Kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm và triển vọng năm 2021
TCCS - Đợt bùng phát đại dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam với số ca nhiễm tăng mạnh khiến Chính phủ và một số địa phương phải dồn lực thực hiện các biện pháp chống dịch, trong đó có cả ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy vậy, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sáu tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%. Đó là kết quả sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đúng đắn của Đảng và Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm 2021
Tăng trưởng GDP có nhiều điểm sáng
Kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2021 chịu ảnh hưởng bởi hai làn sóng của đại dịch COVID-19 (làn sóng thứ ba và thứ tư) xảy ra liên tiếp. Khác với các lần dịch trước đó, làn sóng dịch bệnh lần thứ tư tấn công chủ yếu vào các khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp và các thành phố lớn, với tốc độ lây lan nhanh chóng. Đại dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4-2021 với những diễn biến phức tạp, khó lường đặt ra nhiều thách thức cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Tổng sản phẩm quốc nội sáu tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của sáu tháng đầu năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,91%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%. Như vậy, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn so với mục tiêu đề ra (6,22%). Do đó, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2021 trở nên khó khăn hơn(1).
Hoạt động của doanh nghiệp có nhiều khởi sắc
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong sáu tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Đặc biệt, sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Một điểm đáng chú ý là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch bệnh lần này vẫn có sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm 2020, như Thành phố Hồ Chí Minh (tăng 5,34%), Bắc Giang (tăng 11,82%), Bắc Ninh (tăng 1,06%)... Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II-2021 vẫn ghi nhận đánh giá tích cực khi có 68,2% số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II-2021 tốt hơn so với quý I-2021. Cũng trong sáu tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường(2).
Đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý II-2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 661,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực nhà nước đạt 295,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng vốn và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 660,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,4% tổng vốn và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 214,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,3% tổng vốn và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến hết tháng 6-2021 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 804 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, giảm 43,3% về số dự án và tăng 13,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 460 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6%; có 1.855 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 1,60 tỷ USD, giảm 54,3%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 624 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 772,7 triệu USD và 1.231 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 832,9 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện sáu tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước(3).
Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kết quả khả quan
Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại sáu tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước (khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 84 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 58 tỷ USD, tăng 31,2%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,58 tỷ USD, tăng 15,8%; nhóm hàng thủy sản đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,4%. Còn về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24%. Thị trường châu Âu (EU) đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%...
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực FDI đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%. Trong sáu tháng đầu năm 2021, có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 72 tỷ USD, tăng 33%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 77,35 tỷ USD, tăng 40,2%; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD, tăng 28%. Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,4 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 25,2 tỷ USD, tăng 21,1%. Thị trường các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt 20,9 tỷ USD, tăng 47,7%...
Kiểm soát lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12-2020 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân quý II tăng 0,45% so với quý trước và tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân sáu tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020(4).
Tăng trưởng tín dụng và lãi suất liên ngân hàng tăng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21-6-2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%). Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn một tháng tăng từ 0,9% trong tháng 4 lên 1,5% vào tháng 5, phản ánh tăng trưởng tiền gửi giảm mạnh hơn tăng trưởng tín dụng và có thể xảy ra khó khăn về thanh khoản. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68%(5).
Một số rủi ro của nền kinh tế trong ngắn và dài hạn
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù, tiêm chủng vắc-xin COVID-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng sự khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều của kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Do đó, kinh tế Việt Nam sáu tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” gắn liền với ổn định kinh tế vĩ mô là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Sự bùng phát trở lại làn sóng dịch bệnh COVID-19 vào tháng 1-2021, tháng 4-2021 và đang tiếp tục lan nhanh đã tác động mạnh mẽ tới các trung tâm tăng trưởng. Không chỉ các hoạt động du lịch, dịch vụ, giao thông - vận tải bị ảnh hưởng mạnh mẽ, hai làn sóng dịch bệnh vào đầu năm 2021 đã tác động tiêu cực đến các khu công nghiệp trong vùng dịch, như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Lạm phát tiếp tục tăng do ảnh hưởng của tăng giá hàng hóa thế giới
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù tỷ lệ lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp (chỉ số CPI trung bình sáu tháng năm 2021 chỉ tăng 1,47% so với trung bình sáu tháng đầu năm 2020) nhưng sức ép lên lạm phát là không nhỏ khi giá dầu, giá nhiên liệu thế giới tăng. Trong nước, giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh tăng, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng tăng. Nền kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng dần cạn kiệt về nguyên nhiên liệu dẫn đến một chu kỳ xác lập giá hàng hóa mới cao hơn. Giá đồng, quặng, sắt và thép đều tăng trong những tháng gần đây do nguồn cung hạn chế trước nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hồi phục sau đại dịch COVID-19. Do đó, nguy cơ lạm phát chi phí là hiện hữu.
“Bong bóng” bất động sản và chứng khoán có nguy cơ quay trở lại
Hai thị trường bất động sản và chứng khoán đã có sự tăng trưởng nóng trong thời gian qua, chưa thực sự phù hợp với thực trạng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó cần kiểm soát những yếu tố đầu cơ để thị trường bất động sản, chứng khoán phát triển lành mạnh, tăng - giảm thực sự theo quy luật cung - cầu.
Giải ngân đầu tư công chậm làm giảm tổng chi ngân sách nhà nước
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2021 ước đạt 22,12% kế hoạch của Thủ tướng giao, giảm 3,86% so với năm 2020 (25,98%). Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg, ngày 21-12-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021” cho các bộ, ngành là 16.636,75 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 10-6-2021, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao (mới có 5/13 bộ, ngành giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021). Đáng chú ý, các bộ, ngành chủ yếu vẫn đang giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn năm 2020. Giải ngân đầu tư công chậm có nhiều lý do, như ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh, cơ chế giải ngân vốn còn vướng mắc, tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào khiến giá cả tăng cao là một trong những nguyên nhân góp phần làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.
Các gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động hiệu quả chưa cao
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tính đến ngày 27-5-2021, gói hỗ trợ tiền mặt mới thực hiện được 13.100 tỷ đồng, tương đương 36,5% quy mô gói (35.880 tỷ đồng). Tương tự, mới có 245 doanh nghiệp được vay để trả lương cho nhân viên nghỉ việc do đại dịch COVID-19 thông qua gói vay 16.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền gần 42 tỷ đồng. Tức là hiện tại gói hỗ trợ này mới giải ngân được 0,26%.
Một số kiến nghị chính sách
Để thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế” cần tập trung làm tốt những vấn đề sau:
Thứ nhất, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Trong ngắn hạn, quyết liệt đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Tổ chức, ứng dụng công nghệ truy vết, xét nghiệm nhanh, thu hẹp dần các điểm phong tỏa, thí điểm các phương án cách ly tại nhà, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Trong dài hạn, cần xây dựng chiến lược tiêm vắc-xin dài hạn và cơ chế thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tự sản xuất vắc-xin. Tập trung phát triển các công cụ xét nghiệm nhanh, xây dựng tiêu chí, điều kiện để người dân tự xét nghiệm và cách ly tại nhà. Thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau kết quả tiêm vắc-xin; có lộ trình nới lỏng dần các biện pháp hạn chế đi lại và mở cửa nền kinh tế. Ngoài ra, cần nội địa hóa vắc-xin. Vắc-xin hiện tại mới chỉ có tác dụng ngắn hạn và vi-rút vẫn có nguy cơ biến chủng, giải pháp lâu dài cho vấn đề vắc-xin là phải chủ động được nguồn cung. Ngoài việc tiếp tục tự nghiên cứu, sản xuất, việc đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất cũng là một giải pháp cần thiết.
Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép thì việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng cuối năm 2021 và nhiều năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần giải tỏa áp lực tăng giá. Trong các tháng tới, áp lực tăng giá rất lớn khi chi phí đầu vào của thế giới tăng mạnh, chi phí một số nguyên vật liệu trong nước tăng và giá xăng dầu có xu hướng được điều chỉnh tăng. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng giá để có các biện pháp điều chỉnh giá sớm, kịp thời.
Kiểm soát bong bóng bất động sản, chứng khoán cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Cần khắc phục những bất cập về thể chế, hạ tầng kỹ thuật; ngăn chặn những hành vi thao túng, trục lợi phi pháp; giám sát dòng tiền… để lĩnh vực bất động sản, chứng khoán phát triển lành mạnh. Các biện pháp kiểm soát cũng cần có sự chọn lọc, đánh giá đúng vai trò của thị trường chứng khoán trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính của các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Tài chính cần nhanh chóng hoàn tất dự thảo về thuế bất động sản để ổn định thị trường, tăng thêm nguồn thu.
Thứ ba, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, kích cầu nền kinh tế cần đủ liều lượng và đúng, trúng đối tượng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế, bao gồm các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Đẩy mạnh thực thi gói hỗ trợ và thiết kế các gói kích thích kinh tế phù hợp, dễ thực thi. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy nhanh việc thực thi gói hỗ trợ 26.000 tỷ với phương châm quyết liệt trong thực hiện, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để đưa gói cứu trợ đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời thay vì làm theo các cách truyền thống như hiện nay. Bên cạnh đó, cần ban hành gói kích thích kinh tế mới tập trung vào cộng đồng doanh nghiệp dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để gói kích thích ban hành “vừa đủ liều lượng, vừa đúng và trúng đối tượng”. Trong đó, để gói kích thích hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời thì các biện pháp tài chính, tiền tệ cần được mở rộng và đẩy mạnh trong việc cứu trợ doanh nghiệp, bao gồm: Gia hạn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ; thực hiện giảm thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh, chú ý đến khoanh nợ cho các doanh nghiệp bị tác động nặng nề; cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề để doanh nghiệp có thời gian phục hồi...
Thứ tư, tập trung cắt giảm chi phí logistic, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; chú trọng thực thi các giải pháp về áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa.
Thứ năm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “hộ chiếu vắc-xin” cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Để nhanh chóng thí điểm phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế ở các khu, trung tâm du lịch đủ điều kiện về phòng, chống dịch, như Quảng Ninh, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An..., cần tiếp tục duy trì và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình đón tiếp phục vụ, kiểm dịch y tế, hàng không, biên phòng, an ninh cửa khẩu, hải quan, du lịch, cơ sở lưu trú…; chủ động, tích cực và sáng tạo trong hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, hợp tác song phương và đa phương trong việc đồng bộ hóa các tiêu chí và điều kiện kỹ thuật thống nhất chấp nhận các hình thức xác nhận miễn dịch COVID-19 trong hoạt động giao thương quốc tế.
Thứ sáu, bảo toàn hoạt động của các khu công nghiệp. Cần coi các khu công nghiệp là các thành trì cần được bảo vệ và duy trì sản xuất, tập trung ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập và lây lan tại các khu công nghiệp và các khu vực kinh tế trọng điểm.
Thứ bảy, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ cần đẩy nhanh các dự án đầu tư công nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Cần giải quyết các khó khăn nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, có thể mạnh dạn cho thí điểm các dự án đầu tư công đã được minh chứng trong thực tiễn tại bộ, ngành và địa phương để khuyến khích người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích địa phương, quốc gia, xây dựng cơ chế bảo vệ người mạnh dạn và sáng tạo trong giải ngân đầu tư công hiệu quả.
Thứ tám, đẩy mạnh chuyển đổi số. Đại dịch COVID-19 là “chất xúc tác” đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng hiện đại./.
---------------
(1), (3), (4) Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và sáu tháng đầu năm 2021, Hà Nội, 2021
(2) Cục Đăng ký kinh doanh: Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2021, Hà Nội, 2021
(5) Ngân hàng thế giới: Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6-2021, Hà Nội, 2021
Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch COVID-19  (16/07/2021)
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn lãi 3.311 tỷ đồng  (16/07/2021)
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, tạo động lực đưa tỉnh Phú Thọ tăng trưởng nhanh và bền vững  (16/07/2021)
“Ba tại chỗ” trên các công trình dầu khí  (15/07/2021)
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Liên minh châu Âu trong bối cảnh đại dịch COVID-19  (13/07/2021)
Petrovietnam: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2021  (08/07/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên