Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 30
TCCS - Ngày 17-11-2023 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco (Hoa Kỳ), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao và trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Với chủ đề “Kết nối và xây dựng các nền kinh tế bao trùm và tự cường”, hội nghị đã đánh giá chặng đường hợp tác 30 năm qua của APEC kể từ tuần lễ cấp cao đầu tiên tại đảo Blake, Hoa Kỳ (1993 - 2023); đồng thời thảo luận những định hướng hợp tác trong giai đoạn mới. Các nhà lãnh đạo cũng chia sẻ đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, những thách thức và cơ hội đang đặt ra với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hội nghị đánh giá cao những đóng góp quan trọng của APEC trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu những thập kỷ qua; khẳng định APEC cần tiếp tục là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế trong một thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro. APEC cần phát huy những thành tựu và bài học của ba thập kỷ qua, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hoà bình, vì thịnh vượng của người dân và thế hệ tương lai.
Về hợp tác thương mại, đầu tư và kết nối, các nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch, bao trùm, duy trì các thị trường mở và giải quyết các đứt gãy của chuỗi cung ứng. APEC tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái số không phân biệt đối xử cho doanh nghiệp và người tiêu dùng; thống nhất đẩy nhanh triển khai lộ trình kinh tế internet/kinh tế số APEC, nhất là trong các lĩnh vực bảo mật dữ liệu, điện toán đám mây, mạng viễn thông, thương mại điện tử và thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo.
Với quyết tâm đẩy mạnh chương trình nghị sự về phát triển bền vững và bao trùm, hội nghị nhất trí cắt giảm và tiến tới loại bỏ hoàn toàn trợ cấp nhiên liệu hoá thạch, đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng sạch nhằm thực hiện mục tiêu toàn cầu về cắt giảm khí thải nhà kính về 0. Hội nghị đã thông qua các nguyên tắc lớn về chuyển đổi năng lượng công bằng và an ninh lương thực trong hợp tác APEC, khuôn khổ và kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro thiên tai; nhất trí đẩy nhanh thực hiện mô hình kinh tế sinh học - xanh tuần hoàn; lồng ghép các nội dung bền vững và bao trùm vào hoạt động của APEC.
Các nhà lãnh đạo nhất trí cần nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền cho phụ nữ, người thiểu số, các cộng đồng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, APEC là diễn đàn hợp tác và liên kết hàng đầu khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Từ thành công của APEC có thể rút ra 3 bài học cho tương lai: Một là, sự cởi mở và thiện chí của tất cả các bên để thấu hiểu và vượt qua khác biệt, tìm tiếng nói chung và thúc đẩy các lợi ích chung; hai là, tầm nhìn và tư duy chiến lược của các thế hệ lãnh đạo đã định vị đúng vai trò của châu Á - Thái Bình Dương và APEC; ba là, sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Về phương hướng hoạt động của APEC, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Thứ nhất, duy trì và củng cố thành tựu quan trọng về tự do hóa và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu. Thứ hai, tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng. APEC cần chú trọng nâng cao năng lực, khả năng tự chủ, sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ, đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, các mô hình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thứ ba, hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức. Chủ tịch nước cũng nêu rõ, hơn lúc nào hết, các thành viên APEC cần cởi mở, chân thành, đối thoại có tính xây dựng để gia tăng hiểu biết, thu hẹp khác biệt và tạo đồng thuận.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, sau đúng 25 năm gia nhập APEC, với mong muốn tiếp tục đóng góp cho tiến trình APEC, Việt Nam đề xuất đăng cai các hoạt động của Năm APEC 2027. Các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của Việt Nam và nhất trí đưa vào Tuyên bố chung của hội nghị.
Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 30 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua Tuyên bố Cổng vàng “Tạo dựng một tương lai bền vững và tự cường cho mọi người dân”, khẳng định vai trò lãnh đạo của APEC cũng như vị thế là một diễn đàn hàng đầu của hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ gặp nhau tại Tuần lễ cấp cao APEC năm 2024 tại Peru và năm 2025 tại Hàn Quốc.
* Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 30, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp với Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra và Thủ tướng Australia Anthony Albanese./.
Trung Duy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Kiên trì đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn  (14/11/2023)
Lãnh đạo Đảng, Chính phủ tiếp Đại tướng Tea Seiha, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia  (14/11/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại tỉnh Phú Yên  (12/11/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên