Truyền thông đại chúng với việc phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay
TCCS - Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, truyền thông đại chúng cũng có những tác động tiêu cực, do đó cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả của truyền thông đại chúng trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, đất nước phồn vinh.
1- Bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế của thành viên này đối với thành viên khác trong gia đình. Những hành vi này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bị bạo lực trong gia đình (thường là phụ nữ, trẻ em và người già), mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội, làm băng hoại các giá trị đạo đức trong gia đình và xã hội.
“Truyền thông là quá trình liên tục trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm…, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, nhóm, cộng đồng và xã hội”(1). Truyền thông đại chúng là hoạt động truyền tải và chia sẻ thông tin tới đông đảo công chúng bằng hệ thống các kênh truyền thông đa dạng và phong phú, như báo chí, xuất bản, điện ảnh… nhằm đạt mục tiêu đặt ra. Báo chí bao gồm báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử là kênh truyền thông đại chúng nền tảng, cốt lõi, sản xuất và quảng bá thông tin thường xuyên, liên tục, trên phạm vi rộng lớn, định kỳ và tác động đến số lượng công chúng lớn, đa dạng và phong phú bậc nhất.
Ở Việt Nam, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là báo chí, có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thể hiện ở việc cung cấp thông tin; phát hiện và giám sát các vụ việc về bạo lực gia đình; tuyên truyền, ngăn ngừa và đấu tranh với các hành vi bạo lực gia đình; tạo dư luận và định hướng dư luận về phòng, chống bạo lực gia đình…
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đã yêu cầu báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới(2). Với sự đa dạng các loại hình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã được các phương tiện truyền thông đại chúng tích cực tuyên truyền, thông tin, trước hết là thông tin về hệ thống pháp luật, như Hiến pháp năm 2013, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự... và đặc biệt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025… Các báo, tạp chí, như Hạnh phúc gia đình (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Gia đình và xã hội (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế)...; chuyên mục "Vì trẻ em" (Báo Lao động và Xã hội), chuyên mục “Đời sống” của Báo điện tử VnExpress (Vnexpress.net), chuyên mục “Xã hội” của Báo Dân trí điện tử (dantri.com.vn), các kênh VTV1, VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam… đã tích cực xây dựng diễn đàn, thông tin, trao đổi ý kiến, phê phán các hành vi bạo lực gia đình.
Việc cung cấp đầy đủ các thông tin về hành vi bạo lực gia đình vừa kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, vừa giúp cảnh báo, răn đe đối với các hành vi bạo lực gia đình; qua đó, tạo dư luận tốt trong thực hiện phòng, chống vấn nạn trên “nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam”(3). Kết quả khảo sát tại Hà Nội, Quảng Trị và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, mức độ tiếp nhận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình từ các kênh truyền thông đại chúng nhiều hơn truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm. Trong đó, hai phương tiện truyền thông đại chúng được ghi nhận có mức cung cấp thông tin cao nhất là truyền hình và báo điện tử (4).
Cùng với việc cung cấp thông tin, truyền thông đại chúng đã góp phần không nhỏ phát hiện những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình; từ đó, hợp tác, cung cấp thông tin tới các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử các hành vi bạo lực gia đình. Trên thực tế, có những vụ việc bạo lực gia đình không do người bị bạo lực hay người thân trong gia đình thông báo hoặc cơ quan có thẩm quyền phát hiện, mà được phát hiện từ các kênh truyền thông đại chúng. Đơn cử như, clip đăng trên mạng chiều ngày 29-6-2020 dài hơn 3 phút ghi lại cảnh bé gái 3 tuổi bị người đàn ông bạo lực tại phòng trọ ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, báo Vnexpress.net đưa tin và cập nhật thông tin về vụ việc theo tiến trình để công chúng theo dõi và các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng còn giám sát việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình đối với người bị bạo hành, đối với chủ thể gây ra hành vi bạo lực và đối với các cơ quan chức năng thực hiện vai trò phòng, chống, xét xử các vụ án liên quan đến bạo lực gia đình; giám sát việc khắc phục hậu quả, giám sát việc bảo vệ người bị bạo lực gia đình…
Trong môi trường truyền thông số hiện nay, tốc độ truyền thông tin rất nhanh và phạm vi bao phủ của thông tin rất rộng, nên dễ dàng tạo “sóng” dư luận trong cộng đồng theo cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Với chức năng, nhiệm vụ “phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân”(5), trong thời gian qua, việc đưa các thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình của truyền thông đại chúng về cơ bản đã bảo đảm tính khách quan, trung thực, hướng đến mục tiêu tạo dư luận và định hướng dư luận tích cực, có tác động lan tỏa đối với cộng đồng và xã hội, góp phần “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(6). Đánh giá chung về hiệu quả của truyền thông đại chúng trong đấu tranh ngăn ngừa, phòng, chống bạo lực gia đình, có 96% công chúng đánh giá ở mức độ trung bình trở lên, trong đó có gần 50% công chúng đánh giá ở mức độ cao và cao nhất(7). Điều này cho thấy, trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã có sự nỗ lực rất lớn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện tốt vai trò của mình, các phương tiện truyền thông đại chúng còn có hạn chế nhất định, như còn chậm trong tiếp cận các vụ việc bạo lực gia đình, chưa kịp thời tạo dư luận và định hướng được dư luận trong những thời điểm nhất định; một số chương trình gameshow, truyền hình thực tế… vẫn còn có yếu tố phản cảm, cổ xúy cho lối sống thực dụng, bất bình đẳng giới, chưa tập trung lên án những hành vi bạo lực gia đình, chưa thật sự phù hợp với thuần phong mỹ tục của văn hóa gia đình Việt Nam... Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 21,7% người được hỏi cho rằng, các phương tiện truyền thông đại chúng chưa cung cấp đầy đủ kiến thức về các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, không cảnh báo tới công chúng những hành vi từ đơn giản nhất của bạo lực gia đình để nhận diện và phòng, chống(8). Bởi những hành vi tưởng đơn giản nhất cũng ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của người bị bạo lực và dễ dẫn đến những hành vi vi phạm ở mức độ cao hơn của người gây ra hành vi bạo lực, như gây thương tích nặng, chết người. Những hạn chế này vô hình trung gây ảnh hưởng tiêu cực cho việc phòng, chống bạo lực gia đình. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình có lúc, có nơi chưa thực sự được chú trọng; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; một bộ phận nhà báo, người làm truyền thông chưa có sự am hiểu sâu công tác phòng, chống, bạo lực gia đình; thiếu cơ chế bảo vệ những người dám tố cáo hành vi bạo lực gia đình…
2- Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Một là, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở về vai trò của truyền thông đại chúng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông hướng tới các nhóm đối tượng có nguy cơ bị bạo hành để phòng, chống các hành vi bạo lực gia đình. Thu hút sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, trẻ em trai, thanh niên nhằm tạo sự thay đổi về nhận thức và hành vi về bạo lực gia đình. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các tổ chức có liên quan trong truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Thực hiện tốt các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cơ quan, ban, ngành khác về phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện tốt kế hoạch tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 20-5-2021 nhằm tuyên truyền, ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình.
Hai là, đổi mới nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng các thông tin về giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên các kênh truyền thông đại chúng có đông lượng công chúng theo dõi; đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, ông bà, thực hiện bình đẳng giới; đẩy mạnh việc tuyên truyền Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007... và các thông tư, nghị định liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng và vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử, tờ tin về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trực tiếp tại gia đình, cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu, xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tiểu phẩm, kịch bản sân khấu, phim truyền hình về phòng, chống bạo lực gia đình. Lồng ghép thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hóa quần chúng; các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên các kênh truyền thông đại chúng...
Ba là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các kênh truyền thông đại chúng. Sử dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo… trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng chiến lược truyền thông số, hiện đại, bài bản, dựa trên các dữ liệu được thu thập tại cơ sở gắn với đối tượng có nguy cơ bị bạo hành và các chủ thể có khuynh hướng thực hiện hành vi bạo lực gia đình. “Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng”(9). Nâng cao năng lực chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho những người làm trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, đặc biệt là đội ngũ nhà báo.
Bốn là, bảo vệ an toàn cho nạn nhân dám lên tiếng tố cáo, đưa vụ việc bạo lực gia đình ra pháp luật, những người cung cấp thông tin về nạn bạo hành gia đình với các cơ quan chức năng; xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình; tuyên dương các tập thể và cá nhân có thành tích trong hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng việc đưa thông tin phải nhanh, kịp thời, chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo để thông tin không làm ảnh hưởng đến nạn nhân bị bạo lực và các thành viên khác trong gia đình./.
…………............................
(1) Nguyễn Văn Dững (chủ biên), Đỗ Thị Thu Hằng: Truyền thông - lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2012, tr. 13
(2) Xem: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 49
(3) Điều 9, khoản 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007
(4), (7), (8) Dẫn theo: Kết quả khảo sát Đề tài cấp Bộ “Vai trò của truyền thông đại chúng trong phòng, chống bạo lực gia đình thời kỳ hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay”, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện, Hà Nội, 2020
(5) Điều 4, khoản 2, Luật Báo chí năm 2016
(6), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 143, 272
Nâng cao vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ - Nhìn từ phương diện chính sách  (30/07/2021)
Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để chủ động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng  (26/07/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển