Chung sức xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh
TCCS - Với phương châm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, trong những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn “gần dân, hiểu dân”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã trực tiếp thực hiện nhiều chương trình, hoạt động huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân xây dựng khu vực biên giới phát triển, nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Khẳng định vai trò của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng
Trao đổi với phóng viên, ông Thèn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết, kết quả xây dựng nông thôn mới của xã có sự đóng góp rất lớn của Bộ đội Biên phòng. Trong những năm qua, xã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt của Đồn Biên phòng Xín Mần từ việc tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ xã, nâng chất lượng sinh hoạt chi bộ tới tham mưu và trực tiếp xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân. Trong việc xây dựng nông thôn mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Mần tham gia rất tích cực, nhất là trong việc thực hiện tiêu chí đường giao thông, môi trường (xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, di dời chuồng trại xa nhà ở), bảo đảm tiêu chí quốc phòng - an ninh… Các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng nắm tình hình rất chắc, luôn gần dân, sát dân và nhận được tình cảm yêu quý của người dân.
Thực tế, không riêng gì xã Xín Mần, ở nhiều địa phương khác, lực lượng Bộ đội Biên phòng đều đóng góp vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn văn hóa truyền thống. Hiện nay, khu vực biên giới nước ta có hơn 1.100 xã, phường, thị trấn biên giới với dân số khoảng hơn 9,5 triệu người, thuộc 51 dân tộc anh em sinh sống đan xen. Do nhiều yếu tố, khu vực biên giới còn kém phát triển hơn so với miền xuôi, hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều hạn chế, đặc biệt tổ chức đảng và đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc vừa mỏng, vừa yếu. Từ thực tế đó, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục tăng cường 332 cán bộ cho các địa phương biên giới. Đội ngũ cán bộ tăng cường về xã đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới. Cùng với việc tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, các đơn vị biên phòng đã giới thiệu 1.560 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản biên giới. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt cũng như “sức mạnh” của các chi bộ thôn, bản đã được nâng lên, công tác phát triển đảng viên tạo nguồn cán bộ cho cơ sở có hiệu quả hơn.
Đẩy mạnh việc tăng cường đảng viên về cơ sở, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng ban hành Chỉ thị số 681-CT/ĐU, ngày 8-10-2018 “Về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”. Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU, 9.661 đảng viên thuộc các đồn biên phòng đã đảm nhận phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới, vừa tăng cường nắm tình hình, vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo. Với những hoạt động trên, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc biên giới, thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân.
Củng cố lòng dân
Với tư tưởng lấy dân làm gốc, lòng dân có yên thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ bảo vệ biên cương bờ cõi, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã trực tiếp thực hiện và phối hợp với các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả các chương trình, phong trào, mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới. Nổi bật là chương trình “Hãy làm sạch biển”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, đặc biệt là chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” đã giúp nhân lên những “hạt giống” tốt ở khu vực biên giới. Hiện Bộ đội Biên phòng đang đỡ đầu gần 3.000 học sinh nghèo khu vực biên giới, trong đó có cả học sinh Lào và Cam-pu-chia, nhận nuôi 355 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” vào mỗi dịp tết đến xuân về. Hàng nghìn suất quà và hàng trăm ngôi nhà đã được trao tặng cho người dân nghèo trên dọc tuyến biên giới.
Xuất phát từ mong muốn mang lại cơ hội phát triển cho phụ nữ biên giới, năm 2018, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Chương trình đã hỗ trợ vốn, xây dựng các mô hình sinh kế, tặng công trình dân sinh, nhà mái ấm cho phụ nữ nghèo… Với nhiều hoạt động thiết thực, một số chỉ tiêu quan trọng tại các xã biên giới trong chương trình đạt và vượt kế hoạch đề ra, có chỉ tiêu đã về đích trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Tính trong 2 năm 2018 - 2019, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn được trên 100 tỷ đồng. Giá trị lớn nhất mà chương trình mang lại không chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn là tinh thần lan tỏa, kết nối, tuyến sau chia sẻ, giúp đỡ tuyến trước, tiếp thêm sự tự tin, khơi dậy ý chí vươn lên của chị em phụ nữ vùng biên cương.
Thực hiện chương trình “Bộ đội Biên phong chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ đội Biên phòng đã nhận đỡ đầu 189 xã xây dựng nông thôn mới (đã có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động quân dân y kết hợp, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; mở 40 lớp học tình thương, xóa mù chữ cho 828 người ở khu vực biên giới.
Cùng với việc chỉ đạo triển khai nền nếp, hiệu quả các hoạt động “Ngày biên phòng toàn dân”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chủ động báo cáo Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015, “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, Bộ đội Biên phòng đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 1.587 tổ tự quản. Hơn 39.700 hộ gia đình và hơn 60.400 cá nhân đăng ký tham gia tự quản hơn 4.245km đường biên giới, 3.141 mốc quốc giới. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng cũng phối hợp với địa phương thành lập và duy trì hoạt động 14.822 tổ tự quản an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.
Trên tuyến biên giới biển, các đơn vị đã tham mưu, tổ chức thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả hơn 3.200 tổ tàu thuyền an toàn với trên 1.000 phương tiện của ngư dân vừa giúp đỡ nhau trong sản xuất làm ăn trên biển, vừa phối hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Qua các mô hình, phong trào toàn dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, nhân dân đã cung cấp hàng nghìn tin có giá trị phục vụ nhiệm vụ đấu tranh với các hành động xâm canh, xâm cư, vi phạm quy chế biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm. Kết quả thực hiện phong trào đã khẳng định chủ trương đúng đắn xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, cụ thể hóa quan điểm và phương châm toàn dân, toàn diện của Đảng ta trong xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thực tiễn cho thấy, những phong trào, mô hình mà Bộ đội Biên phòng đang triển khai thực hiện đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội, phát huy sức mạnh của toàn dân trong chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và giải quyết nhiều vụ, việc phức tạp xảy ra ở khu vực biên giới, biển đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.
“Thế trận lòng dân” - nền tảng vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu 3  (03/11/2020)
Khẳng định vai trò của lực lượng biên phòng trong công tác dân vận  (02/09/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên