Sự chuyển dịch địa - kinh tế thế giới hiện nay và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam
TCCS - Trong bối cảnh các vấn đề kinh tế, an ninh và chính trị đối ngoại ngày càng đan xen, sự biến động của cục diện địa - kinh tế thế giới trở thành một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu tác động tới vấn đề an ninh - phát triển của các quốc gia. Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội, song cũng đối mặt với không ít thách thức về bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng trước những tác động từ bên ngoài.
Trong hệ thống quan hệ quốc tế, hiện có nhiều quan niệm khác nhau về thuật ngữ địa - kinh tế. Từ góc nhìn hẹp, địa - kinh tế được xem là “việc sử dụng các công cụ kinh tế để phát huy và bảo vệ lợi ích quốc gia, và mang lại kết quả có lợi về địa - chính trị”(1). Ở góc độ rộng hơn, địa - kinh tế là việc xem xét chính sách quốc gia dưới góc độ kết hợp giữa kinh tế quốc tế và an ninh quốc tế. Vấn đề cốt lõi của các quốc gia trong thích ứng với sự chuyển dịch địa - kinh tế thế giới là tìm ra điểm cân bằng tối ưu giữa các lợi ích từ hợp tác kinh tế quốc tế và các tính toán về địa - chính trị và an ninh.
Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”(2). Dự báo tới năm 2025, cục diện địa - chính trị toàn cầu sẽ tiếp tục có những điều chỉnh mạnh mẽ và sâu sắc. Các nhân tố tác động chủ đạo là cạnh tranh nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc; sự phát triển vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các xu hướng phát triển lớn, như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững và bao trùm. Đại dịch COVID-19 đang và sẽ tiếp tục có vai trò như nhân tố thúc đẩy các tác động trên diễn ra ở quy mô nhanh hơn, mạnh hơn và rộng lớn hơn.
Một số đặc điểm lớn của chuyển dịch địa - kinh tế thế giới hiện nay
Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm với sự chuyển dịch tương quan sức mạnh giữa các nền kinh tế lớn và sự phân tán quyền lực kinh tế trong môi trường đa chủ thể (nhà nước, doanh nghiệp, người dân).
Thứ nhất, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu chi phối cục diện địa - kinh tế thế giới. Nhiều dự báo cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục rút ngắn khoảng cách về sức mạnh kinh tế so với Mỹ và vượt Mỹ về quy mô kinh tế vào năm 2028(3) hoặc năm 2033(4). Cạnh tranh sức mạnh kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc bước vào giai đoạn trường kỳ với mặt trận chủ đạo là cạnh tranh công nghệ, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Các công cụ để cạnh tranh về sức mạnh kinh tế ngày càng mở rộng, không chỉ là thương mại, đầu tư, mà cả về năng lực định hình “luật chơi”, tiêu chuẩn công nghệ. Trong đó, khả năng ảnh hưởng đối với các tiêu chuẩn công nghệ, quản lý dữ liệu đã trở thành một thành tố quan trọng của vị thế và ảnh hưởng quốc gia trong quản trị kinh tế toàn cầu. Đồng thời, các sáng kiến hợp tác về kết cấu hạ tầng, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu chủ chốt, bảo đảm an toàn chuỗi cung ứng của các cường quốc kinh tế, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Liên minh châu Âu (EU)..., đều có hàm ý đối với an ninh quốc gia và cạnh tranh ảnh hưởng chính trị.
Thứ hai, các trung tâm, các “cực” tăng trưởng lớn sẽ có sức ảnh hưởng trong khu vực nhất định, tuy nhiên các vùng ảnh hưởng của các nền kinh tế lớn sẽ đan xen hơn, đồng thời quyền lực kinh tế sẽ phân tán hơn với tập hợp lực lượng đa dạng của các cường quốc tầm trung. Bên cạnh vai trò của Mỹ và Trung Quốc, sự nổi lên của các cường quốc khác theo thứ hạng kinh tế vào năm 2025, như Ấn Độ (xếp thứ 3), Nga (xếp thứ 6), In-đô-nê-xi-a (xếp thứ 7), Thái Lan (xếp thứ 19), Ba Lan (xếp thứ 20), được dự báo sẽ thúc đẩy các tập hợp lực lượng đa dạng(5). Đáng chú ý, Ấn Độ sẽ ngày càng nổi lên với vai trò là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2025 và nắm giữ các vị trí quan trọng tại các thể chế đa phương. Do đó, các chính sách và cách tiếp cận của Ấn Độ sẽ góp phần tác động quan trọng vào các xu hướng phát triển toàn cầu. Xung đột Nga - U-rai-na và chính sách cấm vận của Mỹ và đồng minh đối với Nga đã và đang tác động sâu sắc tới địa - kinh tế toàn cầu, vị thế và khả năng phát triển của Nga. Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhiều khả năng thế giới sẽ hình thành một trật tự đa cực lỏng lẻo, nơi các “cực” không thể chi phối hoàn toàn khu vực ảnh hưởng.
Thứ ba, quyền lực kinh tế toàn cầu có xu hướng ngày càng phân tán hơn trong môi trường đa chủ thể là nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Dự báo, năm tập đoàn công nghệ của Mỹ là Apple, Amazon, Alphabet, Facebook và Microsoft, sẽ chiếm 1/5 thu nhập của Nhóm doanh nghiệp hàng đầu thế giới S&P 500 vào năm 2023(6). Xu hướng số hóa nền kinh tế hiện nay sẽ gắn kết mọi lĩnh vực của nền kinh tế với các nền tảng số và không gian mạng, từ đó càng mang lại khả năng “vươn xa và bám rễ” của quyền lực tập đoàn công nghệ tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các tập đoàn công nghệ, nhiều quốc gia bắt đầu tăng cường kiểm soát, kiềm chế quyền lực của các tập đoàn này. Năm 2021, Trung Quốc đã đưa ra một loạt quy định kiểm soát hoạt động của các tập đoàn công nghệ và an ninh dữ liệu, trong đó Luật Bảo vệ thông tin cá nhân có hiệu lực kể từ tháng 11-2021. Nga gia tăng các biện pháp kiểm soát thông tin đối với các tập đoàn Google, Apple, Facebook, Twitter và Amazon của Mỹ; tạo điều kiện phát triển cho các tập đoàn công nghệ nội địa, như Yandex, VK và Sber. Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) U-xu-la Vôn Đơ Lây-ên (Ursula Von der Leyen) cũng nhấn mạnh đến việc cần có những hạn chế đối với “quyền lực chính trị chưa được kiểm soát” của các tập đoàn internet khổng lồ(7).
Các xu thế phát triển toàn cầu có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng nâng cao năng lực tự cường, phát triển bền vững, bao trùm, bảo đảm an ninh.
Một là, toàn cầu hóa vẫn là xu thế tất yếu chưa thể đảo ngược song gặp nhiều thách thức. Trong khi toàn cầu hóa trong không gian thực về thương mại, đầu tư gặp khó khăn do cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, thu hút đầu tư giữa các nước ngày càng quyết liệt, thì toàn cầu hóa trong không gian mạng, như kinh tế số, thương mại điện tử, dữ liệu xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ. Dữ liệu luân chuyển toàn cầu dự kiến tăng gấp 4 lần giai đoạn 2019 - 2026(8). Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đang và sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn xu thế này. Do đó, tùy vào quy mô kinh tế, sức mạnh tổng hợp quốc gia, mạng lưới quan hệ đối ngoại mà các nước dù lớn hay nhỏ đều phải tìm điểm cân bằng mới giữa hội nhập quốc tế, tiếp tục tham gia toàn cầu hóa với củng cố, nâng cao năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Đồng thời, nhiều khả năng xu hướng khu vực hóa sẽ gia tăng mạnh mẽ. Theo đó, nguy cơ thế giới phân mảng thành các khối kinh tế không tương thích về mô hình, cách thức vận hành và luật lệ ngày càng gia tăng.
Hai là, các xu thế phát triển bền vững về môi trường, xã hội từng bước đi vào chính sách và hành động cụ thể của các quốc gia. Dự báo từ nay tới năm 2025, việc triển khai các chính sách và hành động này sẽ tác động tới mô hình phát triển và sự vận hành của các nền kinh tế. Đối với vấn đề phát triển bền vững môi trường, hiện 90% GDP toàn cầu đã nằm trong diện phải thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP-26), diễn ra ở Glát-xgâu, Xcốt-len (Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ai-len) vào tháng 11-2021(9). Nhiều quốc gia, kể cả các nước đang phát triển, không còn chấp nhận thực tế vì tăng trưởng kinh tế lại làm suy thoái môi trường, mà chú trọng mang lại cuộc sống tươi đẹp, thân thiện với môi trường và bền vững lâu dài cho người dân. Phát triển bền vững về xã hội được chú trọng hơn, nhất là bảo đảm sự công bằng và phát triển bao trùm trong quá trình tăng trưởng. Từ năm 2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã kêu gọi thực hiện mô hình chủ nghĩa tư bản phân phối lợi ích công bằng hơn, không chỉ chú trọng tới vai trò của giới chủ mà quan tâm đến cả người lao động, cộng đồng và xã hội. Để đạt mục tiêu phát triển bao trùm, giảm bất bình đẳng xã hội sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên của các nước, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng thêm gần 100 triệu người nghèo trong năm 2021 và xu hướng này có thể còn tiếp diễn.
Ba là, các nước sẽ tìm điểm cân bằng mới giữa phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm ổn định an ninh. Cao ủy EU Giô-xép Bô-ren (Josep Borrell) cho rằng, “chúng ta đang ở trong tình huống khi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng xung đột từ góc độ chính trị”(10). Xu hướng gia tăng cạnh tranh nước lớn, việc an ninh hóa hoạt động hợp tác kinh tế sẽ khiến các lợi ích về an ninh và đối ngoại được ưu tiên cao hơn các lợi ích kinh tế trong một số trường hợp. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa các lợi ích an ninh và lợi ích kinh tế ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh sự bất định và khó dự đoán của cục diện chiến lược toàn cầu. Với danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, nhiều quốc gia sẵn sàng can thiệp để bảo vệ tài sản chiến lược, mạng lưới hạ tầng chủ chốt và quản trị chặt chẽ các công nghệ mới thông qua các biện pháp, như hạn chế thương mại, rà soát đầu tư và quản lý dữ liệu.
Các thể chế đa phương quản trị kinh tế toàn cầu mới và cũ đan xen, vừa định hình, vừa đổi mới.
Thứ nhất, tiến trình định hình các thể chế đa phương quản trị kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục với sự xuất hiện của các thể chế đa phương mới và nhu cầu cải tổ các thể chế cũ. Lịch sử cho thấy, các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu như đại dịch COVID-19 hiện nay sẽ dẫn tới sự hình thành các cách thức hợp tác và thể chế đa phương mới. Đơn cử như, Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) thành lập sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) hình thành sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Hiện nay, Trung Quốc đi đầu trong việc đề xuất Sáng kiến Phát triển toàn cầu tại Liên hợp quốc, thúc đẩy các thể chế mới, như Ngân hàng Phát triển mới của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng Mê Công, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC)... Tiến trình cải tổ các thể chế đa phương cũ gặp nhiều khó khăn do sự chia rẽ sâu sắc về lập trường, quan điểm giữa các nhóm nước. Nội bộ nước Mỹ cũng có sự chia rẽ về cách đánh giá đối với vai trò của các thể chế đa phương quản trị kinh tế toàn cầu, kể cả những thể chế mang lại lợi ích cho Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...
Thứ hai, tập hợp lực lượng trong các thể chế đa phương diễn ra ngày càng đa dạng. Trong nhiều trường hợp, các tập hợp lực lượng không phân tuyến rõ ràng mà theo từng vấn đề, thời điểm và lợi ích của các bên tham gia. Trong bối cảnh đó, các tập hợp lực lượng nhóm nhỏ gồm ba - bốn bên, các tập hợp tiểu đa phương được cả các nước lớn và các quốc gia tầm trung chú trọng thúc đẩy. Điển hình là hợp tác Nhóm “Bộ tứ” (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a), Liên minh an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a (AUKUS), các nhóm ba bên giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và các quốc gia tầm trung khác... Với xu hướng này, không gian hợp tác quốc tế đối với các nước vừa và nhỏ được mở rộng hơn trong các lĩnh vực, vấn đề phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc. Hình thức hợp tác nhóm giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quan hệ song phương, nhất là trong xây dựng lòng tin và thậm chí trong một số trường hợp giúp giảm bớt sự nghi kị lẫn nhau”(11).
Thứ ba, hợp tác đa phương tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ nay tới năm 2025, khu vực châu Á - Thái Bình Dương với vai trò là trung tâm tăng trưởng toàn cầu sẽ ngày càng được củng cố. Do đó, về cơ bản đa số các nước ở khu vực vẫn có nhu cầu hợp tác đa phương để duy trì động lực phát triển. Trong khi đàm phán thương mại của WTO gặp khó khăn thì các hiệp định, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở khu vực tiếp tục được thúc đẩy. Vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong hợp tác đa phương khu vực tiếp tục được các cường quốc kinh tế coi trọng và ủng hộ, dù đứng trước một số thách thức về nâng cao hiệu quả triển khai. Tuy nhiên, hợp tác đa phương ở khu vực có rủi ro bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các “điểm nóng” tiềm tàng. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, như cạn kiệt nguồn nước, khủng hoảng di cư..., có thể tạo ra thách thức lớn do các thể chế đa phương ở khu vực vẫn còn những hạn chế trong giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh này.
Cơ hội, thách thức và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Cơ hội phát huy thế và lực mới của đất nước, định vị quốc gia ở vị trí tối ưu trong sự chuyển dịch địa - kinh tế toàn cầu.
Một là, Việt Nam nằm ở khu vực trung tâm của tăng trưởng toàn cầu, với vai trò ngày càng tăng do sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở châu Á. Viện Nghiên cứu an ninh của EU dự báo, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc sẽ chiếm tới 74% dân số nước này vào năm 2030 và tại Ấn Độ sẽ vượt ngưỡng 50% dân số vào năm 2025(12). Việc các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng đặt các nhà máy sản xuất gần thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh hơn chính sách Trung Quốc+1 sẽ tiếp tục được xem là yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam, Ma-lai-xi-a và Thái Lan thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư chất lượng cao. So với các nền kinh tế có trình độ tương đương ở khu vực, Việt Nam có lợi thế nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế chất lượng cao, bao gồm 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Hai là, vị trí chiến lược của Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách khu vực của các cường quốc kinh tế, tạo điều kiện cho việc tranh thủ nguồn lực phục vụ phát triển, nhất là các nguồn công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số, tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, xu thế phát triển bền vững, bao trùm, xanh và số hóa của thế giới về cơ bản phù hợp với tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam phát huy vị thế, biến thế thành lực, tận dụng sức mạnh thời đại để nâng cao nguồn lực nội sinh, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ba là, hệ thống các thể chế đa phương ở cấp độ toàn cầu, khu vực vẫn đang trong giai đoạn định hình là cơ hội để Việt Nam chủ động, tích cực tham gia xây dựng và định hình các quy tắc, luật lệ quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Trong đó, đáng chú ý là các quy định quản trị không gian mạng, kinh tế số, dữ liệu, các công nghệ mới và tăng trưởng xanh. Các tập hợp lực lượng đa dạng hiện nay cũng tạo ra không gian để Việt Nam củng cố, phát huy vị thế, vai trò trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, việc các nước nhìn chung ủng hộ hợp tác đa phương và luật pháp quốc tế là những điều kiện thuận lợi đối với các nước vừa và nhỏ như Việt Nam.
Thách thức về bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng chống chịu trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Thứ nhất, sự chuyển dịch tương quan sức mạnh giữa các cường quốc tạo ra thách thức lớn hơn về duy trì thế tự chủ chiến lược, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác nhất định. Trong bối cảnh cạnh tranh địa - kinh tế gia tăng, hợp tác kinh tế quốc tế bị an ninh hóa, việc lựa chọn đối tác sẽ đòi hỏi sự cân nhắc đồng thời cả về lợi ích kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia và xử lý phù hợp các mối quan hệ đối ngoại với các cường quốc. Việc thích ứng với những rủi ro địa - kinh tế đòi hỏi một chiến lược đối ngoại tổng thể, linh hoạt và dài hạn. Các rủi ro địa - kinh tế thường có tính xuyên quốc gia và quốc tế. Mạng lưới quan hệ kinh tế đan xen giữa các trung tâm kinh tế, các khu vực và nhóm nước ở nhiều tầng nấc khiến tính lan tỏa của rủi ro địa - kinh tế được cho là lớn hơn so với rủi ro địa - chính trị.
Thứ hai, trong xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam sẽ đứng trước thách thức về thể chế quản trị quốc gia hiệu quả, hiệu lực trong môi trường quyền lực đa chủ thể. Việc xử lý mối quan hệ với các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu là thách thức chung đối với mọi nền kinh tế, đòi hỏi phải có nền tảng các tập đoàn nội địa công nghệ mạnh và vươn tầm quốc gia, khu vực. Yêu cầu đặt ra với một thể chế quản trị quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới là vừa bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn dữ liệu, vừa duy trì được một không gian kinh tế mở, hỗ trợ phát triển. Đồng thời, nguy cơ các nền kinh tế sử dụng lý do bảo đảm an ninh để sử dụng các công cụ thương mại, đầu tư, tiền tệ đối với hàng hóa, dịch vụ xuất phát từ Việt Nam có thể sẽ gia tăng.
Thứ ba, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với các xu thế phát triển toàn cầu mang lại các lợi ích dài hạn về kinh tế - xã hội, song đòi hỏi cần có một nguồn lực lớn, nhất là liên quan tới chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Đồng thời, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ đứng trước thách thức không tạo ra bất ổn xã hội, nhất là không tạo thêm thất nghiệp và gia tăng bất bình đẳng. Việt Nam hiện xếp thứ 77/158 quốc gia về chỉ số bất bình đẳng và đứng vị trí thứ hai trong số các nước ASEAN(13). Điểm mấu chốt là cần gia tăng tính bổ trợ, gắn kết giữa các xu hướng bền vững, tự cường, bao trùm, tăng trưởng xanh với hệ thống thể chế quản trị quốc gia và chính sách phù hợp.
Trong bối cảnh địa - kinh tế thế giới có những biến động sâu sắc, mau lẹ, với nhiều yếu tố khó lường, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời dựa trên thế và lực của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn chiến lược thời gian tới và phục vụ trực tiếp các mục tiêu phát triển của đất nước tới năm 2025, năm 2030 và năm 2045, để có thể thích ứng với sự chuyển dịch địa - kinh tế thế giới, chủ động tham gia quá trình định hình những “luật chơi” mới, cần thực hiện các giải pháp sau:
Về thể chế, hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia để nâng cao khả năng thích ứng linh hoạt của đất nước với sự chuyển dịch địa - kinh tế thế giới. Chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập bộ máy đủ thẩm quyền và năng lực để chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và phối hợp các hoạt động hội nhập quốc tế. Trong đó, hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ các lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, bảo vệ nền kinh tế độc lập, tự chủ, phù hợp với các cam kết quốc tế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, quản trị không gian số, kinh tế số, nắm bắt các xu hướng phát triển lớn của thế giới. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Về kinh tế, cần nâng cao năng lực tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế trước chuyển dịch địa - chính trị thế giới. Trước hết, phát huy vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam trong hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị. Đồng thời, gia tăng sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ và mô hình quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, đồng thời gắn kết với doanh nghiệp trong nước. Nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ, kết hợp hiệu quả nguồn lực trong nước với nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết nối hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với các xu thế phát triển lớn của thế giới, nhất là chuyển đổi số, phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng xanh. Tận dụng các lợi thế có được từ các FTA thế hệ mới, như CPTPP, FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường toàn cầu, cần tranh thủ những ngành công nghệ có thể đem lại hiệu quả, chất lượng cao; phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn lực từ trong nước thông qua thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI của các công ty đa quốc gia đến Việt Nam.
Về đối ngoại, tham gia hợp tác dựa trên lợi ích quốc gia - dân tộc, xác định lập trường dựa trên nguyên tắc, đồng thời xử lý hài hòa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, tùy theo đối tượng, vấn đề, thời điểm, phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử ở khu vực. Phát huy hiệu quả mối quan hệ với các cường quốc kinh tế, cụ thể hóa các lợi thế chiến lược của đất nước thành các chương trình, dự án hợp tác cụ thể để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Đồng thời, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong các vấn đề quản trị kinh tế số, dữ liệu, không gian mạng, các “tiêu chuẩn xanh”..., nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Xem xét tham gia các cơ chế hợp tác nhóm ba - bốn bên phù hợp, trong đó lựa chọn những vấn đề, dự án có lợi ích thiết thực với Việt Nam. Xây dựng các bộ quan điểm, lập trường của Việt Nam về những nguyên tắc, giá trị phổ quát mà Việt Nam ủng hộ. Đồng thời, tranh thủ nguồn tri thức từ các cơ chế, diễn đàn đa phương để nắm bắt xu hướng chuyển dịch địa - kinh tế toàn cầu, từ đó có những điều chỉnh chính sách kịp thời và phù hợp./.
-------------------
(1) Blackwill and Harris: War by Other Means: Geoeconomics and Statecraft (Tạm dịch: Chiến tranh bằng các phương thức khác: Địa kinh tế và Nghệ thuật quản trị quốc gia), Belknap Press, Massachusetts, tr. 20
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 105
(3) WEF: “China to leapfrog U.S. as world’s biggest economy by 2028 - think tank” (Tạm dịch: Trung Quốc sẽ nhảy vọt vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất vào năm 2028 - theo cơ quan tham mưu chính sách), https://www.weforum.org/agenda/2021/01/china-worlds-biggest-economy-usa-think-tank-covid-coronavirus, ngày 11-1-2021.
(4) Iori Kawate and Ryohei Yasoshima: “China’s overtaking of U.S. economy delayed to 2033, report says” (Tạm dịch: Theo một báo cáo, mốc kinh tế Trung Quốc vượt kinh tế Mỹ lùi lại tới năm 2033), https://asia.nikkei.com/Economy/China-s-overtaking-of-U.S.-economy-delayed-to-2033-report-says, ngày 15-12-2021.
(5) Knoema: “GDP Forecast by Country, Statistics from IMF, 2021 - 2025” (Tạm dịch: Dự báo GDP theo từng quốc gia, số liệu của IMF, giai đoạn 2021 - 2025), https://knoema.com/tbocwag/gdp-forecast-by-country-statistics-from-imf-2021-2025
(6) Các doanh nghiệp này không chỉ nắm giữ các nền tảng công nghệ lớn, mà còn thu thập một khối lượng thông tin lớn về hành vi của người bán và người mua. Do đó, các tập đoàn công nghệ có thể nắm vai trò độc quyền chi phối sự vận hành của một phần lớn nền kinh tế.
(7) Pete Swabey - Martín Harracá: “Digital power: How Big Tech draws its influence” (Tạm dịch: Quyền lực số: Các tập đoàn công nghệ lớn có ảnh hưởng như thế nào), Tech Monitor, https://techmonitor.ai/boardroom/power-of-tech-companies, ngày 31-12-2021.
(8) UNCTAD: “Digital Economy Report 2021” (Tạm dịch: Báo cáo Kinh tế số năm 2021), https://unctad.org/system/files/official-document/der2021_en.pdf, 2021.
(9) UK COP26: “COP26 World Leaders Summit - Presidency Summary” (Tạm dịch: Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới COP26 - Báo cáo tóm tắt của Chủ tịch), https://ukcop26.org/cop26-world-leaders-summit-presidency-summary/, ngày 3-11-2021.
(10) Josep Borrell: “Why European strategic autonomy matters” (Tạm dịch: Tại sao sự tự chủ chiến lược của châu Âu lại quan trọng?), European External Action Service blog, https://eeas.europa.eu/headquarters/headquarters-homepage/89865/why-european-strategic-autonomy-matters_%20en, ngày 3-12-2020.
(11) Vũ Lê Thái Hoàng - Lê Trung Kiên: “Cơ chế hợp tác nhóm: Thực tiễn quốc tế và hàm ý chính sách đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 975, tháng 10-2021, tr. 106
(12) Philip Stephens: “The great middle class power grab” (Tạm dịch: Tầng lớp trung lưu nắm lấy quyền lực lớn) Financial Times, https://www.ft.com/content/5b052b1a-8ec0-11e1-ac13-00144feab49a, truy cập ngày 22-7-2021.
(13) Oxfam: “The Commitment to Reducing Inequality Index 2020” (Tạm dịch: Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng năm 2020), https://oxfamilibrary.openrepository.com/bitstream/handle/10546/621061/rr-fighting-inequality-covid-19-cri-index-081020-en.pdf, 2020.
Chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới  (16/06/2022)
Tỉnh Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả, phát huy thế mạnh trong hội nhập kinh tế quốc tế  (23/12/2021)
Tăng cường phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước trước yêu cầu hội nhập quốc tế  (13/12/2021)
Hà Nội tăng cường chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hội nhập quốc tế  (02/11/2021)
Hoạt động đối ngoại của Thủ đô Hà Nội thời kỳ hội nhập toàn cầu  (29/10/2021)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên