Hà Nội mở rộng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường hội nhập quốc tế
TCCS - Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tính đến tháng 12-2020, Hà Nội đứng thứ hai toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây cũng là tiền đề để Hà Nội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế Thủ đô, đưa Hà Nội xứng tầm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế và ngoại giao.
Ghi nhận kết quả thu hút đầu tư nước ngoài
Theo số liệu từ Cục thống kê thành phố Hà Nội về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội đứng vị trí thứ hai trên cả nước với 19,42% số lượng dự án, 10,2% vốn đầu tư đăng ký và 8,4% vốn giải ngân so với cả nước. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thực hiện khâu đột phá phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị của Thủ đô. Đặc biệt, thành phố liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 7,5 tỷ USD năm 2018 và 8,6 tỷ USD năm 2019(1).
Ngoài ra, Hà Nội được đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Thành phố không chỉ tập trung xây dựng các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư mà còn đẩy mạnh hoàn thiện các khu công nghiệp, nhất là khu công nghệ cao. Vì vậy, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI đầu tư tại Hà Nội đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng, đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, các tập đoàn FDI lớn khẳng định lựa chọn Hà Nội là nơi để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong năm 2020, các khu công nghiệp tại Hà Nội đã thu hút đầu tư được 11 dự án mới với vốn đăng ký là 32,8 triệu USD và 144,4 tỷ đồng; 21 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký là 72,9 triệu USD và 147 tỷ đồng2. Tổng mức thu hút đầu tư đạt 118,2 triệu USD quy đổi. Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng đặt chỉ tiêu tổng vốn thu hút đầu tư đạt khoảng 300 triệu USD trong năm 2021(2).
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới do dịch bệnh COVID-19, Hà Nội tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà thành phố đặt ra trong năm 2021. Sức bật của kinh tế Thủ đô sau ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 được thể hiện rõ nét qua kết quả tăng trưởng 5 tháng đầu năm 2021. Thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố đạt 591,7 triệu USD. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách trong 5 tháng đầu năm 2021 cũng đạt 4.780 tỷ đồng với 35 dự án(3). Những thành quả tích cực này đạt được là nhờ các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế cũng như xây dựng các kịch bản chi tiết đối với từng khu vực. Bên cạnh đó, thành phố kịp thời đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tìm cách hỗ trợ nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Ðây là nền tảng quan trọng để thành phố đạt mục tiêu cao hơn trong năm 2022.
Tích cực hội nhập quốc tế
Mang trong mình tầm vóc của Thủ đô, Hà Nội đã hòa mình vào dòng chảy của thời đại khi xu hướng toàn cầu là hội nhập quốc tế và hợp tác đa phương. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Hà Nội tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị, góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài. Hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế cũng được thành phố tích cực mở rộng, nâng cao hiệu quả trong năm năm qua. Các sự kiện quốc tế lớn được Hà Nội tổ chức thành công như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (tháng 2-2019), hay gần đây là Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” - hội nghị có ý nghĩa biểu tượng, lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, từ đó khẳng định năng lực, sự tin tưởng, uy tín của Hà Nội trong các sự kiện lớn. Đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn nhờ môi trường hòa bình và ổn định.
Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, đồng thời duy trì vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương. Thành phố đã ký kết 32 thỏa thuận quốc tế(4) trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, quản lý đô thị bền vững, giáo dục - đào tạo, y tế… Hà Nội cũng là nơi thường xuyên thực hiện các cuộc thăm viếng, tiếp đón, làm việc với các đoàn khách quốc tế của lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố.
Bằng cách tiếp tục khai thác các thế mạnh vốn có, Hà Nội tích cực mở rộng các hoạt động hợp tác hữu nghị phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đồng thời tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, hội hữu nghị, tổ chức nhân dân của các nước, góp phần thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch…
Tầm nhìn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025
Về thu hút đầu tư nước ngoài, mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025(5). Trên cơ sở đó, thành phố định hướng thu hút FDI chọn lọc các dự án chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng có tính cạnh tranh cao từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia, đồng thời có những chính sách khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn. Thành phố cũng thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính, ngân hàng… nhằm huy động một cách hiệu quả nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo mô hình tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, thành phố mong muốn các tập đoàn công nghệ lớn sẽ đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hà Nội tương tự như Tập đoàn Samsung; đồng thời, nhấn mạnh hướng đi này có nhiều thuận lợi trong bối cảnh Hà Nội là nơi tập trung 82% trường đại học, 65% cán bộ khoa học cao cấp nhất, 80% tiềm lực nghiên cứu khoa học - công nghệ trọng điểm của cả nước(6).
Về hội nhập quốc tế, năm nhiệm vụ chủ yếu về hội nhập quốc tế được Hà Nội triển khai, đó là: 1- Xây dựng pháp luật, thể chế và cải cách thủ tục hành chính; 2- Thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế; 3- Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh; 4- Hội nhập kinh tế quốc tế; 5- Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác.
Đặc biệt, trong hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025 theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm duy trì và thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo, đánh giá đúng tình hình, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 sẽ được thành phố tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới. Hà Nội cũng thực hiện công bố thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước nhằm công khai minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là cơ sở để thành phố từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài về chiều sâu, xây dựng và triển khai các biện pháp thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào đầu tư, kinh doanh tại Thủ đô; đồng thời, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu. Thành phố cũng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, về đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu, về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việc tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng được Hà Nội triển khai. Đồng thời, thành phố phát triển và lấp đầy các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; phát triển các loại hình phân phối hiện đại và triển khai áp dụng thương mại điện tử, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh, coi trọng phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường.
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, việc tăng cường hợp tác quốc tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nắm bắt được tình hình chung của thế giới, Hà Nội thể hiện vị thế là trung tâm ngoại giao của đất nước khi tăng cường, thúc đẩy hợp tác quốc tế, đồng thời tiếp tục triển khai “mục tiêu kép” một cách hiệu quả. Nhờ sự thúc đẩy hợp tác quốc tế, thành phố góp phần cùng cả nước tiếp nhận sự hỗ trợ vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cũng như công nghệ sản xuất vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các quốc gia trên thế giới. Không chỉ có vậy, Hà Nội cùng các tỉnh, thành trên cả nước phân bổ hợp lý các liều vaccine nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, với thành quả của việc thực hiện “mục tiêu kép”, Hà Nội tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài nhờ bảo đảm được môi trường đầu tư bền vững và đầy triển vọng, đồng thời phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả trên địa bàn thành phố, góp phần ổn định nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ nền kinh tế thế giới đối mặt với sự suy thoái do dịch bệnh COVID-19./.
-----------------
(1) Nguyễn Thu Hương: “Hà Nội được vinh danh là một trong các địa phương tiêu biểu về thu hút FDI”, https://dfa.hanoi.gov.vn/hoat-dong-doi-ngoai/-/view_content/4117735-ha-noi-duoc-vinh-danh-la-mot-trong-cac-dia-phuong-tieu-bieu-ve-thu-hut-fdi.html
(2) Nguyễn Minh: “Hà Nội: Ưu tiên nhà đầu tư FDI lĩnh vực công nghệ cao”, https://thoibaonganhang.vn/ha-noi-uu-tien-nha-dau-tu-fdi-linh-vuc-cong-nghe-cao-113647.html
(3) Hạnh Nguyên: “Hà Nội: Thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đạt 591,7 triệu USD”, https://baodautu.vn/ha-noi-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-5-thang-dat-5917-trieu-usd-d143818.html
(4) Minh Hiếu: “Hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế”, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/979564/hoi-nhap-phat-trien-va-nang-cao-vi-the
(5) Hồng Sơn: “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội: Chọn lọc, nâng chất lượng, hiệu quả”, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/979658/thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-ha-noi-chon-loc-nang-chat-luong-hieu-qua
(6) Nguyễn Thị Tuyết Mai: “Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp”, https://news.vnanet.vn/?created=365%20day&keyword=H%C3%A0%20N%E1%BB%99i&servicecateid=1&scode=1&qcode=17, ngày 19-1-2021
Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại  (15/12/2021)
Tăng cường phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước trước yêu cầu hội nhập quốc tế  (13/12/2021)
Tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp thành phố Hà Nội  (12/12/2021)
Đối ngoại của Hà Nội trong thời kỳ phát triển mới  (05/12/2021)
Công tác đối ngoại nhân dân của Thủ đô Hà Nội: Thực trạng và triển vọng  (02/12/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển