Thăng trầm trong quan hệ Nhật Bản - Nga những năm gần đây
TCCS - Lịch sử quan hệ Nhật Bản - Nga bị chi phối bởi nhiều yếu tố phức tạp, trong đó chiếm vị trí trung tâm là những căng thẳng kéo dài liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Với quan điểm tiếp cận mới của chính quyền Nhật Bản dưới thời kỳ Thủ tướng Shinzo Abe, quan hệ Nhật Bản - Nga đã có những tiến triển tích cực. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine và những thay đổi sâu sắc trong cục diện khu vực và thế giới thời gian gần đây khiến lập trường của Nhật Bản đối với Nga có nhiều thay đổi.
Quan hệ Nhật Bản - Nga dưới thời kỳ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Trở ngại lớn nhất trong quan hệ Nhật Bản - Nga là vấn đề tranh chấp bốn đảo, bao gồm Etorufu, Kunashiri, Shikotan và Habomai, được Nhật Bản gọi là “lãnh thổ phương Bắc” và Nga gọi là “quần đảo Nam Kuril”. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, theo Hiệp định Yalta, các cường quốc thắng trận, gồm Liên Xô (trước đây), Mỹ và Anh thống nhất trao quần đảo Kuril cho Liên Xô. Tuy nhiên, Nhật Bản không chấp nhận và không công nhận giá trị pháp lý của thỏa thuận này. Năm 1956, hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao thông qua ký kết Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama Yukio, tuy nhiên vẫn chưa ký kết Hiệp ước hòa bình và chưa tìm được giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Nhật Bản S. Abe chứng kiến cách tiếp cận mới của Nhật Bản đối với Nga, theo đó nhiều giải pháp đã được Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy. Trọng tâm trong nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản S. Abe là giải quyết tranh chấp lãnh thổ lâu đời và thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình bằng cách sử dụng các động lực kinh tế. Chính sách này được phát triển dựa trên lợi ích của Nhật Bản trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, đồng thời cũng có nhiều điểm song trùng với những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy nỗ lực tiếp cận và giải quyết vấn đề lịch sử trong quan hệ với Nga của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản S. Abe chính là những cân nhắc, tính toán của Nhật Bản đến vấn đề cân bằng địa - chính trị chiến lược trong khu vực. Sự trỗi dậy và ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại khu vực, tính phức tạp của vấn đề tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, lợi ích ngày càng chặt chẽ và mối quan hệ có xu hướng ngày càng bền chặt giữa Nga và Trung Quốc đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào của Nga, nhất là dầu mỏ, cũng là một mục tiêu chiến lược trong bối cảnh Nhật Bản gặp nhiều khó khăn về vấn đề tự chủ năng lượng sau thảm họa hạt nhân Fukushima.
Về phía Nga, ưu tiên của Nga là phát triển quan hệ với Nhật Bản để tìm kiếm những lợi ích về kinh tế và an ninh. Nga cần Nhật Bản như một thị trường quan trọng về các nguồn đầu tư và công nghệ, cũng như là một đối tác tiềm năng để phát triển vùng Bắc Cực. Bên cạnh đó, về khía cạnh địa - chính trị, thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản có thể giúp Nga cân bằng cán cân quyền lực tại khu vực, nhất là trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng lớn tới lợi ích của tất cả các bên và đối với Nga là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông cùng hoạt động ngày càng tích cực của Trung Quốc ở khu vực Trung Á, nhất là Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI). Tìm kiếm cải thiện quan hệ và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với những đối tác lớn, như Ấn Độ, Nhật Bản là một lựa chọn có ý nghĩa chiến lược về an ninh đối với Nga. Có thể nói, ưu tiên mới của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản S. Abe trong cải thiện quan hệ với Nga được bổ sung và có nhiều nét song trùng với chính sách “hướng Đông” của Tổng thống Nga Vladimir Putin, với mục tiêu tập trung vào phát triển vùng Viễn Đông của Nga thông qua tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Bắc Á.
Dưới thời kỳ Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, về cơ bản, Nhật Bản đã thay đổi lập trường vốn trước nay kiên định, rằng “không tách rời vấn đề kinh tế và chính trị”, nghĩa là giải quyết vấn đề lãnh thổ là mấu chốt trong phát triển toàn diện quan hệ Nhật Bản - Nga. Thay vào đó, Nhật Bản sử dụng chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế song song với đàm phán về lãnh thổ, đặt mục tiêu thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa hai nước, nuôi dưỡng lòng tin và coi các khoản đầu tư là đòn bẩy chính trị để làm dịu quan điểm của Nga trong vấn đề lãnh thổ.
Về kinh tế, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã công bố kế hoạch 8 điểm nhằm cải thiện can dự kinh tế của Nhật Bản đối với Nga, tập trung vào các lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, kết cấu hạ tầng đô thị cho các thành phố thông minh, năng lượng, đa dạng hóa công nghiệp và nâng cao năng suất, phát triển các cơ sở công nghiệp ở vùng Viễn Đông, hợp tác về công nghệ tiên tiến và giao lưu nhân dân.
Về chính trị, cân nhắc lợi ích về an ninh và địa - chính trị đã làm nền tảng cho nỗ lực tiếp cận của Nhật Bản đối với Nga, được thể hiện qua việc hai bên thiết lập Đối thoại quốc phòng và chính sách đối ngoại 2+2 vào năm 2013. Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2016 đã nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ với Nga đóng góp cho lợi ích của Nhật Bản cũng như đối với hòa bình và thịnh vượng khu vực. Thủ tướng Nhật Bản S. Abe tham dự Diễn đàn kinh tế phương Đông thường niên do Nga tổ chức hằng năm từ năm 2016 đến năm 2019, đồng thời với những nỗ lực xây dựng quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga V. Putin. Trong 8 năm cầm quyền, hai nhà lãnh đạo đã có 27 cuộc gặp thượng đỉnh. Sự chuyển hướng này đã tác động tích cực thúc đẩy quan hệ Nhật Bản - Nga trở nên nồng ấm hơn. Cuộc khủng hoảng Crime năm 2014 có tác động nhất định tới tiến triển trong quan hệ Nhật Bản - Nga, tuy nhiên Nhật Bản vẫn nỗ lực duy trì chính sách ngoại giao khá mềm mỏng với Nga. Nhật Bản cùng các nước thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) triển khai các biện pháp trừng phạt Nga, song lệnh trừng phạt của Nhật Bản không nhắm vào đầu tư, công nghệ, du lịch và quan trọng hơn là lĩnh vực năng lượng của Nga. Kể từ năm 2016, Nhật Bản đẩy mạnh việc tiếp cận với Nga và nỗ lực thu hẹp những khác biệt giữa Nga và phương Tây trên cương vị Chủ tịch G-7. Tháng 5-2016, một bước đột phá quan trọng đã đạt được giữa hai nước trong bối cảnh Nga vẫn bị các nước G-7 cô lập, đó là Nga và Nhật Bản tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Sochi (Nga) và Thủ tướng Nhật Bản S. Abe khi đó đã công bố “cách tiếp cận mới” đối với quan hệ hai nước, trong đó đề cập đến cách tiếp cận linh hoạt đối với vấn đề đàm phán tranh chấp lãnh thổ, ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế. Hai bên chia sẻ quan điểm cần tích cực tiến hành các cuộc đàm phán hướng tới xây dựng các giải pháp mà hai bên chấp nhận được, thông qua cách tiếp cận mới, không phụ thuộc vào lối suy nghĩ truyền thống nhằm khai thông bế tắc và tạo bước đột phá. Tháng 12-2016, tại Hội nghị thượng đỉnh Yamaguchi, hai bên nhất trí bắt đầu đàm phán về các dự án kinh tế chung trên bốn hòn đảo tranh chấp. Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức ở Singapore vào tháng 11-2018, hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật Bản nhất trí đẩy nhanh đàm phán Hiệp ước hòa bình Nga - Nhật Bản dựa trên Tuyên bố chung Nhật Bản - Liên Xô năm 1956.
Những thay đổi trong cách tiếp cận của Nhật Bản đối với Nga thời gian gần đây
Mặc dù quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể nhưng vấn đề tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa đạt được tiến triển khả quan dù trải qua không ít vòng đàm phán. Yếu tố chính là lập trường ngày càng cứng rắn của Nga, nhất là sau khi Nga thông qua bản sửa đổi Hiến pháp, có hiệu lực vào năm 2020. Bản sửa đổi này quy định, nghiêm cấm các hành động nhằm từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào của Nga ngoại trừ các trường hợp phân định, phân giới hoặc tái phân giới. Nga cho rằng, đối tượng đàm phán vấn đề Hiệp ước hòa bình Nga - Nhật Bản trên thực tế đã không còn tồn tại do Nhật Bản không sẵn sàng đàm phán khi chưa làm rõ quyền sở hữu đối với quần đảo Nam Kuril, trong khi đó Nga không có quyền nhượng lại lãnh thổ sau khi thông qua bản Hiến pháp sửa đổi.
Quan hệ Nhật Bản - Nga chững lại sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát và việc Thủ tướng Nhật Bản S. Abe từ chức vào năm 2020. Trong gần hai năm cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (2020 - 2021), chính sách đối ngoại của Nhật Bản về cơ bản vẫn duy trì như dưới thời kỳ chính quyền tiền nhiệm nhưng không giữ được đà mạnh mẽ như giai đoạn trước trong quan hệ với Nga. Ngoài ra, sự thay đổi chính quyền ở Mỹ với việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ cũng đã có những tác động đến cách tiếp cận của Nhật Bản đối với Nga. Việc chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden chú trọng đến ngoại giao liên minh, thúc đẩy liên minh Mỹ - Nhật Bản và việc Mỹ theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với chính quyền Tổng thống Nga V. Putin đã thu hẹp không gian của Nhật Bản trong triển khai các biện pháp cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn nỗ lực thúc đẩy ký kết hiệp ước hòa bình và hợp tác thiết thực. Tháng 10-2021, sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga V. Putin, bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ Nhật Bản - Nga một cách toàn diện theo hướng cùng có lợi. Tổng thống Nga V. Putin cũng bày tỏ sẵn sàng triển khai hợp tác mang tính xây dựng với Nhật Bản trong các vấn đề song phương và các vấn đề quốc tế.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay thực sự đánh dấu kết thúc một thập niên Nga và Nhật Bản tìm kiếm và nỗ lực triển khai cách tiếp cận tích cực trong quan hệ song phương. Không giống cuộc khủng hoảng Crime năm 2014, Nhật Bản có quan điểm và phản ứng rất cứng rắn đối với hành động của Nga tại Ukraine, theo sát các bước đi tổng thể của G-7, nhanh chóng đưa ra những biện pháp trừng phạt, thậm chí đóng vai trò tiên phong trong các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với việc trừng phạt Nga. Danh sách các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản, bao gồm: ngăn chặn nguồn tài chính cho Nga từ các tổ chức đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đóng băng tài sản của 9 ngân hàng Nga và hơn 100 công dân Nga có liên quan đến Chính phủ Nga, bao gồm cả Tổng thống Nga V. Putin. Nhật Bản còn cùng G-7 cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế toàn cầu thông qua việc loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Thêm vào đó, Nhật Bản chính thức hủy bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga và cấm các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mới vào Nga, áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn và thiết bị lọc dầu đối với các thực thể có liên quan đến lực lượng quân đội Nga. Nhật Bản cũng cam kết giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, bao gồm việc loại bỏ dần và cấm nhập khẩu than của Nga. Ngoài việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, Nhật Bản cũng có những hành động cụ thể thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, như gửi thiết bị quân sự, viện trợ nhân đạo khẩn cấp và hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Xung đột Nga - Ukraine cũng thúc đẩy Nhật Bản can dự chặt chẽ hơn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tháng 4-2022, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã tham dự cuộc họp của NATO và lần đầu tiên trong lịch sử 73 năm của NATO, Thủ tướng Nhật Bản K. Fumio tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, được tổ chức tại Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 6-2022 với tư cách là đối tác châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức này. Tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản đã đề xuất cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản có đại diện thường trực tại trụ sở NATO, tiến hành trao đổi quan sát viên trong các cuộc tập trận của NATO, cho rằng an ninh của châu Âu không thể tách rời khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và những nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở bất kỳ khu vực nào cũng cần được ngăn chặn thông qua các nỗ lực chung.
Có thể thấy, hành động quân sự của Nga ở Ukraine đã tác động trực tiếp, thay đổi gần như hoàn toàn cách tiếp cận của Chính phủ Nhật Bản trong quan hệ song phương với Nga và như một hệ quả tất yếu, với việc hai bên quay lại lập trường cứng rắn đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Để đáp trả các lệnh trừng phạt của Nhật Bản, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại các đảo tranh chấp và phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm ở biển Nhật Bản. Ngày 21-3-2022, Nga tuyên bố chấm dứt đàm phán về Hiệp định hòa bình Nga - Nhật Bản, rút khỏi đối thoại Nga - Nhật Bản về hoạt động kinh tế chung trên các đảo tranh chấp. Thêm vào đó, Nga xác định Nhật Bản là quốc gia “không thân thiện” và cấm 63 công dân Nhật Bản nhập cảnh vào Nga, rút lại quyền nhập cảnh miễn thị thực đối với công dân Nhật Bản.
Có thể nói, phản ứng mạnh mẽ và sự thay đổi có tính bước ngoặt trong cách tiếp cận của Nhật Bản đối với Nga trước hành động của Nga ở Ukraine cho thấy những đánh giá và tính toán quyết đoán trong chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản K. Fumio, phản ánh sâu sắc những quan ngại của Nhật Bản về hậu quả cũng như những tác động của cuộc khủng hoảng an ninh tại châu Âu và những tiền lệ mà cuộc xung đột tại Ukraine có thể tạo ra đối với an ninh tại Đông Á, nhất là liên quan đến vấn đề an ninh tại biển Hoa Đông và “điểm nóng” Đài Loan (Trung Quốc). Tình hình tại Ukraine cũng thúc đẩy Nhật Bản xích lại gần hơn với phương Tây, củng cố liên minh Mỹ - Nhật Bản, thắt chặt quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), G-7 và NATO. Quan hệ Nhật Bản - Nga hiện đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Những diễn biến mới này trong quan hệ Nhật Bản - Nga không chỉ tác động lâu dài đến quan hệ song phương vốn đã nhiều trắc trở trong lịch sử, mà còn tác động sâu sắc đến cục diện và tương quan lực lượng an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với việc Nga ngày càng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, trong khi đó liên minh Mỹ - Nhật Bản ngày càng được thắt chặt và tình trạng phân cực, phân tuyến trong tập hợp lực lượng tại khu vực này ngày càng gay gắt, khó đoán định./.
Kinh tế Liên minh châu Âu năm 2022 và triển vọng năm 2023  (07/03/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình dương về nước  (23/04/2022)
Kinh tế Nga năm 2021 và những thách thức trong năm 2022  (08/03/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển