Tỉnh Quảng Ninh: Chú trọng đầu tư nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế
TCCS - Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng, nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đề ra các chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Với tư tưởng coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn nhất quán quan điểm phát triển nguồn nhân lực chính là tạo đột phá chiến lược để phát triển kinh tế- xã hội tỉnh. Tại Đại hội lần thứ XV, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất định hướng phát triển, 3 khâu đột phá, 4 quan điểm giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Quá trình thực hiện, Quảng Ninh đã cụ thể hóa 4 định hướng chiến lược của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập phù hợp với điều kiện địa phương. Đó là gắn phát triển nguồn nhân lực với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; gắn việc phát triển nguồn nhân lực với quá trình dân chủ hóa, nhân văn hóa đời sống xã hội, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; có chiến lược phát triển con người trên cơ sở một hệ thống chính sách đồng bộ hướng tới con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Bằng việc giải quyết tốt các vấn đề này, tỉnh đã tạo được yếu tố nội sinh của nguồn nhân lực, tạo cơ sở bền vững cho phát triển và hội nhập.
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Quảng Ninh luôn đặc biệt chú trọng, quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đó là: Tổ chức những lớp bồi dưỡng về quản trị trường học cho các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ; kết hợp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ để hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học.
Trong đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, Quảng Ninh có định hướng cụ thể về đối tượng gắn với nhu cầu, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng khả năng vận dụng thực tiễn sau đào tạo (bồi dưỡng cho bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn như công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp; bồi dưỡng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung) cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác du lịch, cán bộ địa phương biên giới.... Đồng thời, ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực mà tỉnh cần đáp ứng nguồn nhân lực thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp và hội nhập, như ngoại ngữ, du lịch, dịch vụ, cải cách hành chính, quản lý đô thị, tin học...
Thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực
Quảng Ninh đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường Đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế: như Đại học Kinh tế Quốc dân (ngày 29-1-2015); Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Ngoại thương; đặc biệt là Trường Đại học Công nghệ Auckland New Zealand, nhằm liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, tăng cường đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật kinh doanh, thương mại quốc tế, du lịch, chuyên gia về quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, đào tạo giáo viên của Trường Đại học Hạ Long, đồng thời thu hút nhân tài cho chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đề ra.
Hiện Quảng Ninh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với kinh phí dự kiến 1.133 tỷ đồng, thực hiện từ 2021 - 2025, từ việc phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm kinh tế - xã hội và phát triển, đề án sẽ đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh về cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực... Theo đề án, Quảng Ninh dự kiến đào tạo trong nước đối với 62.900 cán bộ, công chức, viên chức tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh 750 cán bộ, công chức, viên chức theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài 1.100 cán bộ, công chức, viên chức tương ứng 55 lớp học; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến 5.000 lao động ngành nông nghiệp, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại, 5.000 lao động ngành xây dựng...
Đẩy mạnh nâng cao nhận thức
Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực. Các cấp ủy, chính quyền đều nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác phát triển nguồn nhân lực, từ đó có sự quan tâm đúng mức, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đầu tư nguồn lực tài chính phù hợp cho nhiệm vụ này. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng đã xác định phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm của chính cơ quan, đơn vị và từng cá nhân nên thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ trong thực thi công vụ. Từ đó nỗ lực nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công vụ, kiến thức hành chính, chủ động và tích cực trong công việc.
Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm bằng các cơ chế, chính sách nên tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng dân số của Quảng Ninh ngày càng được cải thiện cả về thể chất và tinh thần. Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động tiếp tục được nâng cao. Đa số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo cả về chuyên môn, lý luận, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế; có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, từng bước trưởng thành, tiến bộ về trình độ, nhận thức, năng lực thực tiễn, phương pháp, tác phong, lề lối làm việc. Nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản duy trì được tốc độ phát triển hợp lý về số lượng, chú trọng về chất lượng và tạo việc làm.
Có thể thấy rằng, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục dành sự nhiều sự quan tâm và đầu tư thích đáng để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, trong đó chú trọng việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để tỉnh có thể tìm ra những giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra trong thời gian tới./.
Các nhà đầu tư Nhật Bản luôn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh  (18/12/2021)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm