TCCS - Việc xuất hiện ngày càng nhiều cơ chế, hình thức liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng “tiểu đa phương” mới, phong phú, linh hoạt về nội hàm và phương thức vận hành đang tác động nhiều mặt đến lợi ích và chính sách bảo đảm an ninh, phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu và làm rõ nội hàm các xu hướng tập hợp lực lượng thông qua cơ chế đa phương mới có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác đối ngoại đa phương của nước ta trong giai đoạn hiện nay cũng như trong dài hạn.

Đánh giá tổng quan về hệ thống đa phương toàn cầu hiện nay

Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, thế giới tiếp tục chuyển động nhanh, phức tạp, với nhiều diễn biến vượt ra ngoài khuôn khổ dự báo thông thường. Cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc ngày càng hình thành rõ nét. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng chung của các dân tộc trên thế giới, nhưng đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, đặc biệt là dưới tác động của chiến tranh, xung đột, cạnh tranh nước lớn, tranh chấp biên giới lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, an ninh mạng, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia,... Những chuyển biến sâu rộng của tình hình thế giới và khu vực đã tác động mạnh mẽ đến chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là các cơ chế đa phương truyền thống được hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay trên nền tảng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế(1).

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) về nghị quyết chấm dứt xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza, ngày 10-6-2024_Ảnh: THX/TTXVN

Trong tổng thể bối cảnh tình hình thế giới và khu vực, có thể đưa ra một số nhận định về hệ thống đa phương toàn cầu trong khoảng 5 năm trở lại đây như sau:  

Thứ nhất, chủ nghĩa đa phương đang đối mặt với thách thức chưa từng có do sự gia tăng các hành vi đơn phương, chính trị cường quyền, vi phạm hoặc diễn giải, áp dụng luật pháp quốc tế theo ý muốn riêng, cùng với sự tiếp diễn phức tạp của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ.

Các thể chế đa phương truyền thống tiếp tục bộc lộ những hạn chế về tính hiệu quả, hiệu lực, cơ cấu, luật lệ do chưa kịp thích ứng, cải tổ trước đà biến động nhanh của tình hình quốc tế và tính chất phức tạp liên thông của các thách thức toàn cầu. Nguồn lực hợp tác quốc tế bị dàn trải do phải xử lý các vấn đề đa khủng hoảng, như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, xung đột Nga - U-crai-na, I-xra-en - Pa-le-xtin, căng thẳng trên Biển Đỏ...), trong khi chi tiêu quân sự toàn cầu liên tiếp tăng trong thập niên qua(2).

Việc triển khai nhiều chương trình nghị sự lớn về hợp tác phát triển gặp nhiều khó khăn, trong đó có Chương trình hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển, Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai giai đoạn 2015 - 2030, việc thực hiện các mục tiêu trong Chương trình Nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030(3). Dưới tác động của cạnh tranh nước lớn, quá trình hợp tác xử lý nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực bị chính trị hóa, trong một số trường hợp thậm chí bị gián đoạn hoặc bế tắc. Quá trình thương lượng, triển khai các thỏa thuận thương mại xuất hiện nhiều nội hàm mới liên quan đến khía cạnh an ninh, nhân quyền, môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động, cùng với sự gia tăng các hình thức bảo hộ sau biên giới và qua biên giới, như cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), các tiêu chuẩn về môi trường... Đồng thời, xu hướng tăng cường phân tách, phân mảnh, khu vực hóa các liên kết kinh tế mang tính địa - chính trị đang đặt ra vấn đề về lựa chọn hệ thống, tiêu chuẩn trong quá trình hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Trước tình hình trên, nhu cầu thúc đẩy cải tổ các thể chế đa phương truyền thống ngày càng được nhiều nước coi trọng. Tuy nhiên, việc cải tổ toàn diện các cơ quan có vai trò quyết định trong xử lý các vấn đề toàn cầu là quá trình tiệm tiến, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực, đồng thuận của các quốc gia(4).

Thứ hai, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức song về tổng thể, các cơ chế đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm tiếp tục được hầu hết quốc gia coi trọng và đóng vai trò đi đầu, khởi xướng, dẫn dắt nhiều sáng kiến, nỗ lực tích cực nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Khó khăn hiện nay của chủ nghĩa đa phương chủ yếu là vấn đề tính hiệu quả, chưa phải là khủng hoảng về sự tồn tại của các cơ chế đa phương truyền thống. Các nước, trong đó cả nước lớn và các nước vừa và nhỏ vẫn tiếp tục tận dụng các thể chế và cơ chế hợp tác đa phương để bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, chung tay xử lý các vấn đề toàn cầu vượt quá năng lực ứng phó của từng quốc gia đơn lẻ. Các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết hòa bình các tranh chấp đã trở thành nền tảng không thể thay thế trong điều hòa quan hệ quốc tế. Liên hợp quốc tiếp tục đi đầu tiến trình cải tổ, định hình các khuôn khổ mới về quản trị toàn cầu, trong đó có chương trình nghị sự “Tương lai của chúng ta” (OCA), thỏa thuận số toàn cầu, quản lý trí tuệ nhân tạo... Các liên kết kinh tế, liên kết số, hợp tác công nghệ và chuyển đổi xanh tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhiều cơ chế hợp tác về kinh tế, phát triển toàn cầu và khu vực, như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), G7, G20, G77, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, mở rộng thành viên và tăng cường hợp tác với các đối tác(5). Ở cấp độ khu vực, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy xây dựng tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 và khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực.

Lãnh đạo các nước G7 và các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Fasano, Italia, ngày 13-6-2024_Ảnh: Kyodo/TTXVN

Thứ ba, các cơ chế đa phương mới, cơ chế hợp tác “tiểu đa phương”, mô hình hợp tác nhóm ba bên, bốn bên có xu hướng ngày càng gia tăng, với hình thức, phương thức hoạt động, phạm vi và lĩnh vực hợp tác đa dạng, linh hoạt.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, không chỉ các cường quốc mà nhiều nước tầm trung và nước nhỏ cũng tìm cách thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương, các sáng kiến mới để thúc đẩy những mục tiêu riêng, như gia tăng tự chủ chiến lược, thúc đẩy xây dựng các khuôn khổ, “luật chơi” mới trên các lĩnh vực đa dạng. Đáng chú ý, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trở thành trọng điểm của sự hình thành, triển khai các cơ chế hợp tác đa phương trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó, nổi bật là: Trung Quốc khởi xướng các sáng kiến toàn cầu, như Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI), Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), đề xuất các khuôn khổ hợp tác mới trong các sáng kiến “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” và các dự án Vành đai, Con đường (BRI) chất lượng cao. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia, như Ấn Độ, Ca-na-da, Ô-xtrây-li-a triển khai các sáng kiến, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó Mỹ thúc đẩy Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), Đối tác về hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) và nhiều cơ chế hợp tác chuyên ngành khác. Nga tiếp tục thúc đẩy sáng kiến Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Nhật Bản thúc đẩy sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0”. Ấn Độ thúc đẩy sáng kiến Liên minh năng lượng mặt trời (ISA), Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Liên minh hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI), Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu (GBA). EU khởi xướng sáng kiến Cổng kết nối Toàn cầu (Global Gateway). Đan Mạch thúc đẩy Sáng kiến Diễn đàn Đối tác về tăng trưởng xanh vì mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G). Xuất hiện nhiều cơ chế liên kết kinh tế mới, trong đó các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đi trước WTO trong việc xây dựng một số khuôn khổ, quy tắc mới về thương mại quốc tế.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cũng đang thúc đẩy thành lập các cơ chế hợp tác ba bên, bốn bên mới về quốc phòng, an ninh, khoa học - công nghệ, chuỗi cung ứng, hoặc trong một lĩnh vực chuyên ngành cụ thể, như nông nghiệp, y tế, môi trường. Các mô hình hợp tác ba bên, bốn bên có thể là hình thức liên kết mang tính thể chế hóa cao, hoặc chỉ đơn thuần là những cơ chế đối thoại, dự án hợp tác chuyên ngành trên một lĩnh vực cụ thể. Trong đó, có thể kể đến “hợp tác Nam - Nam” và “hợp tác 2+1”, các cơ chế hợp tác, liên kết về chip bán dẫn (Liên minh CHIP4, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)), khoáng sản, tài nguyên hiếm (Câu lạc bộ Khoáng sản thiết yếu - CRM), hợp tác ba bên giữa Liên minh châu Âu, một nước châu Phi và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) trong lĩnh vực nông nghiệp; hợp tác phát triển ba bên Trung Quốc - EU - châu Phi, Cộng đồng Kinh tế Borneo giữa In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Bru-nây...    

Đồng thời, các cơ chế hợp tác mới có thể ra đời, vận hành trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác đa phương truyền thống (như trường hợp Nhóm bạn bè về Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển - UNCLOS 1982 do Việt Nam khởi xướng và đồng sáng lập)(6) hoặc các sáng kiến mới nhằm bổ trợ cho hoạt động của các diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng (như Diễn đàn Tương lai ASEAN do Việt Nam khởi xướng và đăng cai tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 23-4-2024).

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại thành phố Johannesburg, Nam Phi, ngày 24-8-2023_Ảnh: AFP/TTXVN

Xu hướng tập hợp lực lượng tại các cơ chế đa phương, nhất là các cơ chế đa phương mới và tác động đối với các quốc gia

Từ những đặc điểm lớn của hệ thống đa phương toàn cầu hiện nay, đặc biệt là sự xuất hiện của các cơ chế đa phương mới, có thể nhận định về xu hướng tập hợp lực lượng và tham gia các cơ chế đa phương như sau:

Thứ nhất, các thực thể và phương thức tập hợp lực lượng tại các cơ chế hợp tác đa phương ngày càng mang tính liên tổ chức, liên chủ thể, có sự phối kết hợp của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và nhóm, cá nhân có vai trò, ảnh hưởng. Các hình thức tập hợp lực lượng tại các diễn đàn đa phương ngày càng linh hoạt, đa dạng, không bó hẹp trong các nhóm tập hợp “cứng” như giai đoạn trước đây. Một quốc gia có thể cùng lúc tham gia nhiều cơ chế hợp tác khác nhau với quy mô thành viên đa dạng, nội hàm hợp tác phong phú. 

Thứ hai, cùng với sự chuyển biến ngày càng rõ nét của cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc, các nước đang phát triển, các nước phương Nam với vị thế gia tăng(7) đang ngày càng có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn về lập trường, hành động để phát huy vị thế là “nhóm đa số” trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, các tập đoàn lớn (đặc biệt là các tập đoàn về công nghệ)(8), các thực thể phi nhà nước cũng tăng cường tương tác, tham gia vào hoạt động của các thể chế đa phương.

Thứ ba, cùng với việc hình thành các cơ chế đa phương mới, các tập hợp lực lượng xuất hiện nhiều hơn theo lĩnh vực cụ thể, tập trung vào giải quyết một hoặc một nhóm vấn đề và kết quả dựa trên lợi ích nguyên tắc chung và phù hợp với lợi thế quốc gia. Chủ đề, lĩnh vực hợp tác là rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, an ninh đến kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, môi trường. Điều này xuất phát từ việc thể chế hóa hợp tác tại các tổ chức đa phương truyền thống là quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực do phải có sự đồng thuận (hoặc đồng ý của đa số thành viên), trong khi phản ứng chính sách trên một lĩnh vực cụ thể hiện nay đòi hỏi tốc độ kết nối quyết sách, nguồn lực quốc tế nhanh nhạy, kịp thời. Đồng thời, hợp tác nhóm, “tiểu đa phương” không yêu cầu tính thể chế hóa cao, ít mang tính ràng buộc trong khi vẫn đáp ứng được lợi ích và tạo lợi thế bổ sung cho các bên tham gia, không bị giới hạn bởi không gian và phạm vi địa lý.

Những chuyển biến nói trên đang đặt ra cơ hội và thách thức đan xen đối với các quốc gia, nhất là các nước tầm trung và nước nhỏ trên các phương diện như sau:

Về mặt cơ hội: 1- Tham gia, đóng góp tích cực hơn vào quá trình cải tổ các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các thể chế, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển trong tiến trình liên kết và hội nhập quốc tế; 2- Nâng cao giá trị địa - chiến lược của quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, tranh thủ hiệu quả và có chọn lọc nguồn lực từ hợp tác đa phương và các cơ chế hợp tác mới để phục vụ các mục tiêu an ninh và phát triển của quốc gia; 3- Tham gia từ sớm, từ đầu vào quá trình định hình khuôn khổ, “luật chơi” trong các lĩnh vực mới, nhất là các liên kết, hội nhập về số, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh, bền vững...; 4- Các cơ chế, sáng kiến hợp tác đa phương mới có thể bổ trợ cho các cơ chế đa phương truyền thống, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu và củng cố quản trị toàn cầu theo hướng hiệu quả hơn. 

Về mặt thách thức: 1- Các cơ chế hợp tác mới có khả năng làm giảm quan tâm, đầu tư nguồn lực của các nước lớn dành cho các thể chế đa phương truyền thống, làm gia tăng nguy cơ mâu thuẫn, chia rẽ giữa các nước/nhóm nước, đồng thời có thể đưa ra các tiêu chuẩn, luật lệ mới, cạnh tranh vai trò, hiệu quả của các cơ chế đa phương truyền thống; 2- Sức ép “chọn bên” gia tăng gây khó khăn cho các nước tầm trung và nước nhỏ trong ứng xử tại các diễn đàn đa phương, nhất là liên quan đến sáng kiến tập hợp lực lượng trong các vấn đề nhạy cảm; 3- Thách thức về bỏ lỡ cơ hội hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực mới, khuôn khổ mới nếu chậm tham gia vào các cơ chế hợp tác có mục tiêu định hình các khuôn khổ, “luật chơi” mới.

Về tổng thể, thuận lợi và thách thức là đan xen, trong đó các yếu tố thuận lợi và cơ hội phát triển vẫn nhiều hơn và tùy thuộc vào khả năng tranh thủ, thích ứng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Đề xuất một số phương hướng triển khai đối ngoại đa phương thời gian tới

Đối ngoại đa phương là một trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trong những năm qua, công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam đã được triển khai toàn diện, thực chất trên cơ sở quán triệt và bám sát Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” (Chỉ thị số 25-CT/TW), góp phần quan trọng củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước giúp đối ngoại và ngoại giao “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước...”(9).

Nổi bật là việc Việt Nam đã tham gia tích cực tại hơn 70 cơ chế, tổ chức đa phương quốc tế và khu vực (tính đến tháng 12-2023); hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với nhiều dấu ấn, sáng kiến(10); tham gia đóng góp tích cực vào hoạt động của APEC, ASEM, WTO, Tổ chức Pháp ngữ, Ủy hội sông Mê Công Quốc tế (MRC); thúc đẩy cử cán bộ vào làm việc tại các tổ chức quốc tế(11) và vận động Tòa trọng tài thường trực (PCA) đặt trụ sở tại Việt Nam; là một trong số những nước đầu tiên ký Hiệp định về Biển cả (BBNJ) và tham gia thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)(12); tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025(13), lần đầu tiên tham gia cùng lúc 5 cơ chế quan trọng của UNESCO(14), tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ tư vào năm 2025. Mới đây nhất, ngày 23-4-2024, Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) với sự tham dự trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Xỏn-xay Xi-phan-đon (Sonexay Siphandone), Tổng Thư ký ASEAN Cao Kim Hơn (Kao Kim Hourn) cùng hơn 500 đại biểu Chính phủ, cơ quan đại diện ngoại giao, học giả, chuyên gia, các tổ chức quốc tế. Đây là sáng kiến quan trọng mà Việt Nam khởi xướng nhằm thúc đẩy vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy sự tương tác đa chiều giữa các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN tham dự toạ đàm “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số” trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 do Việt Nam tổ chức, ngày 23-4-2024, tại Hà Nội_Ảnh: TTXVN

Ở trong nước, 5 đến 7 năm tới là giai đoạn bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực nói chung và tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, đối ngoại đa phương Việt Nam cần tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện. Do đó, công tác đối ngoại đa phương cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế, an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết số  34-NQ/TW, ngày 9-1-2023, của Bộ Chính trị, “Về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII” và Chỉ thị số 25-CT/TW, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, củng cố cục diện đối ngoại rộng mở và thuận lợi cho phát triển đất nước.

Hai là, chú trọng đổi mới tư duy, định hướng tham gia các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và toàn cầu một cách có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thế và lực của đất nước và mang lại hiệu quả thực chất.

Cần tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, tăng cường phát huy vai trò trong ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công, đóng góp tích cực vào củng cố đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Đồng thời, phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm tại Liên hợp quốc và các cơ chế, diễn đàn quan trọng mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, APEC, ASEM, phong trào Không liên kết, Tổ chức Pháp ngữ....

Với các sáng kiến, cơ chế hợp tác đa phương mới, cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu về chủ trương ứng xử, tham gia phù hợp với chủ trương và lợi ích của Việt Nam, đặc biệt là trên các lĩnh vực Việt Nam đang có ưu tiên, như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuỗi cung ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước và các thách thức an ninh phi truyền thống khác. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hợp tác của các cơ chế hợp tác ba bên, bốn bên mà Việt Nam là thành viên (như hợp tác Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, Việt Nam - EU - một nước châu Phi về nông nghiệp).

Ba là, phát huy các kết quả quan trọng đã đạt được tại các thể chế đa phương, nghiên cứu thúc đẩy “thương hiệu” về đối ngoại đa phương mang tính dài hạn, đồng bộ và xuyên suốt ở các thể chế, diễn đàn, tạo nên bản sắc, dấu ấn bền vững cho đối ngoại đa phương Việt Nam giai đoạn tới, gắn kết chặt chẽ với đối ngoại song phương và hội nhập quốc tế của đất nước, hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia.    

Cần lan tỏa và phát triển đồng bộ các sáng kiến Việt Nam đã thúc đẩy thành công, như Diễn đàn Tương lai ASEAN và Nhóm bạn bè về UNCLOS, cùng với việc thúc đẩy các sáng kiến mới trên vấn đề, lĩnh vực mà Việt Nam có ưu tiên và thế mạnh, như chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, hợp tác biển, phụ nữ, hòa bình và an ninh, hỗ trợ nhân đạo quốc tế, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Cần chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia định hình khuôn khổ, “luật chơi” trên các lĩnh vực hợp tác mới, thúc đẩy tính bổ trợ giữa tham gia các cơ chế hợp tác đa phương mới với tham gia trong các thể chế đa phương truyền thống. Đồng thời, nỗ lực hơn trong việc phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, trung gian hòa giải phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.

Bốn là, tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính và con người cho công tác đối ngoại đa phương, tương xứng tiềm lực và vị thế của Việt Nam. 

Cần đẩy mạnh xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế về các vấn đề đa phương quan trọng, gắn sát với lợi ích của Việt Nam, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc đăng cai các Hội nghị quốc tế lớn, ứng cử và đưa người vào các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, UNESCO..., trong đó chú trọng tăng cường đưa người ứng cử, đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo. Đồng thời, bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và những thành tựu, sáng kiến của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.

Năm là, tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong tham gia công tác đối ngoại đa phương.

Cần nâng cao chất lượng và tính chủ động trong nghiên cứu, dự báo, tham mưu liên quan đến xu thế toàn cầu hóa và liên kết quốc tế, chiều hướng chính sách và tập hợp lực lượng tại cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực, các vấn đề toàn cầu và tiến trình thảo luận về quản trị toàn cầu, quá trình khởi xướng và thương lượng các khuôn khổ, “luật chơi” mới tại các diễn đàn đa phương. Đồng thời, tăng cường phối hợp, gắn kết giữa các bộ, ngành trung ương với địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm lĩnh vực, đối tác hợp tác tiềm năng, tiếp tục phát huy phương châm “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ”, tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi bên ngoài cho phát triển đất nước theo Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10-8-2022, của Ban Bí thư, “Về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030”./.

------------------------------

(1) Các cơ chế đa phương truyền thống này bao gồm các tổ chức, diễn đàn toàn cầu, như Liên hợp quốc - tổ chức đóng vai trò trung tâm và các tổ chức, diễn đàn, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Pháp ngữ, Phong trào Không liên kết; các tổ chức, diễn đàn khu vực, như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Phi (AU), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC),...
(2) Đạt hơn 2.440 tỷ USD năm 2023 (theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xtốc-khôm - SIPRI)
(3) Tiến độ mới chỉ đạt 12% sau nửa chặng đường (2015 - 2023). Xem: “Progress towards the Sustainable Development Goals” (Tạm dịch: Báo cáo về tiến độ triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững), General Assembly Economic and Social Council, tháng 5-2023, https://hlpf.un.org/sites/default/files/2023-04/SDG%20Progress%20Report%20Special%20Edition.pdf  
(4) Xem: Ursula Werther-Pietsch: “Dynamics and UN Reform from 1990 to 2030” (Tạm dịch: Động lực và cải cách Liên hợp quốc từ năm 1990 đến năm 2030), Global Power Shift, ngày 30-10-2021, https://pesquisa.bvsalud.org/global-literature-on-novel-coronavirus-2019-ncov/resource/pt/covidwho-1513952 
(5) Xem:  “BRICS Membership Expansion Guiding Principles, Standards, Criteria and Procedures” (Tạm dịch: Nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn mở rộng thành viên BRICS), BRICS 2023 Secretariat, ngày 23-8-2023, https://brics2023.gov.za/wp-content/uploads/2023/11/BRICS-Membership-Expansion-guiding-principles-criteria-and-standards-2023.pdf
(6) Nhóm bạn bè về UNCLOS do Việt Nam khởi xướng vào năm 2020 và đến nay có sự tham gia của 115 quốc gia, đại diện cho tất cả khu vực địa lý
(7) Các nước phương Nam có quy mô thị trường chiếm 88% dân số thế giới. Riêng các nước khối BRICS đã đóng góp 30% GDP toàn cầu 2030, tương đương các nước thuộc nhóm G7. Xem: Kishore Mahbubani: “Measuring the power of the Global South” (Tạm dịch: Đánh giá sức mạnh nội lực của các nước phía Nam bán cầu), Chatham House, ngày 21-3-2024, https://www.chathamhouse.org/publications/the-world-today/2024-02/measuring-power-global-south
(8) Xem: J. Clement: “Google, Amazon, Meta, Apple and Microsoft (GAMAM), Statistics & Facts (Tạm dịch: Google, Amazon, Meta, Apple and Microsoft (GAMAM), Thống kê và sự kiện), Statista, ngày 10-1-2024, https://www.statista.com/topics/4213/google-apple-facebook-amazon-and-microsoft-gafam
(9) Nguyễn Phú Trọng: “Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, Tạp chí Cộng sản, số 1.028 (tháng 12-2023), tr. 10
(10) Thúc đẩy Liên hợp quốc thông qua Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27-12 hằng năm); thúc đẩy Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bảo vệ hạ tầng thiết yếu trong bối cảnh xung đột vũ trang; thúc đẩy thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED)
(11) Như việc cử cán bộ làm việc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Văn phòng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
(12) Huy động 15,5 tỷ USD cho giai đoạn 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam
(13) Hiền Hạnh: “Việt Nam cử thêm 4 sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, Báo Tin tức, ngày 22-2-2024, https://baotintuc.vn/quan-su/viet-nam-cu-them-4-si-quan-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-20240222171730611.htm
(14)  Hội đồng chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2021 - 2025), Ủy ban Di sản Thế giới (nhiệm kỳ 2023 - 2027), Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Khóa 42, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ Công nước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa