Chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới
TCCS - Trước xu thế mới của thời đại, kinh tế đối ngoại ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế toàn cầu cũng như tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế đối ngoại đã phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo đà phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Về kinh tế đối ngoại
Kinh tế đối ngoại là một trong những bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc gia; là toàn bộ các quan hệ về kinh tế, tài chính, khoa học - kỹ thuật, công nghệ của quốc gia này với các quốc gia khác hoặc với các tổ chức kinh tế quốc tế trên thế giới, được thực hiện dưới nhiều hình thức, hình thành và phát triển trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động quốc tế. Sự phát triển của kinh tế đối ngoại được coi là một trong những khâu quan trọng của nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành động lực tăng trưởng cho kinh tế quốc gia.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trở thành một xu thế tất yếu, các quốc gia, dân tộc trên thế giới muốn vươn lên khẳng định vị thế của mình đều phải tập trung phát triển kinh tế; muốn thực hiện mục tiêu đó phải kết hợp sức mạnh nội tại với sức mạnh bên ngoài, nhất là về vốn, khoa học, công nghệ, trình độ quản lý... Để hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế quốc tế, tất yếu phải đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại. Vai trò cơ bản của kinh tế đối ngoại được thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế đối ngoại góp phần đẩy mạnh quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế nhằm phát huy nội lực quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh cũng như vị thế về chính trị - ngoại giao của một quốc gia, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Hoạt động kinh tế đối ngoại góp phần mở rộng và đưa quan hệ kinh tế quốc gia với các nước khác đi vào chiều sâu, tham gia các liên kết kinh tế, các diễn đàn đa phương quốc tế nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế của đất nước.
Thứ hai, phát triển kinh tế đối ngoại góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và viện trợ phát triển chính thức (ODA), trao đổi kinh nghiệm xây dựng, chuyển giao công nghệ và phát huy các tiềm lực của mỗi nước. Thông qua các hoạt động kinh tế đối ngoại, chính phủ các nước đẩy mạnh xây dựng chiến lược ngoại giao kinh tế ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, kết cấu hạ tầng kinh tế,... nhằm tạo hành lang pháp lý, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn để thu hút và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như đa phương ổn định, lâu dài. Trên cơ sở trao đổi và chuyển giao về công nghệ, các nước có thể tiếp cận nền khoa học tiên tiến, trình độ lãnh đạo và quản lý kinh tế hiện đại, nhất là trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Thứ ba, phát triển kinh tế đối ngoại góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều ngành, nghề, việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; thúc đẩy xuất khẩu lao động, phát triển nền công nghiệp du lịch, công nghiệp quốc phòng, nhằm bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự xã hội và an sinh xã hội đối với người dân.
Thứ tư, phát triển kinh tế đối ngoại góp phần nối liền sản xuất, bảo đảm lưu thông trong nền kinh tế một cách bền vững, bảo đảm trao đổi trong nước với sản xuất và trao đổi quốc tế, cân bằng xuất - nhập khẩu, bảo đảm tính liền mạch của thị trường trong nước với thị trường thế giới và khu vực. Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại thúc đẩy quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế; là phương thức hữu hiệu và cầu nối quan trọng trong việc đưa hàng hóa của các quốc gia thâm nhập vào thị trường nước ngoài; là điều kiện quan trọng để quốc gia tiếp cận và hợp tác với các quốc gia khác cũng như nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, qua đó nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế mỗi nước, thúc đẩy thị trường trong nước tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam qua hơn 35 năm đổi mới
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Việt Nam luôn thực hiện đường lối đối ngoại và kinh tế đối ngoại linh hoạt, sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Trong giai đoạn từ năm 1945 - 1986, hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam chủ yếu diễn ra trong khối các nước xã hội chủ nghĩa trên tinh thần viện trợ dựa theo nguyên tắc hàng đổi hàng; quan hệ kinh tế với các nước tư bản chủ nghĩa, các nước không thuộc khối xã hội chủ nghĩa rất hạn chế do ý thức hệ và chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trên cơ sở phân tích đúng tình hình và xu thế quốc tế, đánh giá sát tình hình trong nước, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đi đến một quyết định có ý nghĩa lịch sử là tiến hành đổi mới đất nước một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống, mà trước hết là đổi mới về kinh tế; trong đó, đưa ra quan điểm đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới về chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, xác định vai trò và vị trí quan trọng của hoạt động kinh tế đối ngoại trong nền kinh tế quốc dân. Đại hội VI của Đảng chỉ rõ: “Nhiệm vụ ổn định và phát triển kinh tế trong những chặng đường đầu tiên cũng như sự nghiệp phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của nước ta tiến hành nhanh hay chậm, điều đó phụ thuộc một phần quan trọng vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại”(1). Đại hội chủ trương “tích cực phát triển quan hệ kinh tế và khoa học, kỹ thuật với các nước khác, với các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi”(2); đồng thời khẳng định, xuất khẩu là mũi nhọn, có ý nghĩa quyết định đối với nhiều mục tiêu kinh tế trong giai đoạn 1986 - 1990 và là khâu chủ yếu của toàn bộ các quan hệ kinh tế đối ngoại. Đây là một chủ trương mới về kinh tế đối ngoại, là cơ sở quan trọng cho những chính sách kinh tế tiếp theo của Đảng ta.
Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) diễn ra vào khoảng thời gian Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng, để phá thế bị bao vây, cấm vận và phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại, Đảng ta chủ trương gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, “mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi”(3). Chủ trương này đánh dấu bước ngoặt quan trọng khởi đầu cho tiến trình tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình phân công lao động và quan hệ kinh tế quốc tế của nước ta.
Năm 1996, sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề và điều kiện để bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính Đông Á (1997 - 1998) đã tác động đến nhiều nước, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, nhất là về thương mại và thu hút FDI. Kiên định chủ trương tăng cường mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đại hội VIII của Đảng (tháng 7-1996) đã quyết định đẩy nhanh quá trình hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII (ngày 29-12-1997) về kinh tế đối ngoại đã nêu nguyên tắc hội nhập quốc tế của Việt Nam là “tích cực và chủ động thâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế”; nhấn mạnh nhiệm vụ “chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cán bộ, luật pháp và nhất là về những sản phẩm mà chúng ta có khả năng cạnh tranh để hội nhập thị trường khu vực và thị trường quốc tế”, đồng thời “tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO. Có kế hoạch cụ thể để chủ động thực hiện cam kết trong khuôn khổ AFTA”(4). Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, nền kinh tế nước ta đã ra khỏi khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức trên 7%/năm. Thành tựu đó đã khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng ta về hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Tiếp tục lộ trình hội nhập khu vực và thế giới, trong giai đoạn này, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) với tư cách là một trong 25 thành viên sáng lập (năm 1996), chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11-1998, ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tại Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta chủ trương tiếp tục chính sách mở cửa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực chuẩn bị các điều kiện về kinh tế, thể chế, cán bộ... để thực hiện thành công quá trình hội nhập trên cơ sở phát huy nội lực, bảo đảm độc lập, tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi. Đại hội khẳng định: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”(5); đồng thời, “khẩn trương xây dựng và thực hiện kế hoạch hội nhập quốc tế với lộ trình hợp lý và chương trình hành động cụ thể”. Để cụ thể hóa chủ trương này, tháng 11-2001, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW, về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó nêu rõ mục tiêu, các quan điểm chỉ đạo cũng như những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực. Nghị quyết đóng vai trò rất quan trọng, là kim chỉ nam hướng dẫn thống nhất về mặt nhận thức và hành động trong khi còn nhiều ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ thực tế đất nước và những thành tựu đạt được sau 20 năm đổi mới về kinh tế đối ngoại, Đại hội X của Đảng (năm 2006) tiếp tục nhấn mạnh chủ trương “đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất”(6); đồng thời, khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”(7). Mục tiêu cụ thể được đặt ra lúc này là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, đến tháng 11-2006, sau hơn 10 năm đàm phán, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế, mở ra nhiều thuận lợi cho đất nước, phát triển thương mại, tranh thủ đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế.
Nhằm tạo ra bước ngoặt về hội nhập kinh tế và kinh tế đối ngoại, Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục chủ trương “đưa các quan hệ quốc tế của đất nước đi vào chiều sâu trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực và bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế”(8). Đại hội XII của Đảng (năm 2016) bổ sung và hoàn thiện quan điểm về kinh tế đối ngoại: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”(9), thống nhất “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội nêu các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển trong thời kỳ mới là: “Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và chủ động, tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực để mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển”(10). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) đưa ra định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó nhấn mạnh “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”(11). “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn”(12).
Trên cơ sở nhất quán chủ trương đẩy mạnh kinh tế đối ngoại nói riêng và kinh tế quốc tế nói chung, đồng thời linh hoạt, chủ động trong từng giai đoạn, kinh tế đối ngoại của Việt Nam sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, trong đó có 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế, ký kết hơn 90 hiệp định thương mại (FTA) song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đang đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA(13). Theo số liệu thống kê năm 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), trong giai đoạn từ năm 1986 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt bình quân 6,44%, cao hơn mức trung bình của thế giới (2,92%) và của khu vực kinh tế năng động là Đông Á và Thái Bình Dương (4,82%); quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 271,1 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 1986; chất lượng tăng trưởng được cải thiện với năng suất lao động tăng gấp 5 lần so với năm 2006. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD vào năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm được giữ ở mức thấp và có xu hướng giảm dần. Lạm phát được duy trì ở mức có thể kiểm soát được và thấp trong những năm gần đây; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Từ nền kinh tế với tỷ trọng chủ yếu là nông nghiệp vào những năm 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế hiện nay đã dựa nhiều hơn vào công nghiệp, xây dựng và dịch vụ với tỷ trọng của các khu vực này trong GDP chiếm trên 75%; cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch tương ứng. Xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Các khu vực kinh tế phát triển nhanh và ngày càng đa dạng(14). Tính lũy kế đến ngày 20-11-2021, cả nước có 34.424 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần 405,9 tỷ USD(15). Tổng trị giá xuất - nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 454,58 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt gần 225,2 tỷ USD (tăng 19,8%), tương ứng tăng 37,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020; tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 229,38 tỷ USD (tăng 32,2%), tương ứng tăng 55,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020(16).
Việt Nam chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm tại Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại khu vực và thế giới, như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB), WTO, APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)… Thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tăng cường hợp tác, đối thoại chiến lược và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Có thể thấy, đây là những lợi thế lớn, là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đưa nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, qua đó phát huy bản sắc, gia tăng “sức mạnh mềm” trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đến từ cả trong nước và ngoài nước. Ở trong nước, nhận thức của một bộ phận cán bộ về kinh tế đối ngoại nói riêng và kinh tế quốc tế nói chung vẫn còn hạn chế; công tác phổ biến thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế chưa thật sâu rộng ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và trong cộng đồng doanh nghiệp; ngoại giao đa phương chưa phát huy tối đa các lợi thế, chưa tận dụng tốt các cơ hội để kinh tế nước ta hội nhập quốc tế nhanh và sâu hơn; sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; hiệu quả đầu tư chưa thực sự cao như mong muốn; vốn vay nước ngoài giải ngân chậm, sử dụng còn dàn trải, lãng phí; sự kết nối trong chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, xuất - nhập khẩu tăng nhanh nhưng giá trị gia tăng còn thấp; việc bảo vệ thị trường trong nước, phòng ngừa, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế còn bất cập. Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan; luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn; hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và sự phụ thuộc của các nước đang phát triển, nước nhỏ vào nước lớn có xu hướng gia tăng; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ chưa từng có, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực; các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống (xung đột vũ trang, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, hoạt động khủng bố…) nổi lên với ý nghĩa vừa là mối đe dọa chung đối với loài người và khuyến khích nỗ lực hợp tác tập thể, vừa là phương tiện để nhiều quốc gia tranh thủ nhằm làm suy giảm vai trò của nhau… Tất cả những điều này đã tác động mạnh mẽ, đa chiều đến mọi mặt đời sống xã hội nói chung, hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam nói riêng.
Một số giải pháp phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam
Bối cảnh trên đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, đòi hỏi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đội ngũ cán bộ liên quan đến kinh tế đối ngoại và cộng đồng doanh nghiệp về chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại, nhất là về những diễn biến mới, thách thức mới và các cách thức ứng phó. Tập trung phổ biến về các luật liên quan đến kinh tế đối ngoại, các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, của các sở, ban, ngành địa phương về phát triển kinh tế đối ngoại, các vấn đề về bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, định hướng phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh…
Thứ hai, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất, xuất - nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động. Từ đó, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ ba, chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, gắn chặt với lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời tích cực đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước. Tập trung xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, điện tử) và hình thành các doanh nghiệp công nghiệp mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Chú trọng phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế, như công nghệ xanh, các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới, công nghiệp sinh hóa và dược phẩm…
Thứ tư, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể; đồng thời, chú trọng giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích của các nước khác trong quan hệ kinh tế đối ngoại; tăng cường bảo đảm an ninh kinh tế đối ngoại, nhất là trong lựa chọn, thu hút FDI ở các ngành mang tính chiến lược, nền tảng và trong thực thi các cam kết của các FTA thế hệ mới.
Thứ năm, đầu tư mạnh vào “nguồn vốn” con người để có được những thế hệ công dân Việt Nam giàu trí tuệ, bản lĩnh, giỏi ngoại ngữ, có kiến thức về kinh tế quốc tế, kỹ thuật đàm phán quốc tế, luật quốc tế, khoa học - công nghệ tiên tiến… thông qua việc tiếp tục cử cán bộ đi học các lớp ngắn hạn ở cả trong nước và ngoài nước. Bên cạnh việc cải cách, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo các chuyên ngành kinh tế quốc tế cũng hết sức cần thiết./.
-------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 81, 217
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 119
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 60
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 120
(6), (7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 39 - 40, 112
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 46
(9), (10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 108, 314
(11), (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 117 - 118, 135
(13) Xem: “WTO - FTA: FTA Australia tại Việt Nam: Diễn tiến tình hình FDI của Việt Nam qua các năm”, ngày 5-1-2022, Trang thông tin điện tử Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ngày 19-8-2021, https://trungtamwto.vn/chuyen-de/19861-fdi-australia-tai-viet-nam-dien-tien-tinh-hinh-fdi-cua-viet-nam-qua-cac-nam
(14) Xem: Nguyễn Hồng Sơn: “Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - Sự đột phá về lý luận và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-3-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/xay-dung-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-su-dot-pha-ve-ly-luan-va-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-cua-dang-cong-san-viet-nam
(15) Cục Đầu tư nước ngoài: “Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 11 tháng năm 2021”, Trang thông tin điện tử Đầu tư nước ngoài, ngày 30-11-2021, https://fia.mpi.gov.vn/Detail/CatID/457641e2-2605-4632-bbd8-39ee65454a06/NewsID/e3318bbf-41be-42cf-98cb-1f4480fa134f/MenuID#:~:text=T%C3%ADnh%20l%C5%A9y%20k%E1%BA%BF%20%C4%91%E1%BA%BFn%20ng%C3%A0y,%C4%91%C4%83ng%20k%C3%BD%20c%C3%B2n%20hi%E1%BB%87u%20l%E1%BB%B1c.
(16) Xem: Nguyễn Thị Ngát - Lê Thị Thu Hà - Bùi Thị Thanh Huyền: “Phát triển kinh tế đối ngoại trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”, Tạp chí Tài chính điện tử, ngày 6-11-2021, https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/phat-trien-kinh-te-doi-ngoai-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-hien-nay-340853.html
Tỉnh Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả, phát huy thế mạnh trong hội nhập kinh tế quốc tế  (23/12/2021)
Tăng cường phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước trước yêu cầu hội nhập quốc tế  (13/12/2021)
Hà Nội tăng cường chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hội nhập quốc tế  (02/11/2021)
Hoạt động đối ngoại của Thủ đô Hà Nội thời kỳ hội nhập toàn cầu  (29/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển