TCCS - Ngày 16-8-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.

Toàn cảnh hội thảo_Ảnh: Thu Thanh

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Đồng chí GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các nhà khoa học dự hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để  luận chứng về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đây là hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa, góp phần cụ thể hoá và làm sâu sắc hơn các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển qua gần 40 năm đổi mới. Đặc biệt, Hội thảo còn nhằm phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đề xuất những kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới. Với chức năng bổ sung cho nhau, tín dụng chính sách và tín dụng thương mại là hai kênh tài chính song hành trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Những thành tựu to lớn đó khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, sáng tạo với những quyết sách kịp thời, nhạy bén, nhất quán trong tổ chức thực hiện, cụ thể là Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10-6-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và các cấp ủy đảng; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân, những kết quả của tín dụng chính sách là minh chứng sinh động về ý Đảng hợp với lòng dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo_Ảnh: Thu Thanh

Qua hơn 20 năm hoạt động và phát triển, nhất là sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thật sự khẳng định được sứ mệnh và trách nhiệm xã hội to lớn của mình, phát huy có hiệu quả mô hình thiết chế sáng tạo, đặc thù trong việc thực hiện tín dụng chính sách, khơi dậy truyền thống nhân ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong công cuộc đổi mới.

Báo cáo hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác, đặc biệt 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội, đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho các cấp hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.464 tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác. Hoạt động giao dịch tại 10.438 điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nền nếp, hiệu quả, với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, đã đẩy lùi nạn "tín dụng đen" thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; không bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng. Mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội là phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam. “Đây là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với các đoàn thể nhân dân và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng” như trong Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13, ngày 19-5-2014, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ.

Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung huy động nguồn vốn lớn, đa dạng để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 31-7-2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 190 nghìn tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tập trung cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31-7-2023 đạt trên 305 nghìn tỷ đồng, tăng gần 176 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động...

Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Đồng thời, góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh).

Đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo tóm tắt hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội_Ảnh: Thu Thanh

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 60 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đã và đang công tác tại các ban, bộ, ngành trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, các tổ chức chính trị - xã hội, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Nội dung các tham luận đã bám sát, tập trung phân tích và làm nổi bật chủ đề hội thảo:

Thứ nhất, làm rõ quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của Đảng về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để thực hiện những mục tiêu cao cả là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp người dân còn nhiều khó khăn, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó, tín dụng chính sách xã hội trở thành một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo.

Thứ hai, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc những kết quả đạt được trong hơn 20 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Qua đó, tiếp tục khẳng định định hướng lớn, lâu dài, chủ trương nhất quán của Đảng trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo chăm lo đến đời sống của người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ ba, làm rõ mô hình tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trên cơ sở thực trạng hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội những năm qua, hội thảo tập trung phân tích, làm rõ những ưu, nhược điểm, đề xuất giải pháp nhằm đưa hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng hiệu quả, trợ giúp tốt hơn cho các đối tượng chính sách.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến phát biểu, các bài tham luận tâm huyết, khoa học và trách nhiệm của các đại biểu, nhà khoa học. Ban Tổ chức hội thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, đại biểu để làm căn cứ tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm đủ năng lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội hiệu quả hơn./.