Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác
TCCS - Ngày 27-10-2021, ngày làm việc thứ hai của chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39 và các hội nghị cấp cao liên quan, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam đã tham dự: Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 24; Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia; Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); Hội nghị cấp cao Đông Á, theo hình thức trực tuyến.
Cùng dự có Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio; Thủ tướng Australia Scott Morrison; Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường; Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cùng lãnh đạo các nước ASEAN.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 24, các nước ASEAN và Nhật Bản đã hoan nghênh những tiến triển trong hợp tác hai bên thời gian qua. Các nước nhất trí, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng và thực chất. Lãnh đạo các nước ASEAN cảm ơn và đánh giá cao Nhật Bản tiếp tục dành nhiều hỗ trợ cho ASEAN ứng phó dịch COVID-19. Với kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 204 tỷ USD, tổng đầu tư Nhật Bản vào ASEAN đạt 8,5 tỷ USD trong năm 2020, ASEAN và Nhật tiếp tục là thị trường sản xuất và đầu tư quan trọng của nhau.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định Nhật Bản coi trọng quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, khẳng định ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng, cam kết tăng cường hợp tác với ASEAN trên tinh thần Tuyên bố chung về hợp tác ASEAN - Nhật Bản và quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) năm 2020. Thủ tướng Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đã cung cấp hơn 16 triệu liều vaccine và viện trợ hơn 32 tỷ yên cho ASEAN, tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể với khoản cho vay trị giá 192 tỷ yên lãi suất thấp nhất, khẳng định hỗ trợ Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED) hoạt động bền vững. Nhật Bản khẳng định cam kết hỗ trợ ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển tiểu vùng nhằm hạn chế các tác động do dịch COVID-19, đầu tư nguồn lực nhiều hơn giúp ASEAN ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững...
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời nhất trí phối hợp bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay.
Trao đổi về tình hình trong khu vực, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh vai trò của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Nhật Bản cũng khẳng định ủng hộ vai trò của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự ủng hộ và hợp tác của các nước đã dành cho Việt Nam trong nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản 2018 - 2021, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, đưa quan hệ hai bên đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hoan nghênh tiến triển tích cực của quan hệ hai bên trong bối cảnh khó khăn hiện nay; đồng thời đề nghị hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh các ưu tiên, hợp tác phối hợp kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, phục hồi hiệu quả và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên cần hợp tác nâng cao năng lực ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh hai bên cần phối hợp chặt chẽ trong phục hồi và ổn định các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh ở khu vực và Việt Nam; đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển đồng đều, bao trùm, bền vững ở các vùng, miền còn kém phát triển, trong đó có tiểu vùng Mê Công thông qua khuôn khổ hợp tác Mê Công - Nhật Bản; tích cực hỗ trợ các nước ASEAN và Việt Nam phát triển hạ tầng chiến lược, phát triển xanh, hợp tác chuyển đổi số, kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin, ứng phó các thách thức nảy sinh nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh sự ủng hộ tích cực của Nhật Bản dành cho ASEAN trong đóng góp gìn giữ ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông thông qua đối thoại, tăng cường lòng tin, thúc đẩy cam kết và hành xử trách nhiệm của các bên, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, khuôn khổ điều chỉnh các hành vi, hoạt động trên biển và đại dương.
Tại Hội nghị trực tuyến cấp cao ASEAN – Australia thường niên lần thứ nhất, các nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ đối tác ASEAN - Australia. Các nước khẳng định Australia luôn là một đối tác kinh tế quan trọng của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai bên đạt hơn 100 tỷ AUD (đô-la Australia) trong năm 2020. Các nước ASEAN đánh giá cao những hỗ trợ kịp thời của Australia trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, trong đó có đóng góp 1 triệu AUD cho Quỹ ASEAN Ứng phó COVID-19 và 21 triệu AUD cho Trung tâm ASEAN ứng phó tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh nhiễm mới nổi (AC-PHEED). Bên cạnh đó, ASEAN cũng mong Australia tiếp tục hợp tác hiệu quả trong phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, hợp tác phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển...
Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định Australia coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP); cam kết tham gia hiệu quả vào các cơ chế đối thoại và hợp tác do ASEAN chủ trì trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực. Thủ tướng Australia thông báo đến nay Australia đã cung cấp khoảng 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước trong khu vực và thêm 10 triệu liều nữa đến giữa năm 2022. Đồng thời, Thủ tướng Australia cũng cho biết nước này đang tích cực triển khai chương trình tiếp cận vaccine cho khu vực trị giá 523 triệu AUD và gói 500 triệu AUD hỗ trợ thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng khu vực. Nhân dịp này, Thủ tướng Scott Morrison đề xuất sáng kiến Australia vì Tương lai ASEAN và công bố hỗ trợ thêm 124 triệu AUD hỗ trợ các dự án hợp tác ứng phó với các thách thức nảy sinh.
Các nước đã trao đổi quan điểm về tác động của thỏa thuận giữa lãnh đạo của Australia, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ (AUKUS) đối với khu vực. Thủ tướng Australia tái khẳng định cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh khu vực trên cơ sở Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và các nghĩa vụ quy định trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Thủ tướng Australia khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN, phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Australia hoan nghênh và khẳng định ủng hộ vai trò của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ ủng hộ nâng cấp quan hệ ASEAN - Australia lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự trợ giúp của Australia dành cho khu vực và các nước ASEAN ứng phó dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Australia đẩy mạnh hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực dự phòng, ứng phó chủ động trước các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia nhất trí nâng cấp quan hệ ASEAN - Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN+3 lần thứ 24, các nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác ASEAN+3 thời gian qua, nhất trí cần triển khai hiệu quả Kế hoạch Công tác hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2018 - 2022. Các nước ASEAN+3 nhất trí dành ưu tiên hợp tác ứng phó đại dịch, giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững và xem xét dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa các nước trong khu vực khi có điều kiện an toàn. Các nước cam kết tiếp tục thúc đẩy tự do hoá thương mại và liên kết kinh tế khu vực, sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định tiếp tục ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về phòng, chống COVID-19 như: Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho Dự phòng vật tư y tế khu vực và Khung phục hồi tổng thể ASEAN, tiếp tục cung cấp vaccine và các trang thiết bị y tế cho các nước ASEAN, tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển vaccine hướng tới nâng cao năng lực tự chủ vaccine trong khu vực, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng ứng phó với bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Các đối tác khẳng định tăng cường hỗ trợ và hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh và đề nghị các nước ASEAN+3 cần tiếp tục phát huy hơn nữa thế mạnh trong ứng phó khủng hoảng, nhất là khi đại dịch COVID-19 và các thách thức còn phức tạp, thúc đẩy hợp tác đa phương quốc tế kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, duy trì ổn định và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại khu vực, nhất là đối với các vấn đề có tính khu vực và toàn cầu. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị các nước ASEAN+3 cần đẩy mạnh cách tiếp cận mới linh hoạt và an toàn, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Theo đó cần tập trung hợp tác nâng cao năng lực, nhất là khả năng tự chủ về vaccine và thuốc điều trị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hỗ trợ tiếp cận và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 cho ASEAN, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp chống dịch, tăng cường khả năng cảnh báo sớm, chia sẻ thông tin và phối hợp ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Chia sẻ ý kiến của các nước, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh hợp tác ASEAN+3 cần tiếp tục đóng góp tích cực cho duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, đồng thời đề nghị các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ủng hộ nỗ lực của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác, khẳng định ASEAN sẵn sàng tham gia đóng góp hỗ trợ tiến trình đối thoại, hợp tác vì hòa bình bền vững, các vấn đề nhân đạo và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 đã thông qua Tuyên bố về Hợp tác sức khỏe tinh thần ở trẻ vị thành viên và trẻ nhỏ.
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16, lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ và Tổng Thư ký ASEAN, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã được mời trình bày về nỗ lực ứng phó COVID-19, tình hình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Lãnh đạo các nước hoan nghênh kết quả đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018 - 2022, chỉ đạo phối hợp xây dựng kế hoạch hành động mới cho giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình, ưu tiên các nỗ lực ứng phó đại dịch, hướng đến phát triển xanh và bền vững. Trên nền tảng tạo dựng hơn 15 năm qua, phát huy thế mạnh là khu vực có vị trí chiến lược chiếm 54% dân số và 62% tổng GDP toàn cầu, các nước nhấn mạnh EAS cần tiếp tục là diễn đàn hàng đầu do ASEAN dẫn dắt, là nơi các nhà lãnh đạo đối thoại, trao đổi về các vấn đề chiến lược của khu vực.
Trước tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, lãnh đạo các nước nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác đa phương, khu vực và quốc tế trong giải quyết các thách thức nổi lên; ứng phó hiệu quả COVID-19; duy trì, thúc đẩy liên kết kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư; khôi phục, ổn định chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, hướng tới phục hồi toàn diện, bền vững; nhất trí EAS cần đóng góp hiệu quả cho các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các đối tác EAS hoan nghênh và khẳng định tiếp tục ủng hộ vai trò, những nỗ lực của ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp sớm ổn định tình hình.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh EAS cần tiếp tục phát huy vai trò, giá trị chiến lược thúc đẩy hành xử minh bạch, đối thoại thẳng thắn, tạo dựng lòng tin, giúp hài hòa các khác biệt, tăng cường chia sẻ trách nhiệm góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nước cần chung tay quản lý những thay đổi một cách phù hợp, hiệu quả, đề cao hợp tác đa phương, hài hòa chính sách, phối hợp hành động để ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, ngăn ngừa nguy cơ bất ổn và thúc đẩy phát triển, phục hồi bền vững, nhất là về kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các quốc gia đề cao tinh thần trách nhiệm, hành xử phản ánh đúng cam kết, tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác đa phương, thượng tôn pháp luật, duy trì quan hệ quốc tế lành mạnh, tránh làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông là lợi ích chung và cần có sự chung tay đóng góp của tất cả các nước. Theo đó, các quốc gia cần tự kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, theo luật pháp quốc tế, dựa trên UNCLOS 1982. Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, khuôn khổ điều chỉnh các hành vi, hoạt động trên biển và đại dương.
Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo EAS đã thông qua các Tuyên bố EAS về các chủ đề hợp tác sức khỏe tinh thần, phục hồi bền vững, tăng trưởng kinh tế thông qua phục hồi du lịch./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Tổng thống Cộng hòa Chile Sebastian Piñera  (27/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xã giao các đại sứ, đại biện các nước tham gia EAS tại Hà Nội  (27/10/2021)
Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ  (27/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39  (27/10/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên