Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
TCCS - Ngày 23-6-2022, tại Hội trường Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; cùng đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Tham dự hội thảo còn có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng; thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6, khóa XIII; các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; các đại biểu chuyên gia, nhà khoa học.
Theo Ban Tổ chức Hội thảo, để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ khóa XIII nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII thảo luận, cho ý kiến. Đây là đề án rất quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Thực hiện kế hoạch triển khai đề án, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X; Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã khảo sát tại 27 tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban xây dựng Đảng ở Trung ương. Thực hiện kế hoạch này, Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức với mục đích làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới.
Phát biểu khai mạc, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 92 năm qua, để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả mà lịch sử dân tộc và nhân dân giao phó, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đổi mới, bổ sung và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp với những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước. Trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà; vai trò và hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với các cấu trúc, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao, nhất là đối với Nhà nước; đồng thời phát huy mạnh mẽ dân chủ, từng bước nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phù hợp với tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, khắc phục tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nhắc lại 5 nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, việc vận dụng các phương thức này ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức Đảng khác nhau tuỳ thuộc vào từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, chúng ta đã được cung cấp nhiều thực tiễn sinh động, phong phú, những cách làm hay, những mô hình sáng tạo để tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ, sâu sắc hơn một số vấn đề mới, một số vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau, có tính thời sự nổi bật bao gồm: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; đổi mới công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng đối với tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị và xã hội; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và phương thức xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng; tiếp tục đổi mới việc phát huy vai trò của tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan nhà nước; đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên; tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là nhiệm vụ hết sức quan trọng đã được Đại hội XIII của Đảng xác định, nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước. Thời gian qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng điều chỉnh các nội dung nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm đầu tư phát triển; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới tăng trưởng, gắn với xây dựng chính quyền điện tử mang tính đặc thù, xây dựng nền hành chính dân chủ, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật đảng, nhất là cán bộ, người đứng đầu các cấp, nâng cao hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên…
Đồng chí Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh, hội thảo là dịp để đánh giá những thành tựu, hạn chế, phân tích nguyên nhân và rút ra một số bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW; làm rõ những yêu cầu đối với phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình, nhiệm vụ mới; qua đó, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng các cấp. Hội thảo tập trung bàn thảo một số nội dung: Những vấn đề lý luận về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; đánh giá những ưu điểm, kết quả và hạn chế, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện...
Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận và 11 ý kiến thảo luận, trao đổi trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan ở Trung ương và các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy địa phương khu vực phía Nam, tập trung bàn luận một số vấn đề trọng tâm: Nâng cao chất lượng việc ban hành, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tối ưu hóa phương thức lãnh đạo của Đảng trong từng giai đoạn, có những đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; nâng cao năng lực hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường bồi dưỡng, tạo điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong điều kiện mới; đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính trong Đảng, ứng dụng công nghệ… Bên cạnh đó, từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X ở địa phương, cơ quan, đơn vị, các đại biểu đánh giá rõ thêm những ưu điểm, kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Dự báo những nhân tố tác động, những yêu cầu mới đặt ra đối với phương thức lãnh đạo của Đảng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.
PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản làm sâu sắc thêm nội hàm khái niệm “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” và nhấn mạnh, nội dung, phương thức luôn mang tính động, cần thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sắp đặt trật tự trước sau tùy thuộc vào thực tiễn, đối tượng lãnh đạo, điều kiện khoa học - công nghệ… Theo đồng chí Đoàn Minh Huấn, có một số dạng thức cần được quan tâm trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đó là: Tiếp cận phương thức cũ bằng nhãn quan mới, phương pháp mới; mở rộng nội dung của phương thức; trật tự trước, sau, liều lượng, mức độ của các phương thức sử dụng với từng đối tượng, trạng thái cụ thể.
Kết luận hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề toàn diện, xuyên suốt, đồng bộ, liên thông, không tách rời trong hệ thống chính trị để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả công tác điều hành của chính quyền các cấp và các chủ thể khác trong hệ thống chính trị. Đó là quá trình phải tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Mỗi giai đoạn có những điều kiện khác nhau, nên yêu cầu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng diễn ra liên tục, thường xuyên để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Đồng chí Trương Thị Mai cũng gợi ý một số vấn đề để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cụ thể là: Nâng cao năng lực dự báo và tư duy chiến lược, nâng cao năng lực thể chế; vấn đề tổ chức bộ máy, nhất là ở cơ quan nhà nước; việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách bằng quy trình, quy định chi tiết để tạo sự thống nhất trong hành động, thực thi. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận cũng luôn cần được chú trọng, thực hiện tốt để không ngừng đổi mới và tối ưu hóa phương thức lãnh đạo của Đảng./.
Hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng 21 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam năm 2022  (24/06/2022)
Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản ra mắt ấn phẩm “Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề” và khai trương “Trang tiếng Tây Ban Nha” trên Tạp chí Cộng sản điện tử  (20/06/2022)
Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản ra mắt ấn phẩm “Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề” và khai trương “Trang tiếng Tây Ban Nha” trên Tạp chí Cộng sản điện tử  (20/06/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển