Kỳ họp thứ tư Hội đồng Lý luận Trung ương

MAI VIỆT BÁCH
Tạp chí Cộng sản
11:13, ngày 22-07-2022

TCCS - Thực hiện Chương trình công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 20-7-2022, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức kỳ họp thứ tư để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022 và thảo luận, lấy ý kiến đóng góp vào ba dự thảo báo cáo tư vấn quan trọng của Hội đồng phục vụ Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (dự kiến diễn ra vào tháng 10-2022).

Các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc; GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì kỳ họp.

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại kỳ họp _ Ảnh: Khôi Nguyên

Tham dự kỳ họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, các chuyên gia tư vấn cấp cao của hội đồng và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức kỳ họp thứ tư để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022 và gợi mở một số nội dung quan trọng cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào ba dự thảo báo cáo tư vấn quan trọng của hội đồng để phục vụ Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, gồm: 1- Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”; 2- Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (trong đó có nội dung về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính)”; 3- Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ phấn khởi trước sự phát triển về mọi mặt thời gian qua của tỉnh Vĩnh Phúc, một địa phương năng động, sáng tạo, có nhiều mô hình hay và cũng chính là những cơ sở thực tiễn để hội đồng khảo sát, hoàn thiện dự thảo văn kiện trình Ban Chấp hành Trung ương thời gian tới.  

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan thông tin một số kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhấn mạnh đến những đột phá trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh thời gian qua. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, kỳ họp được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc lần này là dịp để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà lý luận, nhà khoa học đối với những vấn đề quan trọng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị để vận dụng vào điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Về dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Hội đồng Lý luận Trung ương, các ý kiến phát biểu phân tích làm rõ hơn những kết quả nổi bật, những đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động mà hội đồng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Các đại biểu cũng nhấn mạnh thêm yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội đồng thích ứng với điều kiện mới.

Các đồng chí chủ trì kỳ họp_Ảnh: TTXVN

Với tinh thần trách nhiệm cao tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào 3 dự thảo báo cáo tư vấn chuẩn bị văn kiện Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

- Về dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, đồng thời đã nhấn mạnh, bổ sung một số kết quả nổi bật qua gần 15 năm thực hiện nghị quyết; phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị thời gian tới.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của phương thức lãnh đạo của Đảng với tính chất là biểu hiện tập trung nhất của vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, vì thế cần tập trung đổi mới đồng bộ các nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới phương thức hoạch định đường lối, ra nghị quyết, tổ chức thực hiện các nghị quyết và phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua công tác tổ chức, cán bộ.

- Về dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Các ý kiến nhấn mạnh cần bổ sung một số kết quả nổi bật về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua 35 năm đổi mới; phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dự báo bối cảnh mới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Các ý kiến nhất trí kiến nghị về xây dựng Nghị quyết Trung ương mới “Về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

- Về dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các ý kiến nhấn mạnh cần bổ sung một số kết quả nổi bật về thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa qua 35 năm đổi mới; phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa qua 35 năm đổi mới; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao các ý kiến tham gia đầy trách nhiệm, có chất lượng của các đại biểu vào các dự thảo báo cáo tư vấn của hội đồng. Các nội dung này sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh để phục vụ Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII sắp diễn ra, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng lớn tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.