Cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra mô hình nuôi cá lồng trên sông_Ảnh: baobacninh.vn

Qua theo dõi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh thủy sản hằng năm do Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản thực hiện tại vùng nuôi cá lồng trên sông từ năm 2021 - 2023, cho thấy, từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm thời tiết thường có những diễn biến bất thường không thuận lợi, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông, do yếu tố thủy lý, thủy hóa thay đổi, dòng chảy chịu tác động của thủy triều lên sẽ làm cho nước sông đứng, lưu tốc dòng chảy giảm dẫn đến nguy cơ cá nuôi lồng bị chết do thiếu oxy cục bộ, ngộ độc...

Dự báo trong thời gian tới trời tiếp tục nhiều mây, ít nắng, nền nhiệt độ tiếp tục duy trì thấp làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cá nuôi.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, các cơ sở nuôi cá lồng trên sông cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh… để cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt:

- Thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến của thời tiết, chủ động lắp đặt hệ thống sục khí oxy tại các lồng nuôi hoặc máy bơm nước để sử dụng khi cần thiết. Ngoài ra, chủ động chuẩn bị các vật tư (vải bạt may theo kích cỡ lưới lồng nuôi các hộ đang sử dụng) đề phòng trường hợp môi trường nước sông có diễn biến xấu cần sử dụng để cách ly môi trường nước trong lồng nuôi với môi trường bên ngoài sông. Bên cạnh đó, dự phòng bao linon, bao tải và bình oxy để vận chuyển cá đến nơi an toàn khi cần thiết.

- Khi phát hiện cá nổi đầu trên mặt lồng, bơi lờ đờ, đầu hướng đầu nguồn nước chảy cần bình tĩnh xác định nguyên nhân, nếu do thiếu oxy cần vận hành hệ thống sục khí, máy bơm để cung cấp đủ oxy cho cá.

- Các hộ nuôi cá lồng đa dạng hóa đối tượng nuôi, nuôi những đối tượng có năng suất, giá trị kinh tế cao như: cá tầm, cá chiên, cá ngạnh sông, chép giòn…. giãn mật độ cá nuôi, thả cá giống lớn đúng thời vụ, chủ động vệ sinh lồng và cho cá ăn thuốc phòng bệnh định kỳ; dự phòng nguồn vật tư thường xuyên cho cá (thức ăn, hóa chất, thuốc phòng trị bệnh) để sử dụng.

- Chủ động thu hoạch khi cá đạt kích cỡ thương phẩm; tham gia các hợp tác xã thủy sản, chi hội nghề cá… để liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế khi thu hoạch.

- Các cụm lồng nuôi bố trí cách nhau tối thiểu 10m, khi nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m để đảm bảo oxy, phòng ngừa dịch bệnh. Khi có thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra với cá nuôi trên địa bàn cần thu gom xử lý theo quy định (nấu chín hoặc chôn lấp có rắc vôi bột) nhằm tránh ô nhiễm môi trường.

- Thực hiện việc kê khai số lượng lồng nuôi cá ban đầu với cơ quan quản lý theo quy định (Nghị định 02/NĐ-CP, ngày 9-1-2017, của Chính phủ, về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh) để làm căn cứ hỗ trợ khi có thiệt hại gây ra.

Nguyễn Anh (tổng hợp)