Quản lý tài sản công ở nước ta gắn với phòng, chống “nhóm trục lợi”
TCCS - Ngày 7-6-2022, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học: “Quản lý tài sản công ở nước ta gắn với phòng, chống “nhóm trục lợi”. Các đồng chí: PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS. Lê Hải, Uỷ viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có: Đồng chí Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí: Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Vũ Trọng Lâm khẳng định, tài sản công là tài sản sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, có vị trí, vai trò rất quan trọng, phản ánh sức mạnh kinh tế của đất nước, là nguồn lực nội sinh, là yếu tố vật chất để Nhà nước thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tài sản công rất dễ bị thất thoát bởi các hành vi tham nhũng, trục lợi của một số cán bộ thoái hóa, biến chất.
Trong hệ thống quyền tài sản công, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng mô hình Nhà nước thực hiện quản lý (còn gọi là quyền chiếm hữu); các tổ chức, cá nhân được giao quyền khai thác hoặc sử dụng theo nguyên tắc công bằng, hiệu quả. Để đạt được mục tiêu công bằng, hiệu quả thì nhìn chung việc phân bổ quyền khai thác, sử dụng theo cơ chế thị trường, cạnh tranh, minh bạch có ưu điểm nổi trội hơn cơ chế phân bổ theo phương thức hành chính, phụ thuộc vào ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính việc phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, quan hệ thân hữu không dựa trên cơ chế thị trường và cạnh tranh công bằng để được tiếp cận với quyền khai thác, sử dụng là nguồn gốc hình thành “nhóm lợi ích”, “nhóm trục lợi” tài sản công. Sự hình thành các “nhóm lợi ích”, “nhóm trục lợi” là một trong những nguyên nhân làm thất thoát, lãng phí tài sản công, giảm hiệu quả đầu tư của Nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh, gây méo mó thị trường, để lại hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, suy giảm lòng tin của người dân và doanh nghiệp đối với hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước, môi trường đầu tư, kinh doanh.
Các văn kiện Đại hội Đảng gần đây đều nhấn mạnh chủ trương đổi mới, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để tài sản công được quản lý, sử dụng có hiệu quả; minh bạch các dự án đầu tư, mua sắm công; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi làm thất thoát tài nguyên, trọng tâm là đất đai, khoáng sản… Đặc biệt các Nghị quyết số 10-NQ/TW và số 12-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xác định rõ yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý, gắn với phòng, chống “nhóm lợi ích”, “nhóm trục lợi”: Ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, quan hệ lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Kiên quyết đấu tranh và thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy định pháp luật, nhất là Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 (hiện nay là Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017), cùng với 17 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ cùng nhiều thông tư của các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền và thường xuyên rà soát ban hành, sửa đổi, bổ sung.
Việc thực thi pháp luật trong những năm qua về quản lý, sử dụng tài sản công đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý sử dụng vốn tài sản công còn những hạn chế thể hiện rõ nhất là kết quả đầu tư công tại nhiều dự án trọng điểm còn bộc lộ yếu kém như chậm tiến độ, tổng mức đầu tư tăng cao so với kế hoạch, dự toán đầu tư ban đầu, làm giảm hiệu quả đầu tư, thất thoát, lãng phí và ý nghĩa chính trị của dự án.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã trao đổi tập trung làm rõ một số nhóm nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, những vẫn đề lý luận, kinh nghiệm quốc tế về quản lý tài sản công gắn với phòng, chống “nhóm trục lợi”. Thứ hai, sự phát triển nhận thức về quản lý tài sản công ở nước ta hiện nay. Thứ ba, đánh giá về thực trạng cơ chế quản lý tài sản công gắn với đấu tranh phòng, chống “nhóm trục lợi”, những mặt được, chưa được và nguyên nhân về xây dựng thể chế, pháp luật, về hiệu quả thực hiện cơ chế quản lý tài sản công, về quản lý đất đai, quản lý khoáng sản, tài nguyên, về quản lý tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Thứ tư, những vấn đề đặt ra hiện nay và yêu cầu quản lý tài sản công gắn với phòng, chống “nhóm trục lợi” trong giai đoạn tới. Thứ năm, quan điểm và các giải pháp thực hiện hiệu quả quản lý tài sản công gắn với phòng, chống “nhóm trục lợi”.
Kết luận hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn khẳng định, nhận diện "nhóm trục lợi", những lỗ hổng trong quản lý tài sản công, đúc rút bài học kinh nghiệm và kiến nghị để hoàn thiện, bổ sung chính sách... là vấn đề khó của mọi quốc gia và là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Hội thảo với gần 40 tham luận đề cập đến nhiều khía cạnh rộng, hẹp khác nhau, các giác độ tiếp cận khác nhau đã bước đầu làm sáng rõ cả về lý luận chiều sâu và thực tiễn cấp bách về quản lý tài sản công và phòng, chống “nhóm trục lợi” ở nước ta hiện nay. Những ý kiến phát biểu tại hội thảo về những quan niệm, nhận thức về tài sản công, quản lý tài sản công gắn với “nhóm trục lợi”; những ý kiến sâu sắc về nhận diện thực trạng và những vấn đề đặt ra trong quản lý tài sản công gắn với phòng, chống “nhóm trục lợi” ở nước ta được tiếp cận, nhận diện theo từng lĩnh vực, từng vấn đề, theo tính chất của đối tượng hoặc theo nội dung với những cách tiếp cận hay, gợi mở nhiều vấn đề… đã đưa ra bức tranh rõ nét về thực trạng quản lý tài sản công và phòng, chống “nhóm trục lợi”; từ đó, gợi mở các giải pháp cần thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công gắn với phòng, chống “nhóm trục lợi” ở nước ta hiện nay./.
Thể lệ Cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2022 - 2025  (05/06/2022)
Phát động Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022  (05/06/2022)
"Hào khí Cần Vương xưa và khát vọng Vũ Quang nay"  (02/06/2022)
Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Bộ Biên tập Báo Nhân dân ký thỏa thuận phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2025  (19/05/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam