“Thế trận lòng dân” - nền tảng vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu 3
TCCS - Quán triệt và thực hiện tốt “thế trận lòng dân” trong xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn Quân khu 3, những năm qua, tiềm lực quốc phòng của lực lượng vũ trang Quân khu được xây dựng toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng có hiệu quả tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng - an ninh.
“Thế trận lòng dân” - thế trận đặc biệt, riêng có ở Việt Nam - chính là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam... được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, “thế trận lòng dân” được phát huy lên tầm cao mới, trở thành nghệ thuật lãnh đạo, truyền thống, cội nguồn sức mạnh nội sinh, giúp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa truyền thống quý báu của cha ông và kinh nghiệm thực tiễn hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân”. Vì vậy, qua các kỳ đại hội, nhất là từ Đại hội X đến nay, Đảng ta luôn xác định và nhấn mạnh: Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân là nội dung xuyên suốt trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Quân khu 3 là vùng đất giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có đường biên giới trên bộ, trên biển giáp Trung Quốc; có rừng núi, đồng bằng, biển và hải đảo; có nhiều khu công nghiệp, hải cảng lớn, hệ thống giao thông thuận lợi, dân số đông... Nói về vị trí chiến lược và tầm quan trọng của địa bàn Quân khu 3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quân khu 3, Quân khu đồng bằng án ngữ Thủ đô, dựa vào Tây Bắc và Việt Bắc, nối liền đất Thanh Nghệ miền Trung, lại nhìn ra biển cả, giàu tài nguyên và quan trọng về chiến lược. Thời bình đây là một trong những vùng đất căn bản để xây dựng và phát triển, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước. Thời chiến đây là hậu phương quốc gia, đồng thời là mặt trận chống quân xâm lược, nhiều tên làng, tên đất, tên sông đã trở thành tên gọi của những chiến công hiển hách”(1).
Những năm qua, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 phối hợp chặt chẽ với 9 tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008, của Bộ Chính trị khóa X, “Về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới” và Nghị định số 152/2007/NĐ-CP, ngày 10-10-2007, của Chính phủ, “Về khu vực phòng thủ”; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn Quân khu; xây dựng phòng thủ Quân khu; xây dựng các hạng mục công trình trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, với tổng số tiền trên 697 tỷ đồng; xây dựng cụm điểm tựa phòng ngự, chốt chiến đấu dân quân thường trực xã biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh, chốt chiến dịch Quân khu; xây dựng các công trình phòng thủ trên tuyến đảo Đông Bắc và hoàn thành quy hoạch công trình phòng thủ trên tuyến ven biển giai đoạn 2017 - 2025, với tổng số tiền trên 244 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ ở 9 tỉnh, thành phố; diễn tập khu vực phòng thủ, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn ở 93/94 quận, huyện, thành phố, thị xã; diễn tập bảo đảm khu vực phòng thủ ở 46 sở, ngành; diễn tập chiến đấu phòng thủ ở 1.822 xã, phường, thị trấn, bảo đảm sát thực tiễn, an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ làm điểm cho toàn quân, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho đội ngũ cán bộ các cấp; giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân, với 61.435 lớp, cho 2.491.114 đối tượng tham gia; chú trọng đổi mới hình thức, biện pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm địa bàn, kết hợp với tích cực xây dựng và nhân rộng mô hình, mở rộng đối tượng, nhất là các đối tượng là chủ hộ gia đình, chủ phương tiện tàu thuyền ở khu vực biên giới, biển, đảo (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh), cán bộ doanh nghiệp và chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở khu vực đồng bằng (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình). Bên cạnh đó, Quân khu luôn chăm lo xây dựng cơ sở, địa phương vững mạnh; giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; triển khai sâu, rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả chương trình xóa “nhà tạm”, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội. Năm năm qua, Quân khu xây dựng 496 nhà tình nghĩa, 76 nhà đồng đội, với số tiền trên 42 tỷ đồng; kiện toàn 2.180 tổ công tác, tổ chức 1.606 lượt tổ, đội với 10.512 lượt cán bộ, chiến sĩ nắm cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia củng cố 457 tổ chức chính quyền, 3.995 tổ chức chính trị - xã hội; huy động 7.426 lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ giúp nhân dân gần 52 nghìn ngày công; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 62.651 người, trị giá hơn 6,2 tỷ đồng; tặng 1.589 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, người có công và người nghèo, với số tiền trên 7 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” trên 15 tỷ đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Đến nay, tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự, quốc phòng - an ninh,... của khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu được tăng cường, bảo đảm xử lý có hiệu quả các tình huống. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, các tỉnh, thành phố đều hết sức chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” và coi đó là nội dung cốt yếu của tiềm lực chính trị - tinh thần, nhân tố quan trọng bảo đảm tính vững chắc của khu vực phòng thủ.
Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của tỉnh ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân 9 tỉnh, thành phố, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân các địa phương, 75 năm qua, lực lượng vũ trang Quân khu 3 luôn quán triệt và xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ, đóng góp to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
***
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao, trong khi đó, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, nhân dân về nhiệm vụ xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khu vực phòng thủ có mặt còn hạn chế; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được phát huy; hệ thống chính trị ở cơ sở có mặt còn yếu kém; việc tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, ngành của một bộ phận nhân dân chưa thật tích cực, sôi nổi,... Có tình trạng này là do một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ, chưa thực sự coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng “thế trận lòng dân”. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu; các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để “chiếm lĩnh lòng dân”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu cấp bách.
Những năm tới, để tăng cường “thế trận lòng dân” trong xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về nội dung, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trong xây dựng khu vực phòng thủ. Điều này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng ở 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; nắm chắc tình hình, đặc điểm địa phương, tâm lý, trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có đông đồng bào các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, kết hợp giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục theo chuyên đề; phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện và thiết chế văn hóa ở cơ sở. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần đi sâu bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống địa phương, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 28-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa X, “Về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ “Về khu vực phòng thủ”. Tăng cường giáo dục về đối tác, đối tượng, làm rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, tạo sự thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp cuối cùng và cũng là nơi trực tiếp thực hiện việc lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội. Vì vậy, hệ thống này trong sạch, vững mạnh là điều kiện tiên quyết để việc xây dựng “thế trận lòng dân” được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, thông suốt, đạt hiệu quả thực chất. Đây cũng là điều kiện bảo đảm cho cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” có hiệu lực, giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức, có tác phong công tác khoa học, lối sống trong sạch, luôn tận tâm, tận lực vì dân, vì nước.
Trong quá trình xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phải đặc biệt coi trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền cơ sở, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; có quy chế lãnh đạo, quy chế làm việc trên các mặt công tác trọng yếu một cách khoa học; thực hành tốt tự phê bình và phê bình. Thường xuyên đổi mới phong cách lãnh đạo; nâng cao năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng sát với tình hình địa phương và từng lĩnh vực; gắn xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải “Trọng dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân tin, đi đầu, làm trước, làm có hiệu quả cho dân theo”. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; khắc phục tình trạng quan liêu, hoạt động kém hiệu quả của bộ máy hành chính, tạo sự tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ của nhân dân trong mọi quyết sách của chính quyền.
Tiếp tục triển khai Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh cho toàn dân; đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp, các ngành để họ có nhận thức đầy đủ và sâu sắc về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, từ đó đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng địa phương thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Thứ ba, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu. Trong đó, tập trung chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đồng thời sẵn sàng phòng, chống cháy nổ, cháy rừng. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nắm chắc địa bàn, nhất là địa bàn biên giới, biển, đảo, kịp thời phát hiện, xử lý làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời trong mọi tình huống.
Quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012, của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 280-NQ/ĐU, ngày 10-4-2013, của Đảng ủy Quân khu 3 về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện cho các lực lượng theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng, an toàn. Kết hợp huấn luyện với tổ chức hội thi, hội thao, diễn tập, luyện tập phương án chiến đấu sát tình hình thực tế ở địa phương, cơ sở. Tăng cường và nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập các phương án để hoàn thiện kế hoạch phòng thủ, trình độ chỉ huy tác chiến, khả năng hiệp đồng tác chiến của các lực lượng trong tác chiến phòng thủ chiến lược.
Chỉ đạo thực hiện tốt Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 5-9-2019, của Chính phủ, về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng; thực hiện có hiệu quả Quy chế số 870/QC-BTL của Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về phối hợp trong chỉ huy, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ biên phòng và phòng thủ tác chiến. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực tuần tra, canh gác, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm, quản lý biên giới, cửa khẩu, các hoạt động xuất, nhập cảnh; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tốt an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Đây là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước phát triển kinh tế đều gắn chặt với thực hiện an sinh xã hội, thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, bảo đảm mỗi chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều gắn kết chặt chẽ với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và ngược lại. Cùng với tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,..., cấp ủy, chính quyền các cấp cần gắn kết chặt chẽ với xây dựng địa bàn an toàn, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo và khu công nghiệp lớn,... Quan tâm, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là ở những địa bàn nhạy cảm, khu vực trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng, an ninh.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, tạo cơ sở vật chất và nền tảng xã hội bền vững cho tác chiến phòng thủ chiến lược. Cơ quan quân sự các cấp cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo nguồn ngân sách xây dựng thế trận vật chất hậu cần - kỹ thuật, tiềm lực hậu phương trong khu vực phòng thủ. Tiếp tục hoàn chỉnh Quy chế hoạt động, duy trì có chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban hậu cần nhân dân - địa phương và ban quân dân y các cấp. Tập trung phối hợp giải quyết tốt các điểm đất quốc phòng có tranh chấp; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 90/CT-BQP, ngày 16-8-2012, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, về “Tăng cường công tác quản lý, sử dụng; chống lấn chiếm và giải quyết lấn chiếm đất quốc phòng”.
Thứ năm, không ngừng chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ ở cơ sở. Xây dựng “thế trận lòng dân” thực chất là quy tụ và phát huy sức mạnh nội sinh trong mỗi con người, cộng đồng người và cả dân tộc, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, để đồng tâm, hiệp lực vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện nay, các thế lực thù địch đang sử dụng các chiêu bài dân tộc, sắc tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo,... hòng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ các dân tộc, các tôn giáo, chia rẽ người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo, gây mất ổn định xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, chế độ. Vì thế, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện căn bản để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác vận động nhân dân; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc; giải quyết thỏa đáng những bức xúc của nhân dân, tạo sự ổn định, đoàn kết, thống nhất, đồng thuận ở mỗi địa phương và trên từng địa bàn.
Trong quá trình xây dựng “thế trận lòng dân”, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chú trọng tranh thủ, phát huy vai trò của những người có uy tín trong các dòng họ, của các già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đẩy mạnh bảo đảm an sinh xã hội, phát huy dân chủ để chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân./.
---------------------------
(1) Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 6-1992Báo Quân đội nhân dân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống  (19/10/2020)
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho Quân đội nhân dân Việt Nam  (15/09/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam