Những biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị chính sách
TCCS - Trước tác động của bối cảnh mới hiện nay, các giá trị gia đình Việt Nam đang có những biến đổi nhất định cần được nhận biết, đánh giá, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, góp phần vào thành công của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.
Xu hướng biến đổi giá trị đạo đức, tâm lý và tình cảm của gia đình Việt Nam đương đại
Trong những thập niên qua, gia đình Việt Nam đã trải qua những biến chuyển quan trọng, từ gia đình truyền thống sang gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn. Quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập và giao lưu văn hóa làm xuất hiện những quan điểm cởi mở hơn về hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Gia đình là giá trị quan trọng hàng đầu
Người dân Việt Nam vốn coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó là sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo và chính trị (Biểu 1). Khái niệm gia đình ở đây là mô hình gia đình truyền thống được xây dựng trên cơ sở hôn nhân.
Biểu 1. Sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống theo giới tính (1)
Có thể thấy, gia đình và hôn nhân là một giá trị quan trọng ở Việt Nam và là thiết chế xã hội phổ biến. Phần lớn những người được hỏi vẫn khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân, theo đó, thanh niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình. Quan điểm của nhóm những người chưa kết hôn cho thấy xu hướng hôn nhân vẫn là xu hướng chủ đạo trong tương lai (với 80,5% số người chưa kết hôn cho biết sẽ “kết hôn, có gia đình”, 46,2% cho rằng “thanh niên đến tuổi trưởng thành phải lập gia đình”; tỷ lệ người đồng ý với việc sống độc thân thấp hơn nhiều so với số người không đồng ý).
Gia đình Việt Nam trong quá trình vừa bảo lưu các giá trị truyền thống, vừa tiếp thu yếu tố hiện đại
Trong số các giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình, giá trị chung thủy là giá trị rất được coi trọng trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được người dân đánh giá cao nhất, sau đó là đến các giá trị tình yêu thương, bình đẳng, có con, chia sẻ việc nhà, hòa hợp, có thu nhập. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 41,6% coi chung thủy là “quan trọng”, và 56,7% coi chung thủy là “rất quan trọng” trong hôn nhân. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy hiện tượng bảo lưu những tiêu chuẩn kép khắt khe với phụ nữ và xu hướng vị tha hơn cho nam giới trong vấn đề chung thủy (giá trị “chung thủy quan trọng hơn với phụ nữ” có tỷ lệ đồng ý cao là 66,2%). Điều này cho thấy, chung thủy vẫn là thước đo phẩm giá của người phụ nữ khi họ được kỳ vọng là nhân tố giữ gìn cho sự êm ấm, tốt đẹp của gia đình và xã hội.
Giá trị tình yêu là một giá trị bảo đảm sự bền vững của hôn nhân, nhất là hôn nhân hiện đại dựa trên tình yêu để kết hôn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, không có sự khác biệt theo giới tính, tuổi, học vấn trong đánh giá tầm quan trọng của tình yêu với sự gắn kết hôn nhân (trong số người được khảo sát có 89,7% số người được hỏi cho rằng tình yêu là quan trọng và rất quan trọng). Thực tế khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ người đánh giá thấp tiêu chí này nhất thuộc về nhóm người trẻ nhất, người dân tộc Kinh, người đi làm, người sống ở đô thị, ở các khu vực có đời sống kinh tế phát triển và mức độ hiện đại hóa cao.
Bình đẳng là một giá trị của xã hội hiện đại. Đa số người dân đánh giá khá cao tầm quan trọng của bình đẳng, cho thấy gia đình Việt Nam đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng. Cùng với đó là những thay đổi trong quan niệm về việc sống chung hoặc riêng trong gia đình. Sự xuất hiện các nhân tố mới, như di cư lao động, tôn trọng tự do cá nhân, sự độc lập về kinh tế giữa bố mẹ và con cái trong đời sống gia đình hiện đại cũng góp phần làm chuyển dịch từ gia đình lớn nhiều thế hệ (ông bà - cha mẹ - con cháu) sang gia đình nhỏ (1 hoặc 2 thế hệ).
Hiện nay, các gia đình ngày càng nhận thức cao về tầm quan trọng của trách nhiệm, chia sẻ trong đời sống gia đình. Đó là việc chia sẻ những mối quan tâm, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các thành viên trong gia đình. Các gia đình có mức độ hiện đại hóa càng cao, mang nhiều đặc điểm hiện đại, như sống ở đô thị, có việc làm, có học vấn cao, mức sống cao, các khu vực kinh tế phát triển hơn thì các giá trị chia sẻ và trân trọng càng được các cặp vợ chồng thể hiện rõ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, người phụ nữ vẫn chưa bình đẳng thực sự với nam giới, thể hiện trong tỷ lệ được người chồng chia sẻ, lắng nghe tâm tư và chia sẻ suy nghĩ. Các gia đình được khảo sát ở khu vực Đông Nam Bộ đạt điểm số trung bình cao nhất trong các hoạt động chia sẻ, lắng nghe những mối quan tâm, tâm tư của vợ/chồng. Còn nhóm nữ giới, dân tộc thiểu số, có mức sống thấp, ở nông thôn, học vấn thấp thì có tỷ lệ cao trong việc cho rằng bạn đời coi thường hoặc đánh giá thấp việc ứng xử hằng ngày hoặc đóng góp của họ đối với gia đình.
Các giá trị truyền thống và xu hướng dịch chuyển sang các giá trị hiện đại trong tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời
Cùng với việc coi trọng giá trị gia đình, các tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của người Việt Nam vẫn nghiêng về các giá trị truyền thống nhưng đang có xu hướng dịch chuyển sang các giá trị mang tính cá nhân và hiện đại. Có thể thấy, tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của người dân được khảo sát ưu tiên các phẩm chất về tư cách, đạo đức hơn là các tiêu chuẩn về ngoại hình hay tiêu chuẩn về kinh tế. Tiêu chuẩn đầu tiên của lựa chọn bạn đời là người đó “có tư cách đạo đức tốt” (chiếm 66,7%), tiếp theo là tiêu chuẩn “biết cách ứng xử” (chiếm 45%), tiêu chuẩn “khỏe mạnh” đứng thứ 3 trong các tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời (chiếm 36,1%). Các tiêu chuẩn liên quan đến điều kiện kinh tế, vật chất được lựa chọn nhưng với tỷ lệ thấp, như biết cách làm ăn (chiếm 28,6%), có nghề nghiệp ổn định (chiếm 12,9%). Trong các nhóm tiêu chí lựa chọn bạn đời hiện nay, tiêu chí tình yêu được người trả lời đề cập đến cao nhất. Điều này nói lên rằng những giá trị về tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời đã có sự chuyển đổi rõ nét từ giá trị truyền thống sang các giá trị hiện đại. Khi cá nhân được giải phóng thì yếu tố tình cảm và sự tự do lựa chọn hôn nhân được đề cao. Vì thế, hôn nhân đã chuyển dần từ thể chế kinh tế là chính sang thể chế tâm lý là chính. Tiêu chuẩn lựa chọn gia đình tương đồng về điều kiện kinh tế, địa vị xã hội “gia đình môn đăng hộ đối” hầu như không còn là giá trị cần chú ý trong thang tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời. Nghiên cứu cũng cho thấy, tiêu chuẩn nội hôn, hôn nhân cùng nhóm xã hội/tộc người/tôn giáo trong xã hội truyền thống không còn là tiêu chí hàng đầu. Có đến 69% số người được hỏi cho rằng tiêu chuẩn người “cùng làng, cùng địa phương” không quan trọng; 64,1% cho rằng “cùng dân tộc, cùng tôn giáo” không phải là những tiêu chí quan trọng trong lựa chọn người yêu. Quá trình này tạo nên sự di động xã hội nhanh và đa dạng. Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghề nghiệp xuất hiện và sự phát triển của công nghệ thông tin là những yếu tố thúc đẩy việc hình thành hôn nhân giữa các tiểu văn hóa (dân tộc, vùng, miền) và giữa các nền văn hóa (hôn nhân có yếu tố nước ngoài).
Như vậy, có thể thấy, nếu chia tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời theo nhóm giá trị cá nhân (tình yêu, hình thức, thu nhập, công việc, học vấn) và giá trị tập thể (gia đình tương đồng, sự chấp thuận của bố mẹ, cùng địa phương, cùng dân tộc) thì các giá trị cá nhân trong chọn lựa bạn đời là xu hướng nổi bật hiện nay, nhất là với nhóm có đặc điểm hiện đại, như học vấn cao, sống ở thành thị.
Gia đình truyền thống và mức độ chấp nhận cởi mở dần với một số hiện tượng hôn nhân gia đình mới
Các kiểu loại gia đình mới như hôn nhân đồng giới, chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân, tùy từng giai đoạn, thường rất hiếm hoặc không có trong truyền thống nhưng lại có xu hướng gia tăng trong các xã hội đang chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, hiện đại. Ở Việt Nam hiện nay, một bộ phận người dân, chủ yếu là người dân tộc Kinh, trẻ tuổi, học vấn cao, ở thành thị có tỷ lệ chấp nhận những kiểu loại gia đình mới cao hơn, tuy rằng có thể chưa thực sự hiểu rõ những hệ quả tiêu cực của nó.
Với những thay đổi lớn trong kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, những hình thức hôn nhân gia đình mới ủng hộ tính cá nhân có xu hướng tăng. Nghiên cứu cho thấy 38,5% người trả lời chấp nhận sống độc thân - mức độ này được chấp nhận cao hơn ở nữ giới và nhóm xã hội mang nhiều đặc điểm hiện đại; 28,4% có nhu cầu, mong muốn sống thử trước khi kết hôn; 58,3% không ủng hộ sống thử. Tỷ lệ này cho thấy nhóm người vẫn theo khuôn mẫu truyền thống trong kết hôn tuy vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng không mang tính gần như tuyệt đối như trong xã hội truyền thống trước đây.
Gần đây, hôn nhân đồng giới là vấn đề gây ra tranh cãi gay gắt giữa những người ủng hộ và không ủng hộ. Hôn nhân đồng tính mới được chấp nhận dè dặt, chỉ có 27,7% người đồng ý, phần lớn ở nhóm mang nhiều đặc điểm hiện đại.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, người phụ nữ không lấy chồng nhưng có con thường phải chịu sự lên án gay gắt của xã hội, cộng đồng và gia đình. Hiện nay, hôn nhân vẫn là quyết định hệ trọng trong cuộc đời của người phụ nữ. Tuy vậy, cùng với sự tiếp nhận văn hóa phương Tây cộng với quyền cá nhân ngày càng được pháp luật bảo vệ, người phụ nữ ngày càng có quyền quyết định việc kết hôn và có con. Quyền làm mẹ không chỉ thể hiện sự biến đổi trong nhận thức mà còn là biểu hiện của sự nhân văn trong bảo vệ quyền của phụ nữ.
Gia đình hiện đại và xu hướng suy giảm tính tập thể, tính cộng đồng
Quan hệ của gia đình với dòng họ trong xã hội Việt Nam hiện nay còn khá chặt chẽ, gắn kết, mức độ gắn kết mạnh mẽ hơn ở nhóm mang những đặc điểm truyền thống (như cao tuổi, học vấn thấp, nghèo, cư trú ở nông thôn); thể hiện ở số gia đình đồng ý cao với nhận định mỗi gia đình, thành viên cần luôn gắn kết với dòng họ để giúp đỡ lẫn nhau, đạt điểm trung bình 4,04 theo thang đo 5 điểm, coi trọng việc giữ gìn nền nếp gia phong cho con cháu, đạt điểm trung bình 4,17 theo thang đo 5 điểm.
Thực tế cho thấy có xu hướng suy giảm tính tập thể, tính cộng đồng theo mức độ hiện đại hóa. Ở một chừng mực nhất định, những giá trị truyền thống về tình làng nghĩa xóm vẫn được duy trì. Điều này cho thấy tính liên tục của các giá trị văn hóa nhưng cũng đã có những biểu hiện mới ở thế hệ trẻ về thái độ đối với quan hệ tình cảm và quan hệ vật chất giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Trong khi người cao tuổi đề cao việc ứng xử có lễ nghĩa, có trước có sau trong mọi hoàn cảnh thì nhiều thanh niên lại gắn khía cạnh kinh tế với khía cạnh tình cảm, hạnh phúc gia đình. Họ cho rằng không thể có hạnh phúc nếu khó khăn về kinh tế.
So với điểm trung bình về mức độ gắn kết với dòng họ, mức độ gắn kết giữa gia đình với cộng đồng thấp hơn. Chẳng hạn, điểm trung bình về nhận định “bạn bè xóm giềng giúp đỡ bất cứ khi nào tôi cần” là 3,52/5 điểm, khá thấp so với nhiều giá trị về quan hệ gắn kết với cha mẹ, anh chị em và dòng họ. Một chiều quan hệ khác của gia đình với cộng đồng là mức độ tham gia các hoạt động cộng đồng của gia đình và thành viên gia đình. Kết quả cho thấy, điểm trung bình tham gia các hoạt động cộng đồng là 3,54, trên ngưỡng trung bình một chút, cho thấy, tính cộng đồng của người dân Việt Nam đang trên đà suy giảm.
Tình làng nghĩa xóm theo nghĩa được giúp đỡ, hỗ trợ thể hiện nhiều hơn ở nhóm các gia đình mang đặc điểm hiện đại thấp hơn. Điểm trung bình về mức độ sẵn sàng hy sinh lợi ích vì cộng đồng của gia đình Việt Nam trong diện được khảo sát là 3,60, không quá cao, nhưng cũng không quá thấp. Điều đáng chú ý là, mức độ sẵn sàng vì tập thể, vì cái chung cao hơn ở khu vực có mức độ hiện đại thấp hơn, tức là khu vực còn duy trì tính cộng đồng cao hơn. Mức độ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung giảm dần theo đoàn hệ tuổi, cho thấy càng nhóm trẻ, mức độ chấp nhận tính cộng đồng, tính tập thể càng thấp, tính cá nhân càng cao. Chiều hướng này cũng tương tự nếu nhìn theo mức độ chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung theo trình độ học vấn của người trả lời và mức sống. Sự chấp nhận giá trị cộng đồng, giá trị tập thể cao hơn ở những nhóm có đặc điểm truyền thống hoặc yếu thế hơn.
Như vậy, các kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy có sự dịch chuyển từ các giá trị gia đình truyền thống sang giá trị gia đình hiện đại, đồng thời có sự bền vững tương đối của văn hóa trong quá trình hiện đại hóa.
Một số khuyến nghị chính sách trong bối cảnh mới
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị gia đình hiện nay bao gồm các yếu tố liên quan đến thể chế, văn hóa và hội nhập quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội giúp giải phóng sức lao động, nhất là lao động làm việc nhà cho người dân, trong đó có phụ nữ. Điều này giúp các gia đình có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, gia đình, có nhiều cơ hội hơn để thực hiện các hoạt động giải trí, tiếp thu các kiến thức văn hóa, xã hội mới từ các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, hiểu biết về những nếp sống văn minh, quan điểm hiện đại về hôn nhân và gia đình được nâng cao, từng bước thẩm thấu vào đời sống gia đình Việt Nam.
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hôn nhân và gia đình Việt Nam. Việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng chìm đắm trong thế giới ảo và giảm các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội, khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội có thể bị đảo lộn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, một mặt, mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, mặt khác, tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo, như hẹn hò trực tuyến, thậm chí là rô-bốt tình dục,... dẫn đến nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ không cần tình yêu, không cần gia đình, không cần con cái, từ đó đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực. Thực tế, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hiện tượng nam giới hẹn hò và cưới rô-bốt tình dục hoặc một thế hệ trẻ đắm chìm trong thế giới công nghệ mà lảng tránh đời sống thực. Số liệu khảo sát những biến đổi về quan niệm hôn nhân trong xã hội hiện đại cho thấy 28,4% muốn sống chung trước khi kết hôn và 13,3% thích sống độc thân và không có ý định kết hôn. Đây là một nét rất mới của bối cảnh chuyển đổi khiến cho cấu trúc của gia đình, dòng họ và mối quan hệ gia đình có nhiều biến đổi.
Trong bối cảnh các giá trị gia đình vẫn là giá trị được người dân ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống cũng như quy mô, cơ cấu, chức năng gia đình đang thay đổi theo hướng hiện đại hóa, cá nhân hóa, hạt nhân hóa, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bình đẳng giới.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, được tự thể hiện bản thân, được hạnh phúc, đồng thời đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa...
Hai là, xây dựng chính sách và dịch vụ xã hội bảo đảm sự tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các hình thức gia đình hiện nay, như chung sống không kết hôn, gia đình đơn thân, gia đình đồng tính, gia đình có hôn nhân với người nước ngoài, gia đình ly hôn/ly thân...
Ba là, phổ biến kết quả nghiên cứu về các giá trị gia đình mà người dân Việt Nam đang ủng hộ tới các nhà lập pháp, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về gia đình để nắm rõ thực tế các giá trị của gia đình hiện nay, đặc biệt là những khác biệt xã hội về giá trị gia đình thuộc các mức hiện đại hóa khác nhau, trong các bối cảnh văn hóa khác nhau. Quan tâm đến các giá trị của nhóm thuộc khu vực kém phát triển, có mức hiện đại hóa thấp để có thể giáo dục, tuyên truyền duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp đang bảo lưu rõ nét ở khu vực này. Đồng thời, có những hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho các nhóm hiện đại, đang có xu hướng theo những giá trị hiện đại của gia đình để phát huy sự tự do cá nhân, cởi mở trong quan niệm, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ.
Bốn là, xem xét xây dựng nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình trong thời kỳ tới trên cơ sở những giá trị gia đình đã được định hình thông suốt và thống nhất về mặt nhà nước là “ấm no”, “bình đẳng”, “chung thủy”, “tiến bộ” và “hạnh phúc”. Trên thực tế, các giá trị này mang hàm nghĩa rộng mà đời sống xã hội hay trong quan niệm của nhân dân có thể còn những biểu hiện cụ thể hơn nữa, như giá trị của hôn nhân, gia đình, các biểu hiện của bền vững gia đình, giá trị con cái, tình thương yêu, hiếu thảo, đoàn kết cộng đồng, đồng thời bao hàm cả những biến đổi mạnh mẽ theo mức độ hiện đại hóa của các gia đình hiện nay. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 nên xem xét bổ sung nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình. Trong giai đoạn tới, Việt Nam nên chuyển mục tiêu từ “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội” sang “xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, phồn thịnh, là thiết chế quan trọng của các quá trình kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực ổn định, chất lượng” để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong sự phát triển của xã hội, đặt gia đình trong mối quan hệ “động” hơn với các quá trình kinh tế - xã hội chung./.
--------------------------------
(*) Tất cả các số liệu trong bài viết đều dựa trên kết quả khảo sát của đề tài khoa học: “Các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam” của tác giả bài viết, thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2019, với mẫu khảo sát 1.759 đại diện các hộ gia đình, tuổi từ 16-70, được chọn theo tiêu chí đại diện vùng, giới tính, nông thôn/đô thị, tuổi, tại 9 xã, phường thuộc 6 tỉnh, thành phố (Yên Bái, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau)
(1) Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 (rất có ý nghĩa) đến 10 (rất không có ý nghĩa).
Bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Thực trạng và những kiến nghị  (08/06/2020)
“Làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - mô hình đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai  (24/02/2020)
Phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội  (07/02/2020)
Thực hiện liêm chính trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp  (20/11/2019)
Về xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay  (13/11/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam