Xây dựng vị thế, thực lực quốc gia tầm trung: Trường hợp của Hàn Quốc
TCCS - Được biết đến là một câu chuyện “kỳ tích sông Hàn” về phát triển kinh tế, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vào những năm 60 của thế kỷ XX đã vươn lên trở thành quốc gia tầm trung. Phát huy vai trò vị thế, thực lực quốc gia, Hàn Quốc tích cực ủng hộ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy các quy chuẩn, luật pháp quốc tế, góp phần hòa giải các cuộc xung đột, bảo đảm môi trường an ninh và hòa bình trên thế giới.
Hiện thực khát vọng quốc gia
Trong nhiều thập niên, với những nỗ lực không ngừng, Hàn Quốc từng bước phát triển thực lực quốc gia nhằm đạt vị thế quốc gia tầm trung trong khu vực và trên thế giới. Nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng, từng là tâm điểm tranh giành lợi ích giữa các nước lớn, như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ, Hàn Quốc vẫn luôn được coi là nhân tố quan trọng trong cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở khu vực của các nước lớn(1).
Về thành tựu kinh tế, là nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á, lớn thứ 10 trên thế giới, GDP danh nghĩa của Hàn Quốc năm 2020 là 1.631 tỷ USD, và ước tính đạt 1.820 tỷ USD trong năm 2021. Nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 1953 (giai đoạn kết thúc chiến tranh) là 64 USD thì đến năm 2020 là 31.489 USD, tức tăng gần 500 lần. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Hàn Quốc trong vòng 40 năm kể từ năm 1961 đến năm 2000 là 7,83%. Chỉ số này từng chạm ngưỡng kỷ lục 14,83% vào năm 1973, 14,54% năm 1969 và 13,12% năm 1976. Ngoài ra, Hàn Quốc còn là quốc gia hàng hải lớn thứ 6 trên thế giới, với phạm vi mở rộng tới hơn 600 cảng trên 150 quốc gia(2).
Trong trao đổi thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng hằng năm trung bình 16% từ năm 1961 đến năm 2019(3). Năm 2010, Hàn Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 7 trên thế giới. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 542,2 tỷ USD(4); năm 2020 là 512,8 tỷ USD(5).
Năm 2019, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc lên tới 408,8 tỷ USD. Tính tới cuối tháng 12-2020, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt 443,1 tỷ USD; đến cuối tháng 11-2021 đạt 463,91 tỷ USD. Theo đó, mức sống của người dân Hàn Quốc được đánh giá là khá cao.
Về dân số, theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, đến năm 2020, dân số Hàn Quốc là 51.269.185 người, đứng thứ 28 trên thế giới(6). Mặc dù dân số của Hàn Quốc không lớn và đang có xu hướng già hóa, song đáng chú ý là, trong giai đoạn 1990 - 2020, theo đánh giá của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chỉ số phát triển con người (HDI) của Hàn Quốc tăng từ 0,732 điểm lên 0,916 điểm, đưa quốc gia này vào vị trí rất cao về chất lượng phát triển con người, xếp thứ 23 trong tổng số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ(7).
Đối với năng lực quốc phòng, Hàn Quốc là quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực này. Ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc liên tục tăng qua các năm, từ khoảng 20 tỷ WON vào năm 2005 lên khoảng 31,4 tỷ WON vào năm 2011. Năm 2018, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Hàn Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ 10 trên thế giới. Chi tiêu quốc phòng của nước này trong năm 2018 là hơn 2% GDP, ngưỡng mà nhiều nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đáp ứng được. Các năm 2019, năm 2020 lần lượt là 46,7 tỷ WON, 50,15 tỷ WON; năm 2021 là 52,8 tỷ WON (8). Bên cạnh đó, Chính phủ nước này xây dựng kế hoạch phát triển nền quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025 với mức đầu tư lên đến 300 tỷ WON (tương đương 270 tỷ USD), trong đó dành 1/3 ngân sách để tăng cường năng lực quốc phòng(9).
Bên cạnh thế mạnh về kinh tế, quốc phòng, Chính phủ Hàn Quốc chú trọng tăng cường “sức mạnh mềm” thông qua truyền bá giá trị văn hóa ở ngoài nước được biết đến là làn sóng Hàn Quốc (Hallyu). Sự ảnh hưởng của Hallyu rất rộng lớn ở phạm vi toàn cầu, nhất là ở châu Á. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các yếu tố tạo nên sức cuốn hút của nền văn hóa Hàn Quốc có thể kể đến trong lĩnh vực thời trang, phim ảnh, ẩm thực, âm nhạc...(10) cùng với đó là giá trị văn hóa truyền thống đã tạo nên thế mạnh đối với quốc gia này.
Như vậy, nắm giữ vị trí địa - chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á, với một nền kinh tế phát triển, đứng trong hàng ngũ Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20) và OECD, có tiềm lực quốc phòng vững chắc, cùng với sự lan tỏa mạnh mẽ về làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên thế giới, Hàn Quốc có được sức mạnh quốc gia tương đối cao. Đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng để Hàn Quốc trở thành quốc gia tầm trung. Trên cơ sở đó, nhận thức về sức mạnh quốc gia của mình, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc qua các thời kỳ đã xây dựng quyết tâm chính trị nhằm đưa Hàn Quốc vươn ra thế giới, tiến tới tự định danh và được công nhận vị thế quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế.
Một trong những định hướng quan trọng mà nước này đã tiến hành nhằm có thêm trụ đỡ cho vị thế quốc gia của mình, đó là “ngả về một cực” thông qua một hình thức liên minh, liên kết. Đây cũng là cách thức mà một số quốc gia tầm trung lựa chọn trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong đó Hàn Quốc không phải trường hợp ngoại lệ khi thiết lập quan hệ đồng minh với Mỹ. Với sự trợ giúp của Mỹ, Hàn Quốc có thể tham gia nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế.
Bên cạnh việc thiết lập liên minh với Mỹ, các chính quyền Hàn Quốc cũng đã triển khai chính sách ngoại giao trên nhiều phương diện nhằm đạt được vị thế quốc gia tầm trung. Theo đó, vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, bản sắc quốc gia tầm trung bắt đầu được các lãnh đạo Hàn Quốc đề cập đến trong các định hướng chiến lược. Cụ thể, kể từ năm 1991, Tổng thống Rô The U (Roh Tae-woo) sử dụng thuật ngữ “quyền lực tầm trung” để thể hiện khát vọng vươn lên tầm mức quốc tế của Hàn Quốc. Xuất phát từ quan điểm lịch sử, Hàn Quốc luôn tỏ ra nhạy cảm về vị thế khu vực của mình do trước đây nước này từng bị chiếm đóng trong nửa đầu thế kỷ XX và bị kẹt trong bàn cờ chính trị của các nước lớn vào nửa cuối của thế kỷ XX. Đây là nguyên do tạo động lực thúc đẩy ý chí dân tộc vươn lên để đạt được vị thế trong trật tự quốc tế. Hàn Quốc bắt đầu triển khai chính sách toàn cầu (Segyehwa) dưới thời Tổng thống Kim Y-ung Sam (Kim Young-sam) năm 1994, do nhận thức rằng nền kinh tế đang tăng trưởng của mình cần có một chính sách đối ngoại toàn cầu song hành. Điển hình trong thời gian này là việc Hàn Quốc đóng vai trò đi đầu trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Khát vọng của Hàn Quốc trong việc nâng cao vị thế của mình như một quốc gia tầm trung trên thế giới đã được hiện thực hóa dưới thời kỳ Tổng thống Kim Tê Chung (Kim Dae-jung, 1998 - 2003). Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Kim Tê Chung, nền kinh tế Hàn Quốc đã phục hồi thành công sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Đây là cơ hội để nâng cao vị thế quốc tế của Hàn Quốc bằng cách đóng vai trò quan trọng hơn với tư cách là một “người chơi” trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, Tổng thống Kim Tê Chung đã đề xuất thành lập Nhóm Tầm nhìn Đông Á trong Hội nghị ASEAN+3 vào năm 1998, nhằm thể chế hóa quá trình hợp tác Đông Á. Tổng thống Kim Tê Chung cũng khởi xướng “Chính sách Ánh Dương” năm 1998, qua đó chính sách đối ngoại của Hàn Quốc áp dụng một chiến lược hòa dịu hơn đối với CHDCND Triều Tiên, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia cũng như góp phần ổn định tình hình an ninh khu vực - một trong những chính sách đặc thù của quốc gia tầm trung.
Dưới thời kỳ Tổng thống Rô Mu Hiên (Roh Moo-hyun, 2003 - 2008), việc khẳng định địa vị quốc gia tầm trung tiếp tục là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Tầm nhìn của Tổng thống Rô Mu Hiên đối với vai trò lãnh đạo khu vực của Hàn Quốc có thể được coi là sự tiếp nối tầm nhìn của chính quyền cựu Tổng thống Kim Tê Chung. Tuy nhiên, Tổng thống Rô Mu Hiên đã chọn cách thu hẹp vai trò khu vực của Hàn Quốc ở Đông Bắc Á và trong phạm vi các vấn đề chính trị và an ninh. Tầm nhìn của Tổng thống Rô Mu Hiên về vai trò trung gian của Hàn Quốc trong khu vực chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố, đó là một Trung Quốc đang trỗi dậy, một CHDCND Triều Tiên theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Tổng thống Rô Mu Hiên nêu rõ trọng tâm nâng cao vị thế quốc gia tầm trung của Hàn Quốc như một “người cân bằng” khu vực (gyunhyungja-ron) nhằm đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm kinh tế và chính trị ở khu vực Đông Bắc Á. Ngoài ra, Tổng thống Rô Mu Hiên cũng nhắm đến việc thực hiện vai trò “cầu nối” bằng nỗ lực làm trung gian hòa giải trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, giảm bớt sự nghi kỵ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giảm bớt những tác động từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong khu vực.
Đến thời kỳ của Tổng thống Ly Miêng Pắc (Lee Myung-bak, 2008 - 2013), Hàn Quốc ưu tiên thực hiện vai trò lớn hơn ở cấp độ toàn cầu. Tổng thống Ly Miêng Pắc tuyên bố tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 9-2009) rằng: “Chúng tôi phấn đấu trở thành một “Hàn Quốc toàn cầu”, hài hòa lợi ích của chúng tôi với những nước khác và làm cho hạnh phúc của chúng tôi cũng góp phần vào sự thịnh vượng của nhân loại”(11). Trong nhiệm kỳ Tổng thống Ly Miêng Pắc, Hàn Quốc đã tổ chức một số hội nghị mang tính toàn cầu với những đóng góp quan trọng, như: Hội nghị thượng đỉnh G20 (năm 2010), Diễn đàn cấp cao lần thứ tư về hiệu quả viện trợ (năm 2011), Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân (năm 2012).
Nhiệm kỳ của Tổng thống Pác Cưn Hi (Park Geun-hye) diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc phải đối mặt với căng thẳng gia tăng ở khu vực Đông Bắc Á. Do vậy, Chính phủ của Tổng thống Pác Cưn Hi theo đuổi “Sáng kiến hòa bình và hợp tác Đông Bắc Á” (NAPCI) nhằm tăng cường vai trò của Hàn Quốc trong việc xây dựng sự tin cậy giữa các quốc gia và thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên hợp tác. Bằng cách tập trung cơ chế hợp tác thông qua đối thoại đa phương, NAPCI phát huy hiệu quả trong các mục tiêu theo đuổi hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực Đông Á, tìm kiếm một khuôn khổ an ninh tập thể phù hợp với tầm nhìn về một cộng đồng khu vực, còn được gọi là “Châu Á mới”.
Có thể thấy, lịch sử phát triển của Hàn Quốc đã thể hiện rõ nhận thức trong việc tự định danh tầm mức quốc gia tầm trung của mình. Những chính sách dưới các thời kỳ tổng thống Hàn Quốc đã mang đậm nét những đặc thù quốc gia tầm trung, đó là: 1- Vai trò “cầu nối” giúp các nước lớn giảm sự nghi kỵ chiến lược; 2- Vai trò “trung gian hòa giải”, tham gia xây dựng cơ chế giải quyết xung đột; 3- Ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tham gia các thể chế quốc tế; 4- Ủng hộ và phổ biến các quy chuẩn quốc tế; 5- Tham gia kiến tạo hòa bình, bảo đảm an ninh khu vực và quốc tế(12). Đây là cơ sở chính sách giúp Hàn Quốc triển khai những hành động cụ thể qua các thời kỳ cho đến nay.
Khẳng định vai trò, vị thế quốc gia tầm trung
Trong những năm qua, Hàn Quốc đã tích cực triển khai những chính sách ngoại giao nhằm ngày càng khẳng định vị thế quốc gia tầm trung của mình.
Một là, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, đề cao các sáng kiến.
Qua các thời kỳ, ngoại giao đa phương được coi như một “trụ cột” chiến lược giúp thúc đẩy lợi ích quốc gia và xây dựng bản sắc quốc gia tầm trung của Hàn Quốc. Không quá dựa vào “sức mạnh cứng” như các nước lớn, Hàn Quốc chú trọng xây dựng hình ảnh “công dân toàn cầu tốt” với việc chủ động thúc đẩy các thể chế đa phương, đóng góp các ý tưởng và nguồn lực trong kiến tạo hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Ở tầm mức khu vực, thể chế hóa hợp tác khu vực thông qua con đường đa phương là cách tiếp cận xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Có thể kể đến các khuôn khổ hợp tác khu vực do các đời tổng thống Hàn Quốc khởi xướng nhằm tìm kiếm và hiện thực hóa những biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á, tiêu biểu như đề xuất của Tổng thống Rô Thê U (Roh Tae-woo) về Hội nghị Tham vấn vì hòa bình ở Đông Bắc Á (năm 1988), Đối thoại An ninh Đông Bắc Á (NEASED) do Tổng thống Kim Y-ung Sam đề xuất năm 1994, ý tưởng của Tổng thống Kim Tê Chung về một “Cộng đồng Đông Á” (năm 1998), “Sáng kiến hợp tác Đông Bắc Á” (NEACI) của Tổng thống Rô Mu Hiên (năm 2003), “Sáng kiến châu Á mới” của Tổng thống Ly Miêng Pắc (năm 2009), “Sáng kiến Hòa bình và hợp tác Đông Bắc Á” (NAPCI) của Tổng thống Pác Cưn Hi (năm 2014), và chiến lược thúc đẩy “Cộng đồng Đông Bắc Á mở rộng cùng chia sẻ trách nhiệm” (NEAPC) của Tổng thống Mun Che In (Moon Jae-in) hiện nay, dựa trên hai trụ cột là “hòa bình” (Peaceful Korean Peninsula) và “thịnh vượng” (New Economic Map), với mục tiêu xây dựng một nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên(13).
Bên cạnh đó, ở Đông Nam Á, Hàn Quốc rất tích cực ủng hộ các sáng kiến hợp tác đa phương do ASEAN dẫn dắt hoặc tham gia, như Cộng đồng ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công. Dưới thời kỳ Tổng thống Mun Chê In, chính sách đối với Đông Nam Á còn trở thành một trụ cột trong “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc. Tại Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN+3 được tổ chức trực tuyến ở Xê-un, Hàn Quốc (tháng 6-2021) trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ sự ủng hộ sáng kiến thành lập Quỹ ứng phó COVID-19 và Kho dự trữ vật tư y tế của các nước ASEAN, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực để nâng cao năng lực y tế. Về hợp tác vắc-xin, Hàn Quốc đẩy mạnh cơ chế chia sẻ vắc-xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho các nước đang phát triển, nhất là ở Đông Nam Á.
Ở tầm mức toàn cầu, có thể thấy rõ nhất việc Hàn Quốc gia nhập Liên hợp quốc với những đóng góp đáng kể thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ phát triển và thúc đẩy quyền con người. Vai trò và ảnh hưởng của Hàn Quốc cũng được thể hiện qua quá trình đưa ra quyết sách của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong các giai đoạn nước này đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (1996 - 1997, 2013 - 2014).
Trên cơ sở ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, quốc tế giúp Hàn Quốc khẳng định vai trò chính trị mang tính kết nối và kiến tạo. Mới đây, nhằm tiếp tục thúc đẩy ngoại giao đa phương, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến tăng ngân sách cho ngoại giao đa phương từ 1,3 tỷ WON (1,12 triệu USD) năm 2021 lên 2,3 tỷ WON (1,99 triệu USD) vào năm 2022, nhằm tăng cường hợp tác trong các nhóm G7, G20, APEC.
Hai là, thúc đẩy ngoại giao chuyên biệt.
Sau khi chuyển đổi sang nền dân chủ từ thời kỳ Tổng thống Rô Thê U (năm 1987), Hàn Quốc nỗ lực định vị vai trò quốc gia trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Tầm nhìn này mang tính xuyên suốt trong việc ủng hộ chủ nghĩa đa phương thông qua hành động ở những lĩnh vực ngoại giao chuyên biệt (niche diplomacy), giúp Hàn Quốc thể hiện là một công dân toàn cầu có trách nhiệm. Đặc biệt nhiệm kỳ của Tổng thống Hàn Quốc Ly Miêng Pắc được cho là đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong các ưu tiên về đối ngoại. Tổng thống Ly Miêng Pắc chủ trương thúc đẩy hồ sơ quốc tế và vai trò lãnh đạo của Hàn Quốc thông qua chiến lược “Hàn Quốc toàn cầu”, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực hợp tác phát triển quốc tế.
Trên thực tế, vai trò của Hàn Quốc ngày càng được khẳng định trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác phát triển quốc tế. Nhìn lại lịch sử, trước đây, Hàn Quốc vốn là một quốc gia phải tiếp nhận viện trợ vào những năm 60, song đến những năm 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc không còn là nước tiếp nhận viện trợ, trở thành hình mẫu thành công về phát triển kinh tế thần kỳ đối với các nước đang phát triển. Kể từ năm 2007, Hàn Quốc bắt đầu tăng cường các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước kém phát triển, đi đầu trong việc thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý về kiểm soát hiệu quả của các chính sách và chiến lược ODA. Năm 2010, Hàn Quốc tham gia Ủy ban Hỗ trợ phát triển của OECD. Năm 2011, Diễn đàn cấp cao lần thứ 4 về hiệu quả viện trợ được tổ chức tại Bu-san, Hàn Quốc. Đây là diễn đàn hàng đầu thế giới về hợp tác phát triển. Diễn đàn được tổ chức tại Hàn Quốc thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế khi đánh giá Hàn Quốc là một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển và hợp tác quốc tế. Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ phát triển quốc tế của Hàn Quốc tăng theo các năm: năm 2017 là 2,226 tỷ USD, năm 2018 là 2,355 tỷ USD, năm 2019 là 2,909 tỷ USD và năm 2020 là 3,115 tỷ USD(14). Dự kiến ngân sách năm 2022 sẽ dành 3.002,3 tỷ WON (2,59 tỷ USD), tăng 5,7% so với năm 2021 cho hỗ trợ phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang khiến tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới giảm sút nghiêm trọng, nhất là các nước kém phát triển, ngân sách Hàn Quốc dành cho dự án hỗ trợ nhân đạo sẽ tăng gấp đôi so với năm 2021, lên 236,6 tỷ WON (204,5 triệu USD), trong đó có cam kết đóng góp 100 triệu USD cho COVAX AMC(15) để cung cấp vắc-xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho các nước đang phát triển.
Bên cạnh việc phát huy vai trò quốc gia tầm trung trong hỗ trợ phát triển quốc tế, Hàn Quốc cũng tăng cường thế mạnh trong việc dẫn đầu các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua tổ chức hàng loạt hội nghị quốc tế cấp cao liên quan, thúc đẩy chủ đề tăng trưởng xanh tại các diễn đàn quốc tế. Tại Diễn đàn Khí hậu Đông Á năm 2010, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc tế vì tăng trưởng xanh, Hàn Quốc đã đưa ra sáng kiến thành lập Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), sau này trở thành một tổ chức quốc tế, nhằm thực hiện nghiên cứu về chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp. Năm 2012, Hàn Quốc đăng cai Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Đây là cơ hội để Hàn Quốc kết nối các nước phát triển và các nước đang phát triển trong việc cung cấp một diễn đàn đối thoại và đồng thuận về tài trợ khí hậu, theo đó, kêu gọi các nước phát triển đóng góp vào quỹ để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng nghiêm trọng. Tháng 5-2021, Hàn Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh “Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030” (P4G) lần thứ hai. Hội nghị đã ra Tuyên bố Xê-un được xem như một đỉnh cao về “tính bao trùm” trong nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc. Tuyên bố Xê-un nhấn mạnh đến cam kết nỗ lực đạt được trung lập các-bon thông qua “phục hồi xanh toàn diện” trong bối cảnh đại dịch COVID-19(16).
Có thể thấy, ngoại giao chuyên biệt của Hàn Quốc đã đi đúng hướng, thể hiện được vai trò là người đi đầu, người bắc cầu, người điều phối liên kết và người phổ biến quy chuẩn trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển quốc tế và môi trường, để từ đó có thể tham gia rộng rãi vào quản trị toàn cầu.
Ba là, tham gia quản trị toàn cầu, xây dựng hình ảnh “công dân toàn cầu tốt”.
Tham gia quản trị toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên không thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2010. Thông qua Hội nghị này, Hàn Quốc đã có sự đóng góp khi đạt được “Đồng thuận phát triển Xê-un về tăng trưởng chung” và “Kế hoạch hành động nhiều năm vì sự phát triển”, đặt nền tảng cho các nước đang phát triển đạt được tăng trưởng bền vững thông qua xây dựng năng lực. Đây là một bước đi quan trọng đối với Hàn Quốc trong việc tăng cường vai trò quốc gia tầm trung trong hợp tác quốc tế, góp phần vì sự đồng thuận toàn cầu về phát triển.
Trong vai trò “công dân toàn cầu tốt”, Hàn Quốc có sự đóng góp đáng kể trong sứ mệnh kiến tạo hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện trách nhiệm trong các hành động cụ thể. Đơn cử như, Hàn Quốc tham gia tích cực các nỗ lực quốc tế về giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân trên cơ sở tuân thủ các điều ước quốc tế. Năm 2012, nước này đăng cai Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân lần thứ hai với việc mở rộng chương trình nghị sự về các chủ đề, như khủng bố phóng xạ, an toàn hạt nhân và an ninh phóng xạ...
Sự đóng góp của Hàn Quốc còn được thúc đẩy với việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (PKO) và các hoạt động hợp tác quân sự quốc tế. Có thể kể đến sự có mặt của binh sĩ Hàn Quốc trong các sứ mệnh PKO tại Xô-ma-li (UNOSOM II) năm 1993, tại miền Tây Xa-ha-ra (MINURSO) năm 1994, Ăng-gô-la (UNAVEM III) năm 1995, Đông Ti-mo (UNMET) năm 1999. Năm 2007, Hàn Quốc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Li-băng (UNIFIL)... Các sứ mệnh PKO của Hàn Quốc cũng được triển khai trong công tác cứu trợ thảm họa và nhân đạo quốc tế ở Hai-i-ti (năm 2010), hỗ trợ tái thiết tại Nam Xu-đăng (năm 2013). Trong giai đoạn 2010 - 2013, Hàn Quốc tham gia Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế, thành lập nhóm tái thiết tại Áp-ga-ni-xtan để giúp xây dựng năng lực của chính quyền nước này trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển nông thôn và quản trị. Hàn Quốc cam kết tiếp tục ủng hộ kinh phí cho Quỹ đa phương hỗ trợ tái thiết các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan cho đến năm 2024(17).
Tóm lại, có thể thấy trong thời gian qua, Hàn Quốc đã thành công trong việc xây dựng, khẳng định vị thế quốc gia tầm trung. Từ ý thức tự định danh, tự định vị tầm cỡ quốc gia để đạt được khát vọng vươn lên, nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, Hàn Quốc triển khai những chính sách đối ngoại xứng tầm quốc gia tầm trung, ngày càng khẳng định vai trò trong quản trị toàn cầu, đạt được tiếng nói có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới./.
---------------
(1) Hàn Quốc nằm ở vị trí án ngữ ở biển Hoàng Hải, biển Nhật Bản và eo biển Triều Tiên, nơi các nước lớn muốn tranh giành nhằm kiểm soát các tuyến đường biển và liên lạc ở khu vực Đông Bắc Á
(2) Nguyễn Kim Tôn: “Nguy cơ đe dọa hàng hải và tham vọng trở thành cường quốc hàng hải trung bình của Hàn Quốc”, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1 (227), tháng 1-2020, tr. 12
(3) The World Bank: “The World Bank In Republic of Korea”, https://www.worldbank.org/en/country/korea/overview
(4) Korea.net: “Kinh tế Hàn Quốc trên thế giới - Kỳ tích sông Hàn”, https://m.korea.net/vietnamese/AboutKorea/Economy/The-Miracle-on-The-Hangang
(5) World’s Top Export: “South Korea’s Top 10 Exports”, https://www.worldstopexports.com/south-koreas-top-10-exports/
(6) Woldometer: “South Korea Population”, https://www.worldometers.info/world-population/south-korea-population/
(7) Human Development Report 2020: “The Next Frontier: Human Development and the Anthropocene”, UNDP, http://hdr.undp.org/sites/all/themes/hdr_theme/country-notes/KOR.pdf
(8) The Korea Herald: “S. Korea’s defense budget rises 5.4 percent to W52.8tr in 2021”, http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20201202001088
(9) Lý Phương Hoa: “Hàn Quốc tăng cường thúc đẩy công nghiệp quốc phòng trong giai đoạn 2021-2025”, https://news.vnanet.vn/?created=365%20day&keyword=H%C3%A0n%20Qu%E1%BB%91c&servicecateid=3&scode=1&qcode=17, ngày 18-11-2020
(10) Xem: Hoàng Minh Lợi: Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á và sự gia tăng quyền lực mềm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr. 53 – 58
(11) Lee Myung-bak: “Keynote Speech at the 64th Session of the General Assembly of the United Nations”, Permanent Mission of the Republic of Korea to the United Nations, ngày 23-9-2009
(12) Chun Chaesung: “East Asian security and South Korea’s middle power diplomacy”, Transforming Global Governance with Middle Power Diplomacy, Palgrave Macmillan, New York, 2016, tr. 15 – 34
(13) Xem: Huỳnh Tâm Sáng: “Chính sách đối ngoại đa phương của Hàn Quốc: Trường hợp quan hệ Hàn Quốc - NATO”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (241), 2021, tr. 33 – 42
(14) El Mostafa Rezrazi & Nouha Benjelloun Andaloussi: “The evolution of South Korea’s ODA strategy: The Moroccan case”, https://www.policycenter.ma/sites/default/files/RP%20-%2020-06%20%28%20Rezrazi%20%26%20Nouha%20%29.pdf, tr. 6
(15) AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp bảo đảm tiếp cận toàn cầu và công bằng với vắc-xin COVID-19
(16) Nguyễn Ngọc Quyên: “P4G tiếp sức cho nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu”, https://news.vnanet.vn/?created=365%20day&keyword=H%C3%A0n%20Qu%E1%BB%91c&scode=1&qcode=17, ngày 1-6-2021
(17) Yonhap News Agency: “S. Korea vows contributions to Afghan support fund until 2024”, http://en.yna.co.kr/view/AEN20201020003900325
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hàn Quốc, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ  (15/12/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc  (15/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác  (28/10/2021)
Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ  (27/10/2021)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên