TCCS - Thực hiện Chương trình công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 29-3-2022, tại tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức kỳ họp thứ ba để lấy ý kiến đóng góp vào hai dự thảo báo cáo tư vấn quan trọng của hội đồng phục vụ Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (dự kiến họp vào tháng 5-2022).

Các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh; GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì kỳ họp.

Tham dự kỳ họp có các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, các chuyên gia tư vấn cấp cao của hội đồng và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh. 

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại kỳ họp _ Ảnh: Khánh Nguyên

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng gợi mở một số nội dung quan trọng cần tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào hai dự thảo báo cáo tư vấn quan trọng của hội đồng để phục vụ Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, gồm: 1- Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; 2- Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”.

Khẳng định những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những bài học rút ra sau 20 năm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, tại kỳ họp này, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến làm rõ một số vấn đề trọng tâm, như: Vì sao trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có phần chậm lại? Chênh lệch về thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn, đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; giảm nghèo chưa bền vững, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập… Trên cơ sở thảo luận, các đại biểu cần thống nhất đưa ra quan điểm, giải pháp chủ yếu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; kiến nghị về việc cần thiết xây dựng nghị quyết mới của Trung ương thay thế Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Các đại biểu cũng cần phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; định hướng và giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh mới.

Quang cảnh Kỳ họp thứ ba của Hội đồng Lý luận Trung ương_ Ảnh: Khánh Nguyên

Với tinh thần, trách nhiệm cao tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Các ý kiến cũng phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra hiện nay qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh mới; nhất trí kiến nghị xây dựng nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể trong thời kỳ mới; đề nghị sớm sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 hoặc xây dựng Luật Hợp tác xã, Luật Kinh tế tập thể mới, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật, văn bản dưới luật liên quan để hoàn thiện môi trường thể chế, thúc đẩy, hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển hiệu quả, bền vững và bao trùm...

Kết luận kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao ý kiến tham gia trách nhiệm, chất lượng của các đại biểu vào các dự thảo báo cáo tư vấn của hội đồng. Các nội dung này sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh để phục vụ Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII sắp tới, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng lớn tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.