Hợp tác giáo dục Việt Nam - Anh: Thực trạng và triển vọng
TCCS - Năm 2023, Việt Nam và Anh kỷ niệm 50 năm ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, 13 năm đối tác chiến lược, ghi nhận những thành tựu hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại,… Trong đó, hợp tác về giáo dục - đào tạo Việt Nam - Anh được tích cực thúc đẩy, đạt được những kết quả tốt đẹp, tiếp tục hứa hẹn nhiều triển vọng trong thời gian tới.
Hợp tác giáo dục - đào tạo nhìn từ nhu cầu của hai nước
Đối với Việt Nam, giáo dục - đào tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước, đã được đưa vào Hiến pháp năm 2013. Đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này chính là đầu tư cho phát triển, với mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện cả về thể chất, tinh thần, năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm với bản thân, tập thể, đất nước. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một mặt, đòi hỏi thế hệ trẻ phải thành thạo ngoại ngữ nhằm có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động, không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và trên thế giới. Mặt khác, là yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Hiện Việt Nam đang phấn đấu đưa giáo dục trở thành một nền giáo dục tiên tiến trong khu vực vào năm 2030(1), phấn đấu “xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”(2). Chính vì vậy, Việt Nam cần thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục - đào tạo nhằm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ; tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế. Theo đó, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Giáo dục 2019; Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, ngày 6-6-2018, của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho sự tự chủ cao của các cơ sở giáo dục của Việt Nam trong hợp tác với các đối tác nước ngoài. Việt Nam rất coi trọng hợp tác về giáo dục - đào tạo với các đối tác phát triển, nhất là các nước có nền giáo dục phát triển lâu đời, trong đó Anh là một đối tác quan trọng.
Đối với Anh, là quốc gia có nền giáo dục lâu đời và nổi tiếng thế giới, nước này luôn có sức hút lớn đối với đông đảo du học sinh quốc tế. Theo Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings), Anh có 4 trường đại học nằm trong top 10 trường tốt nhất thế giới và 18 trường trong 100 trường xếp hạng cao nhất thế giới; trong đó, Đại học Cambridge và Đại học Oxford đứng thứ hai và thứ ba(3). Năm 2022, Anh là quốc gia để du học hấp dẫn thứ hai thế giới với hơn 630.000 sinh viên quốc tế theo học(4). Về công nghệ giáo dục, Anh dẫn đầu châu Âu với gần 1/4 công ty công nghệ giáo dục của châu Âu đặt trụ sở tại nước này.
Bên cạnh đó, tiếng Anh - nền tảng của văn hóa Anh quốc - từ lâu đã trở thành ngôn ngữ thông dụng nhất trên toàn cầu với hơn 1,45 tỷ người sử dụng, cao hơn so với gần 1,14 tỷ người của ngôn ngữ phổ biến thứ hai là tiếng Trung Quốc(5); nhu cầu học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất phổ biến trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự phổ biến của giáo dục Anh quốc và tiếng Anh trên thế giới đóng góp nhiều vào ảnh hưởng toàn cầu của nước Anh.
Năm 2013, Chính phủ Anh đã công bố “Chiến lược giáo dục quốc tế: Tăng trưởng và thịnh vượng toàn cầu”. Trong các năm tiếp theo, Anh tiếp tục công bố chiến lược giáo dục quốc tế mới và các bản cập nhật, vào các năm 2019 (Chiến lược giáo dục quốc tế: Tiềm năng toàn cầu, tăng trưởng toàn cầu), năm 2021, năm 2022. Với mục tiêu phát huy thế mạnh, chiến lược tập trung vào sinh viên quốc tế, các hoạt động giáo dục xuyên quốc gia, công nghệ giáo dục và rộng hơn là củng cố thương hiệu giáo dục của Anh ở nước ngoài, tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Anh, nhất là sau sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Trong Chiến lược giáo dục quốc tế 2019, Chính phủ Anh đặt mục tiêu xuất khẩu giáo dục (tăng giá trị xuất khẩu giáo dục lên 35 tỷ bảng mỗi năm vào năm 2030) và 5 hành động của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngành giáo dục Anh tiếp cận với các cơ hội toàn cầu, cũng như hành động để duy trì thị phần trên thị trường giáo dục quốc tế(6).
Trong Chiến lược giáo dục quốc tế 2019, Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia ưu tiên, bên cạnh Ấn Độ, Indonesia, Saudi Arabia và Nigeria. Anh chú trọng phát triển hợp tác với Việt Nam và ủng hộ mong muốn của Việt Nam trong quan hệ đối tác giáo dục và công nghệ giáo dục.
Như vậy, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo phù hợp với nhu cầu, lợi ích và thế mạnh của hai nước; do vậy, tiềm năng phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là rất lớn. Việt Nam là một nước đang phát triển, đặt ưu tiên cao cho giáo dục - đào tạo, đang thực hiện chuyển đổi về hệ thống, nội dung và phương pháp giáo dục các cấp; mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo. Trong khi đó, Anh là một đất nước có nền giáo dục lâu đời và thành công hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống giáo dục toàn cầu. Nếu Anh đang tìm kiếm các thị trường mới để xuất khẩu các lĩnh vực thế mạnh của mình là dịch vụ tài chính, công nghệ, giáo dục thì Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng.
Thành quả hợp tác giáo dục - đào tạo Việt Nam - Anh
Với những định hướng ưu tiên phát triển nền giáo dục Việt Nam và hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế; trong đó, Anh là một đối tác quan trọng. Trên thực tế, quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo Việt Nam - Anh bắt đầu từ năm 1989. Hai nước đã ký kết Hiệp định cấp chính phủ về hợp tác giáo dục - đào tạo năm 2008. Năm 2010, quan hệ đối tác Việt Nam - Anh được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Quan hệ đối tác của hai nước đã phát triển mạnh mẽ, trong đó giáo dục là một trọng tâm. Năm 2019, đại diện chính phủ hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giáo dục trong các lĩnh vực cụ thể về đào tạo tiếng Anh, giáo dục, giáo dục đại học và ứng dụng công nghệ. Năm 2022, Việt Nam và Anh ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trong xây dựng kết nối, nâng cao hiểu biết và lòng tin lẫn nhau giữa Anh với các nước đối tác, bên cạnh vai trò của Đại sứ quán Anh, không thể không nhắc đến Hội đồng Anh (BC) như một cầu nối quan trọng, đặc biệt là về văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ Anh. Hội đồng Anh đã tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác giáo dục, hỗ trợ nâng cao năng lực của giáo viên Việt Nam không chỉ về tiếng Anh, mà còn quảng bá văn hóa, giáo dục Anh tại Việt Nam; kết nối các đối tác Anh với phía Việt Nam. Bên cạnh đó là sự tham gia của hệ thống các trường hàng đầu của Anh trong liên kết đào tạo với các đối tác Việt Nam, cũng như xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Sự tích cực của hai phía đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.
Về giảng dạy tiếng Anh và đào tạo nâng cao
Từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, Hội đồng Anh đã tích cực tổ chức các khóa tập huấn về đào tạo tiếng Anh, giới thiệu các phương pháp giảng dạy tiếng Anh tiên tiến tới các cơ sở giáo dục bậc cao tại Việt Nam; triển khai và hỗ trợ các khóa học tiếng Anh dành cho cán bộ Việt Nam; giới thiệu các chương trình học bổng du học tại Anh.
Về công nghệ giáo dục
Với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ mới được ứng dụng ngày càng rộng rãi vào việc dạy và học, nhất là giáo dục bậc cao. Tại Anh, công nghệ giáo dục (EdTech) có tốc độ phát triển hàng đầu với hơn 1.000 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động. EdTech được đánh giá cao về khả năng hỗ trợ tối ưu việc giảng dạy, nâng cao khả năng đánh giá hữu ích, giúp củng cố quá trình học. Trong khi đó, từ đầu những năm 2010, Việt Nam chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ giáo dục vào trường học, trước hết là đại học. Trong thời gian đại dịch COVID-19, học tập trực tuyến được chủ động triển khai tại nhiều cơ sở giáo dục của Việt Nam; cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý điều hành; đại đa số các đối tượng cần quản lý đã được số hóa, gắn mã định danh(7). Đến nay, nhiều chương trình, đề án đang được xây dựng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Việt Nam và Anh đã tổ chức các diễn đàn và triển lãm về công nghệ giáo dục (năm 2019), hội thảo về hợp tác và chuyển giao công nghệ giáo dục (năm 2022). Nhiều giải pháp về công nghệ giáo dục đã được giới thiệu và từng bước được ứng dụng vào thực tiễn tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam ứng dụng hiệu quả công nghệ giáo dục vào thực tiễn.
Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học
Tính đến hết tháng 6-2022, Việt Nam thu hút 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỷ USD, với các đối tác của 33 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở bậc đại học, cả nước có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó có 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép thực hiện. Số lượng chương trình liên kết đào tạo lớn nhất thuộc về Anh, với 101 chương trình, cao hơn rất nhiều so với nước đứng thứ hai và thứ ba là Mỹ và Pháp với lần lượt 59 và 53 chương trình(8). Các chương trình giáo dục đại học của Anh thu hút ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam theo học, đến cuối năm 2023 là hơn 7.100 sinh viên, gồm hình thức học trực tiếp tại Việt Nam (6.000 người) và học trực tuyến(9). Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) hoạt động từ năm 2009, tiếp nhận học bổng do Đại sứ Vương quốc Anh dành cho sinh viên theo học chương trình cử nhân tại đây. Ngoài ra, dự án Đại học Việt Nam - Anh tại Đà Nẵng đang được triển khai. Những con số trên cho thấy, Anh đang giữ vai trò một đối tác hàng đầu của giáo dục Việt Nam.
Chương trình hợp tác giáo dục đại học Việt Nam - Vương quốc Anh (UK - VN HEP) được xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục đại học của Việt Nam và Anh, đặc biệt hỗ trợ thực hiện chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Từ năm 2018, chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo giáo dục của một số trường đại học Việt Nam, đào tạo kết hợp và đào tạo thực tế tại Anh quốc, đã được thực hiện.
Bên cạnh đó, Chương trình Hợp tác đối tác toàn cầu của Hội đồng Anh tại Việt Nam có tham vọng hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam tới tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trong dạy, học, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức trong ba năm 2021 - 2024, thúc đẩy chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học tại Anh và Việt Nam thông qua: trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và tạo dựng kết nối cho giáo dục đại học Anh và Việt Nam, hỗ trợ phát triển chính sách; thúc đẩy và xây dựng các chương trình hợp tác đối tác giáo dục đại học và mạng lưới đa dạng, bền vững, hòa nhập giữa Anh, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Á trong dạy học, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức; hỗ trợ nâng cao hiệu suất của giáo dục đại học Việt Nam; thúc đẩy dịch chuyển và trao đổi sinh viên, giảng viên(10).
Về du học và học bổng
Chiến lược Giáo dục quốc tế của Anh đã đặt tham vọng thu hút 600.000 sinh viên quốc tế; mục tiêu này đã đạt được vào năm học 2020 - 2021, với 605.130 sinh viên quốc tế học tập tại Anh. Tính đến đầu năm 2024, có khoảng 11.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Anh(11), ở tất cả các bậc học, trong đó đa số theo diện tự túc. Xét về mức độ hấp dẫn, Anh là một trong 10 quốc gia có nền văn hóa và giáo dục hấp dẫn nhất đối với người dân Việt Nam(12), xếp thứ tư trong số những điểm đến du học bằng tiếng Anh đối với sinh viên Việt Nam(13). Qua những số liệu này cho thấy, trong tương lai, số lượng người Việt Nam chọn đi du học Anh sẽ tiếp tục gia tăng.
Về học bổng, Chính phủ Việt Nam thường xuyên có các chương trình học bổng dành cho các học viên sau đại học tại các trường đại học hàng đầu của Anh qua các giai đoạn thực hiện các đề án như Đề án 322, Đề án 911 và hiện nay là Đề án 89(14). Đồng thời, hai chương trình học bổng quan trọng nhất của Chính phủ Anh đang được triển khai tại Việt Nam gồm học bổng Chevening do Bộ Ngoại giao Anh tài trợ và học bổng Hợp tác kỹ thuật (TCT) được Bộ Phát triển Anh tài trợ. Đáng chú ý, học bổng thạc sĩ toàn phần Chevening bắt đầu triển khai tại Việt Nam năm 1993, đến nay đã có khoảng 500 sinh viên Việt Nam nhận được học bổng này. Từ năm học 2021 - 2022, học bổng Chevening có thêm các suất do xứ Wales cấp. Ngoài ra, người Việt Nam có nhu cầu du học tại Anh có thể tìm kiếm học bổng của các trường đại học nước này cấp(15). Ở chiều ngược lại, chỉ có khoảng 244 du học sinh Anh đang học tập/thực tập tại Việt Nam. Cơ hội đối với các trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc hợp tác và trao đổi sinh viên với các cơ sở giáo dục tại Anh là rất lớn, thông qua Đề án Turing - một chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Theo đó, Chính phủ Anh sẽ tài trợ cho 35.000 sinh viên Anh ra nước ngoài học tập. Theo chương trình, khoảng 200 sinh viên Anh đã sang Việt Nam năm 2022(16).
Về đào tạo nghề
Một số hoạt động hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp dành cho Việt Nam mà Chính phủ Anh đã triển khai thông qua Chương trình EU VET Toolbox; các chương trình đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực cho giáo viên giáo dục nghề nghiệp, đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho giáo viên dạy nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN; liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức cấp phát bằng của Anh(17).
Với việc cả hai phía tích cực thúc đẩy hợp tác về giáo dục - đào tạo trong khuôn khổ đối tác chiến lược, những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực quan trọng này giữa hai nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hứa hẹn triển vọng tốt đẹp trong những năm tiếp theo.
Nhiều cơ hội mở rộng hợp tác giáo dục - đào tạo Việt Nam - Anh
Việt Nam luôn đặt ưu tiên cao về phát triển giáo dục - đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Theo đó, Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới giáo dục theo hướng phát triển con người toàn diện, xây dựng mô hình công dân trẻ toàn cầu, đủ năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này. Số lượng trường dân lập, tư thục, mô hình hợp tác quốc tế đang tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Về giảng dạy ngoại ngữ, bộ môn tiếng Anh và đào tạo tiếng Anh là ngoại ngữ quan trọng và phổ biến nhất tại Việt Nam. Sự chú trọng này được thực hiện phối hợp từ Trung ương tới địa phương, với các thành phần tham gia từ khu vực công đến tư thục, dân lập…
Nhờ những chính sách tích cực, cởi mở, chất lượng giáo dục, đào tạo của Việt Nam đã được nâng cao. Điều đó được minh chứng bằng việc giáo dục Việt Nam xếp thứ 59 trong bảng xếp hạng quốc tế năm 2021; 5 trường đại học Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội) được xếp vào danh sách các trường đại học tốt nhất thế giới; giáo dục phổ thông, học sinh Việt Nam đạt kết quả ngày càng tốt trong Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) qua các kỳ. Những kết quả này là động lực cho mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục - đào tạo, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực quan trọng này tại Việt Nam.
Đối với Anh, giáo dục - đào tạo là thế mạnh và xuất khẩu giáo dục từ lâu vẫn là một lợi thế và ưu tiên của Chính phủ Anh bởi không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn gia tăng “sức mạnh mềm” thông qua gia tăng ảnh hưởng văn hóa, ngôn ngữ. Đây là lợi ích song trùng khi sau sự kiện Brexit, Anh tích cực thúc đẩy lợi ích và nâng tầm ảnh hưởng quốc gia trên thế giới, trong đó hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác với các nền kinh tế mới nổi, bao gồm Việt Nam(18). Chiến lược Giáo dục quốc tế năm 2019 của Anh chỉ rõ, Việt Nam là một nước ưu tiên trong khu vực ASEAN. Số lượng học bổng trong chương trình của Chính phủ Anh cấp cho Việt Nam đang có xu hướng tăng lên cùng với sự quảng bá tích cực của Hội đồng Anh và các đối tác từ Anh khác, làm gia tăng mức độ hấp dẫn của giáo dục Anh trong nhận thức của người học Việt Nam.
Về thương mại, nếu Anh là quốc gia xuất khẩu giáo dục hàng đầu thế giới, có ưu thế cả về truyền thống giáo dục, ảnh hưởng giáo dục toàn cầu, bằng cấp có uy tín và được công nhận rộng rãi toàn cầu, công nghệ giáo dục được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi, là niềm tự hào của người dân Anh… thì Việt Nam là một “thị trường người học” hấp dẫn. Việt Nam có truyền thống hiếu học, đời sống kinh tế của người dân tăng lên cho phép đáp ứng ngày càng cao hơn cho học tập. Bên cạnh đó, nhiều gia đình sẵn sàng chi trả cho các chương trình giáo dục quốc tế ở các bậc học và trình độ khác nhau. Đồng thời, những nhu cầu như về giáo dục tiếng Anh và bằng cấp tiếng Anh, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, du học tại chỗ, chuyển đổi số trong giáo dục… tại Việt Nam là vô cùng lớn. Hai bên sẵn sàng nắm bắt cơ hội để hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo để đạt được lợi ích cao nhất.
Nhìn chung, trong những thập niên qua, hợp tác giáo dục - đào tạo Việt Nam - Anh luôn bảo đảm mức độ phát triển phù hợp với nhu cầu và mong muốn từ các cấp và các đối tác công - tư hai bên, đóng góp quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Trong danh sách các nhà đầu tư quan trọng, uy tín của Anh tại Việt Nam có những tên tuổi, như Hội đồng Anh, Tổ chức Giáo dục Cambridge, BUV… Các nhà đầu tư hai bên với thiện chí đầu tư thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật liên quan, tìm hiểu nhu cầu đầu tư của địa phương, chia sẻ thế mạnh và ưu tiên hợp tác, xây dựng và triển khai các dự án chất lượng.
Các văn bản làm cơ sở cho hợp tác giáo dục - đào tạo hai nước vẫn đang được nghiên cứu, ký kết. Những lĩnh vực có nhiều triển vọng đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới là giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp, giáo dục đại học... Về đào tạo nghề, đáng chú ý Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp Việt Nam - Anh được ký kết tháng 4-2022 là bản ghi nhớ cấp chính phủ đầu tiên trong lĩnh vực này của Việt Nam với một đối tác quốc tế. Trên cơ sở đó, những hoạt động đầu tiên để hiện thực hóa văn bản này đã được tiến hành, tạo đà cho những bước tiến tiếp theo. Về giáo dục đại học, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, cũng như các trường đại học Việt Nam, trong xu thế hội nhập quốc tế, chú trọng nâng cao năng lực và mở rộng hợp tác quốc tế. Trong khi đó, giáo dục đại học Anh giàu truyền thống và tầm ảnh hưởng toàn cầu có thể hỗ trợ và kết hợp với Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này, từ đó mang lại lợi ích chung cho hai nước.
Như vậy, trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh, hợp tác về giáo dục - đào tạo là một phần quan trọng và đã đạt được nhiều thành tựu. Các cơ hội phát triển hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực quan trọng này có dư địa rất lớn, đến từ thiện chí, ý chí hợp tác của hai bên cũng như sự phù hợp về năng lực, nhu cầu và lợi ích của mỗi bên./.
------------------
(1) Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
(2) Xem: Phạm Văn Linh: “Những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về giáo dục và đào tạo”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 27-8-2021, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/gioi-thieu-van-kien-dang/nhung-diem-moi-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-ve-giao-duc-va-dao-tao-3742
(3) “QS World University Rankings 2024: Top global universities” (Tạm dịch: Bảng xếp hạng Đại học thế giới của tổ chức QS năm 2024: Các trường đại học hàng đầu thế giới), QS World University Rankings, ngày 27-6-2023, https://www.topuniversities.com/world-university-rankings
(4) “Top host destination of international students worldwide in 2022, by number of students” (Tạm dịch: Điểm đến hàng đầu của sinh viên quốc tế trên toàn thế giới năm 2022, theo số lượng sinh viên), Statista, ngày 17-10-2023, https://www.statista.com/statistics/297132/top-host-destination-of-international-students-worldwide/
(5) “The most spoken languages worldwide in 2023” (Tạm dịch: Những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới), Statista, ngày 16-6-2023, https://www.statista.com/statistics/266808/the-most-spoken-languages-worldwide/
(6) “International Education Strategy: 2022 Update”, (Tạm dịch: Chiến lược Giáo dục quốc tế: Cập nhật năm 2023), GOV.UK, ngày 25-5-2022, https://www.gov.uk/government/publications/international-education-strategy-2022-update
(7) “Thúc đẩy hợp tác công nghệ giáo dục Việt Nam và Vương quốc Anh”, Trung tâm truyền thông giáo dục, ngày 15-12-2022, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/hoi-nhap-quoc-te-ve-gddt/Pages/Default.aspx? ItemID=8338
(8) “Hội nghị hợp tác đầu tư trong giáo dục 2022”, Trung tâm truyền thông giáo dục, Tlđd
(9) “Hơn 7.100 sinh viên Việt theo học chương trình giáo dục đại học của Anh quốc”, VTVOnline, ngày 20-10-2023, https://vtv.vn/giao-duc/hon-7100-sinh-vien-viet-theo-hoc-chuong-trinh-giao-duc-dai-hoc-cua-vuong-quoc-anh-20231020011908153.htm
(10) “Chương trình Hợp tác đối tác toàn cầu tại Việt Nam”, British Council, https://www.britishcouncil.vn/cac-chuong-trinh/giao-duc/hop-tac-doi-tac-toan-cau/viet-nam
(11) Thu Hương: “Đại sứ Iain Frew: Hợp tác song phương Việt Nam - Anh tiến triển vượt bậc”, Vietnamplus, ngày 8-1-2024, https://www.vietnamplus.vn/dai-su-iain-frew-hop-tac-song-phuong-viet-nam-anh-tien-trien-vuot-bac-post919800.vnp
(12) “Measuring the Cultural Dividend - How does interest in overseas culture impact study decisions?” (Tạm dịch: Đo lượng lợi tức văn hóa - Sự quan tâm văn hóa nước ngoài tác động đến quyết định học tập như thế nào?), ngày 16-11-2021, www.britishcouncil.org/education
(13) “Việt Nam và Vương quốc Anh hợp tác thúc đẩy giáo dục đại học”, Vụ Giáo dục đại học, ngày 26-10-2022, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dai-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=8222#:~:text=V%C6% B0%C6%A1ng%20qu%E1%BB%91c%20Anh%20x%E1%BA%BFp%20th%E1%BB%A9,qu%E1%BB%91c%20Anh%20t%E1%BA%A1i%20Vi%E1%BB%87t%20Nam
(14) Đề án 322 là đề án “Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2000; Đề án 911 là đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020” được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt năm 2010; Đề án 89 là đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019
(15) Trần Thị Khánh Hà, Nguyễn Thị Thu Hòa: “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh: Thực trạng và triển vọng”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 27-2-2022, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/825048/quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam---anh--thuc-trang-va-trien-vong.aspx#
(16) Bích Lan: “Việt Nam và Vương quốc Anh có thể tăng cường hợp tác đào tạo xuyên quốc gia sau đại dịch COVID-19”, Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam, ngày 29-6-2022, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=66 120
(17) Ngân Anh: “Việt Nam và Vương quốc Anh thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 21-2-2023, https://nhandan.vn/viet-nam-va-vuong-quoc-anh-thuc-day-hop-tac-giao-duc-nghe-nghiep-post739693.html
(18) Xem thêm: Thi Khanh Ha Tran, Manh Tuan Dinh: “The UK’s foreign strategy toward ASEAN and prospect of UK - Vietnam relationship post Brexit” (Tạm dịch: Chiến lược đối ngoại của Anh đối với ASEAN và triển vọng quan hệ Anh - Việt Nam sau Brexit), VMOST Journal of Social Sciences and Humanities, April 2022, Volume 64, Number 1
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay