Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội
TCCS - Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang được thành phố Hà Nội tiến hành quyết liệt, đồng bộ bằng các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp giữa phòng ngừa với phát hiện, xử lý; giữa phòng, chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Quyết liệt, quyết tâm cao trong công tác phòng, chống tham nhũng
Những thành tựu đạt được của nhiệm kỳ 2015 - 2020 là tiền đề quan trọng để Hà Nội tự tin bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quyết tâm và khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Mặc dù phải kiên trì thực hiện song trùng hai nhiệm vụ kép, vừa phát triển kinh - xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19 có những diễn biến hết sức phức tạp, song tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội vẫn có nhiều khởi sắc. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GRDP của Hà Nội ước tăng khoảng 6%, cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (3,39%).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, như nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong khi đó, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của thành phố; tệ quan liêu, lãng phí và nhất là tình trạng tham nhũng với nhiều diễn biến phức tạp, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào cấp ủy và chính quyền các cấp...
Thời gian qua, tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, với những quy mô khác nhau, trong đó có những vụ, việc xảy ra ở những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, quản lý xã hội, quản lý hành chính công, ngân hàng, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản,… với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi, mức độ sai phạm lớn, làm thất thoát, thiệt hại nặng nề đối với tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội ở Thủ đô.
Trước thực trạng đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý đối với các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực, với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp được đề cao và nổi bật là đã đưa 50 vụ, việc tham nhũng vào diện theo dõi, chỉ đạo. Thành phố luôn quan tâm, kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm điều kiện thuận lợi để các cơ quan nội chính, tư pháp hoạt động hiệu quả, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thể chế quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng ngày càng hoàn thiện, góp phần tạo dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tiến hành thường xuyên, liên tục và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều hành vi tham nhũng, lãng phí. Tích cực điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng.
Từ ngày 1-6-2009 đến ngày 1-6-2020, các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 237.109 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 230.960 đơn các loại (khiếu nại 45.988 đơn, tố cáo 23.300 đơn, kiến nghị, phản ánh 161.672 đơn); thụ lý và giải quyết 18.160/18.319 vụ khiếu nại và 6.612/6.647 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 22,5 tỷ đồng và 17,5ha đất; kiến nghị trả lại quyền lợi cho công dân 43,8 tỷ đồng và 3,7ha đất; kiến nghị điều chỉnh 109 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; bán bổ sung 8 nhà tái định cư, thu hồi và điều chỉnh 31 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý về hành chính 229 tập thể và 389 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 30 vụ. Cũng trong thời gian trên, các đơn vị thanh tra trên toàn Thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai 3.136 cuộc thanh tra, kết luận 3.078 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm trên 3.597 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 2.380 tỷ đồng, kiến nghị khác trên 1.185 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi hơn 2.000ha đất, xử lý hành chính 523 tập thể và 579 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính trên 375 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 57 cuộc.
Công an thành phố Hà Nội thụ lý điều tra 256 vụ/627 bị can (trong đó khởi tố: 240 vụ/610 bị can); đã giải quyết 221 vụ/601 bị can. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý 207 vụ/579 bị can; truy tố, chuyển tòa: 204 vụ/568 bị can. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm 352 vụ/1059 bị cáo; giải quyết 342 vụ/1023 bị cáo (trong đó: xét xử 265 vụ/ 777 bị cáo, trả hồ sơ điều tra bổ sung 77 vụ/246 bị cáo); đang giải quyết 10 vụ/36 bị cáo. Số tiền tài sản trong các vụ án tham nhũng xét xử đã được thu hồi là hơn 7.623 tỷ đồng (1).
Từ năm 2013 đến năm 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì thành lập và tham gia 243 cuộc giám sát, khảo sát; phối hợp với 9 sở, ngành và các tổ chức thành viên tổ chức 32 đoàn giám sát, tập trung vào các lĩnh vực: y tế, quản lý sản xuất, kinh doanh, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (2).
Một số bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hà Nội thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, phải đưa quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng thành hành động cụ thể trong thực tiễn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân Thủ đô. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong tình hình hiện nay, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng đồng bộ, thống nhất, khả thi và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Thực sự chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; xóa bỏ tình trạng đặc quyền, đặc lợi, kiểm soát có hiệu quả những khâu, lĩnh vực còn mang tính độc quyền.
Bốn là, phát huy đầy đủ, thực chất và rộng rãi vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố. Chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng để báo chí và nhân dân theo dõi, giám sát. Cầu thị lắng nghe nhân dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu ý kiến đúng, kịp thời, có giải pháp xử lý những vấn đề nổi cộm, nhưng không chạy theo dư luận. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, tạo sự đồng thuận xã hội cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng ở Thủ đô trong thời gian qua.
Năm là, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, quyết liệt, vững chắc, phù hợp; sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan của Đảng với các cơ quan của Nhà nước, chú trọng phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Bảo đảm sự liêm chính, gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô trong các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm minh nếu có trường hợp sai phạm.
Sáu là, trong từng thời điểm, giai đoạn khác nhau phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
Gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng
Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tham nhũng trên một số lĩnh vực trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Thời gian tới, cùng hệ thống chính trị cả nước đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hà Nội phấn đấu gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, theo đó quyết liệt và tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng thường xuyên, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thủ đô. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật. Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch. Bổ sung, hoàn thiện các quy định của thành phố Hà Nội về quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách của chính quyền các cấp, nhất là các khoản chi cho đầu tư xây dựng, chi thường xuyên, chi phí hội nghị, lễ hội, tiếp khách… Công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và việc thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn sử dụng tài sản công của cán bộ, công chức,viên chức, trước hết là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập, việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực gắn liền với quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, như: đất đai, tài nguyên, thuế, ngành nghề kinh doanh nhạy cảm... Rà soát việc tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý, đồng thời không gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung vào các địa bàn đang phát triển mạnh như Nam Từ Liêm, Long Biên và Hà Đông, cùng các huyện có kế hoạch phát triển thành quận thời gian tới như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ ở các đơn vị thuộc hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đồng bộ các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. Thực hành rộng rãi, thực chất dân chủ cơ sở ở các cơ quan, đơn vị. Kịp thời điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hệ thống chính quyền các cấp. Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; những cán bộ, công chức vi phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tăng cường củng cố đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, nhất là cấp cơ sở liêm chính, giữ chuẩn mực đạo đức công vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp cơ sở trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động gây lãng phí, thất thoát kinh phí và tài sản trong cơ quan, đơn vị cơ sở.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố. Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ thành phố hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Tăng cường vai trò của các cơ quan trong hệ thống chính trị đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm ngăn ngừa, phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thứ năm, tăng cường năng lực các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng của thành phố, như Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Công an thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ, việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn Thủ đô.
Thứ sáu, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; công tác phòng, chống tham nhũng đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong phát hiện, xử lý tham nhũng quán triệt nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội tham nhũng thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa vào tai mắt của nhân dân để phòng, chống tham nhũng. Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nhân dân, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thủ đô. Có biện pháp bảo vệ an toàn và kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân dũng cảm tố cáo, phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí. Triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, tiếp tục được thực hiện thường xuyên, không ngơi nghỉ, quyết liệt, hiệu quả, tạo những bước chuyển biến rõ rệt, củng cố lòng tin của nhân dân, từ đó xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô./.
--------------------------------
(1) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: Báo cáo tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hà Nội, 2021
(2) Thành ủy Hà Nội: Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hà Nội, 2020
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Giữ vững thành quả, kiên trì bảo vệ từng “pháo đài” chống dịch  (16/05/2021)
Tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn phục vụ cuộc bầu cử  (15/05/2021)
Phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu với công tác chuẩn bị cho bầu cử, các địa phương phải bảo đảm cử tri đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao nhất  (14/05/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên