Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, tạo động lực đưa tỉnh Phú Thọ tăng trưởng nhanh và bền vững
TCCS - Từ một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ, năng lực nội tại hạn chế, những năm gần đây, nhờ dồn sức huy động các nguồn lực đầu tư, bằng những bước đi đúng đắn và có tính chiến lược, kết cấu hạ tầng của tỉnh Phú Thọ có bước phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả từ chủ trương đúng
Phú Thọ là một tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược, tiếp giáp với 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La; là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trên trục hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh, trong quy hoạch vùng Thủ đô, cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với đồng bằng sông Hồng. Với tổng diện tích tự nhiên 3.534km2, dân số 1,46 triệu người, số người trong độ tuổi lao động là 850 nghìn người (chiếm 60% dân số), trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm 65%, lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt trên 70%.
Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Phú Thọ xác định huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt là một trong bốn khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai thực hiện; đồng thời, lựa chọn đầu tư 118 dự án thuộc 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên. Trong quá trình triển khai, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và chính sách khuyến khích, hỗ trợ tăng hiệu quả thu hút đầu tư như: Miễn giảm tiền thuê đất đô thị đối với các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề, thể thao, môi trường; cơ chế đặc thù thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; kế hoạch triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, ngày 24-6-2019, của Chính phủ, “Về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”;...
Mặc dù phải đối mặt với tác động tiêu cực của nền kinh tế, tình hình dịch bệnh Covid-19, cắt giảm đầu tư công, song được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, tranh thủ huy động tốt các nguồn lực, tỉnh Phú Thọ đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước “đột phá” trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh với 62km cao tốc Nội Bài - Lào Cai (5 nút giao IC7, IC8, IC9, IC10 và IC11 kết nối với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh và đường đô thị) kết nối vào các Khu công nghiệp Thụy Vân, Phú Hà, Cẩm Khê, Hạ Hòa, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh; nhiều tuyến đường giao thông đối ngoại được đưa vào sử dụng như đường Hồ Chí Minh; đường nối Quốc lộ 70 đi tỉnh Hòa Bình; đã cứng hóa 100% 9 tuyến quốc lộ với 531km quy mô từ cấp V trở lên; 54 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 794km đã cứng hóa 98,75%; 12 cầu lớn (Đoan Hùng, Kim Xuyên, Hùng Lô, Hoàng Cương, Hạc Trì, Việt Trì, Hạ Hòa, Ngọc Tháp, Phong Châu, Đồng Quang, Trung Hà và cầu Văn Lang), hàng trăm cầu nhỏ và đường địa phương được xây dựng. Cầu Việt Trì - Ba Vì hoàn thành đã giúp kết nối Phú Thọ - kinh đô Văn Lang xưa với Hà Nội tạo thêm một huyết mạch giao thông giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã đầu tư hoàn thành 556km đường đô thị (416km đường bê-tông, bê-tông nhựa, láng nhựa và 39km đường cấp phối) với nhiều tuyến đã được đầu tư đồng bộ, như: đường Trường Chinh, Phù Đổng, Nguyễn Tất Thành... (thành phố Việt Trì), đường Hùng Vương (thị xã Phú Thọ) và các tuyến qua trung tâm các huyện được kết hợp đầu tư với hạ tầng khu đô thị.
Hạ tầng du lịch, thương mại được đẩy mạnh đầu tư tạo chuyển biến mạnh cho các loại hình dịch vụ, du lịch phát triển với 12 dự án hạ tầng du lịch trọng điểm, tổng vốn đầu tư gần 7 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã hình thành và đưa vào khai thác một số dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh; đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðền Hùng trở thành Khu du lịch quốc gia gắn với phát huy giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Khu du lịch suối nước nóng Thanh Thủy và Khu di tích Ðền Mẫu Âu Cơ huyện Hạ Hòa trở thành khu, điểm du lịch địa phương. Nhiều dự án có quy mô lớn, hiện đại như Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương, tổ hợp khách sạn Mường Thanh, Sài Gòn - Hà Nội và hệ thống siêu thị, chợ Việt Trì được hoàn thiện đã tạo điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.
Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Trong 5 năm qua, đã triển khai thực hiện 25 dự án hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với tổng vốn huy động đạt trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hút được các nhà đầu tư tư nhân đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp, như: Khu công nghiệp Phú Hà, Khu công nghiệp Cẩm Khê, Cụm công nghiệp Hoàng Xá, Bãi Ba - Đông Thành,... Hình thành hơn 269ha mặt bằng sạch (tại các khu công nghiệp: Phú Hà, Cẩm Khê, Trung Hà, Thụy Vân; các cụm công nghiệp: Tân Sơn, Yên Lập, Tử Đà,...). Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt mức cao; các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp được xây dựng đã thu hút thêm 78 dự án với tổng vốn đăng ký 8.737 tỷ đồng và 280,8 triệu USD, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu với mức tăng bình quân 38%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.
Hạ tầng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; điện, thông tin truyền thông, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường, y tế, quốc phòng - an ninh... được đầu tư với nguồn vốn lớn, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Phú Thọ đã chính thức khai trương Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) - đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình huy động nguồn lực đầu tư, tỉnh đã mạnh dạn áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP) đối với các công trình để giảm gánh nặng ngân sách, đáp ứng nhu cầu thực tế, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Phú Thọ cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức: Kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông trọng điểm, liên kết vùng, hạ tầng giao thông kết nối với các khu, cụm công nghiệp còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu để hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đang dần thắt chặt, giảm chi đầu tư công, kế hoạch vốn hằng năm phải tập trung xử lý nợ đọng, hạn chế thấp nhất việc triển khai đầu tư mới. Nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị được phê duyệt quy hoạch chưa huy động được nguồn lực để triển khai đầu tư. Nhiều dự án lớn chưa triển khai hoặc chậm đầu tư ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, tạo động lực tăng trưởng bền vững
Phát huy vị trí địa lý thuận lợi cùng với việc khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh để tăng cường hợp tác, liên kết vùng, liên kết đầu tư và đón nhận làn sóng đầu tư mới... nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong những năm tới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định khâu đột phá đó là “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh” để thu hút nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt, các lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế... Trong đó, xác định cụ thể những điểm nghẽn cần giải quyết để đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đó là: Nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng và khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, tập trung vào hạ tầng giao thông đối ngoại và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư và sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp.
Với quyết tâm cao, ngay từ những tháng đầu năm 2021, tỉnh Phú Thọ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, dồn sức huy động cao nhất các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, bảo đảm công khai, tăng cường minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh, công bằng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, giảm tối đa chi phí về thời gian và tài chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án giao thông tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông quốc gia và các khu, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông. Đẩy nhanh tiến độ các dự án khu đô thị mới và hạ tầng thiết yếu tại các địa phương; triển khai các dự án giao thông trọng điểm như tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đường liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái, cầu Vĩnh Phú, xây dựng các tuyến đường đấu nối với các tuyến giao thông quan trọng quốc gia, đường trục vào khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Trung Hà, Thụy Vân, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tam Nông, Phú Hà; các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, liên kết các tuyến du lịch Đền Hùng, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nước khoáng Thanh Thủy, Công viên Văn Lang...; khẩn trương triển khai xây dựng các dự án du lịch nghỉ dưỡng, sân gôn để thu hút nhiều nhà đầu tư.
Tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cam kết và thực hiện nghiêm các cam kết với doanh nghiệp về tiến độ giải phóng mặt bằng. Tỉnh Phú Thọ xác định đây là nút thắt cần tháo gỡ và đã thành lập Ban chỉ đạo của Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để chỉ đạo mạnh mẽ việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng và tập trung triển khai kế hoạch phối hợp hằng năm trong công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt, hiểu về chính sách bồi thường và chấp hành tốt quy định về giải phóng mặt bằng, bảo đảm thời gian bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Xây dựng cơ chế đặc thù trong thu hồi đất, nghiên cứu ban hành cơ chế khen thưởng trong giải phóng mặt bằng (thưởng cho người sử dụng đất có đất thu hồi theo tiến độ nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng tại thực địa; hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người sử dụng đất chấp hành và lực lượng trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Phấn đấu thường xuyên có sẵn diện tích trên 100ha mặt bằng sạch để có thể tiếp nhận các nhà đầu tư. Hằng năm, xác định và tập trung triển khai để khởi công ít nhất 10 dự án trọng điểm và thu hút được một số nhà đầu tư lớn, chiến lược vào triển khai dự án tại các khu, cụm công nghiệp đã có sẵn hạ tầng. Trong quá trình triển khai các dự án, tỉnh sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ chế biến nông sản; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; dịch vụ du lịch; nhân lực tiếp thu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao. Phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu; sáp nhập, giải thể cơ sở không hiệu quả; nâng cao tính tự chủ của cơ sở đào tạo, tăng cường khả năng quản trị, đổi mới theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn, gắn đào tạo với sử dụng, đào tạo với nhu cầu thị trường; gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Với những giải pháp quyết liệt, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ quyết tâm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, thực sự trở thành trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc./.
Cơ chế chuyển hóa năng lượng tinh thần tích cực của con người trong phát huy vai trò động lực và điều tiết của văn hóa, góp phần phát triển bền vững đất nước  (12/07/2021)
Tỉnh Vĩnh Phúc tích cực xây dựng môi trường đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới  (18/06/2021)
Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội  (03/06/2021)
Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghệ số  (24/05/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh  (13/05/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển