Bổ tuyển hay là sự bổ nhiệm của các cấp có thẩm quyền về cán bộ đối với cấp dưới. Cách này, cấp trên thường căn cứ vào sự đề nghị từ bên dưới, có thể là sự đề nghị trực tiếp, hoặc thông qua bỏ phiếu tín nhiệm, để “thăm dò”.

Song do lấy phiếu tín nhiệm chỉ là để “tham khảo”, nên không ít trường hợp phiếu tín nhiệm một đằng, bổ nhiệm lại một nẻo. Cho nên, cấp có thẩm quyền cần thật sự dân chủ, cầu thị để hạn chế tối đa những tồn tại đó, để việc bổ nhiệm thực sự đúng và trúng người cần bổ nhiệm.

- Tranh tuyển: Đây là hình thức, đối với chúng ta, còn rất mới mẻ. Không có tranh tuyển khó chọn được người tài đích thực. Vì đây là hình thức công minh, dân chủ và bình đẳng nhất. Đó cũng là con đường khó khăn nhất và khắc nghiệt nhất, nhưng không thể không làm, nếu muốn có một đội ngũ cán bộ ngang tầm với trọng trách cầm quyền của Đảng.

- Cử tuyển: Thực chất cũng là một cách bổ nhiệm, nhưng là sự chỉ định trực tiếp người đảm trách một công việc, một cương vị nào đó của cấp có thẩm quyền.

Sự phân định bảy hình thức tuyển chọn như đã nói trên chỉ là tương đối. Cho nên, tùy trường hợp cụ thể việc tuyển chọn nhân tài có thể dùng một hay kết hợp nhiều hình thức. Nói khái lược, dù dưới hình thức nào, đó chính là công việc chọn tuyển.

2.3- Hai điều kiện trong việc thực hiện cơ chế tuyển chọn

- Điều kiện cần. Vấn đề này gồm hai yếu tố:

+ Phát hiện: Nhân tài không hình thành một cách tự phát, tự thân mà xuất hiện và hình thành nhân tài có ba điều kiện, như đã nói ở trên. Do vậy, việc phát hiện nhân tài tùy thuộc vào xã hội và gia đình. Không chỉ thế, các tổ chức chính trị, đoàn thể, trường học, các tập thể lao động, công tác và các cá nhân đều là những môi trường rất quan trọng giúp cho việc phát hiện nhân tài. Vậy nên, các cấp có trách nhiệm cần mở rộng “ăng-ten”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất (qua đường giới thiệu, đề nghị, tiến cử...) để thu hút và tập hợp họ. Xã hội hóa và dân chủ hóa việc phát hiện cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là điều rất cần làm.

+ Quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng: Phân loại những người có năng lực đặc biệt theo sở trường, để lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng rất linh hoạt (trường học, thực tế...), tạo cho họ phát triển tốt nhất những năng lực đặc biệt của mình. Nếu thực hiện tốt việc phát hiện, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng sẽ đặt nền tảng vững chắc cho công tác tái tuyển chọn, bố trí, sắp xếp nhân tài theo yêu cầu. Đây là việc rất cơ bản.

- Điều kiện đủ: Tối thiểu có bốn mặt cần phải đáp ứng:

+ Xây dựng quy chế tuyển dụng chặt chẽ, thống nhất; đồng thời, xác lập quy chế bảo đảm trách nhiệm rõ ràng. Đi liền với quy chế tuyển dụng là xây dựng các quy chế sa thải, bãi miễn nghiêm ngặt.

+ Lập Hội đồng tuyển dụng nhân tài quốc gia thuộc Ban Tổ chức Trung ương hoặc Bộ Nội vụ trên cơ sở Hội đồng tuyển chọn các cấp (có thể lâm thời), dưới sự chỉ đạo tập trung, để bố trí và sử dụng mang tầm chiến lược.

+ Đổi mới hệ thống và phương thức đào tạo theo hướng xã hội hóa gắn chặt với chuyên biệt hóa. Lập cơ sở đào tạo nhân tài riêng hoặc khoa lãnh đạo, quản lý riêng, trên ba hướng: lãnh đạo, quản lý và chuyên gia. Có chế độ riêng về mọi mặt cho loại này.

+ Thể chế hóa các quy định, trong đó các quy chế thưởng - phạt phù hợp, rõ ràng từ khâu phát hiện, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, thải loại... một cách thống nhất và khả thi.

III- Chung quanh vấn đề chính trị gia và công việc cần kíp xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược

1-Về cán bộ chiến lược hay nhà chiến lược

Nói tới đổi mới, xây dựng một nền chính trị Việt Nam hiện đại càng không thể không nhấn mạnh trước hết tới đội ngũ các nhà chính trị, nhất là các thủ lĩnh chính trị ở tầm chiến lược, với tư cách là chủ thể quyết định mô hình thể chế chính trị, sự vận hành và sức mạnh của nền chính trị quốc gia. Họ là những nhà chiến lược và có ảnh hưởng chiến lược tới vị thế, sức mạnh và uy tín quốc gia một cách lâu dài. Ở họ không chỉ hội tụ, thể hiện và tỏa sáng quyền lực của Nhân dân mà còn thể hiện quyền năng, quyền lực của nền chính trị quốc gia và quyền uy chính trị cá nhân, với tư cách là nhà chính trị mang tầm chiến lược. Họ là rường cột, là tinh hoa của tinh hoa đội ngũ cấp chiến lược.

Nếu xem chính trị, với nghĩa rộng nhất, như người xưa nói là: Chính trị là chính trực. Nếu lấy chính trực mà hành xử, mà điều hành chính sự thì có ai dám không chính trực (“Chính giả chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính”) thì tham chính là một công việc chính trực nơi chính trường phức tạp một cách liêm sỉ. Tham gia chính trị, cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược (hoặc cấp chiến lược) là chỉ được phép làm mọi công việc chính đáng vì quốc gia và quốc dân mà thôi. Chính trị là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp tinh hoa và các nhà chính trị chiến lược, ở góc nhìn này, là những phần tử tinh hoa có tầm nhìn chiến lược vượt mọi giới hạn, hoạch định (và thực thi) quyết sách chiến lược kiến tạo vị thế, sức mạnh, uy tín và danh dự quốc gia, là tấm gương quốc gia về chính trực, sự dũng cảm và liêm chính... có sự ảnh hưởng vượt không gian quốc gia và có sức sống lâu dài, vượt thời gian tôn vinh quốc thể. Nói một cách hình ảnh, họ là những người dù ngồi một chỗ nhưng định việc ngàn dặm giang sơn. Vì vậy, có thể nói, trong trăm nghìn cán bộ cấp chiến lược, có rất ít các nhà chiến lược. Họ là tinh hoa của tinh hoa! Đó là sự thống nhất của hai đội ngũ này.

Do đó, trọng tâm của công việc đổi mới công tác tổ chức - cán bộ hiện nay không thể không dành sức lực và điều kiện để làm tốt mấy vấn đề có ý nghĩa quyết định thành bại mang tầm chiến lược quốc gia này:

Trước hết, trong đổi mới tư duy, tiếp tục đổi mới tư duy về chính trị gia, nhất là tư duy về thủ lĩnh chính trị, tức là đội ngũ những người đứng đầu quốc gia, đứng đầu bộ máy chính trị cao cấp, chiến lược của nền chính trị hiện đại nước nhà, theo hướng chuyên nghiệp hóavăn hóa hóa.

Hai là, xây dựng bộ tiêu chí của một nhà chính trị, yêu cầu của những lĩnh vực chính trị cơ bản và chủ yếu, các chức danh chính trị... phù hợp với nền chính trị của chúng ta. Trong đó, phẩm chất cơ bản là tầm nhìn viễn kiến chiến lược, sự dũng cảm, danh dự và liêm sỉ chính trị gia phải được ưu tiên hàng đầu.

Ba là, thông qua mọi con đường phát hiện, thu hút, tập hợp những người có năng khiếu chính trị, những người có nguyện vọng làm các công việc chính trị... ở tất cả mọi nơi, đối với mọi lứa tuổi, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Nghĩa là, cần xác lập cơ chế tuyển dụng nhân tài một cách dân chủ và phù hợp. Ở đây, tối thiểu với các “con đường”: thi tuyển, tranh tuyển, ứng tuyển, tiến tuyển, bầu tuyển, cử tuyển, v.v..., để tuyển chọn và sử dụng, như đã trình bày, theo mục tiêu của chiến lược phát triển tổng thể đất nước. Lưu ý rằng, lịch sử cho thấy, các chiến lược gia như “ngọc tự sáng”, chứ họ quyết “ngọc không bán rao”, nên trong quá trình chọn tuyển, rất cần đối đãi thành tín và tinh tế với họ.

Sử dụng, kiểm tra họ thật đúng đắn và chính đáng trên chính trường một cách văn hóa, theo phương châm khoa học - dân chủ - văn hóa và phù hợp. Nhân dân phải giữ vai trò là một chủ thể trong công việc lựa chọn, giám sát, bãi miễn và thực hiện các quyền khác của mình theo luật định, đối với các nhà chính trị nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược nói riêng, thể hiện tập trung và sinh động sức mạnh và sự sống còn quyền lực của Nhân dân, khi nhân dân ủy thác cho họ. Ngày xưa, ông cha ta đặt ra lệ khảo thí, khảo quan định kỳ và tôn vinh xứng đáng những bậc hiền tài cũng là vì thế. Vì, họ là biểu tượng quốc gia, là tấm gương phản chiếu quốc thể, như đã trình bày.

Bốn là, đào tạo họ một cách toàn diện, trước hết là tư cách, rộng hơn là đạo đức của một người làm chính trị... trong nền chính trị hiện đại. Ngày xưa, ông cha ta lập Quốc tử giám, rồi Trường hậu bổ nhằm đào tạo, rèn luyện những người ra làm quan cũng là vì lẽ đó, trong đó hết sức rèn cái “đạo” của người làm quan. Vì, chính trị không phải là thứ chính trị suông mà ở góc độ nào đó chính trị chính là đạo đức; là tự trọng, là liêm chính, cao nhất là danh dự quốc gia. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài. Vì thế, theo nghĩa nào đó, đạo đức là giềng mối làm nên nền văn hóa chính trị của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên V. I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng chung quan niệm: Một tấm gương sống về đạo đức có giá trị hơn hàng ngàn bài diễn văn chính trị suông, nhất là ở phương Đông. Nếu được xem các nhà lãnh đạo, quản lý xứng đáng là những nhà chính trị thực sự, thì ở đây, họ phải xứng đáng là những tấm gương sống về đạo đức là vấn đề vô cùng quan trọng.

Họ tích hợp và thể hiện một cách toàn diện và nổi bật tập trung năng lực chính trị, nhất là tầm nhìn chính trị xa rộngnăng lực hành động chính trị vĩ mô, trên nền tảng tri thức rộng lớn, xứng đáng với tư cách là nhà chính trị chuyên nghiệp. Vì, ngày nay, một lần nữa nhắc lại, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị mà còn phải giỏi chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.

Năm là, đối đãi với những người làm chính trị, nhất là những chiến lược gia thật ngang tầm và xứng đáng. Đó là rường cột của đội ngũ cấp chiến lược, là tinh hoa của xã tắc. Đồng thời, trên nền tảng pháp quyền, xử lý thật nghiêm minh những nhà chính trị, những cán bộ lãnh đạo, quản lý, dù ở cấp nào, làm tổn hại uy tín và sức mạnh nền chính trị đất nước.

2- Kiến tạo môi trường nhân tài xuất hiện - nền tảng phát lộ và phát hiện cán bộ chiến lược

Chúng ta biết lịch sử xã hội do chính con người sáng tạo ra, nhưng rồi lịch sử lại góp phần đào luyện, hun đúc con người. Vì vậy, nhân tài là sản phẩm đồng thời là chủ thể của lịch sử, trước hết do lịch sử quyết định. Thực tế cho thấy, ở vào những lúc giao thời của lịch sử, nhân tài thường xuất hiện. Do vậy, lịch sử là điều kiện, là môi trường tạo ra nhân tài. Ấy là thời.

Mặt khác, tất cả nhân tài mà chúng ta ghi nhận không ai không có quá trình khó luyện, tự đào tạo và được đào tạo, trước khi họ thành đạt. Những gì là tư chất “thiên phú”, “thiên bẩm” của con người mà ta hay gọi là năng khiếu hoặc năng lực chuyên biệt, là rất quý, song chỉ là điều kiện ban đầu; phải thông qua rèn luyện, thậm chí rất công phu, lâu dài, con người mới trở nên thực đức, thực tài. Như vậy, cùng với lịch sử, cơ chế phát hiện, đào tạo, sử dụng và thanh lọc như là “bà đỡ” cùng với sự khổ luyện của con người sẽ giúp con người trở thành nhân tài. Ấy là thế.

Đồng thời, chỉ có ai thực sự trải qua trường lịch sử kiểm chứng khắc nghiệt, họ thành công và tồn tại bền vững mới thực sự là người hiền tài. Ấy là lịch sử kiểm nghiệm.

Nói tóm lại, điều kiện để xuất hiện và thành nhân tài, gồm ba mặt hữu cơ: thời - thế và sự kiểm nghiệm thực tế.

Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ do Đảng hiện nay, thực sự là một bước ngoặt về chất trong tiến trình cách mạng nước ta. Nó là môi trường và điều kiện thử thách lớn đối với tất cả chúng ta. Đồng thời, quá trình dân chủ hóa xã hội gắn chặt với sự giải phóng con người với mọi tiềm năng của họ, đang mở ra chân trời mới, chắp cánh cho toàn dân tộc và mỗi người thực hiện khát vọng của mình bằng chính sức mình một cách tự do.

Nếu quan niệm điều kiện xuất hiện nhân tài gồm ba yếu tố trên, thì rõ ràng, thời điểm hiện nay, chính là vận hội to lớn nhất, là môi trường và điều kiện thuận lợi nhất. Vấn đề là làm gì và làm thế nào thấy họ và để họ tụ hội.

Đó chính là những công việc động lực then chốt, có ý nghĩa thành bại trước mắt của tiến trình đổi mới việc kiến tạo và phát huy sức mạnh của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung, cấp chiến lược nói riêng, làm nền tảng xây dựng chiến lược cán bộ ngang tầm trọng trách lịch sử. Sự thành bại mang tầm chiến lược trong công việc quan trọng này chỉ còn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị và phương pháp của chính chúng ta hiện nay nữa mà thôi!./.

------------------------------------------------------

(1) htpp;//ww.cpv.org.vn/CPV/Dư luận quốc tế về Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 12-1-2011

(2) http;//www.tinmoi.vn/Du-luan-quoc-te-dua-dam-tin-ve-Dai-hoi-Dang-Viet-Nam, ngày 13-1-2011

(3) Z. B. Ca-rê-ra: Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của cả loài người, Báo Nhân Dân, số ra ngày 26-9-2000, tr. 3

(4) Lời chào mừng Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 72

(5) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1974, t. 4, tr. 473

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 275

(7) Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 153 - 154

(8) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 33

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 275

(10) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 41, tr. 66