TCCSĐT - Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2016), sáng 25-11-2016, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Toàn quốc kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Lê Chiêm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo - cho biết: Cách mạng tháng Tám thành công đã mang lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam - thành quả mà phải mất biết bao công sức và máu xương nhân dân ta mới giành lại được. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian rất ngắn, giới cầm quyền hiếu chiến Pháp được sự đồng lõa, tiếp tay của các đế quốc đồng minh đã rắp tâm cướp nước ta lần nữa, đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định sơ bộ ngày 06-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, tăng cường các hoạt động quân sự, nhằm phá hoại nền hòa bình của dân tộc ta.

Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, mong muốn giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhân nhượng, kiềm chế, đàm phán với chính quyền Pháp nhằm tránh cuộc chiến tranh xảy ra nhưng không thành công. “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Trước tình hình đó, để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - nhận định: “Toàn quốc kháng chiến - cuộc tổng giao chiến đầu tiên - mở đầu cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam, diễn ra đồng loạt trên các đô thị Bắc Vĩ tuyến 16, với sự hưởng ứng, phối hợp của quân dân khắp mọi miền Tổ quốc, đã thu được những thắng lợi quan trọng, tạo tiền đề chuyển đất nước vào chiến tranh, tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Sự kiện đó, thể hiện tài nghệ lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Hội thảo nhận được gần 100 tham luận, báo cáo khoa học của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, của các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Những tham luận được tiếp cận với nhiều tư liệu mới, nhận thức mới và trong bối cảnh mới. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, theo từng vấn đề cụ thể, trong hệ đề tài được xác định, nhưng đã phản ánh khá toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử quan trọng này, tập trung thể hiện rõ những vấn đề cơ bản sau:

Một là, bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế năm 1945 - 1946, những tác động với cách mạng Việt Nam, trong đó tập trung vào bối cảnh thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), chính sách và các toan tính của các nước lớn, vấn đề Việt Nam trên bàn cờ quốc tế; tình hình khu vực Đông Nam Á, những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Hai là, âm mưu, thủ đoạn tái xâm lược Việt Nam, tham vọng lập lại ách thống trị của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Đông Dương; quá trình thực hiện mưu đồ đó với việc gây hấn ở Nam bộ ngày 23-9-1945, mở rộng chiến tranh ra toàn Nam bộ, Nam Trung bộ, đưa quân ra Bắc Vĩ tuyến 16, phá hoại Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, gửi tối hậu thư đòi nhân dân ta hạ vũ khí…. Đó chính là nguồn gốc chiến tranh.

Ba là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện trên các phương diện: Xác định tính chất và nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, kịp thời đề ra đối sách thích hợp trong từng giai đoạn cụ thể, tránh cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, giải quyết những khó khăn, hậu quả do chế độ thực dân, phong kiến để lại; lãnh đạo, tổ chức toàn quân, toàn dân xây dựng lực lượng về mọi mặt chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bốn là, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do là một trong những nhân tố quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp bước vào kháng chiến toàn quốc, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp chiến đấu và giành chiến thắng.

Năm là, tập trung khái quát, đúc kết những bài học kinh nghiệm, tinh thần toàn quốc kháng chiến để vận dụng, phát huy trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hội thảo là hoạt động để chúng ta nhìn lại toàn bộ, nhận thức sâu sắc về sự kiện lịch sử quan trọng này, càng tự hào về chiến công oanh liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Ghi nhớ sự chiến đấu, hy sinh của đồng bào, đồng chí cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam để chúng ta vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tinh thần, ý chí quyết tâm, sức mạnh của nhân dân ta.

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua thực hiện thành công đường lối, mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra, Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời, tiếp tục khẳng định ý nghĩa và giá trị nguyên vẹn của những bài học và kinh nghiệm lịch sử của sự kiện Toàn quốc kháng chiến trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới./.