Những toan tính chiến lược của Mỹ ở Trung Đông trong năm bầu cử 2020
TCCS - Đa số đánh giá của giới phân tích cho rằng, sau hơn 3 năm cầm quyền, chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Trung Đông tồn tại nhiều điểm chưa nhất quán, khiến cục diện Trung Đông thêm phức tạp, tác động tiêu cực tới vai trò, vị thế của Mỹ tại khu vực. Những động thái bất ngờ trong quyết sách của Tổng thống D. Trump đối với Trung Đông trong thời gian qua cũng khiến giới phân tích khó đánh giá chính xác và đưa ra dự báo cho chính sách của Mỹ tại khu vực này.
Trung Đông không còn là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Mỹ?
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8-1-2020, Tổng thống D. Trump cho biết: “Chúng tôi độc lập và không cần nguồn dầu từ Trung Đông”. Ngày 28-1-2020, Tổng thống Mỹ D. Trump công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” sau nhiều lần trì hoãn. Theo kế hoạch này, Jerusalem tiếp tục là thủ đô của Israel. Trong khi đó, các vùng đất của Nhà nước Palestine nằm lọt giữa lãnh thổ của Israel. Tổng thống D. Trump khẳng định tầm nhìn của ông mang đến cơ hội một giải pháp hai nhà nước thực tế nhằm “giải quyết nguy cơ quốc gia Palestine đối với an ninh của Israel”(1). Những động thái mới này khiến giới phân tích cho rằng Trung Đông không còn là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Mỹ.
Trung Đông từ trước đến nay luôn là trọng tâm chiến lược trong chính sách đối ngoại, là nơi có lợi ích sống còn đối với Mỹ. Trung Đông là vùng đất tiếp giáp của 3 châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, có lợi thế địa - chiến lược trong Chiến lược toàn cầu của Mỹ. Bố trí lực lượng quân đội Mỹ ở đây sẽ giúp Washington nhanh chóng triển khai ứng phó với những biến động ở cả ba châu lục. Về địa - chính trị, Trung Đông là nơi tiếp giáp của đối đầu Đông - Tây; và đối với Mỹ, đây còn là nơi án ngữ, ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc sang các khu vực khác. Về địa - kinh tế, Trung Đông từ trước đến nay luôn được ví là “rốn dầu thế giới”, chiếm tới 65% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Mỹ luôn muốn sử dụng dầu mỏ làm “công cụ” để kiềm chế các cường quốc và thực hiện sự lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình toàn cầu hóa, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, đặc biệt là khu vực Trung Đông. Thực tế cho thấy, vị thế của Trung Đông đối với Mỹ không còn đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh “cách mạng năng lượng - dầu đá phiến”, nước Mỹ là quốc gia xuất khẩu dầu đá phiến lớn nhất thế giới, thì vai trò dầu mỏ ở Trung Đông với Mỹ không còn quan trọng như trước. Thực tế chính trị thế giới cho thấy, đối đầu Đông - Tây cũng không còn căng thẳng như trước, quân đội Mỹ đã cơ bản đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đẩy lùi thành trì của IS tại khu vực Trung Đông, do vậy, Tổng thống D. Trump cảm thấy không còn nhiều trách nhiệm phải gánh vác, hỗ trợ cho các đồng minh, nhất là việc thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông như các chính quyền tổng thống tiền nhiệm. Hơn nữa, Tổng thống D. Trump là nhà kinh tế nên luôn tính toán kỹ về cái giá “được - mất” trong bài toán Trung Đông: chi phí quá lớn nhưng những gì thu về lại không tương xứng. Đây chính là những lý do mà Tổng thống D. Trump giảm “tập trung”, rút bớt lực lượng ra khỏi Trung Đông.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, nhận định này chưa thật sự chính xác, bởi theo bà Helima Croft, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa toàn cầu của Ngân hàng Đầu tư Canada RBC Capital Markets phân tích, Mỹ vẫn phụ thuộc vào Trung Đông, đặc biệt là Arab Saudi. Bà H. Croft nhận định: “Dầu là hàng hóa giao dịch toàn cầu, nên nếu thiếu hụt nguồn cung, giá dầu sẽ bị đẩy lên” và “Nếu dầu Arab Saudi biến mất khỏi thị trường, chúng ta sẽ có nhận thức khác về sự phụ thuộc lẫn nhau với Trung Đông, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ không thể thay đổi như công tắc đèn”. Ngoài ra, bà H. Croft còn nhận định: “Sản xuất dầu của Mỹ đã thay đổi cuộc chơi. Nhưng quan điểm cho rằng chúng ta không bị ảnh hưởng nhiều về kinh tế nếu nguồn cung tại Trung Đông thiếu hụt đáng kể, kéo dài là không chính xác”(2).
Những động thái điều chỉnh chính sách Trung Đông của Mỹ thời gian qua
Sau hơn 3 năm Tổng thống D. Trump đảm nhiệm cương vị người đứng đầu nước Mỹ, giới phân tích quốc tế cho rằng có quá nhiều dẫn chứng cho thấy chính sách của ông trong vấn đề Trung Đông không rõ ràng, thiếu đồng nhất. Cụ thể:
Đối với Syria, một loạt quyết định mới nhất của Tổng thống D. Trump trên “bàn cờ” địa - chính trị Syria được đánh giá là “thảm họa” về chính trị và chiến lược. Đơn cử như việc Tổng thống D. Trump tuyên bố rút quân khỏi Đông Bắc Syria bị coi là “bật đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tấn công người Kurd, vốn là các đồng minh đắc lực của Washington trong cuộc chiến chống IS. Động thái của Mỹ không chỉ làm cho vấn đề Syria trở nên phức tạp mà còn khiến các đồng minh hoài nghi về những cam kết an ninh của Mỹ. Trong trường hợp này, chính sách của Mỹ đã dẫn tới leo thang căng thẳng và tạo ra nhiều mối đe dọa tiềm ẩn ở khu vực, bao gồm cả nguy cơ tàn quân IS trỗi dậy.
Đối với Iran, chính quyền của Tổng thống D. Trump đã chính thức rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Tehran. Chính sách “gây sức ép tối đa” của Washington nhằm vào Tehran hầu như không đem lại hiệu quả như Mỹ mong muốn, trái lại khiến khu vực trở nên ngày càng bất ổn. Thực tế này đã và đang hiện hữu tại Iraq, nơi dường như trở thành “chiến trường” giữa Mỹ và Iran. Vì việc Mỹ không kích sân bay Baghdad của Iraq làm Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Tướng Qassem Soleimani - thiệt mạng, khiến Iran trả đũa bằng việc tấn công tên lửa vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. Mặc dù một cuộc đối đầu quân sự tạm thời được loại trừ, song chính sách trừng phạt của Mỹ sẽ làm lu mờ triển vọng đàm phán giữa Mỹ với Iran, bởi Tehran cũng có quan điểm khá cứng rắn trong vấn đề này.
Đối với tiến trình hòa bình Israel - Palestine, mặc dù Tổng thống D. Trump từng bày tỏ khi lên nắm quyền rằng, bản thân ông nghiêng về hướng cả hai bên Israel và Palestine đều chung sống hòa bình, bao gồm cả giải pháp hai nhà nước, song những diễn biến trong thực tế đang chứng tỏ Tổng thống D. Trump và đội ngũ chuyên trách về chính sách Trung Đông của ông tỏ ra không mặn mà với giải pháp hai nhà nước. Động thái gây tranh cãi nhất là việc Tổng thống D. Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem, cũng như việc Mỹ công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông”, từ bỏ lập trường coi các khu định cư Do Thái là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”, đảo ngược chính sách “đổi đất lấy hòa bình” từng tồn tại trong nhiều thập niên qua. Những động thái điều chỉnh chính sách Trung Đông nêu trên của Tổng thống D. Trump luôn tạo ra khả năng “kích hoạt” xung đột giữa Israel và Palestine, làm mất vai trò trung gian hòa giải, đẩy “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” do Mỹ khởi xướng lâm vào bế tắc.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù chính sách của Tổng thống D. Trump đối với Trung Đông có tiếp tục thay đổi, song yếu tố không đổi ở đây vẫn là bài toán lợi ích. Mỹ có thể giảm sự hiện diện quân sự tại Trung Đông, nhưng không đồng nghĩa vai trò của Mỹ suy giảm, bởi Washington đang thiết lập các liên minh nhằm duy trì và củng cố ảnh hưởng, từ đó bảo đảm lợi ích chiến lược của mình ở khu vực. Thực tế cho thấy, mặc dù Trung Đông không còn là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Mỹ, nhưng Iran vẫn còn là “một cái gai” đối với việc triển khai chiến lược toàn cầu trong nhiều nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran (năm 1979). Do đó, có thể khẳng định rằng cho dù ai thắng cử tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới, chính quyền Mỹ cũng không thể bỏ rơi hoàn toàn Trung Đông. Đồng thời, qua những điều chỉnh chính sách Trung Đông vừa qua của Tổng thống D. Trump có thể hiểu là ông đang xây dựng và mở rộng liên minh trong khu vực, kiềm chế các chính quyền mà Mỹ coi là “đối địch” hay chi phối và kiểm soát nguồn cung dầu mỏ.
Nhận diện những toan tính thực dụng của Mỹ
Việc Tổng thống D. Trump ngay trước khi mở màn cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cho năm bầu cử 2020 đã công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” được đánh giá là toan tính chính trị phục vụ mục tiêu tranh cử, là một giải pháp nhằm làm chệch hướng sự chú ý của dư luận, trong bối cảnh cả Tổng thống D. Trump cũng như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều đang vướng vào các vấn đề chính trị - pháp lý trong nước. Ngoài ra, cả Tổng thống D. Trump cũng như Thủ tướng B. Netanyahu đang gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử, việc công bố bản kế hoạch trên cũng là bước đi đầy toan tính nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Bởi những nội dung đề cập trong “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” của Tổng thống D. Trump về thực chất được dư luận đánh giá là “dọn đường” cho những chính sách này từ trước, như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (tháng 12-2017); chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem (tháng 5-2018); công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel (tháng 3-2019) và mới nhất là ủng hộ Israel trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất chiếm đóng của Palestine ở Bờ Tây. Tất cả những động thái trên của Tổng thống D. Trump đều được đánh giá là thể hiện sự “thiên vị” đối với Israel và nhằm tranh thủ sự ủng hộ cùng lá phiếu của cử tri người Mỹ gốc Do Thái trong cuộc bầu cử tháng 11-2020.
Những tính toán thực dụng của Tổng thống D. Trump được thể hiện ở những nội dung sau: Một là, để tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử 2020, ông D. Trump rất cần lá phiếu của bộ phận cử tri là người Do Thái hay gốc Do Thái ở Mỹ. Thực tế cho thấy, các đại cử tri người Mỹ gốc Do Thái có ảnh hưởng lớn đến chính trường nước Mỹ, thông qua chi phối hoạch định chính sách và đặc biệt là các cuộc bầu cử tổng thống. Chẳng hạn như, website Quartz (Mỹ) đề cập có nhiều tỷ phú Do Thái đứng đằng sau các quyết định của ông D. Trump. Với tư cách là những nhà tài trợ lớn cho Đảng Cộng hòa có ảnh hưởng rất lớn đến dự luật cải cách thuế, họ cũng đã gây áp lực trực tiếp lên Tổng thống Mỹ để thay đổi chính sách của Mỹ tại Israel. Nổi bật nhất là ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson và vợ ông là bà Miriam Ochsorn, nhà tài trợ cá nhân lớn nhất của Đảng Cộng hòa trong năm 2016, người đã chi 83 triệu USD(3). Do đó, việc thể hiện sự “thiên vị” đối với Israel trong “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Do Thái trong cuộc bầu cử cho thấy tính toán chiến lược của Tổng thống D. Trump.
Hai là, việc khẳng định tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây không phải là quyết định nhất thời của chính quyền Mỹ, bởi Bộ Ngoại giao nước này đã phối hợp với Nhóm Hòa bình Nhà Trắng, do Jared Kushner dẫn đầu, làm việc trong gần 1 năm qua để đi đến tuyên bố trên. Khác chăng là nó được đưa ra vào đúng thời điểm chính trường Mỹ đang sôi sục với vụ luận tội Tổng thống D. Trump. Trong tình cảnh ấy, mọi hành động đối ngoại được cho là có tác động đánh lạc hướng dư luận, làm giảm áp lực dư luận lên Tổng thống.
Ba là, với việc ưu ái, coi Israel như là lực lượng quan trọng trong liên minh mà Mỹ đang tập hợp ở Trung Đông, Tổng thống D. Trump đang hướng sự quan tâm và lo ngại của các quốc gia Arab vào vấn đề an ninh và Iran thay vì mối lo ngại từ Israel hay bảo vệ Palestine như trước đây. Tình hình Palestine giờ đây không còn là vấn đề trung tâm của thế giới Arab nữa. Trong khi đó, các nước như Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia do lệ thuộc vào viện trợ kinh tế, quân sự của Mỹ nên không thể phản ứng việc Mỹ dành sự hậu thuẫn lớn cho Israel và ủng hộ Palestine. Thậm chí, một số quốc gia Arab chủ chốt còn gạt qua những mâu thuẫn cũ, để xích lại với Israel và đối trọng với Iran. Giờ đây, điều khiến họ quan tâm hơn là một tiến trình hòa bình Trung Đông mờ mịt.
Ngoài ra, việc công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” vào thời điểm này còn được đánh giá là Tổng thống D. Trump muốn chứng minh cho dư luận thấy rằng ông có thể làm được những điều lớn lao và mọi người nên nghĩ về điều đó hơn là luận tội ông. Đây chính là những tính toán thực dụng của Tổng thống D. Trump trong chính sách Trung Đông phục vụ mục tiêu tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2.
Trong cục diện Trung Đông hiện nay, Mỹ và Israel đang có nhiều lợi thế, còn Palestine dường như sẽ có nhiều bất lợi hơn. Những phản ứng từ phía Palestine và các nước Arab đối với những hành động của Mỹ và Israel vẫn rất yếu ớt. Các cơ chế đa phương gần như không có tác dụng, trong khi phía Mỹ và Israel đang theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, cường quyền.
Một màu xám đang phủ lên bức tranh Trung Đông hiện nay cho thấy thực tế rất đáng lo ngại trong quan hệ quốc tế về cách thức giải quyết các xung đột quốc tế. Những điều chỉnh chính sách Trung Đông của Tổng thống D. Trump làm nảy sinh những xu hướng mới đáng lo ngại trong xử lý, giải quyết các vấn đề quốc tế, trong đó luật pháp quốc tế cũng như luật pháp quốc gia không được thượng tôn; sức mạnh quân sự, lợi ích kinh tế đang được đề cao đến mức có thể bỏ qua những giá trị khác mà nhân loại đã đạt được. Như vậy, xu hướng sử dụng sức mạnh, quyền quyết định đơn phương và chủ nghĩa thực dụng đang được đặt lên hàng đầu, phớt lờ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế cũng như sự thượng tôn pháp luật. Đặc biệt là sự quay lưng lại với các giá trị cơ bản đã được thế giới xây dựng và tôn vinh trong nhiều thập niên qua. Đó là sự gắn kết, tính đồng thuận và lòng khoan dung. Xu hướng trái chiều đang trỗi dậy làm xói mòn lòng tin về tính hiệu quả của cơ chế hợp tác đa phương, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Điều này buộc các nước phải suy ngẫm, tìm ra những đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động phức tạp, khó lường của thế giới hiện nay./.
-----------------------
(1) “Tổng thống Mỹ công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông”, https://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43071802-tong-thong- my-cong-bo-ke-hoach-hoa-binh-trung-dong.html, ngày 30-1-2020
(2) Như Tâm (Theo CNN): “Thực hư tuyên bố Mỹ không phụ thuộc vào dầu từ Trung Đông của Trump” https://ndh.vn/nang-luong/thuc-hu-tuyen-bo-my-khong-phu-thuoc-vao-dau-tu-trung-dong-cua-trump-1261459.html, ngày 09-1-2020
(3) Minh Khang: “Túi tiền và ảnh hưởng của người Do Thái ở Mỹ”, http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Tui-tien-va-anh-huong-cua-nguoi-Do-Thai-o-My-491549/, Ngày 18-5-2018
Cục diện khu vực Nam Á năm 2019 và triển vọng năm 2020  (03/03/2020)
Tổng quan an ninh quân sự toàn cầu năm 2019 và dự báo năm 2020  (06/02/2020)
Xung đột và thỏa hiệp trong quan hệ quốc tế  (14/01/2020)
Sức mạnh mềm trong một thế giới đang thay đổi  (09/01/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên