Cuộc chiến tuyên truyền giữa Nga và phương Tây về cuộc xung đột Ukraine hiện nay

Nguyễn Hữu Dũng
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
15:57, ngày 18-06-2022

TCCS - Ngày 24-2-2022, Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Cuộc xung đột sau đó trở thành một cuộc chiến tranh tổng lực, bao gồm cả chiến tranh bằng vũ khí nóng trên chiến trường, chiến tranh kinh tế bằng dầu mỏ, khí đốt và chiến tranh tư tưởng thông qua các phương tiện tuyên truyền chính trị. So với các cuộc chiến khác, cuộc chiến tuyên truyền này không kém phần khốc liệt, gay gắt, cả về cường độ và quy mô, đòi hỏi các bên tham chiến phải sử dụng tổng lực các phương tiện để giành chiến thắng.

Trong khoa học công tác tư tưởng, tuyên truyền là một bộ phận cấu thành, một trong ba hình thái của công tác tư tưởng, bao gồm công tác lý luận, công tác tuyên truyền và công tác cổ động. Do đó, phương tiện tuyên truyền là một bộ phận cấu thành các phương tiện công tác tư tưởng. Có thể hiểu, phương tiện tuyên truyền là những hành động, những công cụ, những vật thể hoặc những hệ thống mà chủ thể và đối tượng trong một quan hệ tư tưởng sử dụng để chuyển tải và tiếp nhận nội dung tư tưởng nhằm đạt mục đích đề ra.

Có thể thấy, các phương tiện được các bên sử dụng trong cuộc chiến tuyên truyền về xung đột ở Ukraine giữa Nga và phương Tây, bao gồm: 1- Các phương tiện truyền thông đại chúng (truyền hình, báo điện tử); 2- Các nền tảng truyền thông xã hội (Youtube, Facebook, TikTok, Telegram, Twitter, VK…); 3- Các hoạt động ngoại giao, kinh tế và các hoạt động tác động đến đời sống chính trị - xã hội; 4- Truyền thông cá nhân và nhóm thông qua hội họp; 5- Các thiết chế kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và hoạt động của chúng.

Phương thức phối hợp các phương tiện tuyên truyền của Mỹ và phương Tây

Phóng viên tác nghiệp tại Ukraine_Nguồn: Reuters

Một là, phương thức phối hợp theo chiều dọc. Chuỗi phối hợp theo chiều dọc là phương thức phối hợp cơ bản và là nền tảng cho các phương thức phối hợp khác. Đây cũng là phương thức nhằm tạo ra những tác động theo chiều sâu và tạo ấn tượng mạnh đến đối tượng.

Trong cuộc chiến tuyên truyền giữa Nga và phương Tây, hệ thống phối hợp theo chiều dọc là một chuỗi các hành động, công cụ và hệ thống tác động chính trị, tư tưởng có chủ đích đi từ trên xuống. Đối với Liên minh châu Âu (EU), chuỗi phối hợp theo chiều dọc bắt đầu từ cơ quan lãnh đạo của EU, sau đó đến các quốc gia thành viên, tiếp đến là các nhà lãnh đạo và các ngành, lĩnh vực. Tùy vào tình hình thực tế của từng quốc gia, chuỗi phối hợp theo chiều dọc có thể kéo dài từ ba đến bốn cấp hoặc nhiều hơn.

Hành động ủng hộ Ukraine của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)(1) được thể hiện trên nghị trường và trong những phát ngôn chính thức của liên minh quân sự này là điểm khởi đầu cho các chuỗi phối hợp theo chiều dọc. Có thể thấy rõ điều đó trên các phương tiện tuyên truyền của Anh, khi các nhà lãnh đạo Anh liên tục có những phát ngôn thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Nga và ủng hộ Ukraine(2). Chuỗi phối hợp theo chiều dọc tiếp tục được nối dài với việc Ban Tổ chức giải bóng đá Ngoại hạng Anh quyết định thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine thông qua những động thái, như: thay đổi bộ nhận diện (logo, hình hiệu,...) của giải đấu xuất hiện trên sóng truyền hình trực tiếp ở cả trong và ngoài nước theo màu cờ Ukraine, thay ảnh đại diện trên các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter) của giải bóng đá Ngoại hạng Anh bằng hình ảnh lá cờ Ukraine kèm theo logo giải đấu, quyên góp tiền để viện trợ cho người dân Ukraine…(3).

Hai là, phương thức phối hợp theo chiều ngang. Chuỗi phối hợp theo chiều ngang là sự phát triển tiếp nối của chuỗi phối hợp theo chiều dọc, góp phần lan tỏa rộng rãi những tác động của các phương tiện tuyên truyền đi xa hơn, vượt khỏi phạm vi của một ngành, một địa phương, một quốc gia, một khu vực cụ thể.

Có thể chỉ ra một số chuỗi phối hợp ngang như sau: 1- Trong EU và NATO, các quốc gia đồng loạt đưa ra các biện pháp cấm vận đối với Chính phủ và người dân Nga, như: Cấm vận hoạt động hàng không của Nga; cấm các kênh truyền hình và hãng thông tấn của Nga hoạt động trên lãnh thổ EU và NATO; cấm các tài khoản mạng xã hội của Nga; hạn chế một phần hoặc ngắt kết nối mạng của Nga đến các nền tảng Facebook, Twitter và Youtube; 2- Trong mỗi nước phương Tây, nhiều phương tiện ở tầm quốc gia cũng được sử dụng tuyên truyền chống lại Nga tùy vào tình hình và điều kiện của quốc gia đó. Ví dụ, ở Anh, nước này vừa sử dụng các công cụ truyền thông như các nền tảng truyền thông xã hội, báo điện tử, truyền hình, vừa sử dụng các công cụ tài chính, các công cụ ngoại giao và các thiết chế văn hóa, thậm chí thông qua sử dụng giải bóng đá Ngoại hạng Anh để ủng hộ Ukraine; 3- Đối với mỗi hãng thông tấn và tập đoàn truyền thông - phương tiện tuyên truyền đắc lực của các quốc gia phương Tây - chuỗi phối hợp theo chiều ngang được thể hiện rất rõ. Việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội đa nền tảng, từ Facebook, Instagram, Twitter, Youtube cho đến các ứng dụng di động, các kênh truyền hình, các website và tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, có thể tạo ra những tác động mạnh mẽ ngay lập tức, như BBC, Reuter (Anh), CNN, AP (Mỹ), AFP (Pháp), DW (Đức)...

Ba là, phương thức phối hợp bên trong và bên ngoài hệ thống. Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, truyền thông Mỹ và phương Tây đồng loạt sử dụng cụm từ “xâm lược” (invade) để nói về hành động của Nga. Rõ ràng, Mỹ và các quốc gia phương Tây là các chủ thể độc lập nhưng trong tuyên truyền về cuộc xung đột này, các hãng truyền thông của các quốc gia này đã đứng chung một chiến tuyến. Trong số 27 quốc gia thành viên EU, có 21 thành viên tham gia NATO. Có thể thấy, sự phối hợp bên ngoài là giữa cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài, giữa EU với Mỹ, Anh, Canada. Chuỗi phối hợp này có chủ đích xây dựng hình ảnh một nước Nga với “hành động xâm lược” trong mắt người dân châu Âu, người dân Mỹ và xa hơn là tới cả công dân của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Chuỗi phối hợp bên trong và bên ngoài còn được thể hiện thông qua sự phối hợp giữa các hãng truyền thông, những hành động của các chính phủ phương Tây với các thiết chế văn hóa toàn cầu, như Liên hợp quốc, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) và nhiều thiết chế văn hóa khác. Chuỗi hoạt động cấm vận nhằm vào Nga tạo nên những tác động chính trị, tư tưởng trực tiếp đến người dân và Chính phủ Nga, cũng như đối với cả các quốc gia và người dân trên toàn thế giới; từ đó, đặt Nga vào tình thế bị bao vây, cấm vận.

Bốn là, phương thức phối hợp phức hợp. Đây là phương thức mà ở đó chuỗi phối hợp được tạo ra từ các phương tiện theo chiều dọc và chiều ngang và có khi kết hợp cả bên trong với bên ngoài hệ thống. Trong chuỗi các hoạt động nhằm chống lại ảnh hưởng của các phương tiện tuyên truyền từ Nga, các quốc gia phương Tây đã sử dụng công cụ hành chính, pháp luật để ngăn chặn sự hiện diện của chúng ở các quốc gia này. Cụ thể, ngày 3-3-2022, website và Twitter của hãng thông tấn RT (Nga) đã bị cấm hoạt động ở EU. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình và các nền tảng khác, như Youtube, Facebook của hãng tin này cũng bị hạn chế ở EU, Mỹ, Anh và Canada. Các hãng thông tấn TASS, RIA và Sputnik (Nga) cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Các phương tiện tuyên truyền của Nga bị cấm dẫn tới sức ảnh hưởng bị giảm sút và suy yếu khả năng chiến đấu trên mặt trận thông tin, tuyên truyền. Khi đó, các phương tiện của phương Tây sẽ trở thành kênh tuyên truyền duy nhất. Đó là cách mà công cụ hành chính hỗ trợ hệ thống các phương tiện truyền thông. Phương thức phối hợp phức hợp góp phần tạo ra một sức mạnh toàn diện cho hoạt động tuyên truyền. Các phương tiện hỗ trợ lẫn nhau bằng cách tấn công vào điểm yếu của đối phương để gia tăng sức mạnh cho hệ thống của mình, mà cụ thể trong tình huống này đó là ngăn chặn sự ảnh hưởng từ đối phương.

Phương thức phối hợp các phương tiện tuyên truyền của Nga

Trong cuộc chiến tuyên truyền về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình, Nga không có đồng minh. Do vậy, các phương thức phối hợp sẽ bị hạn chế về quy mô. Các phương tiện tuyên truyền của Nga chủ yếu hoạt động qua các phương thức sau:

Thứ nhất, phương thức phối hợp theo chiều dọc. Từ người đứng đầu Chính phủ Nga, các bộ trưởng, các lãnh đạo ngành liên quan cho tới người phát ngôn của Tổng thống Nga, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga đều có những thông điệp rõ ràng, nhất quán thể hiện sự thống nhất từ trên xuống dưới. Điều đó làm cho nội dung tư tưởng có chiều sâu và tác động mạnh đến công chúng, thúc đẩy hình thành niềm tin và sự ủng hộ. Theo một báo cáo ngày 27-2-2022, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng từ 64% lên 71%, ba ngày sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Sự ủng hộ của người dân trong nước chính là một nền tảng quan trọng trong việc triển khai các hành động tiếp theo của Chính phủ Nga trong cuộc chiến Ukraine. Và điều quan trọng là những thông điệp đó được thực thi và triển khai trên chiến trường. Những bằng chứng về việc quân đội Nga không tấn công dân thường, không giết hại binh lính Ukraine khi họ đầu hàng… Tất cả đã tạo nên những tác động chính trị, tư tưởng phù hợp với mong muốn của Chính phủ Nga.

Thứ hai, phương thức phối hợp theo chiều ngang. Ở Nga, đó là sự vào cuộc của các bộ, ngành cùng nhằm truyền đi những thông điệp mà Chính phủ Nga đã đưa ra. Trong đó, hoạt động của các cơ quan truyền thông, hãng thông tấn giữ vai trò chủ đạo. Mặc dù gặp phải sự ngăn chặn quyết liệt từ các quốc gia EU và NATO, các cơ quan truyền thông của Nga đã linh hoạt lựa chọn các nền tảng truyền thông xã hội phù hợp để hoạt động, như Telegram và TikTok. Bên cạnh đó, Nga cũng sở hữu mạng xã hội sử dụng tiếng Nga Vkontakte (VK) do chính người dân Nga phát triển. Theo số liệu thống kê của Hãng nghiên cứu thị trường Statista, tính đến tháng 1-2020, VK có khoảng 100 triệu người dân Nga sử dụng, chiếm khoảng 54% số lượng người sử dụng mạng xã hội thường xuyên tại quốc gia này. Tương tự như các hãng truyền thông phương Tây, các hãng truyền thông và thông tấn của Nga cũng có các kênh bằng ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha để phục vụ công chúng toàn cầu nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Thứ ba, phương thức phối hợp phức hợp. Khi các phương tiện truyền thông bị hạn chế, các thiết chế văn hóa, như bóng đá, thế vận hội bị tấn công, Nga cũng sử dụng chuỗi phối hợp phức hợp. Các công cụ hành chính cũng được sử dụng. Nga hạn chế và cấm hoạt động đối với Youtube, Facebook và Twitter. Tổng thống Nga V. Putin đã ký ban hành Đạo luật chống tin giả đối với hoạt động của quân đội Nga. Các chính sách kinh tế cũng được đưa ra để đối phó với các lệnh cấm vận của phương Tây. Tất cả nhanh chóng được các hãng truyền thông và thông tấn đưa tin trên các nền tảng mạng xã hội. Như vậy có thể thấy, trong phương thức phối hợp phức hợp, năng lực ngăn chặn được thể hiện khá rõ ràng.

Thứ tư, phương thức phối hợp bên trong với bên ngoài. Nga không chủ động sử dụng phương thức phối hợp này mà để phương thức này được hình thành một cách tự nhiên. Có thể kể tới sự phản ứng của Đại sứ quán Trung Quốc ở Nga đối với những nội dung mà phương tiện tuyên truyền của phương Tây đưa ra. Tiếp đó là những phát ngôn của Bộ trưởng và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ và NATO. Ngày 5-3-2022, QYI - đơn vị sở hữu bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh - tuyên bố ngừng phát sóng giải đấu này vào ngày 6 và 7-3-2022, vì đã có những động thái đưa chính trị vào thể thao.

Chuỗi phối hợp giữa phương tiện chính thống, phương tiện ẩn danh và phương tiện định hướng

Website của hãng thông tấn RT (Nga) và trang Twitter của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky_Nguồn: Getty Images 

Phương tiện chính thống được hiểu là các hành động, công cụ, vật thể và hệ thống công khai của chủ thể tuyên truyền. Phương tiện ẩn danh được hiểu là các hành động, công cụ, vật thể và hệ thống cung cấp, hỗ trợ hoặc hạn chế, ngăn chặn việc cung cấp những nội dung mang mục đích chính trị, tư tưởng từ chủ thể đến đối tượng. Chẳng hạn, việc các nền tảng phương tiện truyền thông xã hội, như Facebook, Youtube cấm tương tác các kênh của RT, Sputnik…, dùng thuật toán để “bóp nghẹt” các kênh, các trang, các tài khoản cung cấp nội dung liên quan đến một chủ đề nào đó nhằm hạn chế, ngăn chặn ảnh hưởng mà họ cho là xuất phát từ Chính phủ Nga đối với người dân EU, Mỹ... Đồng thời, tạo điều kiện tăng tương tác cho các thông tin từ chủ thể EU. Nhóm phương tiện này còn bao gồm các thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin chưa được kiểm chứng khi phát tán. Cuối cùng, phương tiện định hướng còn là việc sử dụng ngôn ngữ, âm nhạc, ký hiệu hoặc các biểu tượng mang ý nghĩa nhất định nhằm định hướng suy nghĩ của đối tượng.

Trong quan sát thực tế, các phương tiện chính thống và các phương tiện định hướng có thể được xác định một cách tương đối rõ ràng. Nhưng việc phát hiện các phương tiện ẩn danh được đánh giá là hoàn toàn không dễ dàng do các bên không công bố, thậm chí đó là những hoạt động bí mật.

Với mục đích xây dựng hình ảnh về một nước Nga “xấu xí”, hình ảnh về một tổng thống Nga “độc tài”, hình ảnh về một cuộc chiến “xâm lược”, trước tiên, các phương tiện truyền thông phương Tây sử dụng những từ ngữ có hàm ý xấu để nói về nước Nga nói chung, Tổng thống Nga V. Putin nói riêng, cũng như cuộc xung đột ở Ukraine. Đơn cử như, khi nói về xung đột ở Ukraine, tất cả đều sử dụng các từ, như “invade”, “invasion”, “aggression”, những từ có nghĩa là “xâm lược”, mang hàm ý xấu gắn cho hình ảnh nước Nga, quân đội Nga và Tổng thống Nga V. Putin. Để ngăn công chúng tiếp cận với thông tin mà các hãng truyền thông và thông tấn Nga cung cấp, họ sử dụng từ “propaganda”(4) (tuyên truyền) nhằm ám chỉ về những thông tin sai sự thật(5). Trong khi đó, những hình ảnh của Tổng thống Nga V. Putin bị cắt ghép, chỉnh sửa với nhiều hàm ý xấu được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội. Những hình ảnh, ký hiệu và từ ngữ mang tính định hướng này được cả các phương tiện chính thống và phương tiện ẩn danh sử dụng lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Ở chiều ngược lại, nhằm truyền đi thông điệp về mục đích sâu xa của “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga triển khai trong cuộc xung đột ở Ukraine, những ký hiệu, biểu tượng và từ ngữ mang tính định hướng cũng được sử dụng một cách rộng rãi. Đó là cờ đỏ búa liềm - biểu tượng của Liên bang Xô viết; cụm từ “ura” mà Tổng thống Nga V. Putin hô vang trong một video duyệt binh ở Quảng trường Đỏ cũng được coi là có ý nghĩa gợi nhớ về lễ duyệt binh vệ quốc thời Liên bang Xô viết. Đó còn là những video về việc tượng của lãnh tụ V.I. Lênin bị kéo đổ ở Ukraine; là những con số và hình ảnh về 13.000 người bị thương vong, tàn sát trong suốt 8 năm qua ở vùng Donbass. Cùng với đó, nhiều video được gắn mác “undefined” (chưa xác định) về tình hình ở Ukraine và các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine cũng được các kênh như RT công bố trên trang mạng xã hội Telegram. Tất cả nhằm hướng tới việc hình thành và xây dựng niềm tin cùng sự ủng hộ của nhân dân Nga, cũng như cộng đồng quốc tế về mục đích của “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga triển khai ở Ukraine.

Trước khi xung đột quân sự nổ ra ở Ukraine vào ngày 24-2-2022, cuộc đấu tranh về ý thức hệ giữa Nga và phương Tây đã âm ỉ trong suốt thời gian dài. Nguyên nhân được cho là đến từ những mâu thuẫn về lợi ích đang ngày càng trở nên gay gắt trong những năm gần đây(6). Trong bối cảnh đó, cuộc chiến tuyên truyền chính trị đã được đẩy lên một nấc thang mới cao hơn. Một bên là Nga, với mục đích luận chứng cho nguyên nhân tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Một bên là các quốc gia phương Tây, đứng đầu là Mỹ, với mục đích là bao vây, cô lập "khiến nước Nga sụp đổ" vì hành động “xâm lược” một quốc gia có chủ quyền. Cả hai đã xây dựng và hình thành những phương thức phối hợp các phương tiện tuyên truyền để thực hiện mục đích của mình, nhất là xoay quanh những vấn đề phong phú, đa dạng phát sinh từ chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, khác với phong cách “rầm rộ” đến từ các phương tiện tuyên truyền của phương Tây, các phương tiện tuyên truyền của Nga lại tỏ ra khá “chậm rãi”. Trong cuộc chiến này, thay vì không gian của báo chí và các phương tiện truyền thông cũ, các phương tiện tuyên truyền chính trị giữa Nga và phương Tây hiện nay đã chuyển sang một không gian mới, không gian của các phương tiện truyền thông xã hội.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng Nga ở vào thế bất lợi hơn so với các quốc gia phương Tây khi các trang mạng xã hội, các hãng truyền thông lớn của thế giới đều của phương Tây, mà chủ yếu là Mỹ. Tuy nhiên, việc sở hữu mạng xã hội riêng VK với khoảng 100 triệu người sử dụng thường xuyên tại Nga(7) và Đạo luật chống tung tin sai lệch về quân đội Nga(8) đã giúp Nga xử lý không gian thông tin và bảo vệ người dân trước những quan điểm sai trái, thù địch. Từ cuộc chiến tuyên truyền giữa Nga và phương Tây về cuộc xung đột Ukraine càng cho thấy, việc phải có những phương tiện tuyên truyền hiện đại để xây dựng được một nền tảng truyền thông quốc gia vững mạnh, nhằm bảo đảm an ninh thông tin của đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là điều cần thiết đối với bất kỳ quốc gia nào trong kỷ nguyên số như hiện nay./.

-----------------------

(1) Xem: NATO: “NATO's response to Russia's invasion of Ukraine”, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_192648.htm, ngày 8-4-2022.
(2) Joshua Posaner: “UK pledges fresh military aid for Ukraine ahead of G7”, https://www.politico.eu/article/uk-pledges-more-military-aid-for-ukraine-ahead-of-g7-talks/, ngày 8-5-2022.
(3) Xem: “How Premier League clubs supported Ukraine in MW28”, https://www.premierleague.com/news/2513934#:~:text=At%20every%20fixture%20this%20Matchweek,for%20the%20people%20of%20Ukraine, ngày 10-3-2022.
(4) https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/propaganda
(5) https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/propaganda
(6) Xem: Phan Thị Thu Dung: “Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chi-tiet-tim-kiem/-/2018/825105/mot-so-ly-giai-ve-cuoc-xung-%C4%91ot-nga---ukraine-hien-nay-va-tinh-toan-chien-luoc-cua-cac-ben.aspx, ngày 14-3-2022.
(7) Xem: Phong Thảo: “Không để lệ thuộc mạng xã hội từ nước ngoài”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/bai-3-khong-de-le-thuoc-mang-xa-hoi-tu-nuoc-ngoai-591577, ngày 21-9-2019.
(8) Thông tấn xã Việt Nam: “Tổng thống V. Putin ban hành luật chống tung tin sai lệch về quân đội Nga”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/tong-thong-v-putin-ban-hanh-luat-chong-tung-tin-sai-lech-ve-quan-doi-nga-687846, ngày 5-3-2022.