TCCSĐT - Ngày 21-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển hợp tác xã kiểu mới từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh”.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; PGS,TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Phạm Đình Đảng (Nhị Lê), Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo còn có sự tham dự của khoảng 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể của Thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước.

 
 TS. Phạm Đình Đảng (Nhị Lê), Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đọc Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến khu vực kinh tế tập thể, điều này được thể hiện qua việc ban hành các đường lối, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã qua các kỳ Đại hội và nhiều Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản về phát triển kinh tế tập thể; trong đó đáng chú ý là Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 05-6-2013, của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể của Thành phố đến năm 2020; Quyết định số 5512/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020…

Tính đến ngày 30-9-2017, tổng số hợp tác xã trên địa bàn thành phố là 536 hợp tác xã. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tổ chức lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012 đạt trên 97%, với phương thức hoạt động bước đầu đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường; từng bước khẳng định là nhân tố góp phần bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Đặc biệt đã xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới, dần được xã hội thừa nhận, đạt được nhiều kết quả khả quan và có nhiều mô hình điển hình trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, vệ sinh môi trường, tín dụng,…

Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình tiêu biểu và những kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển hợp tác xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể là: nhận thức của cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác tại một số xã, phường, thị trấn của huyện còn chưa sâu, công tác tuyên truyền chưa được đáp ứng nhu cầu của người dân; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của hợp tác xã còn hạn chế; thiếu vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh của hợp tác xã; cơ sở hạ tầng, trụ sở của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế; quy mô sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã còn nhỏ, chưa đủ khả năng hình thành chuỗi trong sản xuất, kinh doanh;...

Để góp phần tổng kết quá trình phát triển hợp tác xã kiểu mới từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam nói chung, TS. Phạm Đình Đảng đề nghị Hội thảo tập trung làm rõ một số vấn đề:

Thứ nhất, những kết quả đạt được nổi bật qua thực tiễn phát triển hợp tác xã kiểu mới thời gian qua là gì? Đã phát hiện được những mô hình hay đáng được nhân rộng nào? Thứ hai, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế mà các hợp tác xã kiểu mới gặp phải trong thời gian qua? Thứ ba, những bài học kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn phát triển hợp tác xã kiểu mới. Thứ tư, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phát triển hợp tác xã kiểu mới trong thời gian tới? Thứ năm, cần hoàn thiện thêm vấn đề gì cho Luật hợp tác xã năm 2012 sau 5 năm triển khai?

Trình bày tham luận “Mô hình hợp tác xã thương mại kiểu mới” tại thành phố Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh 5 nguyên tắc cơ bản xây dựng hợp tác xã đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết và đề nghị cần phải tuân thủ là: tự nguyện; tuần tự; bình đẳng, cùng có lợi, thiết thực; dân chủ và có sự lãnh đạo, tổ chức. Trên cơ sở phân tích một số mô hình hợp tác xã thương mại kiểu mới tiêu biểu tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, TS. Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị Thành phố nhanh chóng triển khai mô hình hợp tác xã tiêu dùng trên cơ sở phát triển Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op và mô hình hợp tác xã chợ kiểu mới theo hướng: vận động tiểu thương trở thành thành viên của hợp tác xã chợ; Nhà nước nên giao chợ cho hợp tác xã quản lý và khai thác; bên cạnh việc quản lý hoạt động của chợ, hợp tác xã sẽ tiến hành các hoạt động kinh doanh khác để tăng nguồn thu và hiệu quả thu được sẽ được chia lại cho bà con tiểu thương theo mức độ giao dịch với hợp tác xã;...

Đề cập vấn đề “Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, ThS. Đỗ Thị Lan Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng quá trình xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tại nhiều địa phương đã và đang gặp không ít khó khăn. Đó là: quy mô các hợp tác xã còn nhỏ, vốn, phương tiện công cụ phục vụ thiếu và lạc hậu; không đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường; việc tổ chức các dịch vụ, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khó khăn; đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng đa dạng của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa;... Để xây dựng, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, điều quan trọng là các chính sách để phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới phải thực sự hướng đến người nông dân, vì nông dân và nông dân phải là người hưởng lợi từ những chính sách này. Chỉ khi đó, các hợp tác xã mới thực sự “là một tổ chức có lợi to cho nhà nông”, “làm cho nhà nông thịnh vượng”, “đã ích quốc lại lợi dân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở nêu bật vai trò của hợp tác xã kiểu mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tính tất yếu của việc phát triển các hợp tác xã kiểu mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển của các hợp tác xã trong ngành thủ công mỹ nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, ThS. Lê Văn Cành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn (ARTEX SAIGON), đã đề xuất phương hướng phát triển hợp tác xã kiểu mới ngành thủ công mỹ nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Đó là: hợp tác xã kiểu mới được phát triển theo hướng kinh doanh tổng hợp với chuyên môn hóa theo vùng; phát triển hợp tác xã kiểu mới phải gắn chặt với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển hợp tác xã kiểu mới phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển hợp tác xã kiểu mới phải gắn liền với các thành phần kinh tế khác.

Đề cập đến vai trò của tổ chức Liên minh hợp tác xã trong phát triển hợp tác xã kiểu mới, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Hoàng Yến xác định 06 nhiệm vụ mà Liên minh hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới: Thứ nhất, chủ động tham mưu, đề xuất với Thành ủy và tổ chức thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thứ hai, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã; thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển tổ hợp, hợp tác xã theo đường lối, chủ trương phát triển kinh tế tập thể của Đảng, Nhà nước và Luật hợp tác xã năm 2012; thứ tư, nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác xã; thứ năm, hỗ trợ hợp tác xã xúc tiến thương mại; thứ sáu, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Liên minh hợp tác xã Thành phố.

 
 Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn Thành phố cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để hiểu đúng, hiểu đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Thứ hai, phải chú trọng tổng kết thực tiễn xây dựng, phát triển hợp tác xã theo hướng đi sâu vào những vấn đề có tính chất khung pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển cũng như những nhân tố hạn chế sự phát triển của các hợp tác xã kiểu mới. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường ngày càng thuận lợi hơn để phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn Thành phố.

Thứ ba, trong khâu tổ chức thực hiện phải chú trọng 5 nội dung: sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc xây dựng, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới; vai trò của các sở, ngành có liên quan trong việc tham mưu kiến nghị chính sách hỗ trợ hợp tác xã, sự quan tâm tháo gỡ khó khăn thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước để hỗ trợ hợp tác xã phát triển theo đúng pháp luật; Liên minh hợp tác xã phải thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các điều kiện để hợp tác xã ra đời và hoạt động, phát triển bền vững; hợp tác xã phát triển phải tuân theo các quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mỗi người dân phải có thông tin đầy đủ về mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã để từ đó chính họ là người quyết định tham gia xây dựng và phát triển hợp tác xã kiểu mới.

 
 PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu tổng kết Hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS,TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: Gần 100 tham luận của các tác giả là những người trực tiếp quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu gửi đến Hội thảo và 12 ý kiến, thảo luận, trao đổi trực tiếp tại hội thảo đã nêu bật vai trò, tầm quan trọng chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đối với phát triển hợp tác xã kiểu mới theo hướng hiện đại, bền vững ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam nói chung. Các ý kiến, tham luận đã làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nêu bật và khẳng định tính tất yếu, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay;

Thứ hai, làm rõ những đặc trưng, tính chất của hợp tác xã kiểu mới trong mối quan hệ so sánh với doanh nghiệp, với hộ cá thể, với hợp tác xã kiểu cũ; nhu cầu liên kết hợp tác mang tính kinh tế và kinh tế - xã hội của hợp tác xã, nhờ đó khắc phục những khuyết tật và khỏa lấp những hạn chế của kinh tế thị trường đối với những đối tượng yêu thế, dễ bị rủi ro trong nền kinh tế.

Thứ ba, nhận diện thực trạng các loại hình hợp tác xã trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp,...

Thứ tư, nhận diện những “rào cản” trong việc xây dựng, phát triển, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (những di tồn của hợp tác xã kiểu cũ; tư tưởng tiểu nông trong hoạt động; kinh tế thị trường luôn có tính chất thôn tính những khu vực yếu thế; vai trò lãnh đạo, quản lý điều hành và đạo đức của người lãnh đạo trong hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên các lĩnh vực; thiếu những nhà quản trị hợp tác xã chuyên nghiệp theo cơ chế thị trường).

Thứ năm, đề xuất, kiến nghị nhằm tối ưu hóa việc phát triển và mở rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới. Trong đó, chú trọng yếu tố tuyên truyền thiết thực, cụ thể để nâng cao nhận thức xã hội về xây dựng, phát triển hợp tác xã kiểu mới; hoàn thiện các khung pháp lý, chính sách vĩ mô và chính sách địa phương về phát triển hợp tác xã; lãnh đạo điều hành nhất quán, quyết liệt, quan tâm đào tạo đội ngũ quản trị hợp tác xã; có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng, thuế,… đối với hợp tác xã; phát huy vai trò của Liên minh hợp tác xã và đặc biệt là vai trò của người dân để chủ động, tích cực tham gia xây dựng, phát triển hợp tác xã; phát triển hợp tác xã không thể tách rời với phát triển các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Những kết quả thu được tại hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và trên cơ sở đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp cơ bản nhằm góp phần tạo nền tảng và sức bật mới cho sự phát triển hợp tác xã nói riêng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói chung./.