Từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Suy ngẫm về sự tỏa sáng giá trị văn hóa Việt Nam

TS. Nguyễn Đình Hòa - TS. Luyện Thị Hồng Hạnh
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
21:28, ngày 22-07-2022

TCCS - Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam ngày càng lan tỏa, chuyển hóa thành sức mạnh, tạo thành động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy lùi được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang trải qua một thử thách vô cùng lớn, không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và sinh mệnh của hàng triệu con người - đó chính là đại dịch COVID-19. Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn dân với quyết tâm chính trị cao độ, với một tinh thần xuyên suốt “Chống dịch như chống giặc” đã bình tĩnh, thận trọng và tích cực cả trong nhận thức và hành động thực tiễn để ngăn chặn hiệu quả đại dịch COVID-19, thực hiện “mục tiêu kép”, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Những thắng lợi quan trọng của Việt Nam trên “mặt trận không tiếng súng” này trong điều kiện tiềm lực của đất nước còn hạn chế về nhiều mặt khiến cộng đồng thế giới khâm phục và ca ngợi. Có thể khẳng định rằng, qua cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đầy cam go và nguy hiểm này, những giá trị văn hóa Việt Nam vốn thấm đẫm tính nhân đạo, nhân văn từng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc trong lịch sử, một lần nữa, lại tỏa sáng rực rỡ, trở thành niềm tin và tự hào Việt Nam.

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và có nguy cơ lan rộng, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nắm chắc tình hình, diễn biến, đề ra các nhóm giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, các ngành và của toàn dân. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các đoàn thể và các địa phương đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Những thắng lợi bước đầu của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 được xem là bắt nguồn từ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chính những giá trị từng đúc kết nên bản sắc văn hóa, con người Việt Nam đã giúp chúng ta có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn và thử thách, có niềm tin vững chắc vào sự thành công trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

Lòng yêu nước nồng nàn - một giá trị văn hóa chủ đạo

Lòng yêu nước đã trở thành một truyền thống quý báu, là giá trị cao cả, niềm tự hào của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống ấy, giá trị ấy được hun đúc và tôi luyện trong mỗi người Việt Nam, được giữ gìn và phát huy qua các thế hệ nối tiếp, trở thành một nguồn nội lực to lớn. Dù chống giặc ngoại xâm hay thiên tai, dịch bệnh, người Việt Nam luôn thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Khương, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai hướng dẫn đồng bào phòng, chống dịch COVID-19_Nguồn: baolaocai.vn

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây, lòng yêu nước thể hiện ở tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng, quả cảm, là tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngày nay, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, lòng yêu nước thể hiện ở sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cả trong nhận thức và hành động nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Lòng yêu nước của nhân dân ta đã chuyển hóa thành hành động cụ thể, thiết thực. Hàng nghìn bác sĩ, y tá, cán bộ y tế nhiều kinh nghiệm của các bệnh viện tuyến trung ương, các tỉnh, thành phố, hàng nghìn sinh viên các trường đại học y, dược đã tự nguyện lên đường, về các điểm nóng dịch COVID-19 để “chia lửa”, hỗ trợ chuyên môn và giúp các địa phương chống dịch; hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhiều cán bộ y tế nghỉ hưu tình nguyện đến các vùng tâm dịch giúp người dân chống COVID-19… Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ kinh phí, trang thiết bị, thuốc men và nhu yếu phẩm trị giá hàng trăm tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Ngay cả các cụ già, em học sinh cũng hết lòng ủng hộ lực lượng chống dịch. Đặc biệt, nhân dân đã thực hiện tốt những chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch, như thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội, thực hiện 5K,… tại các địa phương có dịch xuất hiện. Tất cả những hành động đó đã thể hiện cao độ tinh thần yêu nước, sự đồng lòng và quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của nhân dân cả nước. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” lan tỏa trong toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân và những giá trị tốt đẹp trong mỗi con người, từng cộng đồng đã, đang được phát huy mạnh mẽ, giúp chúng ta có thêm sức mạnh và niềm tin vào chiến thắng.

Lấy dân làm gốc - một giá trị văn hóa cốt lõi

“Lấy dân làm gốc” là một giá trị văn hóa, triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Trãi đã từng nói, sức dân như nước, đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” vốn được coi trọng, đề cao trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và ngày nay tiếp tục được tỏa sáng. Đó là sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, của Chính phủ đến tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân trên cả nước. Để kiềm chế, kiểm soát và chủ động ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi cả nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương lấy việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, dành tất cả những điều kiện và nguồn lực tốt nhất để phục vụ hoạt động chống dịch, tập trung cứu chữa những người bị bệnh tại các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến trung ương, chăm lo chu đáo và ổn định cuộc sống không chỉ của những người dân thuộc diện cách ly, mà còn quan tâm, hỗ trợ cho những người mất thu nhập do tác động của đại dịch…

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19_Nguồn: hanoimoi.vn

Cùng với việc triển khai thực hiện các biệp pháp cấp thiết để chống dịch, Chính phủ chuẩn bị những gói an sinh xã hội rất lớn hỗ trợ người dân. Ngày 9-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”; ngày 24-4-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, “Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch; ngày 1-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng; ngày 8-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP, “Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”; ngày 6-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”; ngày 28-3-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, “Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động” và ngày 3-7-2022, Thủ tướng ban hành Quyết định số 971/QĐ-TTg, “Về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”… Các nghị quyết, quyết định này tập trung hỗ trợ các đối tượng, gồm: Người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn…, nhằm bảo đảm đời sống và an toàn cho nhân dân, không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có những gói an sinh mang tầm bao phủ, quy mô diện thụ hưởng lớn như vậy. Tất cả những quyết sách kịp thời, những hành động cụ thể đó là bằng chứng sinh động cho thấy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Những chủ trương, chính sách thực sự lấy con người làm trung tâm, đặt con người là mục tiêuđộng lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cuộc sống và sức khỏe của nhân dân trong bối cảnh đại dịch hoành hành là rất kịp thời, đúng đắn và nhân văn, thể hiện sự vận dụng sáng tạo và hiện thực hóa tư tưởng lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân(1).

Đoàn kết - một giá trị văn hóa trung tâm

Trước khả năng dịch bệnh COVID -19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thậm chí có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa cả về kinh tế, xã hội và con người, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; trong đó khẳng định, nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa; mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi cần nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa; đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19(2). Sự lan tỏa thông điệp về tinh thần đoàn kết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã động viên mạnh mẽ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy cao độ tinh thần đoàn kết trong nước và với cộng đồng quốc tế.

Cảnh sát giao thông Hà Nội hỗ trợ đồ ăn, nước uống cho người dân đi từ vùng dịch phía Nam về quê_Ảnh: hanoimoi.vn

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn quan tâm, chia sẻ, cảm thông sâu sắc và hết sức cố gắng, nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

Sự đoàn kết quốc tế của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế cảm phục và đề cao. Trong bài viết “Đoàn kết và hợp tác quốc tế - chìa khóa giải quyết khủng hoảng toàn cầu”, bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đã bày tỏ ấn tượng của mình trước những nỗ lực của Việt Nam trong đẩy lùi dịch COVID-19, cũng như những sự hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần mà Việt Nam đã dành cho bạn bè thế giới. Bà nhấn mạnh: “Thật đáng khích lệ khi thấy, trong khi đang nỗ lực hết mình để chống dịch trong nước, Việt Nam vẫn gửi những món quà thiết yếu là thiết bị y tế và khẩu trang tới các nước láng giềng, các thành viên ASEAN và các đối tác của mình. Đây thực sự là nghĩa cử của tinh thần đoàn kết!”(3).

Lòng nhân ái - một giá trị văn hóa lay động đến từng con tim, khối óc

Lòng nhân ái là một giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt, được thể hiện hết sức giản dị, nhưng vô cùng sâu sắc trong tình làng, nghĩa xóm, trong sự chở che, giúp đỡ nhau lúc khó khăn của mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đồng. Trong đại dịch COVID-19, lòng nhân ái của những người dân Việt Nam thể hiện sinh động, cụ thể qua những việc làm thiết thực của tất cả mọi người, đặc biệt là những y, bác sĩ, y tá nơi tuyến đầu chống dịch, những chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; những sự giúp đỡ từ nhỏ đến lớn tới bà con gặp khó khăn nơi vùng dịch hoặc trong khu cách ly… Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân số 91 (Phi công người Anh) mắc COVID-19 từng được tiên lượng rất xấu và Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo các bệnh viện lớn có kế hoạch ghép phổi cho bệnh nhân. Theo Trung tâm Điều phối quốc gia (Việt Nam) về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, đã có nhiều người mong muốn được hiến tặng một phần lá phổi cho bệnh nhân số 91, trong đó người trẻ nhất mới 35 tuổi. Tất cả họ đều không quen biết bệnh nhân này nhưng cùng có tâm nguyện được san sẻ một phần cơ thể mình để cứu người. Có thể nói, đây là những nghĩa cử vô cùng đáng trân trọng của cộng đồng, thông điệp yêu thương đã lan tỏa rất nhanh(4). Những hành động, việc làm cao đẹp đó tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Suốt hơn hai năm qua, Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn dân ta đã ra sức chống dịch bệnh, sẵn sàng dành những nguồn lực tốt nhất có thể, từ nhân lực, ngân sách, vắc-xin, thuốc men, cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại… để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến chống dịch đạt hiệu quả, bảo vệ sức khỏe và an toàn sinh mạng của người dân, giảm thiểu những khó khăn cho người dân do tác động của dịch bệnh. Với tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuộc mọi giới, mọi lứa tuổi đã và đang có những hành động đa dạng, thiết thực, thậm chí hy sinh quên mình, nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đó là những hành động, việc làm hết sức đáng trân quý.

Cho đến nay, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, với những biến chủng vi-rút mới, tuy nhiên, chúng ta có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để tin tưởng rằng, với sức mạnh và sự lan  tỏa của hệ giá trị văn hóa dân tộc, với quyết tâm chính trị của Đảng và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và tham gia tích cực, tự giác của nhân dân, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19. Những giá trị văn hóa tốt đẹp không chỉ làm nên cốt cách, bản sắc và đặc trưng văn hóa Việt Nam, mà còn là “bệ đỡ” và động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc và con người Việt Nam trong hiện tại và tương lai./.

……………....................................

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9,  tr. 518
(2) “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch”, Báo Điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-keu-goi-doan-ket-de-chien-thang-dai-dich-102270370.htm, ngày 31-3-2020
(3) Grete Lochen ( Đại sứ Na Uy tại Việt Nam): “Đoàn kết và hợp tác quốc tế - Chìa khóa giải quyết khủng hoảng toàn cầu”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Namhttp://dangcongsan.vn/the-gioi/the-gioi-noi-ve-viet-nam/doan-ket-va-hop-tac-quoc-te-chia-khoa-giai-quyet-khung-hoang-toan-cau-553035.html,  ngày 17-4-2020
(4) Nam Phương : “30 người xin hiến một phần phổi cho phi công mắc Covid-19”, Báo Dân tríhttps://dantri.com.vn/suc-khoe/30-nguoi-xin-hien-mot-phan-phoi-cho-phi-cong-mac-covid-19-20200515060141786.htm,  ngày 15-5-2020