Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Liên minh châu Âu trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Chử Thị Nhuần - TS. Hoa Hữu Cường
Viện Nghiên cứu châu Âu
21:55, ngày 13-07-2021

TCCS - Dưới tác động của đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) trong năm qua chứng kiến nhiều biến động và thách thức to lớn chưa từng có trong lịch sử, dẫn tới nhiều hệ lụy, tác động đa chiều đến nhiều lĩnh vực, với dự báo có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới.

Nợ công và thâm hụt ngân sách các nước EU tăng vọt trước tác động của đại dịch COVID-19 _ Ảnh: European Council

Khó khăn chồng chất

Nền kinh tế khu vực sụt giảm mạnh

Do tác động của dịch bệnh COVID-19, trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế của khu vực EU chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng nhiều thập niên qua: Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngay từ quý đầu của năm 2020 giảm 3,8% và đến quý II giảm 14,6%, đây là mức giảm theo quý thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1995. Trong hai quý cuối năm 2020, tình hình kinh tế có tiến triển hơn khi mức giảm chỉ còn trung bình 4,6% và tính chung cả năm 2020, GDP giảm 7,4%. Tính chung cả khu vực EU, trong quý I-2020 ghi nhận mức giảm 2,7% và sụt giảm mạnh nhất vào quý II-2020 với mức giảm 13,8% và đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995. Trong hai quý cuối năm 2020, mức giảm chỉ còn trung bình là 4,4% và tính cả năm 2020, tăng trưởng kinh tế sụt giảm 6,4(1). Không chỉ có vậy, nền kinh tế châu Âu tiếp tục bước vào cuộc suy thoái trong 3 tháng đầu năm 2021, GDP của Eurozone đã giảm 0,6% trong quý I-2021 và giảm 0,4% trên toàn EU(2).

Hoạt động thương mại sụt giảm, thặng dư cao

Hoạt động thương mại (cả thương mại nội khối và ngoại khối) bị sụt giảm trong năm 2020, nhất là trong lĩnh vực thương mại ngoại khối. Cụ thể: Đối với khu vực đồng euro, hoạt động thương mại ngoại khối ghi nhận xuất khẩu hàng hóa đạt 2.131,4 tỷ euro (giảm 9,2% so với năm 2019) và nhập khẩu đạt 1.897,0 tỷ euro (giảm 10,8% so với năm 2019). Kết quả là, khu vực đồng euro ghi nhận thặng dư 234,5 tỷ euro, tăng 13,5 tỷ euro so với năm 2019. Thương mại nội khối euro giảm xuống còn 797,0 tỷ euro, giảm 8,9% so với năm 2019. Đối với toàn bộ khối EU, hoạt động thương mại ngoại khối sụt giảm mạnh so với năm 2019: xuất khẩu hàng hóa ngoài EU giảm xuống còn 931,6 tỷ euro (giảm 9,4% so với năm 2019) và nhập khẩu giảm xuống còn 714,3 tỷ euro (giảm 11,6% so năm 2019). Theo đó, EU ghi nhận thặng dư 217,3 tỷ euro, tăng 15,8 tỷ euro so với năm 2019. Thương mại nội khối EU giảm xuống còn 841,7 tỷ euro, giảm 7,5% so với năm 2019(3). Hoạt động thương mại sụt giảm mạnh đã tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của khu vực bởi thương mại vốn là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của khu vực hiện nay.

Tỷ lệ nợ công tăng mạnh

Theo số liệu Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 22-4-2021, tổng nợ công của 19 quốc gia thành viên Eurozone trong năm 2020 tăng 1.240 tỷ euro lên mức 11.100 tỷ euro, tương đương 98% GDP của toàn khu vực. Với mức nợ công này, năm 2020, thâm hụt ngân sách của Eurozone là 7,2% GDP, còn đối với toàn EU, con số này là 6,9%.

Trong số các nước thành viên EU, có 14 quốc gia có tỷ lệ nợ chính phủ cao hơn 60% GDP, cao nhất được ghi nhận tại Hy Lạp (205,6%), Italia (155,8%), Bồ Đào Nha (133,6%), Tây Ban Nha (120,0%), Síp (118,2%), Pháp (115,7%) và Bỉ (114,1%). Tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận tại Estonia (18,2%), Luxembourg (24,9%) và Bulgaria (25,0%). Trong khi đó, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP được ghi nhận tại tất cả các nước thành viên với mức thâm hụt cao nhất tại: Tây Ban Nha (-11,0%), Malta (-10,1%), Hy Lạp (-9,7%), Italia (-9,5%), Bỉ (-9,4%), Pháp và Romania (đều ở mức -9,2%), Áo (-8,9%), Slovenia (-8,4%), Hungary (-8,1%), Croatia và Lithuania (đều ở mức -7,4%) và Ba Lan (-7,0%); tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP thấp nhất được ghi nhận ở Estonia (18,2%), Luxembourg (24,9%), Bulgaria (25,0%), Séc (38,1%) và Thụy Điển (39,9%)(4). Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát làm tê liệt các hoạt động kinh tế, EU quy định các quốc gia cần kiềm chế nợ công ở mức tối đa là 60% GDP. Tuy nhiên, hiện EU đã phải tạm hoãn thực hiện quy định này trong thời gian khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19.

Chuỗi cung ứng thực phẩm bị đứt gãy

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra những làn sóng chấn động thông qua chuỗi cung ứng thực phẩm của EU trong năm 2020. Chính những biện pháp để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, như hạn chế tiếp xúc và đóng cửa biên giới…, đã gây ra tình trạng thiếu lao động thời vụ trầm trọng, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng thực phẩm và nhiều yếu tố khác gián đoạn. Chuỗi cung ứng thực phẩm của EU chủ yếu dài và phức tạp, một phần phụ thuộc vào môi trường thương mại toàn cầu. Lãng phí và thất thoát thực phẩm dọc theo chuỗi chiếm 20% tổng sản lượng lương thực của EU. Hơn nữa, nông nghiệp EU phụ thuộc nhiều vào lao động thời vụ xuyên biên giới và chính những yếu tố này lại càng dễ bị phơi bày bởi cuộc khủng hoảng, có thể đẩy hàng triệu công dân EU vào cảnh nghèo đói, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương, do vậy, các ngân hàng lương thực đã phải nâng cao cảnh báo về sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu thực phẩm(5). Hướng tới hệ thống lương thực bền vững, một hệ thống nông sản thực phẩm linh hoạt hơn, cung cấp giá cả phải chăng, thực phẩm lành mạnh là điều cấp thiết đối với các nước EU trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là tạo sự bền vững về xã hội, kinh tế và điều kiện môi trường. Là một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu, đầu năm 2021, EU đã đưa ra chiến lược Farm to Fork nhằm đẩy nhanh tiến độ thay đổi này. Đây dự kiến ​​là khuôn khổ pháp lý cho một hệ thống lương thực bền vững trong tương lai, theo đó tính bền vững là chủ đạo trong tất cả các chính sách liên quan đến lương thực. Một kế hoạch dự phòng bảo đảm cung cấp thực phẩm và an ninh lương thực cũng sẽ được EU triển khai vào cuối năm 2021. Trên bình diện thế giới, Liên minh lương thực cũng được thành lập vào tháng 5-2020 do Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) lãnh đạo, nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất xe Peugeot-Citroen tại Poissy, Pháp _ Nguồn: AFP/TTXVN

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao

Tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu tăng liên tiếp trong các tháng cuối năm 2020(6). Tỷ lệ này tại 19 quốc gia thuộc khu vực Eurozone lên tới 8,3% tính đến hết tháng 12-2020, cao hơn mức 7,4% so với cùng kỳ năm 2019, với khoảng 13,671 triệu người thất nghiệp. Tính chung cả khu vực EU, đến hết tháng 12-2020, tỷ lệ thất nghiệp đạt 7,5%, cao hơn mức 6,5% so với cùng kỳ năm 2019, với khoảng 16 triệu người thất nghiệp. Ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, các chương trình cứu trợ của các chính phủ chưa thể giúp các doanh nghiệp tránh được nguy cơ phá sản. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu còn tăng mạnh hơn trong thời gian tới khi những chương trình hỗ trợ tiền lương hết hạn, trong khi số lượng ca mắc bệnh COVID-19 tăng với tốc độ “phi mã” ở nhiều quốc gia, dẫn đến tình trạng các lệnh hạn chế đi lại được tái áp đặt ở một số nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Chẳng hạn như, nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu là Ðức cũng sụt giảm mạnh khi Ngân hàng Trung ương Ðức (Bundesbank) cảnh báo về số lượng doanh nghiệp vỡ nợ gia tăng. Do lệnh hoãn trả nợ đối với các doanh nghiệp vỡ nợ hết hiệu lực, số lượng doanh nghiệp phá sản có thể tăng hơn 35%, lên hơn 6.000 doanh nghiệp/quý, mức cao nhất kể từ năm 2013.

Bầu cử bị gián đoạn và thay đổi

Một trong những vấn đề chính trị nổi bật của EU trong năm 2020 đó là cách thức quản lý, hình thức tổ chức bầu cử có nhiều thay đổi và thậm chí nhiều cuộc bầu cử đã phải hủy bỏ. Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, các biện pháp phòng, chống dịch đã hạn chế quyền tự do đi lại, điều này ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và cuộc trưng cầu ý dân trên toàn thế giới (7). Theo Viện Quốc tế về dân chủ và hỗ trợ bầu cử (International IDEA), tính đến ngày 11-6-2020, ít nhất 66 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã quyết định hoãn các cuộc bầu cử quốc gia hoặc địa phương do dịch bệnh COVID-19(8).

Ở châu Âu có khoảng 13 quốc gia đã trì hoãn các sự kiện bầu cử. Trong đó, ở các quốc gia như Áo, Croatia, Cộng hòa Séc, Italia, Latvia, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Slovakia đã hoãn các cuộc bầu cử địa phương, trưng cầu ý dân địa phương, bầu cử sớm, lặp lại hoặc bầu cử phụ ở một số khu vực bầu cử của các quốc gia này. Có 5 quốc gia đã hoãn các cuộc bầu cử ở cấp độ toàn quốc (vòng bầu cử địa phương tại Pháp; cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp ở Italia, bầu cử địa phương ở Romania; bầu cử địa phương ở Anh; bầu cử quốc hội sớm ở Bắc Macedonia). Có ba quốc gia đã hoãn các cuộc bầu cử liên bang hoặc cấp độ khu vực (bầu cử thành phố ở Styria và Vorarlberg - Áo; 7 cuộc bầu cử khu vực - Italia; bầu cử vào Quốc hội Basque và Galicia - Tây Ban Nha) (9).

Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi các khía cạnh cơ bản trong đời sống chính trị của các cá nhân, hạn chế sự tham gia của người dân vào các sự kiện chính trị và tụ tập công cộng, đồng thời thách thức việc thực hiện các trách nhiệm công dân và quyền chính trị của cá nhân và tập thể. Dịch bệnh COVID-19 cũng tạo ra những thách thức đối với các cuộc bầu cử, đặt ra những yêu cầu mới và cấp bách về cách thức tổ chức và quản lý bầu cử.

Anh chính thức rời khỏi EU (Brexit) với thỏa thuận lịch sử

Năm 2016, cuộc trưng cầu ý dân của Anh rút khỏi EU được tiến hành;  kết quả thực sự bất ngờ với tỷ lệ sít sao: 51,9% phiếu chọn rời khỏi EU so với 48,1% phiếu chọn ở lại(10). Bốn năm sau, ngày 31-1-2020, Brexit chính thức diễn ra và ngày 31-12-2020 đánh dấu thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sự kiện lịch sử này. Với những nỗ lực đàm phán bền bỉ, Anh và EU đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào ngày 24-12-2020, giúp bảo toàn chuỗi cung ứng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU. Tuy nhiên, thỏa thuận mang tính bước ngoặt trên chỉ đặt ra các quy tắc đối với một số ngành như nông và ngư nghiệp, song không bao gồm ngành tài chính - một trong những lĩnh vực trọng yếu giữa hai bên. Như vậy, sau 47 năm là thành viên của EU, cuộc “chia tay” của nước Anh bắt đầu có tác động thực sự từ ngày 1-1-2021(11). Cuộc “chia tay” này sẽ làm đảo lộn những mối quan hệ vốn đã ổn định của Anh và các nước ở mọi lĩnh vực như xã hội, kinh tế, an ninh trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Hệ thống y tế bị quá tải và lâm vào khủng hoảng

Năm 2020 có thể coi là năm khủng hoảng của ngành y tế ở các quốc gia châu Âu. Ở một số quốc gia, số lượng ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng quá nhanh, trong khi các nguồn lực y tế quan trọng như máy thở, thiết bị bảo hộ y tế… trở nên khan hiếm. Điển hình như ở Italia, đầu tháng 3-2020, số lượng ca bệnh COVID-19 nhập viện tăng đột biến, các bác sĩ đã phải lựa chọn không điều trị cho các bệnh nhân dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khỏe để tập trung nguồn lực cứu những người có cơ hội sống lớn hơn. Thảm kịch này còn trở nên trầm trọng hơn khi nhiều bệnh viện ở Italia đã báo cáo nhiều bác sĩ đã trở thành bệnh nhân và các phòng hồi sức của bệnh viện đã chật kín. Biết rằng việc tối đa hóa lợi ích là cần thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhưng cũng đặt ra những câu hỏi về mặt xã hội, đó là việc cần phải bảo đảm bình đẳng về quyền được sống như nhau của mọi người dân mà luật pháp thừa nhận.

Hệ thống giáo dục đình trệ

Một trong những vấn đề xã hội khác nổi bật ở châu Âu năm 2020 đó là hệ thống giáo dục bị đình trệ, xáo trộn do tác động của đại dịch COVID-19. Để hạn chế dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đa số các trường học trên khắp châu Âu đã phải ban hành tình trạng đóng cửa. Đặc biệt đối với các quốc gia là điểm nóng của dịch bệnh COVID-19 như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và nhiều nước khác, phải đóng cửa đồng loạt các cơ sở giáo dục trong thời gian dài. Mặc dù giải pháp dạy và học trực tuyến được áp dụng, song không phải học sinh nào cũng được tiếp cận với hình thức học này, nhất là những trẻ em nghèo.

Các nhà lãnh đạo EU cố gắng loại bỏ bất đồng để tìm tiếng nói chung về Quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 _ Nguồn: AFP/TTXVN

Những nỗ lực cần thiết

Với những ảnh hưởng nặng nề mà năm 2020 để lại, bức tranh năm 2021 của khu vực EU ra sao phụ thuộc phần lớn vào những nỗ lực chống dịch bệnh COVID-19 thông qua việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của thế giới nói chung và khu vực EU nói riêng. Mặc dù khá nhiều nước đã nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 và chiến dịch tiêm chủng đã được tiến hành tại hàng loạt quốc gia, song mới đây việc các nhà nghiên cứu liên tục phát hiện những biến thể mới của virus SARS CoV-2 không khỏi khiến thế giới cảm thấy lo ngại, làm cho mọi dự báo đều trở nên không chắc chắn. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội EU trong thời gian tới có phục hồi được hay không và phục hồi như thế nào đến nay vẫn còn phụ thuộc đáng kể vào diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, dựa trên những hành động mà các nhà lãnh đạo EU đã và đang triển khai, trong năm 2021, EU nỗ lực khẳng định lại vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế.

Một là, các nhà lãnh đạo EU đang gấp rút cho cuộc chạy đua vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vì sự an toàn sức khỏe của người dân. Cuộc chạy đua vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được EU phát động đang bước vào một giai đoạn mới khi ngày càng có nhiều nhóm nghiên cứu công bố kết quả thành công của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, với hàng nghìn người tham gia. Điều này mang lại hy vọng sẽ giúp hạn chế dịch bệnh COVID-19. Các loại vaccine sẽ hoạt động như những nhân tố bảo vệ sự sống, cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy đời sống kinh tế. Trước đó, ngày 17-6-2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra chiến lược nhằm đẩy nhanh việc sản xuất vaccine chống lại dịch bệnh COVID-19. Chiến lược nhằm mục đích bảo đảm vaccine chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng cho tất cả các nước ở EU trong vòng 12 đến 18 tháng. Điều này không chỉ giúp ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 trước mắt mà còn là cách phòng ngừa các đại dịch có thể phát sinh trong tương lai.

Hiện các nước EU đang sử dụng 4 loại vaccine đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận gồm BioNTech/Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Việc triển khai vaccine phối hợp trên toàn EU bắt đầu vào ngày 27-12-2020 ở hầu hết các quốc gia(12). Vaccine được phân phối dựa trên quy mô dân số được thống nhất giữa EC và các quốc gia thành viên. Với số lượng vaccine ban đầu, các nước EU xác định các nhóm ưu tiên tiêm chủng, dựa trên nhu cầu bảo vệ nhiều nhất đối tượng dễ bị tổn thương và để làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, EU và các nước thành viên cũng đã cung cấp hơn 850 triệu euro cho vaccine COVAX, thu được từ các quốc gia giàu có hơn để hỗ trợ tài chính mua vaccine cho quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong khối nhằm mục đích mọi người dân đều có thể tiếp cận vaccine và điều quan trọng hơn đó là không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn.

Hai là, các gói kích thích kinh tế được các nhà lãnh đạo EU đưa ra được kỳ vọng sẽ kích thích chi tiêu, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.

Ngày 10-12-2020, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được sự đồng thuận sau nhiều tháng đàm phán về gói phục hồi kinh tế của EU, bao gồm ngân sách dài hạn cho giai đoạn 2021 - 2027 trị giá 1.100 tỷ euro và một khoản tiền bổ sung 750 tỷ euro cho giai đoạn 2021 - 2023 để đối phó với suy thoái kinh tế. Gói tài chính này nhằm giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội do dịch bệnh COVID-19. Đây là kế hoạch khôi phục lớn nhất từ trước tới nay của EU, không chỉ bởi quy mô của gói hỗ trợ tài chính, mà còn do cách thức được cấp vốn và mối liên hệ được tạo ra giữa các biện pháp phục hồi, các mục tiêu và giá trị của EU. Khoản tiền 750 tỷ euro này tương ứng với gần 5 lần ngân sách hằng năm của EU, cung cấp tài chính hỗ trợ cho các quốc gia thành viên dưới hình thức viện trợ không hoàn lại (390 tỷ euro) và cho vay (360 tỷ euro). Với 1,1 nghìn tỷ euro những năm tiếp theo, nhìn chung nền kinh tế của EU sẽ được hỗ trợ thêm 60% vốn trong giai đoạn tài chính 2021 - 2027 so với giai đoạn 2014 - 2020. Kế hoạch phục hồi này của EU trở thành một phản ứng bất thường đối với một tình huống chưa từng có, nguồn tài chính dựa trên cách tiếp cận mới. EC có một vai trò mới và vượt ra ngoài “nguyên tắc cân đối ngân sách”, đặc biệt EC thay mặt cho các quốc gia thành viên, sẽ được trao quyền để vay trên thị trường vốn. Quy định này chỉ áp dụng cho các hoạt động giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 và yêu cầu phải có sự phê chuẩn của tất cả các quốc gia thành viên. Nhìn chung, công cụ phục hồi đầy tham vọng này không chỉ nhằm cứu trợ các quốc gia thành viên bị thiệt hại bởi đại dịch COVID-19 mà còn được thiết kế để đưa nền kinh tế của EU đứng vững trở lại sau đại dịch (13).

Tóm lại, cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 trở thành sự kiện nổi bật hàng đầu của thế giới trong năm 2020 mà tác động, hệ lụy được đánh giá sẽ còn đậm nét trong năm 2021, thậm chí cả trong những năm tiếp theo. Thế giới phải chung sống cùng dịch bệnh COVID-19 với nhận thức là những dịch bệnh như thế có thể bùng phát bất kỳ khi nào, bất cứ nơi đâu. Dịch bệnh COVID-19 làm thay đổi cách sống của con người và hoạt động của xã hội và có lẽ là cuộc thử nghiệm xã hội lớn nhất từ trước tới nay. Vẫn còn quá sớm để dự đoán châu Âu sẽ ra sao trong những năm tới. Nhưng có thể thấy rằng, đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách nhìn nhận của châu Âu về thế giới bên ngoài và nhận ra những lỗ hổng trong cấu trúc của mình để có những biện pháp chiến lược trong tương lai. Dựa trên những hành động mà các nhà lãnh đạo EU đang triển khai, mục tiêu trước mắt của các nước EU là nhằm phục hồi kinh tế, ổn định chính trị và xã hội một cách khả quan nhất./.

-------------------------

(1) Eurostat:  “GDP down by 0.7% and employment up by 0.3% in the euro area”, ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/11562975/2-09032021-AP-EN.pdf/2cf0fd87-a11d-a0eb-ca36-2092f1574f80?t=1615239292163
(2) Đoàn Mạnh Hùng: “Kinh tế châu Âu tiếp tục suy thoái”, https://news.vnanet.vn/?created=365%20day&keyword=ch%C3%A2u%20%C3%82u&servicecateid=3&scode=1&qcode=17
(3) Eurostat: “Euro area international trade in goods surplus €29.2”, https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/12434148/6-15022021-BP-EN.pdf/e8b971dd-7b51-752b-2253-7fdb1786f4d9?t=1613146252583
(4) Eurostat: “Government debt up to 98.0% of GDP in euro area”, https://ec.europa.eu/eurostat/documents/2995521/11563051/2-23042021-AP-EN.pdf/a794c696-ae8b-db1e-ba8b-76529919a843?t=1619178233484
(5) Étienne Bassot Members' Research Service: “Ten issues to watch in 2020”, https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/IDAN/2020/646116/EPRS_IDA%282020%29646116_EN.pdf
(6) Unemployment statistics, https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php/Unemployment_statistics
(7) International Foundation for Electoral Systems: “Elections postponed due to COVID-19 - As of June 17, 2020”, https://www.ifes.org/sites/default/files/ elections_postponed_due_to_covid-19.pdf
(8) Romain Rambaud: “Holding or Postponing Elections During a COVID-19 Outbreak: Constitutional, Legal and Political Challenges in France”, https://www.idea.int/sites/default/files/publications/holding-or-postponing-elections-during-a-covid-19-outbreak-v2.pdf
(9) Rapid Assessment: “Covid-19 & Elections in Europe”, https://www.wahlbeobachtung.org/wp-content/uploads/2020/04/election-watch.eu_ra-covid19-report_30-april-2020.pdf
(10) Erlanger, Steven: “Britain Votes to Leave E.U.; Cameron Plans to Step Down”, The New York Times
(11) Linh Chi: “10 sự kiện an ninh chính trị nổi bật thế giới năm 2020”, http://cand.com.vn/eMagazine/10-su-kien-an-ninh-chinh-tri-noi-bat-the-gioi-nam-2020-625834/
(12) 13. Étienne Bassot Members’ Research Service: “Ten issues to watch in 2021”, https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/IDAN/2021/ 659436/EPRS_IDA(2021)659436_EN.pdf