Đổi mới tư duy pháp lý về an ninh mạng trong kỷ nguyên mới

Bùi Thị Thuỳ Dung - TS Triệu Mạnh Tùng
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an
20:40, ngày 05-04-2025

TCCS – Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ, cùng với những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm biến đổi sâu sắc mọi hoạt động của đời sống xã hội. Bối cảnh mới đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những đổi mới về tư duy pháp lý, từ đó xây dựng hệ thống pháp luật về an ninh mạng phù hợp với tình hình, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo Viện Nghiên cứu Quốc gia về An ninh mạng của Ba Lan, ngày 17-1-2025_Ảnh: TTXVN

Những tác động của kỷ nguyên mới đến tư duy pháp lý ở nước ta

Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên có sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, dần xoá nhoà ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Quan hệ xã hội cũng dần biến đổi với sự xuất hiện các mối quan hệ mới: giữa người với người máy (robot), giữa người máy với người máy - mối quan hệ này ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống. Bối cảnh mới đòi hỏi những đổi mới về tư duy pháp lý nói chung, pháp lý về an ninh mạng nói riêng, từ đó xây dựng hệ thống pháp luật về an ninh mạng phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Hệ thống pháp luật này vừa bảo đảm các yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Mặt khác, hệ thống pháp luật cần phù hợp thực tiễn, giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, có tính dự báo cao, chủ động phát hiện, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển. Trong kỷ nguyên mới, việc xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về an ninh mạng đang bị tác động bởi nhiều yếu tố:

Thứ nhất, sự thay đổi về không gian, thời gian của các chủ thể trong quan hệ pháp luật. Trong xã hội hiện nay xuất hiện ngày càng phổ biến các giao dịch “phi biên giới”, thậm chí “phi chủ thể”. Việc thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng cáo; các hành vi, hoạt động thương mại, giao dịch dân sự... không còn bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia hay một chủ thể pháp lý thông thường(1). Bởi vậy, các quy định pháp luật với quy ước về không gian, thời gian trước đây phát sinh nhiều bất cập, đòi hỏi phải đổi mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội luôn trong trạng thái không ngừng biến đổi.

Thứ hai, sự thay đổi về chủ thể của các quan hệ pháp luật. Trong pháp luật truyền thống, chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật là cá nhân hoặc pháp nhân, nghĩa là các chủ thể này thuộc về xã hội, con người. Còn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, robot sẽ ngày một phổ biến, có thể tương tự như một chủ thể tham gia các quan hệ xã hội. Điều này sẽ tạo ra khía cạnh pháp lý mới, xác lập quyền và nghĩa vụ pháp lý mới.

Thứ ba, sự thay đổi về nội dung quan hệ pháp luật. Nội dung điều chỉnh của pháp luật không chỉ giới hạn trong các đối tượng truyền thống mà được mở rộng hơn với nhiều đối tượng mới và quan hệ xã hội mới. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ IoT (internet of things), blockchain làm xuất hiện nhiều hành vi pháp lý mới, như giao dịch tiền ảo, đánh bạc trực tuyến, khủng bố, lừa đảo, bắt nạt trên mạng…; hay xuất hiện mối quan hệ giữa cá nhân, pháp nhân với người nhân tạo - robot sinh học. Điều này đặt ra yêu cầu cho cơ quan thực thi pháp luật phải có đủ năng lực (cả về biện pháp kỹ thuật, biện pháp quản lý và công cụ pháp lý) để có thể điều hành, kiểm soát các quan hệ xã hội phát sinh.

Thực tiễn đó đã và đang đặt ra cho một số ngành luật ở Việt Nam yêu cầu đổi mới, hoàn thiện cả về nội dung, phương thức điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi các quan hệ xã hội. Việc đổi mới cần đồng bộ hệ thống pháp luật về lao động, thuế, cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu số, nhân quyền, an ninh, trật tự…

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta, hệ thống pháp luật về an ninh mạng đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện. Trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý về an ninh mạng đã được đề cập đến, như: Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018, của Bộ Chính trị, về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhấn mạnh yêu cầu khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, tiếp tục khẳng định nội dung cốt lõi của các chính sách, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”(2), trong đó nhấn mạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” có cách tiếp cận tổng thể, tích hợp, bao trùm, toàn diện về pháp luật, hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật; từ quan điểm, mục tiêu tổng quát đến quan điểm, mục tiêu cụ thể. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật.

Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Nghị quyết đề xuất các cơ chế, chính sách mới để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, như: đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và khuyến khích hợp tác công tư... Đây được xem là đột phá chiến lược, động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Lạng Sơn) tiếp nhận nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng từ Sở Thông tin và Truyền thông trước đây_Ảnh: TTXVN

Quan điểm “bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” được nhấn mạnh. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Hoàn thiện tư duy pháp lý về an ninh mạng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải sử dụng phương thức mới, hiện đại, linh hoạt hơn, thích ứng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả; vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa khơi dậy tiềm năng phát triển to lớn của nền kinh tế số.

Với khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, hùng cường, Việt Nam đã sẵn sàng thích ứng, hội nhập sâu rộng vào không gian mạng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay, tư duy pháp lý về an ninh mạng vẫn đang còn không ít những thách thức, rào cản:

Thứ nhất, tư duy pháp lý về an ninh mạng về cơ bản đã được xác lập, tuy nhiên, tư duy này chủ yếu được xác lập ở thế bị động, “chạy theo” để xử lý những sự việc, hiện tượng đã xảy ra. Do đó, hệ thống hành lang pháp lý về an ninh mạng chưa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước toàn diện, chưa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông các nguồn lực. Còn nhiều vấn đề mà hệ thống pháp luật về an ninh mạng ở nước ta chưa đề cập đến.

Thứ hai, các quy phạm pháp luật về an ninh mạng vẫn chưa đủ khả năng để kiểm soát những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, tính dự báo chưa cao. Nhân loại đang bước vào kỷ nguyên số, ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo dần bị xóa mờ, bên cạnh những lợi ích thì những rủi ro cũng xuất hiện, đòi hỏi pháp luật về an ninh mạng phải có tính dự báo cao để thích nghi, đổi mới, thực sự trở thành hành lang pháp lý tin cậy để tổ chức quản lý xã hội bền vững.

Thứ ba, pháp luật về an ninh mạng chưa rõ ràng, tính khả thi, tính hiệu quả chưa cao. Đơn cử, nhiều nội dung của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Luật An ninh mạng năm 2018 có độ vênh hoặc còn trùng lặp.

Thứ tư, pháp luật về an ninh mạng còn hạn chế trong việc kế thừa, nội luật hoá các quy phạm pháp luật quốc tế. Trong xu thế toàn cầu gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế ngày càng gắn chặt với nhau. Tuy nhiên, pháp luật trên nhiều lĩnh vực ở các nước trên thế giới đã đi trước chúng ta, như công nghệ blockchain. Thụy Sĩ là một trong những quốc gia tiên phong về lĩnh vực này, có chính sách thuế tương đối linh hoạt và vững chắc cho các công ty về blockchain. Trung Quốc được xem là mảnh đất của sự bùng nổ blockchain trong lĩnh vực gây quỹ, đầu cơ tài chính. Các chuyên gia của nước này cũng quan điểm rằng công nghệ blockchain có thể giải quyết được các vấn đề khác trong thế giới thực. Tại Hoa Kỳ, mỗi tiểu bang lại ban hành những đạo luật khác nhau đối với công nghệ blockchain…

Để tiếp tục hoàn thiện tư duy pháp lý về an ninh mạng

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Thực tế hiện nay, bên cạnh những tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có không ít những tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững đất nước. Để đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý về an ninh mạng.

Một là, tham khảo hệ thống pháp luật về an ninh mạng của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có nền công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhất là việc “cyber security” được tiếp cận theo hướng chung thống nhất, giao một đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành để có sự phân công phù hợp, không phân tách thành “an ninh mạng” và “an toàn thông tin mạng” như nước ta hiện nay.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng; khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh tài chính - tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường (thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước...), dịch bệnh… Điều đó có nghĩa là, vấn đề an ninh mạng hoặc an ninh không gian mạng phải được quy định rõ ràng, thống nhất trong tất cả các văn bản pháp luật, như pháp luật hình sự, dân sự, xử lý vi phạm hành chính... và công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng cũng phải được quy định thống nhất.

Ở nước ta hiện nay, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân. Khi xác định an ninh mạng là nội hàm thuộc an ninh quốc gia, thì nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng hoặc an ninh không gian mạng cần giao cho Bộ Công an. Chỉ khi có quy định rõ ràng về trách nhiệm, công tác quản lý mới chặt chẽ, có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời có giải pháp hữu hiệu để quản lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Hai là, cần điều chỉnh, cập nhật cách thức quản trị xã hội để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn nhanh hơn, hiệu quả hơn. Xây dựng cơ chế hiệu quả để quản lý văn hóa mạng, kết hợp giữa hoạt động quản lý hằng ngày với những đợt cao điểm tập trung xử lý hành vi vi phạm theo chuyên đề trên không gian mạng. Tăng cường sáng tạo, sản xuất những sản phẩm văn hóa mạng tích cực; khuyến khích các trang web, tài khoản trên nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội hoạt động văn minh, lành mạnh, tự giác chống lại những thông tin xấu, độc.

Ba là, cần quy định rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý và biện pháp chế tài đối với những vi phạm trên môi trường mạng. Các chế tài này phải đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với tội phạm công nghệ cao, tội phạm về an ninh mạng, tội phạm trên môi trường ảo. Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật, như: (1) quy định về địa vị pháp lý của robot, khi robot thế hệ mới được sử dụng sẽ ngày càng phổ biến trong giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, quân sự, giải trí…; (2) quy định về quyền tác giả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…; (3) quy định về bảo vệ bí mật đời tư, an toàn thông tin, an ninh mạng khi internet vạn vật (IoT) được sử dụng ngày càng phổ biến trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày và trong quản lý nhà nước.

Bốn là, nên nghiên cứu công nhận một số giao dịch phát sinh khi công nhận, áp dụng tiền kỹ thuật số, tiền điện tử; công nhận, áp dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain); chỉnh sửa gen và nhân bản (để chống lại một số căn bệnh hiểm nghèo và phục vụ trong nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu)… Sự công nhận này cần trên cơ sở xác lập, hình thành cơ chế để đủ khả năng quản lý, ngăn chặn và khắc phục những rủi ro, như giao dịch tiền ảo, đánh bạc trực tuyến, khủng bố, lừa đảo; giao dịch “phi biên giới”, “phi chủ thể”; lạm dụng nhân bản vô tính…

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện đã trở thành yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Việc xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động thể hiện tầm nhìn của Đảng ta phù hợp với xu hướng toàn cầu. Trong đó, việc khơi thông tư duy pháp lý về an ninh mạng đóng vai trò quan trọng./.

--------------------

(1) Xem: PGS, TS Nguyễn Thị Quế Anh - PGS, TS Ngô Huy Cương (Đồng chủ biên): Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 67 - 68

(2) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 115