Ngô Gia Tự - Người cộng sản lỗi lạc của Đảng
Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3-12-1908 ở phủ Từ Sơn - vùng đất khoa bảng, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng và là Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Kỳ. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Ngô Gia Tự (3-12-1908 - 3-12-2008), Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu một số bài viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ cách mạng xuất sắc của Đảng đã dũng cảm, kiên cường, chủ động tiến công không chịu khuất phục trước kẻ thù, giàu tình nhân ái với đồng chí, đồng bào, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; về những đổi thay trên quê hương của đồng chí, về những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những chiến sĩ cộng sản kiên cường của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” (1)
Một trí thức yêu nước đến với cách mạng
Ngô Gia Tự bí danh Ngô Sĩ Quyết, Bách, bạn bè thường gọi Tú Háy, sinh ngày 3-12-1908 ở vùng đất Tam Sơn khoa bảng, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Vốn tư chất thông minh, hiếu học nên Ngô Gia Tự thường học rất nhanh và kết quả luôn đứng nhất, nhì lớp. Học xong sơ học yếu lược ở trường huyện Từ Sơn, Ngô Gia Tự lên học trường kiêm bị Kinh Bắc ở thị xã Bắc Ninh, rồi ra Hà Nội theo học trường Bưởi (năm 14 tuổi). Trong những ngày học ở trường Bưởi, được tiếp xúc với trào lưu tư tưởng tiến bộ và những nhà giáo yêu nước, Ngô Gia Tự đã tham gia tích cực vào các phong trào của học sinh, sinh viên đấu tranh đòi thực dân Pháp thả chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (cuối năm 1925), truy điệu cụ Phan Chu Trinh (đầu 1926). Cũng thời gian này, đồng chí đã tìm đọc được cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và vô cùng khâm phục, ngưỡng mộ ý chí yêu nước của tác giả cuốn sách - Nguyễn Ái Quốc. Vốn yêu nước, căm thù bọn xâm lược và vua quan bán nước, lại được thức tỉnh từ “Bản án chế độ thực dân Pháp”, chí hướng đánh đuổi thực dân đã nung nấu trong lòng người học sinh trường Bưởi.
Chính phủ “bảo hộ” Pháp tìm mọi cách lôi kéo những người có học bản xứ làm quan, công chức cho chúng bằng nhiều hình thức, trong đó có chế độ lương bổng hậu đãi(2). Ngô Gia Tự đang học năm thứ tư, năm cuối, năm thi tú tài thì quyết định bỏ học, từ chối một tương lai quan trường vinh thân, phì gia đang rộng mở để tìm đến với nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc mà đồng chí khâm phục.
Nhóm Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu đang bàn chuyện xuất dương tìm đến với Nguyễn Ái Quốc thì gặp Nguyễn Công Thu, người mà Nguyễn Ái Quốc cử về nước chọn người đưa sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị bồi dưỡng cho cán bộ cách mạng những hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa Mác -Lê-nin, đường lối cách mạng và phương hướng công tác do Nguyễn Ái Quốc mở. Giữa năm 1926, tại ngôi nhà số 47 phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, từ đó, đồng chí tin theo con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Trở thành người học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc
Đầu hè năm 1927, Ngô Gia Tự cùng Nguyễn Công Thu và một số đồng chí khác tới Quảng Châu. Theo sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, lớp học được mở tại bản Đáy. Ngô Gia Tự không được gặp Nguyễn Ái Quốc nhưng chương trình và nội dung huấn luyện của lớp học thì vẫn thực hiện theo kế hoạch và tài liệu do Nguyễn Ái Quốc viết. Như người khát được uống nước mát, người đang bế tắc thì nay đã thấy con đường đi tới độc lập, tự do, Ngô Gia Tự say mê nghiên cứu, trau dồi nhận thức, rèn luyện đạo đức cách mạng. Sau khóa học, Ngô Gia Tự và các đồng chí của mình đã có trí tuệ mới, đó là những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới. Đây là thứ vũ khí lý luận đúng đắn nhất mà cách mạng Việt Nam đang rất cần. Từ đây, Ngô Gia Tự trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp của cách mạng Việt Nam.
Về nước, mới 19 tuổi đời, Ngô Gia Tự hăm hở lao vào hoạt động cách mạng với tốc độ và hiệu quả hiếm thấy. Được Ngô Gia Tự tuyên truyền, giác ngộ, đông đảo quần chúng Bắc Ninh, Bắc Giang đã nhận thức được rằng, muốn giải phóng mình, thì chỉ có cách là chống Pháp và chống cường hào. Từng người làm không nổi, muốn thành phải có tổ chức. Thế là hàng chục thanh niên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, hàng trăm dân làng trở thành hội viên Hội Công ích. Nhiều phong trào hoạt động chống lại bọn thực dân, cường hào ác bá diễn ra sôi nổi ở vùng quê Bắc Ninh, Bắc Giang vốn lâu nay chìm đắm. Nơi nào Ngô Gia Tự hoạt động, nơi đó đều thành lập được chi bộ thanh niên, như các làng Tam Sơn, Phật Tích, Lạc Thổ, các phố Thị Cầu, Đáp Cầu, Tiền An, Niềm Xa, thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang), ấp Tam Sơn... Nhờ đó giữa năm 1927, Tỉnh Bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tỉnh Bắc Giang được thành lập, giữa năm 1928, Ngô Gia Tự là Bí thư Tỉnh bộ và Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, phong trào hoạt động, tuyên truyền, đấu tranh, phá hoại địch ở Bắc Ninh, Bắc Giang lên cao chưa từng có như: phong trào giải truyền đơn nhân ngày Quốc tế lao động (1-5), ngày chống chiến tranh đế quốc (1-8), ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, cuộc nổi dậy vũ trang của binh lính thị xã Bắc Ninh, Đáp Cầu... trong những năm 1928 - 1929, khiến quần chúng hả hê, bọn mật thám, lính Tây, cuống quýt bỏ chạy, bà con phu phen được giải phóng, kế hoạch mộ phu của địch bị ngừng trệ. Vùng quê Bắc Ninh, Bắc Giang đói nghèo, lầm than đã được thức tỉnh, vùng lên. Ngô Gia Tự thực sự trở thành linh hồn của phong trào cách mạng ở đây.
Mặc dù chịu khó tìm hiểu lý luận và thực tế về cách mạng, nhưng Ngô Gia Tự và lứa học sinh cùng thời đi làm cách mạng vẫn cảm thấy một nhược điểm lớn trong họ là thiếu chất “thép” của giai cấp tiên phong. Vượt qua sự kiểm soát, lùng sục gắt gao của bọn mật thám, cảnh sát, tháng 9-1928, Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ được tổ chức ngay tại nhà Ngô Gia Tự ở Tam Sơn với danh nghĩa mừng Ngô Gia Tự đỗ tú tài (3). Thấm nhuần quan điểm của Nguyễn Ái Quốc: Người cách mạng phải hòa mình với quần chúng công nông, để tự cải tạo mình thành người vô sản, thì mới hiểu được chủ nghĩa cộng sản và mới có thể tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, giáo dục đường lối của Đảng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, tại Hội nghị, với đề xuất của Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh, lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã đi tới quyết định có ý nghĩa lịch sử đối với phong trào và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đó là cuộc vận động “vô sản hóa” đưa các hội viên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để thâm nhập cuộc sống, lao động và tự rèn luyện theo lập trường của giai cấp công nhân; đồng thời tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức vận động công nhân và nhân dân lao động đi theo con đường cách mạng, giải phóng dân tộc. Phát triển cơ sở cách mạng, phải lấy công - nông làm gốc.
Với quyết định này, đông đảo hội viên Thanh niên Bắc Kỳ háo hức tỏa đi khắp các cơ sở công nghiệp trong toàn xứ. Nguyễn Đức Cảnh xuống vùng mỏ, Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu... “vô sản hóa” ở Hà Nội để vừa gấp rút dịch và biên soạn nhiều tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng trang bị lý luận và công tác “vô sản hóa” cho cán bộ, hội viên, vừa thu thập, xử lý thông tin chỉ đạo phong trào “vô sản hóa” trong toàn xứ Bắc Kỳ. Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào “vô sản hóa” của các hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ đã tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, nhen nhóm lý tưởng cách mạng, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng thanh niên trong nhà máy, hầm mỏ.
Gần cuối tháng 3-1929, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc... họp tại số nhà 5D Hàm Long (Hà Nội) bàn việc lập Đảng Cộng sản. Với những nhận định đánh giá tình hình sâu sắc, với tinh thần trách nhiệm trước phong trào, các đồng chí đã tuyên bố lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước, với nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc thành lập Đảng Cộng sản. Nhờ đó, tại Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, họp ngày 28 và 29-3-1929 ở đồn điền Kim Đái (Sơn Tây), những lập luận sắc sảo, đầy sức thuyết phục của Ngô Gia Tự đã quy tụ được ý chí chung của Đại hội tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Đầu tháng 5-1929, tại Đại hội toàn quốc Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hương Cảng (Trung Quốc) Ngô Gia Tự và đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ý kiến và kiên quyết bảo vệ quan điểm phải thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam để đáp ứng kịp thời và thúc đẩy phong trào cách mạng của công nhân và nông dân trong nước lên cao hơn nữa. Không được Đại hội chấp thuận, đồng chí cùng hầu hết đại biểu Bắc Kỳ lập tức trở về nước.
Về tới Hà Nội, thay mặt đoàn đại biểu đi dự đại hội ở Hương Cảng, Ngô Gia Tự đã thảo tuyên ngôn giải thích rõ lý do đoàn đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ rút khỏi đại hội, đồng thời kêu gọi công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản. Ngay sau khi tuyên ngôn được Kỳ bộ Bắc Kỳ tán thành và phân phát rộng rãi trên cả nước, Ngô Gia Tự cùng các đồng chí trong Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ xúc tiến thành lập Đảng Cộng sản. Cũng vào lúc này, hơn 300 công nhân và thợ học việc hãng A-vi-a (Hà Nội) bãi công. Đồng chí Ngô Gia Tự đã trực tiếp đến sát cùng những người lãnh đạo Công hội Đỏ của nhà máy kêu gọi, chỉ đạo, uốn nắn phong trào. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ngô Gia Tự, cuộc bãi công của công nhân hãng A-vi-a đã diễn ra có tổ chức chặt chẽ, có yêu sách rõ ràng, vừa mềm dẻo, vừa quyết liệt buộc chủ hãng phải nhường một số quyền lợi cho người lao động. Ngô Gia Tự đã đánh giá: Đây là cuộc đấu tranh có tổ chức chặt chẽ do chi bộ cộng sản tổ chức và lãnh đạo, là kết quả của phong trào “vô sản hóa” đưa cán bộ đi vào đời sống công nhân, vận động quần chúng đấu tranh. Cuộc đấu tranh này sẽ mở màn cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân toàn quốc. Đây là cơn giông đầu mùa báo hiệu cả một bầu trời sấm sét nay mai. Đúng như dự báo này, không lâu sau, hàng loạt cuộc bãi công của thợ thuyền đã diễn ra trên cả nước: sở ươm cây Hà Nội, nhà máy dệt và nhà máy điện Nam Định, nhà máy xi-măng Hải Phòng, mỏ than Mạo Khê, Uông Bí, nhà máy xe lửa Tràng Thi, đồn điền Phú Riềng, hãng dầu Nhà Bè.... Có thể nói, cuộc bãi công của công nhân hãng A-vi-a có ý nghĩa to lớn trong việc cổ vũ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân cả nước, giúp cho Đảng có thêm kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo giai cấp công nhân thực hiện sứ mạng lịch sử giải phóng dân tộc. Phong trào công nhân trong giai đoạn này có ý nghĩa trực tiếp đến sự ra đời của các tổ chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, Ngô Gia Tự được bầu là một trong bảy Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Ngay đầu tháng 7-1929, Ngô Gia Tự đã về quê (Tam Sơn), lập chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh, sau đó Đông Dương Cộng sản của Bắc Ninh, Bắc Giang cũng được thành lập. Thông qua các tổ chức này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ngô Gia Tự mà Tuyên ngôn, Điều lệ của Đông Dương Cộng sản Đảng được tuyên truyền sâu rộng, thu hút đông đảo nhân dân ủng hộ và gia nhập Đảng. Do đó, phong trào cách mạng ở Bắc Ninh, Bắc Giang phát triển mạnh mẽ.
Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Kỳ- Người cộng sản kiên trung hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cao cả của Đảng
Để xây dựng Đảng lớn mạnh hơn nữa, tháng 7-1929 Ngô Gia Tự được Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nam Kỳ vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Vừa vận động thành lập Đảng, Ngô Gia Tự vừa tôi luyện mình qua nhiều nghề từ việc “vô sản hóa” tại các cơ sở công nghiệp: Ba Son, xưởng FACI , hãng rượu Bình Tây, nhà máy xay Chợ Lớn, nhà đèn Chợ Quán, hãng dầu Nhà Bè, cảng Nhà Rồng... Ở đâu, Ngô Gia Tự cũng nhiệt tình bỏng cháy với công việc tuyên truyền giác ngộ công nhân và những người lao động tinh thần yêu nước, lý lẽ về con đường cách mạng giải phóng dân tộc.
Để thúc đẩy ngay phong trào ở Nam Kỳ, Ngô Gia Tự đã chọn ba cơ sở xây dựng chi bộ gồm cả thành thị, nông thôn đồng bằng và trung du miền núi, có công nhân, nông dân để vừa làm điểm, vừa là hạt nhân phát triển phong trào, đó là: nhà máy Ba Son (Sài Gòn), đồn điền Phú Riềng (Bình Dương), xã Vĩnh Kim (Tiền Giang). Đây là cách tư duy khoa học của nhà chỉ đạo chiến lược tạo thế chân kiềng để trụ vững và nhân rộng cơ sở cách mạng, phát triển phong trào ở mọi địa bàn, mọi lực lượng tạo thành sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Như Ngô Gia Tự đã lý giải: “Nếu ta cắm được ba cái cọc ở ba nơi, trong sản nghiệp lấy Phú Riềng làm gốc, trong công nghiệp lấy Ba Son làm gốc, trong nông dân lấy Vĩnh Kim làm gốc thì bọn đế quốc và phong kiến không làm sao nhổ được”. Ở cả ba điểm này Ngô Gia Tự đều xây “cắm” được tổ chức Đỏ với lực lượng đông đảo rất hăng hái, nhiệt tình với công tác được phân công. Các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đã tổ chức ngay nhiều phong trào bãi công với thời gian dài. Đầu năm 1930, 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng bãi công bột phát vũ trang chiếm đồn điền lập “khu đỏ”. Ngô Gia Tự cùng chi bộ đảng ở đây hướng cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đơn độc thành bãi công đòi quyền dân sinh, dân chủ. Hơn 300 lính Pháp, 500 lính ngụy do Thống đốc Nam Kỳ, Chánh mật thám Đông Dương, Phó Tỉnh trưởng Biên Hòa trực tiếp chỉ huy kéo đến đàn áp phong trào. Nhưng biển người thống nhất ý chí siết chặt hàng ngũ, kẻ thù bất lực buộc phải nhượng bộ, chấp thuận nhiều yêu sách của công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Kỳ, trong đó Ngô Gia Tự có vai trò to lớn, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đã phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng, trong đó mục tiêu chuyển dần từ kinh tế sang chính trị, công nhân từng bước trở thành lực lượng chính trị to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, theo quyết định của Hội nghị thành lập, ngày 24-2-1930 đã diễn ra Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Nam Kỳ. Ngô Gia Tự đã ký quyết định tán thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cương vị lãnh đạo chủ chốt - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Ngô Gia Tự tập trung vừa chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng, xây dựng phong trào, luôn thực hành và giác ngộ đồng chí mình: “Đảng viên phải vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta để Đảng và cách mạng phải tổn hại”. Giữa những ngày mới lập Đảng, phong trào cách mạng đang cần có sự lãnh đạo sâu sắc hơn nữa thì Ngô Gia Tự bị sa vào tay giặc (ngày 31-5-1930), trong khi đang làm nhiệm vụ tại một cơ sở ở Phú An bên kia sông Thị Nghè. Vượt qua mọi cạm bẫy thâm hiểm của Chánh mật thám Đông Dương, Chánh mật thám Nam Kỳ trực tiếp thẩm vấn và những đòn tra khảo dã man ở các sở, bót, khám, Ngô Gia Tự vẫn kiên trung giữ vững khí phách người cộng sản ưu tú. Đồng chí luôn nhắn nhủ mọi người: “Chúng mình phải chịu đựng, phải hy sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình”. Tại phiên tòa “đại hình đặc biệt” (ngày 2-5-1933) của bọn thực dân, Ngô Gia Tự đã vạch trần mọi thủ đoạn của kẻ thù, đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.
Mặc dù bị thực dân Pháp coi là “tù chính trị hạng đặc biệt nguy hiểm”, nhưng những năm tháng bị biệt giam ở địa ngục trần gian - Côn Đảo, Ngô Gia Tự vẫn biến nhà tù thành trường học cộng sản, thành mặt trận tiếp tục tranh đấu. Là chi ủy chi bộ nhà tù, Ngô Gia Tự cùng đồng chí Hà Huy Giáp và một số đồng chí khác dịch nhiều cuốn sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Tư bản”, “Làm gì?”... viết báo, tiếp tục nghiên cứu và rút kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng. Đồng chí Ngô Gia Tự thường nói với bạn tù: “Chúng nó đẩy mình ra đây để cho mình chết. Mình sống được là đã thắng địch. Mỗi lần đấu tranh là một lần đổ máu. Nhưng mặc! Không chịu bó gối đầu hàng!”, “Phải biến nhà tù thành trường học, không nên bỏ phí thời giờ. Bất kỳ ở đâu, chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”. Cuối năm 1934, chi bộ nhà tù Côn Đảo quyết định và tổ chức để Ngô Gia Tự vượt ngục trở về đất liền trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Đồng chí đã hy sinh trên đường vượt biển.
Từ lòng yêu nước tìm đến con đường cách mạng Hồ Chí Minh, với lý tưởng độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, với phẩm chất cách mạng kiên trung, bất khuất, Ngô Gia Tự đã chiến đấu và cống hiến trọn đời cho cách mạng.
Là người yêu nước, thương dân bỏng cháy, đầy nhiệt huyết, nhà trí thức trẻ Ngô Gia Tự đã sớm có ý chí và quyết tâm cứu dân, cứu nước. Tất cả, ở Ngô Gia Tự thể hiện một tài năng của nhà cách mạng chuyên nghiệp với ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm cao trước đồng bào và sau này là Đảng của mình. Đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng, tạo nên chuyển biến về chất từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác trong thực tế phong trào cách mạng Việt Nam trước khi có Đảng.
Đặt vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn trong buổi đầu cách mạng Việt Nam, khi mà cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước đang có những đòi hỏi mới về chất, thì việc thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng sau đó và việc thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước năm 1930, trước những nghiệt ngã, dã man của kẻ thù thì mới thấy được tầm trí tuệ, tấm lòng và những cống hiến lớn lao của đồng chí Ngô Gia Tự đối với cách mạng nước ta./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t 9, tr 284
(2) Ví dụ, lương năm của công chức bậc trung là 1.920 đồng, hạng thấp nhất kém 6 bậc là 948 đồng; quan văn hàm nhất phẩm lương một năm là 5.000 đồng, trong khi lương công nhật của thợ rất cực nhọc chỉ có 0,25 đồng/một ngày làm.
(3) Hoạt động cách mạng nhưng vẫn tự học, năm 1928, với tư cách là thí sinh tự do, Ngô Gia Tự đã thi đậu tú tài Tây phần thứ nhất.
Xứng đáng truyền thống quê hương đồng chí Ngô Gia Tự  (03/12/2008)
Công bố Luật cán bộ, công chức và 2 Nghị quyết về hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân  (03/12/2008)
3 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp cấp bách  (03/12/2008)
Quản lý chất lượng trong môi trường cạnh tranh  (02/12/2008)
Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26  (02/12/2008)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên