Phong trào hành động cách mạng của thanh niên Việt Nam qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Anh Tuấn
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
18:16, ngày 08-09-2019

TCCS - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ và dành muôn vàn tình yêu thương, chăm sóc, giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Khắc ghi lời dạy của Bác trong Di chúc thiêng liêng để lại, 50 năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn chú trọng tổ chức các phong trào hành động cách mạng nhằm tạo môi trường thực tiễn để thanh niên rèn luyện, khẳng định mình, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đảng viên trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác toàn quốc nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)_Ảnh: TTXVN

Các phong trào hành động cách mạng của thanh niên Việt Nam luôn xuất phát từ thực tiễn, bám sát nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng qua từng thời kỳ

Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh Bắc  - Nam bị chia cắt hai miền, mục tiêu cao nhất của cả dân tộc là đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mọi hoạt động của Đoàn, phong trào của tuổi trẻ đều hướng vào thực hiện mục tiêu này. Sau năm 1969, Đoàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai hai phong trào lớn nhất của thanh niên hai miền Bắc - Nam, như phong trào “Ba sẵn sàng” được phát động ở miền Bắc năm 1964 và phong trào “Năm xung phong” được phát động ở miền Nam năm 1965. Các phong trào được phát triển sâu rộng trong cả nước, thu hút hàng triệu đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia với tinh thần xung kích đi đầu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” và đóng góp quan trọng cho công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc đi đến thắng lợi.

Khi đất nước được giải phóng, non sông Việt Nam nối liền một dải, để đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai một số phong trào cụ thể: “Ba mũi tên tiến công chống tiêu cực và toàn Đoàn tham gia xây dựng Đảng” từ năm 1976, “Ba xung kích làm chủ tập thể” từ năm 1978. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV (năm 1980) đã quyết định đẩy mạnh phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thu hút hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Cũng trong giai đoạn này, cả nước có gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Sau khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V (năm 1987) phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là phong trào mang ý nghĩa lớn lao, là phong trào của thế hệ trẻ đi đầu trong công cuộc đổi mới, hành động vì tương lai của thế hệ trẻ, vì hạnh phúc của nhân dân, qua đó khẳng định vai trò của tuổi trẻ góp phần đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn, khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (năm 1992), phát động triển khai hai phong trào lớn là “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”. Các phong trào được đoàn viên, thanh niên cả nước hưởng ứng sôi nổi và nhiệt tình. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII (năm 1997) tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” lên một tầm cao mới.


Bước vào thiên niên kỷ mới, năm 2000 được Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định là “Năm Thanh niên Việt Nam”. Từ thời điểm này, phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia. Tổ chức đoàn các cấp đã chủ động đề xuất và đảm nhận nhiều chương trình, dự án kinh tế - xã hội quan trọng, tiêu biểu, như Dự án xóa cầu khỉ, xây cầu mới ở vùng đồng bằng Nam Bộ; xây dựng “Đảo thanh niên”; làm đường Hồ Chí Minh; xây dựng “Làng thanh niên lập nghiệp”...

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII (năm 2002) phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng siết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Phong trào mới với sức sống mới đã thu hút hàng triệu thanh niên thi đua học tập, tiến quân vào khoa học - công nghệ; thi đua lao động sáng tạo để lập thân, lập nghiệp; xung phong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, phong trào “Thanh niên tình nguyện” và các cuộc vận động, phong trào mới được triển khai, như “Sáng tạo trẻ”“Bốn mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới), “Cán bộ, công chức trẻ với cải cách hành chính”, “Học tập tốt, rèn luyện tốt”, “Trí thức trẻ tình nguyện”... đã khơi dậy sức mạnh của thanh niên tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo từ thực tiễn, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp của người thanh niên Việt Nam.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (năm 2007) phát động hai phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X (năm 2012), hai phong trào trên tiếp tục được triển khai với tên gọi “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” nhằm tạo không gian mở, sáng tạo cho cơ sở triển khai thực hiện. Phong trào thu hút gần 20 triệu lượt thanh niên tham gia, thực hiện hơn 3,4 triệu công trình thanh niên các cấp, với tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Các cấp bộ đoàn tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia; đăng ký đảm nhận 11.987 dự án phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho trên 170.000 thanh niên; triển khai 14 làng thanh niên lập nghiệp; 1.000 cầu giao thông nông thôn thay thế cầu khỉ ở đồng bằng sông Cửu Long; thí điểm dự án xây dựng 100 cầu giao thông nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và vùng đặc biệt khó khăn; 2 dự án đảo thanh niên Cồn Cỏ và Bạch Long Vĩ; tổ chức trên 87.000 các lớp học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và phổ cập tin học, ngoại ngữ cho hơn 3 triệu đoàn viên, thanh niên... Trong giai đoạn này, nhiều phong trào trong các đối tượng thanh niên được triển khai mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên và tạo được hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội, như các phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Khi tôi 18”, “Sinh viên 5 tốt”, “3 trách nhiệm”, “Sáng tạo trẻ”, “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi”... với nhiều đổi mới, sáng tạo, được xã hội ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.

 

Tạo sự chuyển biến căn bản về trọng tâm từ chủ yếu phát huy thanh niên sang vừa phát huy thanh niên, vừa kết hợp ngày càng hài hòa với đồng hành, chăm lo, hỗ trợ thanh niên

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mục tiêu cao nhất của cả dân tộc là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tất cả mọi người dân Việt Nam, trong đó có thanh niên, đều hướng ra tiền tuyến, hy sinh hết thảy vì độc lập tự do của Tổ quốc. Vì vậy, mọi phong trào của Đoàn đều hướng đến thực hiện mục tiêu cao cả này và đây cũng chính là động lực của phong trào. Do đó, các phong trào của Đoàn thời kỳ này chủ yếu nặng về huy động, khai thác, phát huy thanh niên. Tính chất này trong phong trào của Đoàn được thể hiện cả trong các phong trào, chương trình, cuộc vận động thời kỳ đầu sau ngày đất nước giải phóng, thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và đang vươn mình mạnh mẽ trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cùng với những thành tựu của đất nước, tình hình thanh niên có sự chuyển biến mạnh mẽ, đa dạng, đa chiều. Nhiều xu hướng, nhu cầu mới trong thanh niên về học tập, nghề nghiệp, việc làm, vui chơi giải trí đòi hỏi tổ chức đoàn cần đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Đặc biệt, cần thiết kế và triển khai các phong trào hành động cách mạng phù hợp để thông qua đó phát huy, tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên thực hiện chức năng “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”. Chính vì vậy, từ chỗ chủ yếu phát huy thanh niên, những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn kết hợp hài hòa giữa việc vừa phát huy thanh niên, vừa đồng hành, chăm lo, hỗ trợ thanh niên, quan tâm giải quyết những nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên, vừa tăng cường huy động, tổ chức cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn của cộng đồng, vừa kết hợp hài hòa giữa tính tình nguyện của thanh niên và khả năng, trình độ tổ chức của Đoàn. Sự chuyển biến này được thể hiện rõ trong chỉ đạo triển khai các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, bên cạnh việc “phát huy” thanh niên là “đồng hành” với thanh niên. Điều này phù hợp với bối cảnh đất nước trong thời kỳ mới và thực tiễn tình hình thanh niên. Không chỉ dừng lại ở bộ phận thanh niên tiên tiến, các phong trào hành động cách mạng, phong trào tình nguyện do Đoàn, Hội tổ chức từng bước đi sâu vào cuộc sống của đông đảo thanh niên, hướng đến đối tượng thanh niên lao động tự do, thanh niên tình nguyện tự phát, thanh niên yếu thế, thanh niên hoàn lương, thanh niên chậm tiến, thanh niên đặc biệt khó khăn, giúp họ tạo lập cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hướng hoạt động của Đoàn, Hội nhiều hơn về cơ sở, đầu tư cho cơ sở, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tiếp tục triển khai các phong trào hành động cách mạng, xây dựng lớp thanh niên Việt Nam thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”

Triển khai các phong trào hành động cách mạng của Đoàn là để góp phần trực tiếp vào quá trình giáo dục, đào tạo thanh niên thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu. Phong trào hành động cách mạng của Đoàn đã trở thành đặc trưng của tuổi trẻ, là phương thức hữu hiệu để Đoàn thực hiện chức năng “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, thu hút thanh niên rèn luyện, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, các phong trào hành động cách mạng góp phần giáo dục, hình thành một lớp thanh niên có niềm tin, lý tưởng cách mạng, tham gia tích cực, sẵn sàng hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Và qua các phong trào hành động cách mạng, thanh niên trở thành chủ thể tích cực của công cuộc đổi mới, tích cực thi đua học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế  - xã hội và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng; đồng thời, thanh niên được chăm lo, ngày càng trưởng thành, phát triển toàn diện hơn, ngày càng hiểu rõ hơn, tin tưởng và quyết tâm hành động để thực hiện lý tưởng cách mạng của Đảng.

Có thể thấy, mỗi chặng đường trong hành trình 50 năm qua, xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đều phát động, tổ chức triển khai các phong trào hành động cách mạng luôn có sức lôi cuốn, hiệu triệu đông đảo thanh niên tham gia, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó, đồng thời chăm lo thanh niên phát triển toàn diện.

Ngày nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khởi nghiệp sáng tạo đang là một xu thế lớn, đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân mang đến cả thời cơ và thách thức đối với thanh niên, đòi hỏi thanh niên cần có những thay đổi quan trọng, nhanh chóng, mau lẹ, đa dạng, đa chiều cho phù hợp với thực tiễn. Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng của thanh niên để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Để phong trào đi đúng hướng và đạt hiệu quả, các cấp bộ đoàn cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới:

Thứ nhất, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức triển khai các phong trào hành động cách mạng, phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của đất nước, hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Đồng thời, cần nắm bắt đúng đặc điểm, xu hướng vận động, biến đổi nhanh chóng tình hình của thanh niên để phát huy thanh niên đúng lúc, đúng chỗ, có như thế hiệu quả phong trào của Đoàn mới được khẳng định.

Thứ hai, cụ thể hóa các phong trào để phù hợp với các địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù, triển khai các chương trình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của từng nhóm đối tượng thanh niên.

Thứ ba, triển khai phong trào phải bảo đảm tính rộng khắp, tính định hướng, tính sáng tạo, tính thiết thực và tính bền vững; luôn coi trọng và kiên trì thực hiện chức năng “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”. Xây dựng công cụ đo đếm hiệu quả phong trào cụ thể. Coi trọng vai trò tích cực của công tác truyền thông được thể hiện qua những câu chuyện, nhân vật, sự kiện cụ thể tham gia phong trào. Chú ý tính lan tỏa của phong trào, sự phát triển phong trào theo bề rộng đi đôi với việc tạo nên những cao trào trong các phong trào hành động cách mạng, từ đó định hình cách thức triển khai, gia tăng giá trị của phong trào nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên và các tầng lớp nhân dân. Chú trọng quá trình vận động nguồn lực xã hội hóa để triển khai phong trào; sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Thực hiện sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát kịp thời. Công tác thi đua - khen thưởng, phê bình, nhắc nhở cần được thực hiện phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng.

50 năm đã qua đi, nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. “Muôn vàn tình yêu thương” của Bác vẫn mãi vẹn nguyên đối với các thế hệ thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước. Tự hào là tổ chức được Đảng và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào hành động cách mạng trong thanh niên để góp phần xây dựng, bồi đắp nên con người mới xã hội chủ nghĩa, những chủ nhân tương lai của đất nước “vừa hồng, vừa chuyên” như Bác Hồ hằng mong đợi./.