Hội thảo khoa học “Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI - Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”
TCCS - Nhằm góp phần làm sáng rõ những căn cứ khoa học - thực tiễn về chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI và đề xuất một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam, ngày 9-6-2022, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI - Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”.
Các đồng chí: PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trưởng Ban Chuyên đề - Chuyên san, chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; GS, TS. Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý thuộc các bộ, ban, ngành Trung ương.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, thế giới những năm qua có những biến chuyển sâu sắc và khó lường. Một trong những yếu tố chi phối đến sự vận động và phát triển của đời sống chính trị, an ninh, kinh tế toàn cầu đó là sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Có thể thấy, quan hệ giữa các nước lớn luôn là vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn vừa có sự thỏa hiệp, hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, trong đó mặt cạnh tranh có biểu hiện gia tăng. Điều này xuất phát từ các yếu tố, như bối cảnh tình hình quốc tế, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, dẫn đến sự dịch chuyển cán cân quyền lực trên toàn cầu. Sự va chạm, giằng co lợi ích giữa các nước lớn khiến cuộc cạnh tranh chiến lược mang tính đa chiều và có hệ thống, không đơn thuần mang tính chất ý thức hệ, mà còn lan ra nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa bàn, khu vực khác nhau.
Theo PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, trong thời gian qua, cùng với sự dịch chuyển quyền lực từ Tây sang Đông, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dần trở thành trung tâm quyền lực và tăng trưởng của thế giới, có giá trị địa - chiến lược đặc biệt quan trọng trên bản đồ an ninh, chính trị, kinh tế toàn cầu, là trọng tâm trong chính sách, ưu tiên chiến lược của các nước lớn. Với vị thế địa - chính trị quan trọng trong khu vực Đông Nam Á - khu vực trung tâm của trung tâm trên bản đồ chính trị toàn cầu, Việt Nam có một vị trí ngày càng gia tăng trong điều chỉnh chính sách của các nước lớn cũng như cạnh tranh ảnh hưởng của các nước đó. Nằm trong vòng xoáy chiến lược cạnh tranh, Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các diễn biến của các nước lớn. Nói cách khác, mỗi một động thái, biểu hiện của các nước lớn đều có tác động đến Đông Nam Á. Và chính sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trên thế giới đã tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến sự phát triển của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có những biến đổi phức tạp, khó lường. Cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra trong hơn 3 tháng qua đã và đang tạo những hệ lụy khôn lường đối với kinh tế toàn cầu cũng như cấu trúc an ninh khu vực châu Âu, thậm chí cả cục diện chính trị thế giới. Theo đó, các xu thế trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều đảo chiều; quan hệ giữa các nước lớn cũng sẽ có nhiều xáo trộn. Tình hình thế giới vừa đòi hỏi, vừa đặt ra những thách thức gay gắt đối với Việt Nam trong việc thực thi chiến lược với các nước lớn thời gian tới. Vì vậy, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học cùng chia sẻ, thảo luận và nhận diện về nhiều vấn đề: 1- Tình hình, tính chất, đặc điểm cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI có gì khác so với thời kỳ trước đây; 2- Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn từ nay đến năm 2030 sẽ diễn ra theo chiều hướng, kịch bản nào, cũng như sẽ đưa thế giới đi về đâu; 3- Ảnh hưởng của cạnh tranh chiến lược nước lớn đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á trong công cuộc bảo vệ, củng cố chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc và sự phát triển của đất nước; 4- Làm thế nào để vượt qua những thách thức của cạnh tranh nước lớn, phát triển vững mạnh, góp phần vào an ninh, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; 5- Vai trò của các nước nhỏ và tầm trung trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; 6- Vị thế, vai trò của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn…
Đề cập đến tính chất, đặc điểm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hiện nay, đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, so với thời kỳ trước đây, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hiện nay có sự khác biệt cả về đối tượng tham gia (player), lĩnh vực cạnh tranh và khu vực cạnh tranh; đồng thời, có tác động sâu rộng hơn nhiều và phức tạp hơn nhiều trên mọi phương diện, từ chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học - công nghệ cho đến cấu trúc quan hệ quốc tế. Bối cảnh đó mở ra cho Việt Nam không ít cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải theo dõi sát sao, thích ứng thỏa đáng, linh hoạt. Tuy nhiên, nhân tố cơ bản vẫn phải “trông ở thực lực” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, bao gồm cả “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm”, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng, không “chọn bên” mà “chọn lẽ phải” của thời đại, đó là độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, hòa bình và an ninh cho mọi dân tộc, giải quyết bất đồng thông qua thương lượng, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
Bàn về nguyên nhân làm nảy sinh các cuộc xung đột trên thế giới, GS, TS. Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các cuộc xung đột, song tựu trung vẫn xuất phát từ một số nhân tố chính sau: Thứ nhất, và quan trọng hàng đầu, chi phối nhiều nhân tố khác, đó chính là vấn đề lợi ích. Thứ hai, vấn đề giai cấp, dân tộc và tôn giáo. Thứ ba, vấn đề quyền lực. Thứ tư, sự khác biệt về lập trường, quan điểm và tư duy. Thứ năm, vai trò của nhà lãnh đạo. Chính vì vậy, thỏa hiệp là một giải pháp được áp dụng để nhượng bộ, làm giảm bớt căng thẳng, xung đột, tránh nguy cơ chiến tranh hoặc được thực hiện sau các cuộc xung đột và chiến tranh. Thỏa hiệp ở mức độ thấp là sự bàn bạc, thống nhất thỏa thuận với nhau về những vấn đề nảy sinh giữa hai nước hoặc các nhóm nước. Thỏa hiệp còn là cách ứng xử “gặp thời thế, thế thời phải thế”, đành chấp thuận, hy sinh hoặc mất mát ít nhiều để bảo vệ và phục vụ cho vấn đề lớn hơn. Lịch sử quốc gia - dân tộc Việt Nam từ khi ra đời đến nay là lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đất nước Việt Nam có hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày nay, dân tộc chúng ta đã phải trải qua biết bao cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ chống quân xâm lược; phải chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát to lớn; phải giải quyết biết bao cuộc xung đột do bên ngoài gây ra, đồng thời phải vừa đấu tranh, vừa kiên trì đàm phán để đạt được những kết quả cao nhất vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Do đó, việc nghiên cứu, vận dụng những bài học về phương pháp thỏa hiệp, cũng như bài học về nghệ thuật ngoại giao “dĩ bất biến ứng vạn biến” theo phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần giảm thiểu tối đa rủi ro, củng cố và tăng cường tốt nhất các lợi ích quốc gia - dân tộc ở khu vực và trên thế giới.
Theo PGS, TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, quy luật về sự phát triển không đồng đều là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cạnh tranh giữa các quốc gia. Đối với Việt Nam, hơn 35 năm qua kể từ khi thực hiện đổi mới về tư duy đối ngoại, trong các văn kiện Đại hội của Đảng ta luôn nhấn mạnh đến tính hợp tác và cạnh tranh. Hiện nay, mức độ cạnh tranh trong quan hệ quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Thế giới cũng ngày càng thực dụng hơn vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Điều này đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong việc giữ vững độc lập, tự chủ; giữ vững được sự đồng thuận xã hội, cùng với đó là việc ứng xử đối với từng nước lớn, ứng xử với vấn đề mà các nước lớn có mâu thuẫn, ứng xử với thế giới. Chính vì vậy, bên cạnh thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược, nhận định đúng đắn tình hình thế giới, khu vực và hoạch định đường lối, chính sách phù hợp luôn là một trong những bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng ta trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng thống nhất nhận định, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã và đang tác động trực tiếp đến an ninh, hòa bình, phát triển của thế giới và khu vực. Việt Nam sẽ phải chịu tác động của lực “kéo - đẩy” mạnh hơn từ cạnh tranh này. Việt Nam đang có cơ hội để mở rộng, làm sâu hơn nữa không gian địa - chiến lược quốc gia, tranh thủ cơ hội và hóa giải thách thức mới để có thể tạo sự chuyển biến, đưa dân tộc bước sang những trang sử mới. Tuy nhiên, điều này cần được nhận thức đầy đủ trong quá trình xây dựng, triển khai chiến lược quốc gia tổng thể trong thập niên tới. Đồng thời, Việt Nam cũng cần có lộ trình cụ thể xây dựng các chương trình, kế hoạch, phương án tổng thể phát triển chính trị - ngoại giao, kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh. Trong đó, cần dự báo toàn diện tình hình, nhất là những tác động từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở cấp độ khu vực cũng như toàn cầu.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, với 30 bài tham luận, từ nhiều góc độ khác nhau, các đại biểu, nhà khoa học đã căn cứ vào thực tiễn, đi sâu phân tích, nêu lên những hạn chế, vướng mắc; đồng thời, hiến kế, đề xuất, kiến nghị một số hàm ý chính sách có tính khả thi đối với Việt Nam trong quá trình hoạch định chủ trương và chính sách cụ thể để bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ lĩnh hội, tiếp thu và chắt lọc ý kiến của các tham luận để đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản nhằm lan tỏa những nội dung của hội thảo đến đông đảo độc giả./.
Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Tỉnh ủy Nam Định và Tạp chí Cộng sản giai đoạn 2022 - 2025  (10/06/2022)
Quản lý tài sản công ở nước ta gắn với phòng, chống “nhóm trục lợi”  (08/06/2022)
Thể lệ Cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2022 - 2025  (05/06/2022)
Phát động Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022  (05/06/2022)
"Hào khí Cần Vương xưa và khát vọng Vũ Quang nay"  (02/06/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển