U-crai-na sau bầu cử vẫn ở thế “kẹt”?
TCCSĐT - Tuy chưa có kết quả chính thức, nhưng diễn biến bầu cử trước thời hạn đã phản ánh xu hướng vận động trong tương lai của U-crai-na.
Từ xu thế hướng Tây áp đảo…
Với 29 chính đảng tham gia bầu cử và kết quả được ghi nhận thì số ghế sẽ được phân chia: đảng của Tổng thống Pô-rô-sen-cô 126; Mặt trận Nhân dân 85; đảng “Tự cứu” 33; “Khối đối lập” 30; đảng Cấp tiến 22; đảng “Đất mẹ” 18; và 100 ghế còn lại thuộc về các ứng viên không đảng phái. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính quyền mới và đất nước U-crai-na sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn ở phía trước.
Ngày 27-10, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Sờ-tê-phan Dơ-uy-gia-rít (Stefan Dyuzharrik), Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống Thụy Sĩ, ông Đi-đi-ơ Búc-khan-tơ (Didier Burkhalter) khẳng định cuộc bầu cử trước thời hạn ở U-crai-na là “một bước đi quan trọng nhất” để tiến tới ổn định tình hình ở quốc gia Đông Âu này.
Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama), Chủ tịch nghị viện châu Âu Mác-tin Xun-dơ (Martin Schultz), Ngoại trưởng Ý Phe-dơ-ri-ca Mô-ghe-ri-ni (Federica Mogherini)… đã hoan nghênh sự thành công của cuộc bầu cử quốc hội ở U-crai-na. Ngoại trưởng Nga, ông Xéc-gây La-vrốp (Sergey Lavrov) cũng đã có bài phát biểu công nhận kết quả bầu cử ở U-crai-na.
Hiện “Khối Pô-rô-sen-cô” đã bắt đầu xúc tiến các cuộc đối thoại với đảng Mặt trận Nhân dân và “Tự cứu” nhằm tiến tới việc thành lập liên minh sau khi công bố kết quả chính thức. Ông Pô-rô-sen-cô cho biết: “sẽ phải thành lập liên minh trong 10 ngày. Tôi hy vọng rất nhiều vì đây sẽ là Chính phủ tốt nhất tại U-crai-na”.
Ông Y-a-xê-ni-úc thì cho rằng: “Có thể rút ngắn thời gian đàm phán thành lập liên minh trong Chính phủ và quốc hội mới. Nền tảng của liên minh mới chính là thỏa thuận liên kết với EU”.
… Đến đối sách cứng rắn hơn với Nga
Ông Oleg Ignatov, Phó Giám đốc Trung tâm phân tích tình hình chính trị của Nga nhận định, kết quả bầu cử bước đầu cho thấy Tổng thống Pô-rô-sen-cô đã thất bại nhiều hơn là chiến thắng sau kỳ bầu cử lần này. Với tư cách là khối thuộc đương kim Tổng thống, nhưng chỉ về thứ nhì với tỷ lệ phiếu bầu thấp hơn nhiều so với dự kiến trước đó. Kết quả trên cho thấy Tổng thống Pô-rô-sen-cô rất ít cơ hội để tạo nên một liên minh như mong muốn trên cơ sở đảng của ông. Mặc dù trước đó, ông Pô-rô-sen-cô đã tuyên bố sẽ tạo nên một liên minh ủng hộ ông ở Quốc hội, nhưng cuối cùng thì đảng “Mặt trận Nhân dân” của Thủ tướng Y-a-xê-ni-úc lại giành được số phiểu cao hơn so với dự kiến.
Từ khi làm Tổng thống, ông Pô-rô-sen-cô tìm cách đàm phán với Tổng thống Nga V. Pu-tin về một kế hoạch hòa bình cho miền Đông, thì Thủ tướng Y-a-xê-ni-úc ủng hộ mạnh mẽ việc trừng phạt kinh tế Nga và kêu gọi xây dựng một bức tường ở biên giới phía Đông, nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga.
Với kết quả bầu cử vừa đạt được, ông Y-a-xê-ni-úc sẽ tiếp tục làm Thủ tướng và thực hiện chính sách độc lập đối với Tổng thống, cứng rắn hơn với Nga. Do đó, ông Pô-rô-sen-cô chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lập trường với Nga và với phe đối lập ở phía Đông U-crai-na. Tuy nhiên, mọi điều đều có thể xảy ra, ông Pô-rô-sen-cô sẽ phải tính đến kịch bản cứng rắn hơn, khi mà những đảng thân phương Tây như: đảng “Tự cứu”, đảng “Cấp tiến” hay đảng “Tự do”… đã đạt tỷ lệ phiếu bầu cao.
Và vẫn khó thoát khỏi thế “kẹt”…
Cuộc bầu cử sớm được phương Tây mong đợi đã diễn ra với kết quả đã rõ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng: cuộc bầu cử có thể sẽ không tạo nên sự thay đổi có tính đột phá nào đối với tình hình U-crai-na, Chính phủ mới cũng khó có thể làm được điều gì quan trọng khi nguồn lực tài chính đang kiệt quệ. Hội nhập châu Âu, nhưng U-crai-na có thể chỉ nhận được những khoản viện trợ ít ỏi từ Mỹ hơn 1 tỷ USD, châu Âu 2,5 tỷ USD và IMF 17 tỷ USD (mới giải ngân hơn 3 tỷ USD) với điều kiện phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, nhưng có thể sẽ mất đi sự độc lập của nước này khiến cho tương lai của U-crai-na càng trở nên bất định hơn.
Điều khá bất ngờ là việc tỷ lệ ủng hộ đảng Mặt trận Nhân dân của đương kim Thủ tướng Y-a-xê-ni-úc tăng mạnh (22,03%). Điều này cho thấy người dân U-crai-na ủng hộ chế độ nghị viện - tổng thống và không muốn trao quyền quá nhiều cho Tổng thống Pô-rô-sen-cô.
Kết quả bầu cử vừa được công bố có thể xem như một “thất bại” đối với đảng của Tổng thống Pô-rô-sen-cô, so với cách đây 4 tháng họ đã mất gần 30% sự ủng hộ. Đó là hậu quả khi ông can thiệp quá nhiều vào các nhánh lập pháp và hành pháp.
Tỷ lệ ủng hộ không cao (một con số) dành cho các đảng “Khối đối lập” với 9,47%; đảng “Cấp tiến” với 7,47%; đảng “Tổ quốc” (Batkivshina) với 5,7%; đảng “Tự do” 4,68% và Đảng Cộng sản U-crai-na 3,9%… khiến giới chuyên gia dự báo rằng, Quốc hội mới của U-crai-na sẽ quay trở về thành phần giống như thời kỳ thập niên 1990, khi các nghị sĩ “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với nhau trong toilet.
Tổng thống Pô-rô-sen-cô cho rằng cuộc bầu cử sớm là một nỗ lực nhằm đưa U-crai-na vào một con đường mới sau khi các lãnh đạo thân Nga của chính phủ cũ bị lật đổ. Ông nói: “Tôi đã bỏ phiếu cho một U-crai-na thống nhất, không thể chia rẽ và ủng hộ châu Âu”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cái khó nhất của chính quyền mới của Tổng thống Pô-rô-sen-cô là phải chèo lái con thuyền U-crai-na trong thế “kẹt” giữa hai đại chiến lược: “Đông tiến” của NATO và “Chim ưng hai đầu” của Nga. Vì thế, dư luận cho rằng tương lai U-crai-na sau bầu cử vẫn khó bề đoán định./.
Khởi động chiến dịch truyền thông: “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”  (19/11/2014)
Chính sách ngoại giao phòng ngừa trong vấn đề Biển Đông  (19/11/2014)
Khai mạc Hội thảo không chính thức Diễn đàn Á - Âu về quyền con người  (19/11/2014)
Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc tại Lào  (19/11/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên