TCCS - Lâu nay, sức mạnh mềm đã trở thành một nguồn “tài nguyên quyền lực” mới của quốc gia, có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thế giới đang chuyển động hướng tới đa cực, sức mạnh mềm ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các quốc gia. Do vậy, các nước trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, đều quan tâm xây dựng, củng cố, khai thác và phát huy sức mạnh mềm của mình như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược quốc gia.
Tiếp cận từ khái niệm
“Sức mạnh mềm” là khái niệm do giáo sư người Mỹ Giô-xép Nai (Joseph Nye), nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công J.F. Kennedy, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), nguyên trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chính thức đưa ra vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Theo đó, “sức mạnh mềm” là khả năng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút để các nước khác “tự nguyện” thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mà mình muốn, thay vì cưỡng bức thông qua sức mạnh kinh tế và quân sự. Khác với “sức mạnh cứng” là áp đặt, cưỡng bức, sức mạnh mềm là khơi gợi, thu hút, là tự giác đi theo. Sức mạnh mềm và sức mạnh cứng củng cố, bổ sung và tăng cường sức mạnh cho nhau, và khi được kết hợp một cách hiệu quả sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Do vậy, khi bàn về sức mạnh mềm, cần đặt khái niệm này trong tổng thể sức mạnh quốc gia và trong mối quan hệ với sức mạnh cứng.
Theo giáo sư G. Nai, sức mạnh mềm của quốc gia thường xuất phát từ ba nguồn: Giá trị văn hóa; những giá trị chính trị và chính sách đối ngoại của quốc gia(1). Như vậy có thể thấy, sức mạnh mềm cũng là một loại sức mạnh tổng hợp, được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau. Sức mạnh mềm không phải là một thực thể tĩnh mà là một quá trình động, trong đó các nhân tố tạo nên sức mạnh mềm bổ sung, hỗ trợ và tương tác, chuyển hóa lẫn nhau. Theo thời gian, các nhân tố của sức mạnh mềm có thể thay đổi, tiếp biến, do vậy, sức mạnh mềm tổng thể của quốc gia cũng có những biến đổi.
Lịch sử cho thấy, sự sinh tồn, phát triển bền vững của một quốc gia đều không tách rời sự “thăng hoa” của sức mạnh mềm. Những quốc gia vận dụng thành công sức mạnh mềm sẽ đạt được nhiều lợi ích, mở rộng được tầm ảnh hưởng, tạo dựng vị thế của mình đối với các nước bởi những giá trị của quốc gia đó sẽ ăn sâu vào tư tưởng, hành vi, hình thành thói quen và niềm tin của nhiều người dân ở các quốc gia khác.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu thế hòa bình, hợp tác vẫn là nét chủ đạo thì sức mạnh mềm càng đóng vai trò quan trọng. Việc sử dụng và lạm dụng sức mạnh cứng (uy hiếp về quân sự, ép buộc bằng kinh tế...) để giải quyết mâu thuẫn, nhằm đạt được mục tiêu vị kỷ của “kẻ mạnh”, nhiều khi không phát huy được tác dụng, thậm chí chuốc lấy thất bại, dễ vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế và đứng trước nhiều rủi ro bị cô lập, bị cảnh giác, phòng ngừa, làm suy giảm vị thế, uy tín, hình ảnh của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong khi đó, sức mạnh mềm ngày càng có vai trò quan trọng trong giữ vững ổn định quốc gia, tăng cường hội nhập quốc tế, cũng như phát huy tầm ảnh hưởng của quốc gia đó trên thế giới.
Vai trò của sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng hợp quốc gia
Hiện nay, sức mạnh mềm không chỉ còn là một khái niệm mà đã trở thành chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với các quốc gia - dân tộc, sức mạnh mềm trở thành một công cụ quan trọng trong việc thực thi chính sách đối ngoại. G. Nai cho rằng, trong quan hệ quốc tế, một quốc gia có thể tác động đến quốc gia khác “một cách tự nhiên” thông qua các giá trị, như ý chí, kỹ năng ngoại giao, hay hệ tư tưởng, tôn giáo... và khi giá trị của một quốc gia được nhiều nước khác chia sẻ thì quốc gia đó sẽ dễ dàng gây ảnh hưởng lên hành vi của quốc gia khác.
Vai trò của sức mạnh mềm trong sức mạnh quốc gia được thể hiện như sau:
Một là, sức mạnh mềm tạo khả năng quy tụ, tập hợp lực lượng, sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, tạo nên chí khí dân tộc bởi bản thân sức mạnh mềm có giá trị tự thân, sức mạnh nội tại, sức cảm hóa. Những giá trị cốt lõi mà nền văn hóa của một quốc gia xây dựng và thể hiện thường có sức gắn kết, sức hấp dẫn mạnh mẽ, trở thành “mảnh đất” tinh thần nuôi dưỡng những giá trị nhân văn, cao đẹp. Sức mạnh nội tại đó sẽ tạo ra sức hấp dẫn, quyến rũ của sức mạnh mềm. Sức mạnh tinh thần là nền tảng, chất xúc tác, tạo nên sự cố kết dân tộc và nội lực quốc gia mạnh mẽ.
Hai là, sức mạnh mềm là yếu tố cấu thành sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trong văn kiện Đại hội XVII của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên khẳng định, sức mạnh mềm là bộ phận cấu thành quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia, cũng như sức cạnh tranh quốc tế của đất nước. Lịch sử cho thấy, các nước phát triển, như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Ý... trong thế kỷ XX đã đi tiên phong và phát triển mạnh mẽ những hoạt động ngoại giao để tăng cường sức mạnh mềm, hỗ trợ cho sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới chú trọng hơn đến việc triển khai sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế như một phương thức cơ bản để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Ba là, sức mạnh mềm góp phần tạo lập vị thế và ảnh hưởng của quốc gia trên thế giới. Có thể thấy, thước đo sức mạnh của một đất nước không chỉ là năng lực quốc gia mà còn là tầm ảnh hưởng. Vai trò và tầm ảnh hưởng của quốc gia đối với sự phát triển chung của khu vực và thế giới như thế nào; quốc gia đó có khả năng thu hút, hấp dẫn, tạo hiệu ứng lan tỏa, được sự thừa nhận, chiếm được cảm tình, thu phục “nhân tâm” bên ngoài biên giới quốc gia hay không; khả năng đóng góp về chính sách, năng lực xây dựng cơ chế và quy tắc góp phần đưa ra những giá trị, chuẩn mực quốc tế như thế nào... phụ thuộc không nhỏ vào vai trò của sức mạnh mềm.
Chính sách đối ngoại của Nga tại Trung Đông trong những năm qua là một ví dụ điển hình. Ngoài sức mạnh cứng, Nga sử dụng sức mạnh mềm ngoại giao thân thiện, gắn với lợi ích chính trị và kinh tế chung, ngày càng có ảnh hưởng trong quan hệ với các nước trong khu vực, khẳng định là một nhân tố không thể thiếu để tạo lập sự ổn định và phát triển trong khu vực. Thời gian qua, Nga đã tích cực, chủ động tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông như một đối tác trung gian tích cực, tin cậy và có trách nhiệm, trong đó có vấn đề hồ sơ hạt nhân I-ran, khủng hoảng ở Y-ê-men, Li-bi, xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin và đặc biệt là thúc đẩy các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Xy-ri. Thông qua việc đề xuất các giải pháp hòa bình, sử dụng sức mạnh mềm ngoại giao linh hoạt, cách tiếp cận cân bằng, khéo léo, Nga đã và đang thể hiện như một quốc gia không những có khả năng dàn xếp, tháo gỡ nút thắt cho những vấn đề tồn tại trong khu vực, mà còn là đối tác có uy tín và vị thế đáng kể ở Trung Đông hiện nay.
Thực tế cho thấy, có quốc gia mạnh về tiềm lực quân sự, hùng hậu về kinh tế nhưng lại giới hạn tầm ảnh hưởng, vị thế quốc tế không được đánh giá cao. Ngược lại, có những nước không rất mạnh về kinh tế, tiềm lực quân sự còn hạn chế nhưng có thể vận dụng sức mạnh mềm để thay đổi thái độ, hành vi của nước khác, thậm chí có thể xoay chuyển cán cân tình hình có lợi cho mình.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, bất kể quốc gia nào cũng có thể gây tác động ảnh hưởng đến khu vực và quốc tế thông qua việc phát huy vai trò trong mạng lưới ngoại giao, các thể chế, hội nghị, diễn đàn khu vực, quốc tế, sức mạnh mềm góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia.
Bốn là, sức mạnh mềm góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cách mạng thông tin hiện nay, cuộc “đọ sức” về sức mạnh thông tin, truyền thông (sức mạnh mềm) sẽ góp phần vào cán cân so sánh sức mạnh giữa các nước trên thế giới. Các phương tiện thông tin đại chúng quốc gia và xuyên quốc gia, mạng thông tin toàn cầu, trong đó đáng chú ý là truyền hình, điện ảnh tác động mạnh mẽ đến tâm lý, thế giới quan, quan điểm chính trị... của mọi người dân trên khắp thế giới. Chính vì lẽ đó mà ngay từ đầu thế kỷ XX, Mỹ đã phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ đã thông qua phát triển mạng lưới Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) bằng hàng chục thứ tiếng khác nhau. Hiện nay, VOA đang phát khoảng 45 ngôn ngữ, hằng tuần phục vụ khoảng hơn 90 triệu khán thính giả trên thế giới. Trong những thập niên 30 của thế kỷ XX, Vương quốc Anh đã sáng lập và duy trì sự phát triển của hai kênh đối ngoại quan trọng hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Khối thịnh vượng chung Anh, đó là Hội đồng Anh (BC) và Tập đoàn dịch vụ truyền thông Anh quốc toàn cầu (BBC Worldwide Service). Hiện nay, sự hoạt động của hai kênh đối ngoại này ảnh hưởng rất lớn đối với công chúng Anh và thế giới, góp phần gia tăng sức mạnh mềm của Anh, tạo nên một lợi thế trong việc định vị sức mạnh quốc gia trong cuộc cạnh tranh chiến lược trên thế giới.
Như vậy, trong một thế giới mà các nước có sự phụ thuộc, đan cài lợi ích lẫn nhau, việc giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng vũ lực, bằng các giải pháp quân sự ít khả thi hơn. Trong bối cảnh như vậy, sức mạnh mềm càng được các quốc gia tận dụng phát triển để duy trì ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế. Ngay cả các nước vốn rất mạnh về sức mạnh cứng như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp cũng ý thức rất rõ về lợi thế của sức mạnh mềm. Thực tế cho thấy, quốc gia nào “thuyết phục” được các quốc gia khác bằng sức mạnh mềm, thì quốc gia đó sẽ nâng cao được uy tín, sức mạnh, nâng tầm vị thế đất nước.
Cạnh tranh sức mạnh mềm trên thế giới hiện nay
Nhiều dự báo cho rằng, trong thế kỷ XXI, cạnh tranh sức mạnh mềm sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu trong quan hệ quốc tế nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị thế quốc gia, đạt được sự ủng hộ, hợp tác của các cộng đồng, quốc gia, quốc tế.
Trong cuộc cạnh tranh về sức mạnh mềm giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay, nổi lên một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cạnh tranh sức mạnh mềm giữa các quốc gia là cuộc cạnh tranh ngầm song không kém phần quyết liệt và liên tục, bởi các nước trên thế giới đều xác định phát huy sức mạnh mềm là chiến lược phát triển quốc gia.
Theo các đánh giá thường niên, sự thăng - giảm thứ hạng về xếp loại sức mạnh mềm của các quốc gia có sự biến đổi hằng năm. Điều này phụ thuộc vào nỗ lực của các nước trong việc lan tỏa các giá trị, hình ảnh đến với cộng đồng quốc tế(2), đồng thời xuất phát từ khả năng của mỗi quốc gia gây ảnh hưởng ra bên ngoài. Như dòng chảy không ngừng nghỉ, sức mạnh mềm có sức thẩm thấu lâu dài, tác động của nó đối với các mối quan hệ quốc tế vì thế cũng không phải có tác dụng ngay, trực tiếp. Là yếu tố vô hình nên trong cuộc cạnh tranh sức mạnh mềm, phân định ranh giới được - thua cũng chỉ mang tính tương đối, biên độ dao động giữa các nước theo bảng xếp hạng sức mạnh mềm cũng rất mỏng. Chẳng hạn như, theo một nghiên cứu năm 2018, nước Anh dẫn đầu thế giới về sức mạnh mềm, theo sát nút là Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản. Nước Pháp từ vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng năm 2017, đã nhường vị trí hàng đầu cho Anh năm 2018(3).
Từ thực tế đó cũng cho thấy, sức mạnh mềm không phải là một giá trị bất biến, mà biến đổi theo từng bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể. Sau Chiến tranh lạnh, những giá trị Mỹ (như dân chủ, tự do, văn hóa, giáo dục...) của siêu cường duy nhất thế giới này dường như trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt trên toàn cầu. Không thể phủ nhận những ảnh hưởng lan tỏa của sức mạnh mềm Mỹ đối với các nước, song theo thời gian, không phải lúc nào những giá trị Mỹ cũng được đón nhận nồng nhiệt. Thực tiễn triển khai chính sách đối ngoại vừa qua của Mỹ đối với các nước, cũng như trong xử lý các vấn đề toàn cầu là một minh chứng. Theo một nghiên cứu, khoảng trống do sự suy giảm sức mạnh mềm tương đối của Mỹ đã được các đối thủ khác như Nga, Trung Quốc lấp đầy(4).
Thứ hai, trong cuộc cạnh tranh về sức mạnh mềm, không chỉ có sự hiện diện của các nước lớn với nguồn tài nguyên sức mạnh mềm dồi dào, mà còn có sự tham gia của các nước nhỏ khác với bản sắc riêng, cách thức triển khai đa dạng, phong phú, tùy theo điều kiện, khả năng, cơ chế của mình, tạo nên cuộc cạnh tranh đa sắc màu.
Mỹ được coi là một trong những quốc gia có nguồn sức mạnh mềm lớn nhất trên thế giới. Bằng nhiều hình thức khác nhau, Mỹ tích cực phổ biến các giá trị về tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa Mỹ ra toàn thế giới góp phần củng cố, duy trì vị thế siêu cường trên toàn cầu. Hiện nay, trong bối cảnh sức mạnh mềm Mỹ bị suy giảm, Mỹ tăng cường triển khai chiến lược sức mạnh mềm, coi trọng biện pháp ngoại giao nhằm khẳng định và gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.
Trung Quốc từ lâu đã có chiến lược phát triển sức mạnh mềm trên bình diện toàn cầu. Tuy nhiên, chiến lược gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc thực sự được tập trung đẩy mạnh kể từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc với mục tiêu cao nhất là hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”, với mong muốn truyền bá ra thế giới hình ảnh một nước lớn có trách nhiệm đối với các công việc quốc tế, phát triển hài hòa, đang trỗi dậy hòa bình. Để hiện thực hóa giấc mơ thế kỷ này, Trung Quốc tập trung xây dựng các sáng kiến chiến lược, như “Vành đai, Con đường”, thực thi hàng loạt chương trình nhằm cải cách kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và đẩy mạnh cải thiện sức mạnh mềm văn hóa. Bên cạnh các sáng kiến về kinh tế, Trung Quốc nỗ lực thông qua các cơ chế, diễn đàn an ninh nhằm triển khai chiến lược sức mạnh mềm, vừa nhằm thu hút, tập hợp lực lượng thông qua sự tham gia đông đảo của các quốc gia, vừa mở đường cho Trung Quốc hội nhập khu vực và thế giới, qua đó quảng bá hình ảnh, gia tăng vị thế của mình trong khu vực và vươn ra toàn cầu.
Năm 2014, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: Chúng ta cần phải gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc, quảng bá những hình ảnh đẹp về Trung Quốc và gửi những thông điệp của chúng ta ra thế giới một cách tốt hơn(5). Đề án ngoại giao và phát triển của Trung Quốc là một phần của chương trình nghị sự rộng lớn nhằm tăng cường sức mạnh mềm trong truyền thông, xuất bản, giáo dục, nghệ thuật, thể thao và các lĩnh vực khác. Theo ước tính, ngân sách cho các hoạt động tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc vào khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.
Sức mạnh mềm của Vương quốc Anh từ lâu đã được coi là một nguồn lực chiến lược. Mặc dù đứng trước nhiều thách thức từ trong và ngoài nước như những thỏa thuận về việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), khó khăn kinh tế, khủng hoảng di cư, chủ nghĩa khủng bố... song quốc gia này vẫn đứng đầu bảng xếp hạng về sức mạnh mềm với nguồn “tài sản” hấp dẫn như văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ và các giá trị truyền thống. Bảng xếp hạng Porland Soft Power 30 năm 2018 cho thấy nước Anh vẫn tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến các vấn đề toàn cầu.
Nhận thức rõ vai trò của sức mạnh mềm đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia, Chính phủ Hàn Quốc ngay từ sớm đã có chiến lược xây dựng sức mạnh mềm với tầm nhìn dài hạn, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó chú trọng phát triển văn hóa quốc gia, phát triển kinh tế và chính sách đối ngoại. Việc xây dựng sức mạnh mềm với trụ cột là phát triển công nghiệp văn hóa, gắn với các mục tiêu khác của đất nước, gắn chính sách đối nội với chính sách đối ngoại, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế lớn, mà còn là công cụ đắc lực phục vụ cho mục tiêu quốc gia của Hàn Quốc, nhất là đưa văn hóa, hình ảnh đất nước Hàn Quốc lan tỏa ra khu vực và thế giới, giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Là một quốc gia nhỏ, Xin-ga-po đã phát triển trở thành một trong những trung tâm thương mại hàng đầu thế giới với một thương hiệu sức mạnh mềm quốc gia, đó là một xã hội trật tự, ổn định và phát triển. Sở dĩ có được những kết quả này là bởi Xin-ga-po đã triển khai chiến lược sức mạnh mềm mạnh mẽ, từ việc triển khai chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhân tài, khả năng quản lý đất nước đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thu hút nguồn vốn để phát triển đất nước.
Thứ ba, cạnh tranh sức mạnh giữa các quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào khả năng tập hợp lực lượng, đồng minh. Sức mạnh mềm nâng cao khả năng thu hút, thuyết phục, dẫn dắt, lôi kéo, tập hợp lực lượng hay đồng minh. Sự liên kết, tập hợp này biến hóa, xoay vần theo thời thế. Mặc dù hiện nay, sức mạnh mềm của Mỹ có giảm sút tương đối song nước này vẫn có khả năng lôi kéo và có ảnh hưởng lớn so với các trung tâm quyền lực khác, bởi sức nặng ảnh hưởng về kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật của Mỹ vẫn lớn; có vai trò và tiếng nói quan trọng trong việc duy trì các thể chế quốc tế và giải quyết các vấn đề của thế giới. Hơn nữa, tâm lý “tranh thủ” và dựa vào Mỹ vẫn tồn tại ở một số quốc gia, nhằm đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn khác. Đây là cơ sở để Mỹ xây dựng, tập hợp lực lượng, tranh thủ sự hợp tác của các nước nhằm tăng cường thế và lực của mình.
Thứ tư, trong cạnh tranh về sức mạnh mềm giữa các quốc gia, sức mạnh mềm văn hóa là nhân tố cơ bản, góp phần quyết định cuộc cạnh tranh này. Những giá trị văn hóa được đánh giá cao hơn bất kỳ yếu tố nào khác trong các vấn đề được đưa ra để bỏ phiếu trong Đại hội đồng Liên hợp quốc - bao gồm cả sức mạnh cứng của sức mạnh kinh tế quốc gia được đo bằng GDP(6).
Như vậy, sức mạnh mềm đã và đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của nó trong đời sống chính trị, kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế. Với xu thế phát triển chung hiện nay, sức mạnh mềm sẽ ngày càng trở thành một lựa chọn quan trọng đối với các nước để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Mặc dù các nước có cách thức triển khai sức mạnh mềm khác nhau, phù hợp với điều kiện đặc thù của mình song để đi tới thành công thì trong chiến lược xây dựng sức mạnh mềm của các nước này đều phải hướng tới những giá trị phổ quát của nhân loại, đáp ứng khát vọng cơ bản của con người về những giá trị tốt đẹp, với những mục tiêu về hòa bình, hợp tác và phát triển trong một thế giới đang có nhiều thay đổi./.
--------------------------
(1) J. Nye: “Think Again: Soft Power”, https://foreignpolicy.com/2006/02/23/think-again-soft-power/
(2) Trần Nguyên Khang: “Cạnh tranh sức mạnh mềm giữa các quốc gia đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 9-2016
(3), (4) Xem: Soft power in the era of disarray and uncertainty, https://www.aa.com.tr/en/analysis-news/soft-power-in-the-era-of-disarray-and-uncertainty/1348448
(5) “China’s Soft power Push. The Search for Respect”, Foreign Affairs, 16-6-2015
(6) Soft power today: Measuring the effects, https://www.britishcouncil.org/research-policy-insight/insight-articles/soft-power-today
Về cơ chế “chấp bút” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021  (29/12/2019)
Giảm thiểu tình trạng lương thực bị thất thoát và lãng phí để góp phần xây dựng một thế giới không đói  (30/11/2019)
Những diễn biến chính trị mới và triển vọng của phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh  (28/10/2019)
Việt Nam sát cánh cùng các nước thành viên Phong trào Không liên kết, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới  (26/10/2019)
Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga qua hơn một thế kỷ  (21/10/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển