Nhìn lại quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2023 và dự báo chiều hướng năm 2024
TCCS - Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc là xu hướng khó có thể đảo ngược trong những năm tới, mức độ cọ xát tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả trong lẫn bên ngoài của hai bên ở những thời điểm khác nhau. Năm 2023, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hai bên đều nỗ lực kiểm soát, cải thiện quan hệ đặc biệt trong nửa cuối năm. Xu hướng này về cơ bản sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực nhiều biến động và khó lường.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2023: Kiềm chế, tránh đối đầu
Về quan hệ chính trị - ngoại giao
Đầu năm 2023, quan hệ Mỹ - Trung Quốc căng thẳng trở lại ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau vụ việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực kiểm soát quan hệ của hai bên được nối lại. Đã có ít nhất 18 cuộc gặp, trao đổi chính thức và không chính thức các cấp giữa hai nước được tiến hành.
Trong các phát biểu và trao đổi công khai, Mỹ thể hiện lập trường nhất quán “quản lý tốt cạnh tranh, không tìm kiếm xung đột”, “thúc đẩy giảm thiểu rủi ro chứ không tách rời Trung Quốc”, “sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề cần hợp tác chung”, như biến đổi khí hậu, chống ma túy và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm “thúc đẩy lợi ích của Mỹ và mang lại lợi ích cho thế giới”. Mỹ tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số một và lâu dài, song có điều chỉnh cụ thể. Năm 2023, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với nhiều bất ổn địa - chính trị nghiêm trọng, phải dàn trải trên nhiều mặt trận và chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm 2024. Cũng trong năm 2023, Mỹ thể hiện sự đánh giá cân bằng hơn về điểm mạnh và điểm yếu của Trung Quốc trong tương quan lực lượng. Chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden tiếp tục tập trung vào xây dựng “tình trạng ưu thế có lợi hơn” và thúc đẩy “mạng lưới liên minh và đối tác” để áp đặt điều kiện cạnh tranh trong quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ thể hiện động thái mong muốn bình ổn lại quan hệ với Trung Quốc thông qua thúc đẩy các kênh liên lạc, trao đổi nhằm tăng cường khả năng quản lý cạnh tranh có trách nhiệm, ổn định với Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc chủ trương “cải thiện quan hệ Trung Quốc - Mỹ”, khẳng định “lợi ích chung của Trung Quốc và Mỹ vượt xa sự khác biệt”, “xung đột và đối đầu gây ra hậu quả khó lường cho cả hai nước”. Sau Đại hội XX (tháng 10-2022), Trung Quốc triển khai chính sách đối ngoại đồng bộ, toàn diện, mạnh mẽ ở cả cấp độ song phương và đa phương. Tuy là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Trung Quốc chủ trương lựa chọn kiên trì phát triển nội lực, coi đây là “nguyên tắc cứng” để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia nhằm ứng phó với những thay đổi của tình hình thế giới. Đặc biệt năm 2023, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước như: 1- Kinh tế suy thoái khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 dự kiến chỉ đạt xấp xỉ 5%. Tình trạng thoái vốn của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng nghiêm trọng. Chỉ trong quý III-2023, Trung Quốc mất 11,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài(1); 2- Khủng hoảng tài sản, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm lao động thanh niên cao (xấp xỉ 21% năm 2023)(2); 3- Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trong khi tầng lớp trung lưu bị thu hẹp.
Tuy chịu sức ép lớn từ Mỹ và đồng minh, tập hợp lực lượng do Mỹ dẫn dắt, nhưng Trung Quốc không muốn đổ vỡ quan hệ với Mỹ, luôn kiềm chế, tránh đối đầu trực tiếp, quản lý quan hệ và thúc đẩy nối lại đối thoại, nhằm: Một là, vực dậy nền kinh tế đang suy yếu do tác động của chính sách “Zero COVID” trước đây và việc các công ty đa quốc gia rời khỏi Trung Quốc cùng với nguy cơ nước này bị tách khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu; hai là, ổn định các vấn đề xã hội trong nước, củng cố nội lực và duy trì, bảo vệ các lợi ích quốc gia. Vì vậy, Trung Quốc kêu gọi ổn định quan hệ song phương và coi đây là nhiệm vụ cấp bách.
Có thể thấy, mặc dù vấn đề dân chủ, nhân quyền và cạnh tranh ý thức hệ, mô hình giá trị tiếp tục là trở ngại trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc song trong năm 2023, qua nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã có những dấu hiệu “tan băng”, đặt nền móng cho việc tăng cường trao đổi song phương trong các lĩnh vực còn nhiều bất đồng, căng thẳng.
Về quan hệ quốc phòng - an ninh
Đầu năm 2023, hoạt động trao đổi quốc phòng - an ninh giữa hai nước còn hạn chế, nhưng đến cuối năm đã xuất hiện dấu hiệu khả quan. Sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (tháng 8-2022), Trung Quốc đình chỉ các cơ chế giao lưu chính thức giữa quân đội hai nước. Tuy nhiên, liên lạc quốc phòng giữa hai bên dần được khôi phục, Trung Quốc đã mời Mỹ cử đại biểu tham dự Diễn đàn Hương Sơn tổ chức ở Thủ đô Bắc Kinh (tháng 10-2023)(3) và chính thức đạt thỏa thuận khôi phục liên lạc giữa quân đội hai bên trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ J. Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 11-2023).
Về tập hợp lực lượng
Mỹ tiếp tục củng cố mạng lưới đồng minh, đối tác trên toàn cầu. Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ thúc đẩy các liên minh song phương với các đồng minh và đối tác thân thiết, coi đây là cốt lõi cho cấu trúc an ninh “trục và nan hoa +” của Mỹ ở khu vực, cụ thể: 1- Với Philippines, Mỹ mở rộng Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA), nâng tổng số căn cứ quân sự ở Philippines có sự hiện diện của quân đội Mỹ từ 5 lên 9 căn cứ. Hai nước cũng nối lại hợp tác quốc phòng 2+2 sau 7 năm gián đoạn(4); 2- Với Nhật Bản, Mỹ tăng cường hợp tác an ninh, mở rộng hiệp ước phòng thủ chung sang lĩnh vực không gian và nghiên cứu kế hoạch phát triển tên lửa vượt âm(5). Bên cạnh đó, Mỹ cũng lôi kéo các đồng minh (Anh, Australia) can dự vào khu vực và mở thêm kênh hợp tác nhóm tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này thể hiện ở những phát triển mới trong các cơ chế hợp tác tiểu đa phương của Mỹ ở khu vực, đặc biệt là Thỏa thuận hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, Nhóm Bộ Tứ (QUAD), Thỏa thuận hợp tác ba bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) và trong lĩnh vực công nghệ (sáng kiến Chip 4).
Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng và tập hợp lực lượng thông qua việc đẩy mạnh bộ ba sáng kiến toàn cầu: Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI) nhằm thúc đẩy các giá trị, quy tắc của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tích cực phát huy vai trò là “tiếng nói đi đầu” trong hợp tác Nam - Nam thông qua thúc đẩy vai trò và sự mở rộng của các cơ chế, diễn đàn do Trung Quốc dẫn dắt, như Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20), Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI). Ở khu vực, Trung Quốc chủ trương coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, thúc đẩy khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”. Đến nay, Trung Quốc đã xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh” bằng các hình thức khác nhau với 10 nước gồm: Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Pakistan, Mông Cổ, Cuba, Nam Phi; xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường ảnh hưởng ở các nước đang phát triển thông qua các khoản vay và viện trợ về kinh tế, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng.
Đối với các điểm nóng
Vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung Quốc duy trì thường xuyên các cuộc tập trận, tăng áp lực quân sự đặc biệt lớn đối với Đài Loan (Trung Quốc) từ sau chuyến thăm vùng lãnh thổ này của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (tháng 8-2022).
Về phía Mỹ, nước này tiếp tục các hoạt động không chính thức và hỗ trợ khả năng tự vệ cho Đài Loan (Trung Quốc) theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Ngày 30-8-2023, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo về gói viện trợ quân sự đầu tiên của Mỹ dành cho Đài Loan (Trung Quốc) theo Chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF), trị giá 80 triệu USD(6). Trên thực địa, Mỹ cũng triển khai sự hiện diện tại eo biển Đài Loan theo hướng chiến lược, coi Đài Loan (Trung Quốc) là một trong các điểm thúc đẩy răn đe Trung Quốc.
Cục diện Biển Đông trong năm 2023 có những chuyển biến đáng chú ý. Mặc dù về cơ bản, tình hình Biển Đông “vẫn ổn định” song tính ổn định đang ngày càng mong manh. Một số mâu thuẫn giữa các nước xung quanh việc tranh chấp trên Biển Đông; chính sách của các bên có yêu sách ở Biển Đông, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc,… được cho là những nhân tố tạo ra sự bất ổn trên Biển Đông, trong đó cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc là yếu tố nổi trội.
Trung Quốc một mặt tiếp tục đẩy mạnh thực thi yêu sách trên Biển Đông; mặt khác, đẩy mạnh ngoại giao con thoi đến các nước Đông Nam Á và thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm tránh tạo cớ để Mỹ và các nước phương Tây can dự, dùng vấn đề Biển Đông kiềm chế, bao vây Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thống nhất hoàn tất COC vào năm 2026(7).
Về phần mình, Mỹ tuyên bố phản đối những hành động xâm phạm của Trung Quốc trên Biển Đông và xây dựng “tính chính đáng” cho sự can dự của Mỹ. Mỹ duy trì sự hiện diện, hỗ trợ các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực hàng hải và xây dựng các cơ chế hợp tác an ninh tiểu đa phương với một số nước xung quanh khu vực Biển Đông. Năm 2023, Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) công khai(8) và tiến hành các cuộc tập trận chung với Philippines (Balikatan, tháng 7-2023; Samasama, tháng 10-2023), với Nhật Bản và Philippines (“Triển khai Thái Bình Dương” - IDP, tháng 9-2023). Mỹ cũng bổ sung khả năng tiếp cận bốn căn cứ quân sự tại Philippines, giúp Mỹ gia tăng kiểm soát trên Biển Đông. Ngoài ra, Mỹ tận dụng tối đa “sự tham gia đóng góp” của các đồng minh thay vì dồn toàn lực vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc, thể hiện qua việc Mỹ kêu gọi các nước đồng minh tăng cường quan hệ với Philippines, tạo dựng liên kết tiểu đa phương với Philippines làm trung tâm (như liên kết ba bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines hay liên kết Mỹ - Australia - Philippines)(9).
Về quan hệ kinh tế - thương mại
Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy những nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán kinh tế nhưng bế tắc về kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, năm 2023, còn chứng kiến việc hai nước giảm phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực này.
Từ đầu năm 2023 đến nay, quan chức thương mại hai nước nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc để trao đổi về các vấn đề thương mại song phương. Trong các cuộc gặp, nhìn chung, cả Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định quan hệ kinh tế - thương mại là nền tảng cho quan hệ hợp tác Mỹ - Trung Quốc. Hai bên nhất trí thiết lập Nhóm công tác về các vấn đề thương mại mới, họp hai lần/năm ở cấp thứ trưởng (bắt đầu từ năm 2024) và cam kết bộ trưởng thương mại của hai nước sẽ gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần, tiến hành trao đổi thông tin về kiểm soát xuất khẩu và tham vấn kỹ thuật chuyên gia để tăng cường bảo vệ bí mật thương mại và thông tin kinh doanh trong thủ tục cấp phép. Hai nước cũng có động thái thể hiện thiện chí thúc đẩy kinh tế - thương mại song phương khi Mỹ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối với 27 doanh nghiệp Trung Quốc vào ngày 21-8-2023, còn Trung Quốc ký các thỏa thuận mua số lượng lớn nông sản Mỹ vào tháng 10-2023, đồng thời tuyên bố thu thập thông tin để giải quyết đối xử bất bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài ở thị trường Trung Quốc(10).
Dù vậy, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách cạnh tranh thương mại và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bảo đảm tự chủ về nguồn cung. Về phía Mỹ, ngày 11-1-2023, Hạ viện Mỹ thông qua thành lập Ủy ban Cạnh tranh với Trung Quốc. Năm 2023, Mỹ nhiều lần bổ sung các doanh nghiệp Trung Quốc vào Danh sách các thực thể bị áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ. Đến nay, Mỹ đã bổ sung hơn 1.300 thực thể và cá nhân Trung Quốc vào các danh sách trừng phạt khác nhau và danh sách này có thể sẽ còn tăng thêm(11).
Trung Quốc cũng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Đồng thời, đáp trả các “đòn trừng phạt về kinh tế - thương mại” của Mỹ, như thông qua Luật Chống gián điệp mở rộng khiến một số doanh nghiệp Mỹ (đặc biệt là các doanh nghiệp thu nhập, lưu giữ nhiều dữ liệu khách hàng) bị tổn hại.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trao đổi thương mại Mỹ - Trung Quốc năm 2023 giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022, còn 495,9 tỷ USD. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 16,4% so với cùng kỳ, còn 372,2 tỷ USD. Hàng hóa từ Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm 6%, còn 123,7 tỷ USD (12). Với giá trị trao đổi thương mại như trên, Trung Quốc chỉ còn là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ ba cho Mỹ (sau Mexico và Canada).
Về lĩnh vực khoa học - công nghệ
Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc năm 2023 diễn ra đặc biệt gay gắt. Chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden tiếp tục đẩy mạnh các nhóm biện pháp nhằm giữ ưu thế về công nghệ. Ngày 9-8-2023, Tổng thống Mỹ J. Biden ký Sắc lệnh ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ có thể giúp phát triển các công nghệ hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Trong chuyến thăm đến Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc, tháng 8-2023), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã từ chối yêu cầu giảm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ dành cho Trung Quốc và gọi đây là “vấn đề an ninh quốc gia”. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn của Mỹ giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2022, nhiều doanh nghiệp Mỹ quay trở lại trong nước hoặc tính lại các khoản đầu tư vào Trung Quốc(13). Đồng thời, Mỹ vận động các nước sản xuất chip lớn như Nhật Bản và Hà Lan có động thái tương tự. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ sử dụng các chính sách khuyến khích về thuế để giải phóng các doanh nghiệp Mỹ khỏi chuỗi cung ứng Trung Quốc và tăng cường sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.
Để đáp trả, Trung Quốc một mặt kêu gọi Mỹ gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu càng sớm càng tốt, tôn trọng nền kinh tế thị trường, nguyên tắc cạnh tranh công bằng, không cản trở kinh tế, thương mại toàn cầu; mặt khác, áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu đối với kim loại và khoáng sản hiếm trong sản xuất máy tính và pin, như gallium và germanium và đối với một số sản phẩm than chì vì lý do an ninh. Mặc dù Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh các quy định này không nhắm vào nước nào, nhưng Mỹ là nước nhập khẩu than chì hàng đầu từ Trung Quốc, 53% gallium của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Lệnh hạn chế của Trung Quốc tác động đến một số ngành công nghệ cao của Mỹ, nhất là sản xuất các con chip hiệu suất cao. Động thái đáp trả này còn tiềm tàng mầm mống cho việc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc lan sang lĩnh vực đất hiếm và khoáng sản quan trọng. Bên cạnh đó, Trung Quốc áp dụng biện pháp “đường vòng” để sở hữu các công nghệ của Mỹ. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vẫn mua số lượng chip trị giá khoảng 3,1 tỷ USD do Mỹ sản xuất thông qua các nước thứ ba. Trung Quốc nhập khẩu thiết bị sản xuất bán dẫn trị giá 3,2 tỷ USD từ Hà Lan trong 8 tháng đầu năm 2023, tăng 96,1%(14).
Về lĩnh vực chống biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh suy giảm lòng tin chính trị và cạnh tranh địa - chính trị ngày càng tăng, hợp tác Mỹ - Trung Quốc trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu là điểm sáng trong quan hệ song phương. Năm 2023, Mỹ và Trung Quốc đồng ý tăng cường hợp tác thực hiện hành động vì khí hậu toàn cầu. Ngày 14-11-2023, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chung 25 điểm thỏa thuận cùng giải quyết khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Bước tiến trong cải thiện đối thoại Mỹ - Trung Quốc về biến đổi khí hậu cho thấy, hai nước đã tìm thấy điểm chung để thúc đẩy hợp tác sau khi các cuộc đàm phán Mỹ - Trung Quốc về biến đổi khí hậu bị đình chỉ vào tháng 8-2022 sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ N. Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc).
Dự báo quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2024
Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ J. Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15-11-2023 cho thấy hai bên đều có nhu cầu kiểm soát cạnh tranh, giảm rủi ro trong quan hệ song phương xuống mức dễ quản lý hơn để tập trung vào các mối quan tâm khác nhau, cũng như ứng phó với những thách thức trong nước.
Đối với Mỹ, năm 2024, Mỹ sẽ bước vào chu kỳ vận động tranh cử tổng thống mới. Mỹ có nhu cầu kiểm soát quan hệ với Trung Quốc, ổn định tăng trưởng trong nước, bởi trên thực tế, kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như gánh nặng nợ công ngày càng cao, khả năng quản trị bộc lộ một số yếu kém, thâm hụt ngân sách tăng (6,3% năm 2023 so với 3,7% năm 2022) (15) và tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng trở lại(16). Tổng thống Mỹ J. Biden cũng phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp nhất so với bất kỳ tổng thống Mỹ nào kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai trong khi đang bước vào năm bầu cử 2024(17).
Đối với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm còn 4,6% vào năm 2024(18), thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu, nhu cầu bên ngoài và đầu tư nước ngoài giảm. Trung Quốc cũng cần giải quyết những vấn đề trong nước và cần thời gian phục hồi sụt giảm kinh tế, nên chính sách chung với Mỹ không thay đổi.
Theo giới chuyên gia, một số nhân tố chính tác động tới quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong thời gian tới: Một là, vấn đề mô hình phát triển vẫn là nhân tố căn bản trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Điều này cũng dẫn đến một số nhận định của các học giả cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung Quốc có những dấu hiệu đối đầu theo lối tư duy Chiến tranh lạnh hay còn gọi là “Chiến tranh lạnh 2.0” trên mặt trận hệ giá trị tư tưởng giữa hai nước. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc được coi là giữa một cường quốc đang lên với một cường quốc tại vị trong việc “duy trì vị trí số 1” của Mỹ.
Hai là, vấn đề dân chủ, nhân quyền. Mỹ sẽ tiếp tục can dự vào các vấn đề dân chủ, nhân quyền để bảo vệ các giá trị của Mỹ và phương Tây. Vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng của Trung Quốc vẫn là “mảnh đất màu mỡ” để Mỹ gia tăng can dự vào khu vực này thông qua các cáo buộc “cưỡng ép lao động”, “đàn áp tôn giáo”…
Ba là, vấn đề Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Vụ va chạm tàu giữa Trung Quốc và Philippines tháng 12-2023 vừa qua cũng được coi là thử thách giới hạn của Mỹ trong bảo vệ các đồng minh. Mỹ và các nước đồng minh sẽ tiếp tục can dự tích cực ở Biển Đông thông qua các cơ chế QUAD, AUKUS; đồng thời đa dạng hóa các công cụ mà nước này sử dụng tại Biển Đông (như, không chỉ hợp tác hải quân, mà còn thúc đẩy hợp tác cảnh sát biển; không chỉ hiện diện “cứng”, mà còn hiện diện “mềm” qua hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực…). Tuy nhiên, với tình hình phải dàn trải nguồn lực trên toàn cầu hiện nay, các hoạt động của Mỹ sẽ được tính toán kỹ lưỡng, tập trung và có trọng điểm hơn. Đồng thời, Mỹ sẽ tính toán phạm vi hoạt động để tránh va chạm trực tiếp với Trung Quốc. Vì vậy, tình hình Biển Đông trong năm 2024 khó “giảm nhiệt”, song chưa đến mức xảy ra xung đột.
Bốn là, vấn đề kinh tế - thương mại và khoa học - công nghệ. Chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden khó có khả năng đưa ra thay đổi lớn về chính sách thuế quan hiện có do nhạy cảm chính trị. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, năm 2024, Mỹ sẽ tập trung thúc đẩy: 1- Cải thiện liên lạc giữa hai nước; 2- Thúc đẩy Trung Quốc minh bạch hơn; 3- Tăng cường hợp tác pháp lý và giải quyết các vấn đề “khó” giữa hai nước như tài trợ khủng bố và dòng chảy ma túy, fentanyl. Nhiều khả năng, Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực đối với Trung Quốc về những cáo buộc bản quyền trí tuệ và tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh, đối tác thân thiết trong triển khai chính sách hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi Mỹ giảm bớt áp lực về kinh tế đối với Trung Quốc khi các chính sách hạn chế xuất khẩu các công nghệ tiên tiến và các biện pháp kiểm soát đầu tư ra nước ngoài của Mỹ đang làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của Trung Quốc. Cạnh tranh công nghệ sẽ tiếp tục là một trong những mặt trận cạnh tranh căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc thời gian tới và tiềm ẩn nguy cơ lan ra các lĩnh vực khác (cạnh tranh khoáng sản, đất hiếm, thông tin…).
Một số kịch bản được đưa ra: Kịch bản thứ nhất là hòa dịu, kiểm soát. Trước bối cảnh thế giới nhiều biến động, xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas vẫn diễn biến phức tạp, Mỹ vẫn cần Trung Quốc trong vấn đề trung gian hòa giải do Trung Quốc có quan hệ gần gũi với Nga. Bên cạnh đó, về mặt chiến lược, việc đồng thời dàn trải lực lượng trên các mặt trận không phải là lựa chọn tối ưu nếu Mỹ mất kiểm soát trong quan hệ với Trung Quốc.
Kịch bản thứ hai là cạnh tranh gia tăng. Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc sẽ gia tăng nhanh chóng khi xảy ra cọ xát trong các vấn đề mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. Kết quả bầu cử Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2024 cũng sẽ được coi là chỉ dấu tiềm ẩn mức độ gia tăng căng thẳng hoặc hòa dịu trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2024 và các năm tiếp theo. Kịch bản ông D. Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ là không loại trừ; quan hệ Mỹ - Trung Quốc có thể nổi lên một số sóng gió, tuy nhiên vẫn có khả năng chính quyền kế nhiệm tiếp theo của Mỹ sẽ thỏa thuận với Trung Quốc trong một số vấn đề một khi lợi ích được đáp ứng.
Do vậy, về căn bản, định vị Trung Quốc là đối thủ hàng đầu vẫn là nhận thức chung của chính quyền Mỹ, nên mức độ căng thẳng hay hòa dịu trong quan hệ với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài của Mỹ. Tiếp nối xu hướng cải thiện và kiểm soát cạnh tranh của năm 2023, năm 2024, Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn duy trì kiểm soát quan hệ, tránh xung đột trực diện. Bên cạnh đó, cả Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường thúc đẩy hợp tác có chọn lọc trong một số lĩnh vực có chung lợi ích, như biến đổi khí hậu, chống ma túy và các loại tội phạm xuyên biên giới./.
-------------------
(1), (16), (17), (18) Matthew Cranston, Michael Smith: “The real reason Xi met Biden” (Tạm dịch: Lý do thật sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden), Financial Review, ngày 17-11-2023, https://www.afr.com/world/north-america/the-real-reason-xi-met-biden-20231116-p5ekev
(2) Christian Nunley: “Why Youth Unemployment Is Surging in China” (Tạm dịch: Tại sao thất nghiệp trẻ tuổi lại tăng ở Trung Quốc), CNBC, ngày 3-9-2023, https://www.cnbc.com/2023/09/03/chinas-urban-youth-unemployment-crisis.html
(3) Michael Martina, Idrees Ali, Idrees Ali: “US to Attend Beijing Defense Forum in Latest Sign of Improving Ties” (Tạm dịch: Mỹ tham dự Diễn đàn quốc phòng Bắc Kinh là dấu hiệu mới nhất của việc cải thiện quan hệ), Reuters, ngày 12-10-2023, https://www.reuters.com/world/us-attend-beijing-defense-forum-latest-sign-improving-ties-2023-10-12/
(4) “U.S. - Philippines 2+2 Ministerial Dialogue Announcement” (Tạm dịch: Tuyên bố Đối thoại cấp Bộ trưởng 2+2 Mỹ - Philippines), United States Department of State, ngày 5-4-2023, https://www.state.gov/u-s-philippines-22-ministerial-dialogue-announcement/
(5) “Joint Statement of the 2023 U.S. - Japan Security Consultative Committee (‘2+2’)” (Tạm dịch: Tuyên bố chung về Ủy ban Tham vấn an ninh Mỹ - Nhật Bản 2023), US Department of Defense, ngày 11-1-2023, https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3265559/joint-statement-of-the-2023-usjapan-security-consultative-committee-22/https%3A %2F%2Fwww.defense.gov%2FNews%2FReleases%2FRelease%2FArticle%2F3265559%2Fjoint-statement-of-the-2023-usjapan-security-consultative-committee-22%2F
(6) “US Approves First Arms Sale for Taiwan Under Program for Nations” (Tạm dịch: Mỹ thông qua gói bán vũ khí đầu tiên cho Đài Loan (Trung Quốc) theo Chương trình cho các nước), Bloomberg, ngày 30-8-2023, https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-08-30/us-approves-first-arms-sale-for-taiwan-under-program-for-nations
(7), (9) Hoàng Hải: “Cục diện Biển Đông năm 2023 và dự báo trong năm 2024”, Nghiên cứu chiến lược, ngày 30-11-2023, https://nghiencuuchienluoc.org/cuc-dien-bien-dong-nam-2023-va-du-bao-trong-nam-2024/
(8) “Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China” (Tạm dịch: Những tiến triển an ninh và quân sự liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), US Department of Defense, ngày 19-10-2023, https://media.defense.gov/2023/Oct/19/2003323409/-1/-1/1/2023-MILITARY-AND-SECURITY-DEVELOPMENTS-INVOLVING-THE-PEOPLES-REPUBLIC-OF-CHINA.PDF
(10) Evelyn Cheng: “U.S. - China Relations Are Now More about Crisis Prevention” (Tạm dịch: Quan hệ Mỹ - Trung Quốc ngày nay nghiêng về chống khủng hoảng), CNBC, ngày 14-11-2023, https://www.cnbc.com/2023/11/14/ us-china-relations-are-now-more-about-crisis-prevention.html
(11) Orçun Göktürk: “The Xi - Biden meeting and the prospects for US-China relations” (Tạm dịch: Cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden và triển vọng quan hệ Mỹ - Trung Quốc), United World International, ngày 27-11-2023, https://unitedworldint.com/32473-the-xi-biden-meeting-and-the-prospects-for-us-china-relations/
(12) Công Anh: “Thương mại Nga - Trung tăng vọt lên 176,4 tỷ USD”, Báo điện tử VTC News, ngày 13-10-2023, https://vtc.vn/thuong-mai-nga-trung-tang-vot-len-176-4-ty-usd-ar826808.html
(13) Rishi Iyengar: “What America’s Top China Commission Is Worried About” (Tạm dịch: Ủy ban hàng đầu về Trung Quốc của Mỹ lo ngại điều gì), Foreign Policy, ngày 14-11-2023, https://foreignpolicy.com/2023/11/14/biden-xi-meeting-apec-uscc-china-report/
(14) Alexandra Alper: “China Receives US Equipment to Make Advanced Chips despite New Rules - Report” (Tạm dịch: Trung Quốc nhận thiết bị của Mỹ để chế tạo chip tiến bộ bất chấp các luật mới - Báo cáo), Reuters, ngày 14-11-2023, https://www.reuters.com/technology/china-receives-us-equipment-make-advanced-chips-despite-new-rules-report-2023-11-14/
(15) “Fitch downgrades the United States’ long - term ratings to AA+ from AAA; Outlook stable” (Tạm dịch: Fitch hạ xếp hạng dài hạn của Mỹ từ AAA xuống AA+; Triển vọng ổn định), Fitch Ratings, ngày 8-1-2023, https://www.fitchratings.com/research/sovereigns/fitch-downgrades-united-states-long-term-ratings-to-aa-from-aaa-outlook-stable-01-08-2023
Những bước tiến trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc  (10/03/2024)
Nhật Bản nỗ lực khẳng định vị thế tại Đông Nam Á  (15/01/2024)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 30  (18/11/2023)
Dấu ấn Việt Nam trong ASEAN: Đồng hành, lớn mạnh cùng năm tháng  (23/10/2023)
Một số tác động của cuộc xung đột Nga - U-crai-na tới cục diện thế giới  (27/09/2023)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên