Già hóa dân số trên thế giới hiện nay - Một số gợi mở, hàm ý chính sách cho Việt Nam

PGS, TS Trần Thọ Quang - TS Trần Tăng Khởi
Tạp chí Cộng sản - Học viện Chính trị khu vực III
07:50, ngày 16-05-2024

TCCS - Già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu, đã và đang trở thành thách thức nan giải, có tác động mạnh mẽ đến tình hình ổn định, phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, việc nhận diện, nghiên cứu nguyên nhân, tác động, đồng thời tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ những nước đi trước nhằm xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp, toàn diện để đối phó với nguy cơ già hóa dân số là nhiệm vụ cấp thiết, nhất là đối với những đất nước đang phát triển hiện nay, trong đó có Việt Nam.

Một số vấn đề về thực trạng già hóa dân số trên thế giới

Già hóa dân số là một trong những xu hướng nổi bật, đáng quan tâm của thế kỷ XXI, thể hiện ở việc gia tăng tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trong tổng dân số một quốc gia hoặc khu vực; có tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống nhân loại. Đây cũng là kết quả tất yếu của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học (hướng tới cuộc sống lâu dài và nhiều gia đình hơn) đang diễn ra phổ biến, biểu hiện ở việc tầng lớp NCT gia tăng mạnh do tỷ suất sinh giảm và tuổi thọ trung bình tăng lên. Ngược về quá khứ, năm 1950, thế giới có khoảng 200 triệu người trên 60 tuổi, đến năm 2020, có đến 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên và theo dự báo, con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 (khoảng 1,5 tỷ người)(1); ở các vùng ít phát triển hơn, độ tuổi trung vị sẽ tăng từ 26 tuổi (năm 2010) lên 35 tuổi (năm 2050)(2).

Về phân loại hiện tượng già hóa dân số: Một số nhà nghiên cứu phân chia mức độ già hóa tương ứng với các nội dung cụ thể: Dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% - 9,9% tổng dân số được coi là “già hóa”; từ 10% - 19,9% gọi là dân số “già”; từ 20% - 29,9% là dân số “rất già” và trên 30% là dân số “siêu già”(3). Mỗi quốc gia đều có mức độ và tốc độ già hóa dân số khác nhau, những nơi quá trình này diễn ra muộn sẽ có ít thời gian để đối phó với các tác động hơn; trong ba thập kỷ tới, tỷ lệ NCT tăng nhanh chóng, tuy nhiên, chỉ có một số ít quốc gia đủ khả năng xác định nhóm dân cư cao tuổi nào sẽ có thể sinh sống trong điều kiện sức khỏe ổn định hay là đau ốm, bệnh tật (thông thường, kéo dài tuổi thọ phần nào đồng nghĩa với kéo dài tình trạng sức khỏe kém trong giai đoạn suy kiệt của cơ thể)(4).

Cùng với đó, sự gia tăng tỷ lệ người già trong dân số sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên các hoạt động, kế hoạch chi tiêu công, bởi chính quyền các quốc gia phải chi trả lượng lương hưu lớn và trong thời gian dài hơn(5). Theo đó, với đặc điểm về thể chất, sức khỏe của NCT, nhu cầu chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội cũng tăng lên(6). Như vậy, già hóa dân số yêu cầu chính quyền các quốc gia phải có kế hoạch, giải pháp tháo gỡ toàn diện, bảo đảm ổn định, đáp ứng yêu cầu về sức khỏe cộng đồng cũng như phát triển bền vững kinh tế - xã hội(7).

Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng giá hóa dân số là: 1- Đây là kết quả tất yếu của xu hướng giảm sinh, đặc biệt khi điều kiện sống ngày càng được cải thiện, khiến tỷ lệ NCT cao hơn hẳn so với tầng lớp trẻ em (một phần là thành tựu trên chặng đường phát triển nhân loại, từ chương trình sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, tâm lý xã hội, trình độ công nghệ, kinh tế, chính sách dân số, hôn nhân đồng tính, quyền phá thai,…); 2- Tuổi thọ trung bình tăng trên toàn cầu, dẫn đến sự già đi nhanh chóng của dân số toàn thế giới.

Thực tế, hiện tượng già hóa dân số diễn ra sớm nhất ở các nước trình độ phát triển cao, nhưng có tốc độ gia tăng nhanh hơn ở các vùng ít phát triển hơn(8) (trong tương lai, quá trình già hóa có xu hướng giảm đáng kể ở châu Âu và diễn ra mạnh mẽ ở các nước châu Á). Hiện nay, châu Âu và Bắc Mỹ là hai khu vực có tỷ lệ NCT cao nhất; trong khi đó, Bắc Phi, Tây Á và các nước châu Phi ở vùng cận Sahara dự kiến có tốc độ gia tăng nhanh nhất về số lượng NCT trong ba thập kỷ tới(9). Về tổng thể, theo dự báo, tuổi thọ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ đạt 77,2 vào năm 2050 nhờ những tiến bộ của y học, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt và dinh dưỡng được cải thiện, cụ thể: châu Á sẽ đạt 78 tuổi; khu vực Bắc Mỹ, châu Mỹ La-tinh, châu Âu và châu Đại Dương sẽ đạt khoảng từ 81 đến 84 tuổi; mặc dù châu Phi vẫn có tuổi thọ trung bình thấp hơn mức trung bình của thế giới nhưng sẽ tăng mạnh lên 66 tuổi (năm 2030) và gần 70 tuổi (năm 2050)(10).

Châu Âu là khu vực phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số từ nhiều thập niên trước, đến nay, dân số châu Âu đang già đi nhanh chóng do tỷ lệ sinh thấp, trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng. Theo dự kiến đến năm 2050, khoảng 30% dân số châu Âu sẽ là NCT(11), đặt ra nhiều vấn đề trong hoạch định chính sách, chương trình hỗ trợ bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Ở châu Á, tỷ lệ người già đang gia tăng nhanh chóng, trong khi tỷ lệ sinh giảm ở nhiều nước, do đó, nhiều quốc gia đang phải “căng mình” để xử lý những hệ lụy do tác động của quá trình giá hóa dân số. Ví dụ, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ dân số ở mức siêu già, nhóm dân số cao tuổi đạt khoảng 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số (năm 2022); dự báo đến năm 2030, nhóm dân số cao tuổi sẽ tăng lên khoảng 37,3 triệu người, chiếm tới 31% tổng dân số và sẽ là 40% vào năm 2060(12),... Đáng chú ý, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đang làm việc đã lên tới 8,62 triệu người, trong đó có 3,5 triệu phụ nữ, nhưng Nhật Bản sẽ vẫn thiếu khoảng 6,44 triệu lao động vào năm 2030(13). Trong khi đó, năm 2020, dân số của Trung Quốc đạt mốc 1,411 tỷ người (tăng 72 triệu người so với năm 2010); dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 - 59 tuổi) giảm xuống còn 894 triệu người, trong đó, người từ 60 tuổi trở lên tăng đến 264 triệu người (chiếm 18,7% dân số), từ 65 tuổi trở lên đạt 190 triệu người (chiếm 13,5% dân số), từ 80 tuổi trở lên đạt 35,8 triệu người (chiếm 2,54% tổng dân số)(14),… Như vậy, lần đầu tiên sau hơn 60 năm, Trung Quốc đối diện với sự sụt giảm dân số, khởi đầu giai đoạn khủng hoảng dân số.

Người cao tuổi ở Nhật Bản_Nguồn: japannews.yomiuri.co.jp

Những tác động, ảnh hưởng của quá trình già hóa dân số

Thứ nhất, cơ cấu dân số thay đổi khiến quá trình phân phối quyền lực và lựa chọn ứng viên, đại biểu đại diện cho nhân dân ở các khu vực hành chính trong hệ thống chính trị bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyết sách các quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, khi tỷ lệ NCT gia tăng, tỷ suất sinh giảm sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng ở nhiều nơi, tạo sức ép, thách thức về điều chỉnh thị trường lao động, việc làm; giải quyết xung đột, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong thời kỳ dân số già; kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất sản xuất và đổi mới, suy giảm năng lực cạnh tranh. Ví dụ: tại Pháp, theo dự báo, đến năm 2030, trung bình mỗi năm, nước này chỉ có khoảng 640.000 thanh niên gia nhập thị trường lao động, trong khi có đến 760 nghìn vị trí tuyển dụng(15); tại Nhật Bản, tỷ lệ lao động lớn tuổi hiện ở mức cao trong các ngành, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, như ngành xây dựng và điều dưỡng (15%), ngành vận tải (hơn 10%), tài xế ta xi, xe bus (chiếm tới 30%)(16).

Thứ hai, già hóa dân số là yếu tố kích thích nhu cầu bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội đối với NCT, từ đó, tạo sức ép lớn đối với hệ thống y tế và ngân sách mỗi quốc gia ở mọi cấp hành chính. Ở các nước phát triển, theo ước tính năm 2010, cứ 4 người trong độ tuổi lao động (15 tuổi - 64 tuổi) sẽ hỗ trợ 1 NCT (từ 65 tuổi trở lên); tuy nhiên, tỷ lệ này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 3 người trong độ tuổi lao động/1 NCT vào năm 2025(17). Ví dụ, Nhật Bản là nước có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi chiếm 25,1%, khoản chi tiêu an sinh xã hội trong tổng thu nhập quốc dân của nước này đã tăng từ 13,7% (năm 1985) lên 22,8% GDP (năm 2012), khoảng 109,5 nghìn tỷ Yên (trong đó, lương hưu chiếm khoảng 11,2%; chi phí dịch vụ y tế chiếm 7,3%; các chế độ phúc lợi xã hội chiếm 4,3%).

Thứ ba, tuổi cao khiến sức khỏe thể chất, tinh thần của NCT suy giảm, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, di chuyển và có thể bị rơi vào tình cảnh cô đơn, sống tách biệt về mặt xã hội; khó tiếp cận các dịch vụ an sinh; đồng thời, dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, nhất là lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Theo những thống kê gần đây, người dân Mỹ đã mất hơn 1 tỷ USD vì lừa đảo qua mạng; phần lớn nạn nhân là phụ nữ trên 40 tuổi góa chồng hoặc đã ly dị và là người già yếu; ở Đông Nam Á, gần một nửa người dùng từng là nạn nhân của các cuộc lừa đảo qua mạng, trong đó, tỷ lệ nạn nhân tập trung chủ yếu vào các nhóm người lớn tuổi nhất (chiếm 33%)(18).

Thứ tư, già hóa dân số gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực lao động khiến nhiều nước phải điều chỉnh chính sách nhập cư, thuê lao động nước ngoài dẫn tới việc hình thành các nhóm lao động có sự khác biệt về văn hóa; nguy cơ xảy ra tình trạng văn hóa ngoại lai xâm nhập, áp đảo văn hóa nội sinh. Mặt khác, tổng số NCT tăng, tỷ suất sinh giảm gây khó khăn trong việc truyền tiếp, kế thừa, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tiềm ẩn vấn đề đứt gãy về mặt văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bản sắc và sự phát triển bền vững của mỗi cộng đồng, quốc gia - dân tộc. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh tại các quốc gia cũng bị ảnh hưởng; quá trình tuyển quân và tuyển dụng nhân lực vào quân đội, lực lượng vũ trang sẽ bị giảm sút, hao hụt, khó khăn. Ví dụ: Giai đoạn 2002 - 2022, quy mô quân đội Hàn Quốc đã giảm 27,6%, khiến quốc gia này phải áp dụng phương án kéo dài thời gian tại ngũ của quân nhân (nam giới Hàn Quốc phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ 18 - 21 tháng và trở thành lính dự bị trong vòng 8 năm sau đó), đồng thời Chính phủ cũng tính toán phương án tuyển nữ giới vào quân đội cùng với đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh(19).

Một số gợi mở, hàm ý chính sách cho Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh so với thế giới, điều này đã và đang có ảnh hưởng, tác động toàn diện đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người từ độ tuổi 60 trở lên tăng hơn 25%; đặc biệt, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” (giai đoạn quá độ từ già hóa dân số đến dân số già chỉ diễn ra trong vòng 20 năm, trong khi ở các quốc gia phát triển thì kéo dài hàng trăm năm). Như vậy, để chuẩn bị và xử lý những vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số, cần chú trọng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, giải pháp dựa trên một số nội dung sau:

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm quyền được thụ hưởng sự chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao tuổi thọ đối với đối tượng là NCT(20). Ở Việt Nam, đối tượng người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm đặc biệt; được tạo điều kiện để phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công cuộc phát triển đất nước. Theo đó, trước mắt cần đẩy mạnh thực hiện đạt và vượt mục tiêu đến năm 2030 “bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”(21). Đáng chú ý, các chính sách cần hướng đến việc công nhận năng lực, giá trị và quyền tự chủ của những cá nhân lớn tuổi thay vì giao cho họ những nhiệm vụ mang tính hình thức; tập trung phát triển lực lượng lao động, xây dựng các chương trình đào tạo, cải thiện mức lương và điều kiện làm việc để bồi dưỡng đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Đảng, Nhà nước bảo đảm quyền được thụ hưởng sự chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện để phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công cuộc phát triển đất nước của người cao tuổi_Nguồn: TTXVN

Thứ hai, tích cực, chủ động trong giao lưu, học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới trong đối mặt, xử lý các vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số. Việt Nam là nước đi sau và có tốc độ nhanh hơn trong quá trình già hóa, diễn biến phức tạp; do đó, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để có sự chuẩn bị là rất cần thiết. Đặc biệt, chú trọng phát triển bền vững lĩnh vực kinh tế, gia tăng nguồn tài chính dài hạn của các hộ gia đình, giúp NCT có điều kiện chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn nghỉ hưu.

Thứ ba, tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ tốt hơn, như tăng thời gian nghỉ sau sinh; có điều kiện tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản dễ dàng; gia tăng sinh kế nhằm thoát nghèo, đủ khả năng nuôi dưỡng khi sinh con; tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nam giới và nữ giới về vấn đề mang thai, tránh thai để họ có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt(22). Phải đặc biệt chú ý đến vấn đề duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương có mức sinh thấp, hỗ trợ chương trình y tế nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư khoa học - công nghệ cho y tế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành ít cách biệt và giảm tỷ trọng các ngành có sự chênh lệch lớn về năng suất lao động giữa các nhóm tuổi; khuyến khích phát triển các ngành phục vụ, chăm sóc NCT, cũng như các ngành kinh tế liên quan và các ngành có nhu cầu sử dụng lực lượng lao động là NCT; thực hiện các chính sách phù hợp, khoa học đối với công tác dân số và duy trì tỷ lệ sinh hợp lý. Mặt khác, cân nhắc, mở rộng nghiên cứu các chính sách về lương hưu, cung cấp bảo hiểm cho mọi đối tượng lao động để họ có thể tiếp cận tốt hơn các nguồn lực an sinh xã hội, là cơ sở để lập kế hoạch cho giai đoạn nghỉ hưu(23). Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mọi công dân trong chủ động tạo nguồn tài chính phục vụ cuộc sống sau khi về già của cá nhân và gia đình./.

---------------------

(1) Xem: United Nations: World population ageing 2020 highlights: Living arrangements of older persons (Tạm dịch: Những điểm chính về vấn đề hóa dân số thế giới năm 2020: Sắp xếp lại cuộc sống cho người cao tuổi), New York, 2020, tr. 3, https://www.un.org/development/desa/pd/sites/www.un.org.development.desa.pd/files/undesa_pd-2020_world_population_ageing_highlights.pdf
(2) Xem: United Nations: World Ageing Population 2013 (Tạm dịch: Già hóa dân số thế giới năm 2013), New York, 2013, tr. 20, https://digitallibrary.un.org/record/826632?v=pdf
(3) Xem: Trương Thị Ngọc Lan - Phạm Thị Giang: “Thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam”, Tạp chí Quản lý nhà nước, ngày 26-11-2020, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/11/26/thich-ung-voi-gia-hoa-dan-so-o-viet-nam/#:~:text=(Quanlynhanuoc)%20%E2%80%93%20M%E1%BB%99t%20trong%20nh%E1%BB%AFng,s%E1%BB%B1%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng
(4) Xem: J. Fries: “Aging, natural death, and the compression of morbidity” (Tạm dịch: Già hóa - cái chết tự nhiên và sức ép của bệnh tật), The New England Journal of Medicine, ngày 17-7-1980, https://www.researchgate.net/publication/15816171_Aging_Natural_Death_and_the_Compression_of_Morbidity
(5) Xem: M. VerbiČ: “The ageing population and the associated challenges of the Slovenian pension system” (Tạm dịch: Dân số già và những thách thức tác động đến hệ thống lương hưu ở Slovenia), Financial theory and practice, 2008, số 32, tr. 321 - 338
(6) Xem: M. Bussolo, J. Koettl và E. Sinnott: “Golden aging: Prospects for healthy, active, and prosperous aging in Europe and Central Asia” (Tạm dịch: Già hóa vàng: Triển vọng về tuổi già khỏe mạnh, năng động và thịnh vượng ở châu Âu và Trung Á), The World Bank, Working Paper, 2015; A. Gray: Population Ageing and Health Care Expenditure (Tạm dịch: Già hóa dân số và chi tiêu y tế, chăm sóc sức khỏe), Ageing Horizons, 2019, tr. 15 - 20
(7) Xem: P. Lloyd Sherlock, M. McKee và et al: “Population ageing and health” (Tạm dịch: Già hóa dân số và sức khỏe), The Lancet, ngày 4-4-2012, https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(12)60519-4/fulltext
(8) Xem: United Nations: “World Population Ageing 2013”, Tlđd
(9) Xem: United Nation: World social report 2023: Leaving no one behind in an ageing world (Tạm dịch: Báo cáo tình hình xã hội thế giới năm 2023: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong một thế giới già hóa), United Nations Department of Economic and Social Affairs, 2023, tr. 17,  https://www.un-ilibrary.org/content/books/9789210019682/read
(10) Xem: Shogo Kudo, Emmanuel Mutisya và Masafumi Nagao: “Population aging: An emerging research agenda for sustainable development” (Tạm dịch: Già hóa dân số: Một chương trình nghiên cứu mới về phát triển bền vững), Social Sciences, ngày 5-10-2015, https://www.mdpi.com/2076-0760/4/4/940
(11) Xem: “Caring for older people in age-friendly communities” (Tạm dịch: Chăm sóc người cao tuổi trong cộng đồng thân thiện với người già), The Red Cross EU Office, ngày 7-9-2022, https://redcross.eu/latest-news/caring-for-older-people-in-age-friendly-communities_ftn1
(12) Xem: “Việt Nam và Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 29-8-2023, https://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-va-nhat-ban-trao-doi-kinh-nghiem-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-645280.html
(13) Xem: Bùi Nghĩa, Nguyễn Hữu Hoàng, Nguyễn Thị Hoa: Chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,Thành phố Hồ Chí Minh, 2020
(14) Xem: Gia Linh: “Già hóa dân số ở một số nước châu Á”, Tạp chí Con số và sự kiện điện tử, ngày 21-1-2022, https://consosukien.vn/gia-ho-a-dan-so-o-mo-t-so-nuo-c-chau-a.htm
(15) Xem: Lâm Anh: “Nỗi lo dân số già của EU”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 11-11-2023, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/noi-lo-dan-so-gia-cua-eu-750847
(16) Xem: Đức Trung: “Gần 40% công ty ở Nhật Bản thuê lao động trên 70 tuổi”, Báo điện tử VNExpress, ngày 26-8-2023, https://vnexpress.net/gan-40-cong-ty-o-nhat-ban-thue-lao-dong-tren-70-tuoi-4642437.html
(17) Xem: National Intellegence Council: Global trends 2025: A transformed world (Tạm dịch: Những xu hướng toàn cầu năm 2025: Một thế giới đã thay đổi), Washington DC, tháng 11-2008, tr. 21, https://www.dni.gov/files/documents/Newsroom/Reports%20and%20Pubs/2025_Global_Trends_Final_Report.pdf
(18) Xem: Hà Linh: “Người già dễ bị lừa đảo qua mạng”, Báo Tuổi trẻ Thủ đô điện tử, ngày 4-10-2023, https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-gia-de-bi-lua-dao-qua-mang-235188.html
(19) Xem: Cẩm Bình: ““Kẻ thù mới” của quân đội Hàn Quốc”, Tạp chí Một thế giới điện tử, ngày 31-12-2023, https://1thegioi.vn/ke-thu-moi-cua-quan-doi-han-quoc-212564.html
(20) Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 27-9-1995, của Ban Bí thư, “Về chăm sóc người cao tuổi” xác định nhiệm vụ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; Luật Người cao tuổi năm 2009; Quyết định số 544/QĐ-TTg, ngày 25-4-2015, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, đây là dịp kêu gọi sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội cùng tham gia chăm sóc người cao tuổi; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” xác định nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia; Quyết định số 1125/QĐ-TTg, ngày 31-7-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020”,...
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 271
(22) Xem: Positive News: “5 possible solutions to overpopulation” (Tạm dịch: 5 giải pháp khả thi cho tình trạng dân số quá tải), ngày 10-7-2017, https://www.positive.news/society/5-possible-solutions-overpopulation/
(23) Theo đó, mọi người cần xác định rõ kế hoạch chi tiêu và phương thức dự định tích lũy tài sản đến tuổi nghỉ hưu để tạo nguồn tài chính đáp ứng các nhu cầu cuộc sống, tránh lạm dụng sự hỗ trợ từ nhà nước. Mặt khác, nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xác định đối tượng phù hợp được hỗ trợ, như những người không may gặp vấn đề về sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn,… thay vì cung cấp chung các khoản chi tiêu dành cho NCT dưới mọi hình thức.