Phát huy giá trị văn hóa làng nghề giấy dó truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội: Những thách thức cần giải quyết
TCCS - Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề giấy dó truyền thống nhất cả nước. Văn hóa làng nghề giấy dó truyền thống đã góp phần định hình nền văn hiến Thủ đô. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề giấy dó truyền thống trên địa bàn thành phố phục vụ giáo dục truyền thống, phát triển du lịch văn hóa đang đối mặt với không ít thách thức.
Văn hóa làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một
Các làng nghề giấy dó thuyền thống ở Hà Nội đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Sự phát triển của nghề giấy dó ở kinh thành Thăng Long đã từng bước tạo ra sự hợp nguyên văn hóa làng với văn hóa nghề tại các làng ghề giấy dó.
Tổ hợp không gian văn hóa làng nghề giấy dó, như bến nước, cây đa, sân đình không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng mà còn là nơi cư dân tổ chức sản xuất, sinh hoạt văn hóa. Kỹ thuật sản xuất, hoạt động nghề giấy dó từng bước định hình đặc trưng về tổ chức xóm làng, gia đình, ý thức nghề nghiệp, những sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo liên quan tới nghề… Những thành tố trên đã tạo nên hệ thống giá trị của văn hóa làng nghề giấy dó truyền thống.
Kể từ khi một số các làng nghề giấy dó ở Hà Nội không còn duy trì hoạt động sản xuất, những giá trị văn hóa làng ghề giấy dó truyền thống theo đó dần mai một, đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn. Trong khi đó, tầng lớp nghệ nhân cao tuổi nắm giữ bí quyết nghề ít dần theo thời gian, đội ngũ thợ tuy còn khá đông nhưng làng nghề không duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên, dẫn đến nguy cơ mai một, thất truyền, như ở làng Nghĩa Đô, nghệ nhân cuối cùng nắm bí quyết và công nghệ làm giấy sắc của họ Lại, cụ Lại Thế Bàn đã mất năm 2003, chỉ còn vài người con cháu được ông cha truyền lại bí quyết nghề, nhưng không còn thực hành sản xuất. Ở những làng nghề giấy dó truyền thống khác, như An Cốc, Yên Hòa, Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái,… người nắm vững bí quyết nghề giấy cũng còn không nhiều. Những người thợ thủ công gắn bó cả đời với nghề giấy dó, vẫn còn đau đáu với nghề ngày càng ít dần.
Quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dấu vết không gian văn hóa làng nghề, tổ chức làng nghề ngày càng mờ nhạt. Ngoại trừ làng An Cốc, ở các làng ghề làm giấy truyền thống ở Hà Nội, không gian sinh hoạt công cộng, bến nước, hồ ao, không gian để phục vụ sản xuất giấy, ngâm dó, phơi giấy bị thu hẹp, thậm chí không còn nữa… Lực lượng thợ thủ công có thể sản xuất công cụ lao động phục vụ nghề giấy (nhất là liềm xeo) ngày càng không mặn mà với nghề do áp lực cuộc sống. Các cơ sở tôn giáo, thờ tự, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến nghề dù vẫn được người dân cố gắng lưu giữ, tuy nhiên, những giá trị này cũng đứng trước nguy cơ mai một.
Nhiều kế hoạch, chương trình được triển khai
Đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô, nhất là công nghiệp văn hóa, Thành ủy và chính quyền thành phố Hà Nội, các địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm khôi phục và phát huy giá trị văn hóa làng nghề giấy dó, phục vụ phát triển du lịch văn hóa làng nghề. Đồng thời xác định làng nghề truyền thống nói chung, làng nghề giấy dó nói riêng là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề, trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế, góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á. Theo đó, thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề trên địa bàn.
Tháng 4-2019, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức triển lãm trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề “Dó Việt xưa - nay”. Tại không gian đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Ban tổ chức đã tạo dựng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm giấy dó; quy trình, kỹ thật sản xuất giấy dó thông qua hoạt động trình diễn. Mong muốn của Ban Tổ chức là giới thiệu, tôn vinh nghề giấy dó cổ truyền của cha ông, lấy lại vị thế của giấy dó, văn hóa nghề giấy dó trong nền văn hóa dân tộc.
Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố khôi phục, phát huy giá trị văn hóa nghề giấy dó cổ truyền ở Hà Nội phục vụ phát triển du lịch (qua trường hợp làng An Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Trước đó, năm 2017, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã triển khai đề án Điểm dịch vụ du lịch văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy dó phường Bưởi. Ủy ban nhân dân phường Bưởi xây dựng Đề án Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy dó; triển khai thực hiện Đề án Tổ chức vận hành, khai thác Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và phục dựng mô hình nghề sản xuất truyền thống làm giấy dó, phường Bưởi.
Ngày 13-5-2024, phường Bưởi, quận Tây Hồ đã khai trương điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy dó của vùng Bưởi xưa tại địa chỉ số 189 phố Trích Sài, với diện tích khoảng 200m2 được thiết kế theo kiểu lấy nhà truyền thống trưng bày giới thiệu tinh hoa nghề giấy dó làm trung tâm, xung quanh xây dựng các nhà, lán trưng bày tượng sáp mô phỏng theo 8 bước quy trình sản xuất; các tranh ảnh, hiện vật liên quan đến nghề giấy dó. Đây không chỉ là một điểm lưu giữ, bảo tồn những giá trị của nghề làm giấy dó truyền thống của dân tộc, mà còn là “điểm hẹn” văn hóa độc đáo với du khách trong và ngoài nước. Đến đây, bên cạnh không gian trưng bày sản phẩm, nguyên liệu, du khách còn được thăm quan mô hình giới thiệu các công đoạn sản xuất; các sản phẩm từ giấy dó, như: Các dòng tranh dân gian, các loại giấy dó, các loại kinh sách,… và cả một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ giấy dó; tìm hiểu quy trình và thực hành trải nghiệm làm giấy dó.
Không ít bạn trẻ với sự trân trọng, niềm đam mê đã xây dựng những trang web, fanpage, facebook nhằm kết nối, chia sẻ những thông tin, giá trị văn hóa, sản phẩm, hoạt động bảo tồn những giá trị văn hóa nghề giấy dó cổ truyền, nhất là trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nền tảng trực tuyến đã thu hút đông đảo giới trẻ, những người yêu thích giá trị văn hóa nghề giấy dó của dân tộc; tạo ra không gian kết nối, sáng tạo có ý nghĩa.
Tại các làng nghề giấy dó, chính quyền và nhân dân địa phương đã có ý thức lưu giữ, sưu tầm, bảo tồn những công cụ, phương tiên lao động; khôi phục những hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng liên quan đến nghề giấy dó; ghi chép, lưu giữ kỹ thuật sản xuất…
Vẫn còn không ít thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khôi phục và phát huy giá trị văn hóa nghề giấy dó cổ truyền nhằm giáo dục truyền thống, phát triển du lịch văn hóa làng nghề, thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Một là, hoạt động sản xuất làng nghề giấy dó đã dừng hẳn từ lâu, áp lực của cuộc sống đã làm thay đổi ý thức nghề nghiệp của người dân. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương các làng nghề, người dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc khôi phục và phát huy giá trị văn hóa làng nghề giấy dó truyền thống phục vụ phát triển du lịch văn hóa; chưa chú trọng bảo tồn những giá trị văn hóa từ kỹ thuật sản xuất, công cụ lao động, các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng liên quan đến nghề giấy dó. Vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nước đối với hoạt động sản xuất giấy dó chưa có được lời giải đáp thỏa đáng. Điều này gây ra những khó khăn, cản trở trong công tác khôi phục và phát huy giá trị văn hóa nghề giấy dó cổ truyền trong bối cảnh hiện nay.
Hai là, hệ thống văn bản pháp lý, cơ chế chính sách phục vụ cho việc triển khai các giải pháp, huy động nguồn lực nhằm khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề giấy dó truyền thống, gắn với phát triển du lịch văn hóa còn thiếu đồng bộ. Các làng nghề giấy dó chưa được đưa vào quy hoạch khôi phục. Cơ sở vật chất, kỹ thuật tại các làng nghề giấy dó còn nhiều hạn chế cho phát triển du lịch văn hóa. Các chủ trương, đề án đã và đang được triển khai còn dàn trải, thiếu trọng tâm, thiếu tính hệ thống; chưa chú trọng vào các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nên thiếu tính bền vững, chưa hiệu quả, chưa thu hút được các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương cùng liên kết, tham gia. Các chương trình, dự án xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch tuy đa dạng nhưng quy mô nhỏ, chưa chú trọng tới làng nghề giấy dó.
Ba là, sự thiếu hụt và suy giảm về nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ nghệ nhân nắm vững bí quyết nghề. Những nghệ nhân cao tuổi ngày càng ít, không còn truyền nghề; đội ngũ thợ thủ công lành nghề ngày càng suy giảm, thế hệ trẻ không hứng thú học nghề. Đội ngũ cán bộ quản lý, tổ chức, tham gia các hoạt động du lịch chưa được đầu tư xây dựng; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thợ lành nghề, làm du lịch, hướng dẫn giới thiệu sản phẩm còn chưa được chú trọng. Người dân địa phương các làng nghề giấy dó thiếu những kiến thức chung về văn hóa nghề giấy dó, làng nghề giấy dó, về nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cũng như khả năng giao tiếp với khách du lịch, gây khó khăn trong giới thiệu văn hóa làng nghề, tổ chức hoạt động trải nghiệm cho du khách.
Bốn là, các mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề giấy dó, làng nghề giấy dó được triển khai chưa mang lại hiệu quả cao, thiếu bền vững. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lưu giữ, quảng bá sản phẩm, tổ chức các hoạt động du lịch chưa được chú trọng đúng mức. Việc tối ưu nền tảng dữ liệu số hóa thông qua một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoàn thiện chưa được triển khai đồng bộ. Còn thiếu các trang mạng, ngoài thể hiện tính chuyên nghiệp cao nhất với thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, nội dung phong phú, tích hợp nhiều tiện ích cần thiết cho du khách thì cần phải tương thích, thân thiện trên tất cả các thiết bị điện tử mà khách hàng quen dùng khi truy cập thông tin, từ máy tính, máy tính bảng cho đến điện thoại di động. Du khách còn nhiều khó khăn, hạn chế trong lựa chọn sản phẩm, tour du lịch văn hóa làng nghề, nhất là trên nền tảng trực tuyến. Hệ thống thuyết minh tự động, khám phá văn hóa làng nghề giấy dó bằng công nghệ 3D, các trang web tra cứu thông tin văn hóa, điểm đến, kho dự liệu về du lịch văn hóa làng nghề ở thành phố Hà Nội còn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Việc xây dựng, kết nối chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa làng nghề chưa được chú trọng, chưa mang lại hiệu quả.
Để tinh hoa nghề giấy dó thực sự lan tỏa trong cuộc sống; giúp cho văn hóa nghề giấy dó trở thành một bộ phận quan trọng trong nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy phát triển văn hóa du lịch đáp ứng chiến lược phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước và của thành phố Hà Nội, những thách thức trên cần phải được giải quyết thỏa đáng./.
Công an thành phố Hà Nội tham mưu xây dựng pháp luật  (16/11/2024)
Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Bảo đảm các nguồn lực hoạt động ổn định, hiệu quả trong triển khai thực hiện phân cấp, ủy quyền  (15/11/2024)
Xây dựng thành phố thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và một số hàm ý chính sách đối với Thủ đô Hà Nội  (15/11/2024)
Du lịch trải nghiệm gắn với di sản và làng nghề Hà Nội  (15/11/2024)
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm