TCCSĐT - Sau hai nhiệm kỳ lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ (2009 - 2016), Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa kinh tế Mỹ vượt qua khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 với sự phục hồi khá vững chắc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, về tổng thể, nền kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại.

Những thành tựu đã đạt được

Đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008), vài năm sau, kinh tế Mỹ đã dần phục hồi, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần đây tăng trưởng tương đối khả quan. Sau 8 năm Tổng thống B. Ô-ba-ma lãnh đạo nước Mỹ, kinh tế Mỹ vẫn giữ được ngôi vị hàng đầu thế giới. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến tháng 4-2016, GDP của Mỹ chiếm khoảng 24,7% GDP toàn cầu, trong khi GDP của Trung Quốc chiếm 15,1% (1). Các tập đoàn Mỹ có vai trò quan trọng hàng đầu trên trường quốc tế, trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới (Fortune Global 500), các tập đoàn Mỹ vẫn chiếm ưu thế với 134 tập đoàn, tương ứng Trung Quốc là 103 tập đoàn, Nhật Bản là 52 tập đoàn (2).

Kinh tế Mỹ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân có mức tăng ấn tượng 4,2% trong quý II-2016 nhờ sự cải thiện trên thị trường lao động và năng lượng giá rẻ. Chi tiêu tiêu dùng đóng góp tới 69% tăng trưởng kinh tế Mỹ, người Mỹ dành 2/3 chi tiêu tiêu dùng cho các dịch vụ, chủ yếu là nhà ở và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, doanh số bán lẻ ở Mỹ năm 2014 đạt mức tăng kỷ lục 5.200 tỷ USD, cao hơn so với mức được cho là cao trước khủng hoảng (4.400 tỷ USD - năm 2007). Năm 2015, doanh số bán lẻ của Mỹ tiếp tục tăng 2,4% so với năm 2014. Tính đến tháng 9-2016, con số này tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (3). Thu nhập trung bình hộ gia đình tăng 5,2% trong năm 2015, là mức tăng thực tế lớn nhất kể từ khi Cục Điều tra dân số Mỹ bắt đầu tiến hành phân tích dữ liệu (năm 1967). Tỷ lệ hộ nghèo chính thức ở Mỹ năm 2015 là 13,5%, giảm đi so với năm 2014 (14,8%) nhưng vẫn cao hơn so với năm 2008 (4).

Chính quyền Ô-ba-ma đã thành công trong việc tạo thêm công ăn việc làm. Thời điểm bắt đầu nắm quyền, Tổng thống B. Ô-ba-ma phải đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ đang lún sâu vào khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Nhưng sau đó, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm xuống. Tại thời điểm Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên thệ nhậm chức (tháng 01-2009), tỷ lệ thất nghiệp là 7,8%, đến tháng 10-2009 là 10% và đầu năm 2016 là 5% (5). Như vậy, tính đến hết năm 2015, đã có 9,3 triệu công ăn việc làm được tạo ra. Đáng chú ý, trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012, đối thủ của ông B. Ô-ba-ma, M. Rôm-nây, hứa sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 6% vào cuối năm 2016. Trên thực tế, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã thành công trong việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 6%, sớm hơn hai năm so với lời hứa của M. Rôm-nây. Chỉ tính riêng trong năm 2010, nhiều công ăn việc làm dưới thời Ô-ba-ma được tạo ra hơn cả thời kỳ 8 năm cầm quyền của Tổng thống G. Bu-sơ. Thị trường chứng khoán tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục mới. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng trưởng 120,6% trong thời gian ông B. Ô-ba-ma cầm quyền (6). Hầu hết người Mỹ đều đầu tư vào thị trường chứng khoán, sự tăng trưởng này có lợi cho hàng triệu người dân thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ.

Mức thâm hụt ngân sách liên bang cũng được thu hẹp lại, từ 9,8% GDP trong năm tài chính 2009 (do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính năm 2008), xuống còn 4% trong năm tài chính 2014 và còn 2,4% GDP trong năm tài chính 2015 (7). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng: Năm 2012, Mỹ đã thu hút được 166 tỷ USD vốn FDI, đẩy lượng FDI tích lũy đến 2.700 tỷ USD. Khoảng 80% nguồn vốn FDI vào Mỹ có nguồn gốc từ 9 quốc gia công nghiệp hóa (chủ yếu là Anh, Nhật Bản và Hà Lan); khoảng 40% nguồn vốn FDI của Mỹ tập trung vào lĩnh vực sản xuất (8). Chi tiêu chính phủ thấp hơn thời của một số tổng thống tiền nhiệm. Theo Tạp chí Forbes, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã tăng chi tiêu chính phủ 1,4%/năm; còn theo Washington Post, mức chi tiêu này là 3,3%/năm. Trong cả hai trường hợp trên, ông B.Ô-ba-ma đã chi ít hơn so với Tổng thống R. Ri-gân (8,7%/năm), hay Tổng thống G. Bu-sơ (8,1%/năm) (9) và đã tăng chi tiêu ít hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào kể từ thời Tổng thống D. E-sen-hau-ơ. Điểm nhấn thành công trong nhiệm kỳ của ông Ô-ba-ma còn phải kể đến là Chương trình Bảo hiểm sức khỏe bắt buộc của Chính phủ liên bang - Obamacare. Chương trình Obamacare hiện được đánh giá thành công hơn dự kiến và đặc biệt hiệu quả, như việc giảm số người không có bảo hiểm trong nhóm dân cư thiểu số sống ở Mỹ (người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc La-tinh).

Trong hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng, dưới thời Ô-ba-ma, quan hệ kinh tế quốc tế của Mỹ đã đạt được một số thành tựu nhất định, nổi bật là những bước tiến của Mỹ trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính toàn cầu và các nỗ lực ủng hộ xu thế toàn cầu hóa. Quan điểm của chính quyền Ô-ba-ma là các nước cần hợp tác với nhau để bảo đảm rằng, lợi ích của toàn cầu hóa sẽ được chia sẻ rộng rãi và những vấn đề về kinh tế, chính trị và văn hóa sẽ được cùng nhau giải quyết. Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được “ưu ái” trong hoạch định chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma. Tổng thống B. Ô-ba-ma luôn bày tỏ rằng, hiệp định này “phản ánh các giá trị của Mỹ” và “đặt người lao động Mỹ lên trước tiên”. Ông B. Ô-ba-ma đặc biệt quan tâm đến chính sách kinh tế của Trung Quốc liên quan đến tỷ giá đồng Nhân dân tệ và các biện pháp bảo hộ thương mại. Dưới thời Ô-ba-ma, nước Mỹ đã kiên quyết theo đuổi một chính sách ngăn chặn sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc, điển hình là “cuộc chiến” chống lại việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc, các quan chức Mỹ cũng đã liên tục đưa ra những cáo buộc về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ và từ chối cải cách IMF theo hướng có lợi cho Trung Quốc... Đường lối đối ngoại của chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma cho thấy, nước Mỹ đã tích cực và quyết tâm thúc đẩy chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, với Đông Nam Á là một trọng điểm; Mỹ cũng đã cải thiện quan hệ với I-ran, bình thường hóa quan hệ với Cu-ba, ký kết Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu… Các chính sách đó, ngoài mục tiêu địa - chính trị, xét trên khía cạnh kinh tế - thương mại, nó còn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống B. Ô-ba-ma với xu thế toàn cầu hóa, chính quyền Mỹ tìm cách gắn kết chặt hơn, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, chiến lược của Mỹ với thế giới, khu vực.

Bức tranh kinh tế - những gam màu tối

Mặc dù kinh tế Mỹ có tăng trưởng nhưng Tổng thống B. Ô-ba-ma là tổng thống từ trước đến nay trong lịch sử nước Mỹ chưa thể tạo ra mức tăng trưởng GDP ít nhất 3%/năm (cụ thể: năm 2009: -2,8%; năm 2010: 2,5%; năm 2011: 1,6%; năm 2012: 2,2%; năm 2013: 1,5%; năm 2014: 2,4%; năm 2015: 2,4%). Các tổng thống khác trong lịch sử nước Mỹ, thậm chí cả những tổng thống được đánh giá là không thành công, đã có ít nhất một năm, đưa kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm (10). Nhưng điều này đã không xảy ra dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma mặc dù ông B. Ô-ba-ma đã có hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Trong khi đó, nợ quốc gia có xu hướng gia tăng. Tổng thống B. Ô-ba-ma đã chi tiêu nhiều hơn để kích thích nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Ông B. Ô-ba-ma đã chi tiêu cho ngân sách quốc phòng nhiều hơn Tổng thống G. Bu-sơ (500 tỷ USD/năm), khoảng 700 tỷ USD/năm. Ngày 20-01-2009, khi Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên thệ nhậm chức, các khoản nợ thời điểm đó là 10.626 tỷ USD, đến gần cuối nhiệm kỳ thứ hai, con số này là 19.000 tỷ USD. Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người đều cho rằng, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã tạo ra một khoản nợ khoảng 9.000 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác (11). Trong khi đó, số người Mỹ sống dưới mức nghèo đói vẫn chưa thực sự giảm. Theo thống kê dân số Mỹ, năm 2015 có hơn 43,1 triệu người Mỹ đang sống trong nghèo đói. Mức độ nghèo đói được tính theo mức thu nhập bình quân hộ gia đình là dưới 24.257 USD/năm (một gia đình gồm bốn thành viên) (12).

Đồng USD mạnh cũng gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu Mỹ, khiến thâm hụt thương mại có xu hướng gia tăng. Cơ cấu thương mại Mỹ còn mất cân đối, cán cân thương mại liên tục thâm hụt. Mỹ là nước xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn thứ hai thế giới nhưng là nước nhập khẩu hàng đầu. Mỹ liên tục thâm hụt thương mại, chủ yếu là do sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu năng lượng và nhu cầu nội địa cao. Một cuộc khảo sát của Pew Research Center thực hiện trong tháng 3-2016 cho thấy, 51% người dân Mỹ cho rằng, các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) có tác động tích cực đối với kinh tế Mỹ, 39% người Mỹ bày tỏ quan điểm ngược lại (13). Tuy nhiên, trên thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác FTA gia tăng. Ngược lại, thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước không phải thành viên FTA lại giảm. Mức tăng trung bình xuất khẩu của Mỹ sang các nước không thuộc FTA là 3,8%/năm, con số này đối với các nước thành viên FTA chỉ là 2,7%. Đáng chú ý, FTA Mỹ - Hàn Quốc khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc tăng 83% trong vòng 4 năm kể từ khi thỏa thuận được thông qua vào năm 2011 (14).

Mặc dù thu hút FDI vào Mỹ có gia tăng nhưng đầu tư vào các lĩnh vực như kinh doanh, trang thiết bị, khai thác năng lượng và sở hữu trí tuệ gần đây liên tục suy giảm. Sản xuất là yếu tố quyết định góp phần tạo nên một xã hội giàu có. Trong vài năm qua, các chỉ số này tương đối ổn định, thước đo này chưa bao giờ gây thất vọng cho các nhà kinh tế Mỹ. Nhưng các số liệu mới nhất cho thấy, tình hình tăng trưởng GDP của Mỹ đang xấu đi, GDP trong quý II-2016 chỉ tăng trưởng 1,2% (15). Sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ cũng suy giảm. Báo cáo của Viện Quốc tế về Phát triển Quản lý (IMD) cho biết, sau 3 năm dẫn đầu, Mỹ đã nhường lại vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng các nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh, hiện đứng sau Hồng Kông và Thụy Sỹ (16).

Do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ cuối năm 2008 rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua, chỉ đạt 0,1% (17). Để cứu vãn nền kinh tế, từ tháng 11-2008, FED đã phải liên tục tung ra các gói kích thích kinh tế. Tháng 01-2009, kinh tế Mỹ phải chống chọi với nhiều khó khăn và phải đối mặt với nguy cơ giảm phát. Tuy nhiên, nhờ gói kích thích kinh tế, cuối năm 2009, lạm phát của Mỹ tăng 2,7% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 2007 (18). Đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống B. Ô-ba-ma, hàng loạt yếu tố như giá dầu giảm và đồng USD tăng giá dẫn đến chi phí nhập khẩu giảm, khiến tỷ lệ lạm phát luôn ở mức thấp. Gần đây, kinh tế Mỹ phục hồi, tính đến tháng 6-2016, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với đó, tỷ lệ lạm phát tăng 1,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn không đạt mục tiêu 2% mà FED đã đề ra (19).

Quan hệ kinh tế quốc tế do Mỹ làm chủ đạo ngày càng đứng trước nguy cơ cạnh tranh khốc liệt, vị thế kinh tế hàng đầu thế giới của Mỹ đang bị Trung Quốc đe dọa. Trong nhiều thập niên qua, hệ thống Bretton Woods đã trở thành biểu tượng cho sự chi phối của Anh - Mỹ trong kinh tế toàn cầu, nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thế giới bắt đầu lên án mạnh mẽ hệ thống này. Đặc biệt là trong khoảng thời gian nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống B. Ô-ba-ma, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc và thúc đẩy mạnh mẽ “giấc mơ Trung Hoa”, vị thế kinh tế của Mỹ càng bị lung lay. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều sáng kiến kinh tế quan trọng, coi mặt trận kinh tế - thương mại là mặt trận đầu tiên để Trung Quốc cạnh tranh vị trí bá chủ toàn cầu với Mỹ. Với sự ra đời và đi vào hoạt động nhanh chưa từng thấy của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), các bước triển khai chiến lược “Một vành đai, một con đường” cùng với hàng loạt vụ thâu tóm các thương hiệu đình đám trên thế giới bởi người Trung Quốc, có thể thấy rằng, vị thế kinh tế của Mỹ đang bị Trung Quốc đe dọa. Sự nổi lên của Trung Quốc được đánh giá là một trong những yếu tố chủ yếu dẫn đến sự thụt lùi của Mỹ cả về kinh tế và chính trị. Sự ủng hộ của Trung Quốc đã giúp Nga đứng vững trước sự bao vây, cấm vận Mỹ và các đồng minh phương Tây sau cuộc khủng hoảng U-crai-na. Mỹ dường như đang bị “mắc kẹt” trong hệ thống Bretton Woods, trật tự do Mỹ khởi xướng, được củng cố bởi IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), lấy đồng USD làm trung tâm thanh toán, trao đổi quốc tế… Ngày 01-10-2016, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã chính thức gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế SDR của IMF cùng với các đồng USD, ơ-rô, bảng Anh và yên Nhật. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999, một đồng tiền mới được đưa vào SDR sau đồng ơ-rô. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự kiện đồng Nhân dân tệ chính thức được chọn vào rổ SDR là một dấu mốc quan trọng trong quá trình quốc tế của đồng NDT và là một sự khẳng định cho sự thành công về phát triển kinh tế của Trung Quốc. Dù có thể phải mất một thời gian khá dài mới có thể phá được thế độc tôn của đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu lớn nhất hiện nay, nhưng hai chức năng bá quyền khác của Mỹ hiện đang “xuống cấp” nghiêm trọng. Thứ nhất, Mỹ sẽ không còn là thị trường ưa thích đầu tiên của các quốc gia đang có hướng xuất khẩu như cách mà Mỹ đang làm để thúc đẩy sự phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Thứ hai, dù hiện tại sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn hiện diện ở các khu vực Đông Á, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ, nhưng khi Trung Quốc phát triển, ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á đang bị đe dọa. Mối đe dọa này sẽ còn nghiêm trọng hơn với sự phát triển và lớn mạnh của Ấn Độ. Ngày 21-8-2016, The National Interest (TNI) dẫn lời nhà sử học Mỹ M. Linh, đồng thời là thành viên cao cấp của Tổ chức “Nước Mỹ mới” (NAF) cho rằng, vị thế siêu cường duy nhất hay bá chủ toàn cầu của Mỹ đang dần mờ nhạt và sắp biến mất. Trong ngắn hạn, nước Mỹ vẫn sẽ giàu có hơn. Tuy nhiên, do nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Phi có nền kinh tế đang phát triển rất nhanh, nên tỷ trọng của Mỹ trong sự giàu có toàn cầu sẽ giảm. Tỷ trọng sức mạnh quân sự của Mỹ so với toàn cầu cũng sẽ giảm theo. Tổng thống B. Ô-ba-ma đang nỗ lực thúc đẩy Quốc hội bỏ phiếu thông qua TPP trước khi ông mãn nhiệm, tuy nhiên, điều này khó có khả năng trở thành hiện thực. Nếu để tới nhiệm kỳ của Tổng thống mới, khả năng này sẽ còn thấp hơn nữa, bởi trong suốt cuộc đua tổng thống, hai ứng viên Hi-la-ry Clin-tơn và Đ. Trăm đều bác bỏ thỏa thuận TPP. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các thỏa thuận thương mại không có Mỹ và thiết lập “những quy định tệ hại cho thương mại toàn cầu” nếu Quốc hội Mỹ không thông qua TPP trước khi Tổng thống B. Ô-ba-ma hết nhiệm kỳ. Không chỉ Trung Quốc, các nước đồng minh của Mỹ cũng sẽ ký kết thỏa thuận thương mại với nhau mà không chờ đợi Mỹ. Như vậy, ảnh hưởng của Mỹ với thương mại thế giới đang dần bị suy giảm.

Như vậy, dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma, tăng trưởng kinh tế Mỹ và các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ chưa thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô khủng hoảng kinh tế mà Tổng thống B. Ô-ba-ma đã “thừa hưởng lại” từ người tiền nhiệm, có thể thấy sau tám năm cầm quyền, nước Mỹ dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma đã trỗi dậy trong khủng hoảng. Hệ quả tích cực từ việc triển khai chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma đã và đang tạo lập một tiền đề vững chắc cho người kế nhiệm./.
--------------------------

(1) List of Countries by Projected GDP, http://statisticstimes.com/, ngày 21-10-2016.

(2) Revealed: the biggest companies in the world in 2016, http://www.telegraph.co.uk, ngày 20-7-2016

(3) U.S. Retail Sales Statistics and Trends, https://www.thebalance.com, ngày 14-10-2016.

(4), (12) U.S. Household Incomes Surged 5.2% in 2015, First Gain Since 2007, http://www.wsj.com, ngày 13-9-2016.

(5) Obama decries income inequality in final State of the Union address, http://money.cnn.com, ngày 12-01-2016.

(6) If you own stocks, you need to thank President Obama, http://www.businessinsider.com, ngày 23-6-2016.

(7) What is the Deficit as Percent of GDP?, http://www.usgovernmentdebt.us, ngày 23-10-2016.

(8) U.S. Economic Outlook, http://www.focus-economics.com, ngày 27-9-2016.

(9) 14 Facts About Obama's Presidency Most People Don’t Know, https://soapboxie.com, ngày 2-9-2016.

(10) Barack Obama Will Be The Only President In History To Never Have A Year Of 3% GDP Growth, http://www.zerohedge.com, ngày 30-7-2016

(11) National Debt Under Obama, How Much Did Obama Add to the Nation's Debt?, https://www.thebalance.com, ngày 14-9-2016.

(13) Republicans, especially Trump supporters, see free trade deals as bad for U.S, http://www.pewresearch.org, ngày 31-3-2016

(14) Job-Killing Trade Deficits Surge under FTAs: U.S. Trade Deficits Grow 418% with FTA Countries, but Decline 6% with Non-FTA Countries, https://www.citizen.org, ngày 01-3-2016.

(15) US economy grows less than expected in Q2, http://www.businessinsider.com, ngày 29-7-2016.

(16) The USA toppled as world’s most competitive economy, http://www.imd.org, ngày 30-5-2016.

(17), (18) US 2009 Inflation Rises 2.7%, Inflation Calculator Update, http://www.coinnews.net, ngày 15-1-2010.

(19) US Consumer Price Index rose 0.2% in June vs. 0.3% increase expected, http://www.cnbc.com, ngày 15-7-2016.